Tựa entry này là bản dịch tiếng Việt tựa bài bài viết "The state of the rankings" của Philip Altbach đã đăng trên trang Inside Higher Education từ tháng 11/2010. Có thể tìm thấy bài ấy ở đây.
Một bài rất đáng đọc, đặc biệt là đối với những ai đang quan tâm đến việc xếp hạng đại học. Vì nó rất nhiều thông tin bổ ích, hướng dẫn cho người sử dụng biết giá trị thật của các kết quả xếp hạng. Chẳng hạn, nếu một trường đạt thứ hạng 45 ở bảng xếp hạng này, nhưng lại có thứ hạng 97 ở một bảng khác, thì sẽ hiểu như thế nào đây? Well, hãy đọc bài tôi đang giới thiệu của Altbach. Chỉ có điều ... nó được viết bằng tiếng Anh, nên có thể gây khó khăn cho một số người, và cần phải nhờ người dịch.
Thực ra thì tôi cũng đang có bản dịch trong tay, nhưng đó là được dịch để đăng trên bản tin của Trung tâm nơi tôi làm việc. Nên chưa thể đăng lên đây được, vì phải đợi bản tin được phát hành đã.
Thôi thì giới thiệu trước ở đây một số đoạn, rồi sẽ giới thiệu cả bài sau khi đã đăng trên bản tin của Trung tâm. Các bạn đọc bên dưới nhé.
----------
Bình luận các hệ thống xếp hạng năm 2010
Có lẽ sẽ hữu ích khi phân tích tóm lược các hệ thống xếp hạng chính nhằm để hiểu được những điểm mạnh, và quan trọng hơn là những điểm yếu của từng hệ thống. Dù cuộc tranh luận về vấn đề này vẫn chưa dừng lại, cũng như không dựa trên cơ sở phân tích toàn diện các hệ thống xếp hạng, ở đây chúng ta vẫn có thể thấy được vài lý do để nhìn nhận lại các hệ thống xếp hạng một cách nghiêm túc hơn.
“Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới” của QS là hệ thống có nhiều vấn đề nhất. Trong giai đoạn 2004-2009, bảng xếp hạng này được công bố thông qua liên minh với tạp chí Times Higher Education. Sau khi liên minh này kết thúc, tạp chí Times Higher Education bắt đầu công bố hệ thống xếp hạng riêng của mình. Ngay từ đầu, QS đã dựa vào các chỉ số danh tiếng để thực hiện phần lớn công đoạn phân tích. Hầu hết các chuyên gia đều chỉ trích gay gắt độ tin cậy của việc chỉ đơn giản tham khảo ý kiến của một nhóm các nhà giáo dục và những người có liên quan đến lĩnh vực học thuật được lựa chọn không ngẫu nhiên. Ngoài ra, QS còn hỏi ý kiến của chủ lao động, làm gia tăng tính biến thiên cũng như độ thiếu tin cậy của bộ kết quả. Một số người cho rằng danh tiếng không nên có vai trò gì trong xếp hạng, trong nhiều người khác thì nghĩ rằng nó vẫn có vai trò nhưng chỉ ở mức thấp. Bốn mươi phần trăm bảng xếp hạng QS dựa vào kết quả khảo sát danh tiếng. Có lẽ đây chính là nguyên nhân gây ra độ biến thiên rất lớn trong bảng xếp hạng của QS suốt nhiều năm liền. Kết quả xếp hạng của QS có nên được cộng đồng giáo dục đại học coi trọng hay không, đó là một vấn đề đáng suy xét.
“Bảng xếp hạng học thuật các trường đại học thế giới” (ARWU), thường được biết đến dưới tên Bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải, hiện nay do Cơ quan Tư vấn Xếp hạng Thượng Hải (Shanghai Rankings Consultancy) quản lý. Là một trong những hệ thống xếp hạng lâu năm nhất, bắt đầu từ 2003, có cả hai đặc tính nhất quán và minh bạch. Hệ thống này chỉ đo lường năng suất nghiên cứu nghiên cứu khoa học, với phương pháp được mô tả rõ ràng và áp dụng thống nhất theo thời gian. ARWU sử dụng sáu tiêu chí, bao gồm số bài báo được đăng trên hai tạp chí Science và Nature, số nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều thông qua dữ liệu của Thomson Scientific, số cựu sinh viên và cán bộ giảng viên đạt được các giải thưởng Nobel và Fields, số lượt trích dẫn theo các chỉ mục Trích dẫn Khoa học (SCI) và Khoa học Xã hội (SSCI), và một số tiêu chí khác. ARWU chọn ra 1.000 trường đại học trên toàn thế giới để phân tích. Việc phân tích không phụ thuộc vào bất cứ thông tin nào do chính các trường cung cấp. Một số tiêu chí của ARWU ưu ái những trường đại học phương Tây lâu đời và có danh tiếng – đặc biệt là những trường đã sản sinh ra hoặc thu hút được những người đoạt giải thưởng Nobel. Các trường đại học có khuynh hướng trả lương cao và có những phòng thí nghiệm hay thư viện xuất sắc. Các chỉ mục khác nhau được sử dụng trong xếp hạng cũng dựa chủ yếu vào các tạp chí xuất bản theo cơ chế bình duyệt (peer-reviewed journal) hàng đầu bằng tiếng Anh, do đó lại tạo thêm lợi thế cho các trường đại học có nhà xuất bản hoặc chuyên gia bình duyệt nổi tiếng. Tuy vậy, tính nhất quán, mục đích rõ ràng cũng như sự minh bạch chính là những lợi thế đáng kể của ARWU.
