Monday, September 12, 2011

Lại chuyện đạo văn! (Nhàm quá, nhưng vẫn phải đăng lên)

Sáng đầu tuần đọc báo mạng, tôi thấy tin này: “Sách đạo văn được đánh giá xuất sắc”. Nên đưa về đây để lưu, cùng viết lăng nhăng vài hàng về những suy nghĩ vụn của tôi.

Vấn đề đạo văn ở VN đối với tôi bây giờ thì nhàm quá rồi. Vì tôi là nạn nhân của nó (ở nhiều mức độ khác nhau) ròng rã mười mấy năm liền, mà đau một cái là những người đạo văn của tôi, dù vô tình hay cố ý, đều là những người quen biết, thậm chí có những người có lúc còn được xem là thân thiết nữa, mới đau chứ!

Bị nhiều quá, đến nỗi tôi tin rằng ở VN, đạo văn đã trở thành một văn hóa, ở đó người ta nghĩ rằng việc ấy là bình thường, giống như ở quê, đi đường khát nước, thấy bể nước mưa trong sân nhà người khác thì cứ vào múc uống thôi, chẳng cần xin phép làm gì, mà cũng chẳng có ai khó chịu gì đâu. Ai mà không chấp nhận điều này, đòi phải xin phép, thì chính người ấy là người khó tính khó nết, khó chịu khó chơi, không biết chia sẻ với người khác, và không đáng để cho cộng đồng … kính trọng!!!!!!!

Mà có lẽ cách đây khoảng chục năm trở về trước, việc mượn ý tưởng của người khác nó cũng không trầm trọng như bây giờ, vì chỉ là để giải quyết những “nhu cầu cá nhân”, ví dụ như để hoàn thành một bài viết đem nộp cho nhà trường, hay một vài báo cáo nho nhỏ ở hội thảo cấp khoa, cấp trường vv. Thôi thì cũng được, vì điều này có thể xem là tương tự như việc người học photocopy một vài trang trong sách có copyright để sử dụng với mục đích cá nhân, nên không bị xem là vi phạm bản quyền.

Nhưng gần đây với phong trào đại học đẳng cấp quốc tế, nên nhu cầu viết sách viết giáo trình để tính điểm công trình, phong giáo sư phó giáo sư, và được các loại giải thưởng danh dự hoặc giải thưởng bằng tiền, hoặc đăng ký công trình khoa học lấy tiền nhà nước vv trở nên rầm rộ, mà người ta vẫn quen thói lấy của người khác (có ý thức hoặc không ý thức), nên nó mới thành vấn đề, thành scandal như thế này.

Khi còn ở trong hệ thống nhà nước, bị đánh giá, so sánh với những người khác, trong đó có những người rõ ràng là “chôm” ý tưởng của người khác, kể cả của mình (không chỉ một trường hợp vô tình bị nổi tiếng do cách ứng xử không khéo của người vi phạm, mà còn khá nhiều trường hợp khác ít ồn ào hơn), mà lại vẫn được đánh giá là tốt, là hay, thậm chí có khi còn được đánh giá cao hơn mình, thì tôi tức lắm. Nhưng bây giờ thì tôi rút ra khỏi hệ thống rồi, vượt qua khỏi mọi ràng buộc, đánh giá … của hệ thống (thực ra đây cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết định thoát ra khỏi hệ thống), nên ai muốn đạo văn của ai – cả của tôi nữa – thì cũng kệ họ, vì mục đích của tôi viết ra cũng là để cho mọi người đọc và chia sẻ mà, hơi đâu mà phiền.

Còn những người có thói quen đạo văn ấy, không có tôi để cho họ đạo thì cũng sẽ có nhiều người khác để cho họ đạo thôi mà, có gì đâu mà rộn. Vả lại, những gì tôi viết ra cũng có thể còn sai, nên nếu người ta chỉ biết cóp nhặt mà không phê phán, thì những cái sai của tôi họ sẽ “tiếp thu” hết, sau đó có bị kẻ khác “đập” thì họ ráng chịu. Chưa kể là nếu họ viết hay ho thế, nhưng khi được người có quan tâm hỏi thêm để trao đổi thì mới lộ ra là chẳng hiểu biết gì, thì đến lúc ấy mới thực sự là mệt đấy, hà hà…

Đưa lên đây chẳng qua là để lưu cho tôi, để lâu lâu có cơ hội tổng kết lại xem tình hình đạo văn của VN qua thời gian có thay đổi chút nào không mà thôi. (Riêng tôi thì tôi nghĩ, hình như tình hình cũng đã có cải thiện ít nhiều rồi đó, phải không các bạn?)

Chỉ là những suy nghĩ vụn, lăng nhăng tản mạn quanh một chuyện cũ xì ở VN: đạo văn!

Nhân tiện, tôi lại vừa đọc được tin này về nạn đạo văn, nhưng trong trường hợp này thì một nạn nhân là người VN đã vừa “chiến thắng” trong một vụ tranh chấp bản quyền với nước ngoài, nên phấn khởi quá đưa lên đây luôn, ở đây. Như vậy, tình hình rõ ràng là có cải thiện một ít rồi đấy chứ, các bạn nhỉ?
------
Viết thêm 5:30PM chiều cùng ngày
Nhân nói chuyện đạo văn và văn hóa đạo văn, tôi lại nhớ trước đây trên một tờ báo nào đó có trích ý tôi đăng trên blog này về việc đạo văn có khía cạnh văn hóa. Sau đó, tôi bị một diễn đàn mạng lúc ấy cũng đang rất nổi đình nổi đám (chẳng hiểu bây giờ thế nào rồi vì lâu nay tôi không quan tâm đến nó nữa) đánh đập tơi tả vì dám “xúc phạm dân tộc”. Giải thích, cải chính mãi cũng không xong, tôi đành bó tay, chịu thua thôi. Chuyện cũng dài dòng, lùm xùm, và làm tôi mệt óc mất một thời gian.

Tình cờ hôm nay tìm thấy trang này, chuyên bàn về đạo văn nhé, có tên miền .org cẩn thận, rất dễ nhớ: www.plagiarism.org. Nếu có ai không biết, thì plagiarism có nghĩa là “đạo văn” đấy.

Và ngay trên trang đầu của nó có đoạn giải thích này nhé, giống ý mà tôi đã nêu trước đây về khía cạnh văn hóa của đạo văn đấy, xin trích nguyên văn dưới đây:

Cultural Perspectives on Plagiarism
Not all cultures take the same view of plagiarism. The Western notion that "ideas" can be the property of individuals may actually seem absurd to those with different views on what constitutes shared information or public discourse. Students from cultures which have a more collective sense of identity, for example, may have a difficult time understanding the distinctions some cultures draw between individual and public property. You might spend some very productive class time discussing your students' perspectives on this issue.

Tạm dịch tóm tắt:
Không phải nền văn hóa nào cũng quan niệm về đạo văn giống nhau. … Những sinh viên từ những nền văn hóa nặng tính cộng đồng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là sở hữu công cộng và đâu là sở hữu cá nhân.

Đáng quan tâm, đúng không? Chỉ tò mò tự hỏi: Liệu “văn hóa đạo văn” của VN ngày nay là sản phẩm của truyền thống (giống như thời ở quê, việc riêng của từng người thì cả làng đều có quyền đem ra bàn bạc, phê phán …), hay là sản phẩm của thời đại mới, thời đại giáo dục xuống cấp trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhỉ?

1 comment:

  1. Em chào cô,
    Em có một vấn đề hơi thắc mắc, đó là mình có thể copy - paste một đoạn trong một sách, một luận văn nào đó ko?(có ghi trích dẫn rõ từ tài liêu nào) Vì em thấy có một số thầy nói được phép, một số thầy lại nói là không được phép. Thường khi làm đồ án môn học em thường copy một số phần mang tính lý, thuyết, cơ sở khoa học... nhưng em
    phát triển theo hướng của em thì có được coi là đạo văn không ạ?

    ReplyDelete