“Bảng xếp hạng đại học thế giới” của tạp chí Times Higher Education, vừa xuất hiện vào tháng 09 năm nay, là hệ thống xếp hạng mới nhất và có nỗ lực mang tham vọng cao nhất, xét trên nhiều phương diện, trong việc rút tỉa kinh nghiệm từ các bảng xếp hạng trước đó nhằm mở ra một triển vọng toàn diện nhiều mặt. Times Higher Education xứng đáng có được điểm A cho nỗ lực của mình, khi cố gắng tích hợp các chức năng chính của một trường đại học, đó là: nghiên cứu, giảng dạy, kết nối với doanh nghiệp và quốc tế hóa. Bảng xếp hạng đã gộp cả kết quả khảo sát danh tiếng vào các thông số liên quan đến nghiên cứu, và kết hợp tất cả với việc phân tích thông tin trích dẫn, số bài báo công bố, số văn bằng cấp phát, cùng với nhiều thông số khác. Điều đáng thất vọng song cũng không đáng ngạc nhiên, đó là phương pháp của Times Higher Education vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Một số nhà phê bình đã đặt nhiều câu hỏi về phương pháp tính số lượng bài báo được công bố và số lượt trích dẫn.
Có một số điểm không nhất quán, như nhiều trường đại học Mỹ không phải là một cơ sở riêng lẻ mà là một hệ thống nhiều cơ sở gộp lại cùng nhau (ví dụ Đại học Massachusetts, Đại học Indiana, Đại học Delaware, Đại học Bang Kent, v.v.). Điều đó đã làm tăng thứ hạng của các hệ thống đại học trên một cách không công bằng. Ví dụ như, nếu Đại học California được tính là một hệ thống thay vì từng trường riêng lẻ, thì có lẽ nó đã được xếp hạng nhất toàn thế giới. Rồi một số thứ hạng rõ ràng là không chính xác. Tại sao Đại học Bilkent tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại học Baptist Hong Kong lại được xếp trên Đại học Bang Michigan, Đại học Stockholm hoặc Đại học Leiden tại Hà Lan? Tại sao Đại học Alexandria lại được xếp vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu? Những điều bất thường trên cùng với nhiều vấn đề khác nữa chỉ đơn giản là khó có thể được chấp nhận một cách chính thức. Hãy hy vọng rằng những vấn đề đó, và thậm chí là nhiều thứ khác nữa, có thể được giải quyết.
[...]
Chúng ta đang ở đâu?
Trong thế giới xếp hạng cũng như ở mọi nơi khác, nguyên tắc chính là “khách hàng tự chịu trách nhiệm về các rủi ro” (caveat emptor) – theo đó người dùng cần phải nhận thức rõ cách sử dụng cũng như những vấn đề tồn tại của các bảng xếp hạng. Tuy nhiên thực tế lại thường không phải như vậy. Những con số cụ thể – như trường được xếp hạng nhất hay hạng 199 – thường lại có tính thuyết phục cao hơn đối với người dùng. Đây hiển nhiên là một sai lầm. Sai lầm không chỉ vì giới hạn của bản thân các hệ thống xếp hạng mà còn bởi vì chúng chỉ đo lường được một phần nhỏ trong giáo dục đại học. Chính phủ nên công bằng hơn, bằng cách quan tâm đến việc một trường đại học thích ứng như thế nào trong toàn hệ thống giáo dục đại học giống như là quan tâm đến thứ hạng của trường đó dựa trên kết quả nghiên cứu. Sinh viên nên quan tâm đến sự tương thích giữa những lợi ích và khả năng của cá nhân mình với danh tiếng của trường đại. Vậy mà có rất ít người biết lưu tâm đến những sai sót tự thân của các bảng xếp hạng.
Chống đối các hệ thống xếp hạng sẽ không làm cho chúng biến mất đi; bởi cạnh tranh, nhu cầu đối sánh và đương nhiên logic tất yếu của quá trình toàn cầu hóa sẽ giúp cho chúng trở thành một trào lưu lâu dài trong toàn cảnh nền giáo dục đại học của thế kỷ 21. Thách thức đặt ra là làm sao để hiểu rõ được những điểm mơ hồ và cách sử dụng cũng như là tình trạng lạm dụng các hệ thống xếp hạng./.
Vũ Kim Khôi dịch, Nguyễn Tấn Đại hiệu đính
Monday, February 28, 2011
"Thực trạng các bảng xếp hạng đại học"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment