Saturday, February 26, 2011

"Công bố khoa học, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học" (3): Phần kết luận

Do phần 2 của bài viết đã bị đục bỏ nên kết luận của bài này sẽ có vẻ ... không thuyết phục lắm do thiếu thông tin. Ngoài ra, do bài viết của tôi viết vội theo đặt hàng, được viết trong chỉ một ngày để kịp deadline (số liệu thì có sẵn) nên bây giờ khi đọc lại thì thấy nó hơi ... cụt cụt, không hay lắm. Nhưng thôi, bài đã viết xong rồi, mục đích chia sẻ thông tin và góp tiếng nói ở hội thảo cũng đã xong, tôi cũng cứ đăng lên đây để mọi người cùng đọc, và góp ý, chỉ trích, chê bai gì cũng được, cũng tốt cả, vì đều là chia sẻ ý tưởng mà!

Enjoy (if it is enjoyable, that is!)

---
Khi xem xét một số chỉ số hoạt động cốt lõi (KPI) của 6 trường trong khối AUN và thứ hạng đạt được của chúng trên bảng xếp hạng quốc tế, có lẽ ta đã cảm nhận được phần nào thực trạng của các trường đại học của Việt Nam so với các trường trong khu vực. Những số liệu sơ khởi trên cũng đủ cho thấy chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều mới thực sự sánh vai được với các trường khác trong khu vực, chưa nói đến mơ ước có thể chiếm được một vị trí nào đó trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Một điểm cần lưu ý là việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học là một công việc tốn kém cả thời gian, tiền bạc và công sức, và không thể có nghiên cứu khoa học nếu không có đầu tư. Làm sao để có được nguồn đầu tư thỏa đáng cho các nhà khoa học, đó là bài toán dành cho những nhà lãnh đạo của ĐHQG-HCM nói riêng và của toàn ngành giáo dục của VN nói chung – một bài toán không hề dễ!

Bài học của Trung Quốc: tăng cường mạnh mẽ sự đầu tư của nhà nước cho những ngành khoa học mũi nhọn, kèm theo đó là chính sách quản lý kinh phí nghiên cứu theo hiệu suất đạt được (số bài báo công bố, số bằng phát minh, sáng chế trên mỗi đề tài được cấp). Bài học này có lẽ cũng áp dụng được tại ĐHQG-HCM và các trường đại học trọng điểm, định hướng nghiên cứu khác của VN chăng?
----------
Phần viết thêm nhân dịp đăng bài này trên blog:

Trước đây tôi đã viết một báo cáo với đại ý rằng chỉ có tăng nguồn lực thôi thì không thể nào làm thay đổi bộ mặt của một nền giáo dục. Phát biểu ấy của tôi là nhằm chống lại khuynh hướng cách đây vài năm khi ngành giáo dục đang hăm hở với kế hoạch xây dựng vài trường đại học đẳng cấp quốc tế tại VN trong vòng thời gian khoảng một vài thập niên. Trong thời gian đó, dường như có tồn tại một quan điểm cho rằng chỉ cần có thật nhiều tiền, có cơ sở vật chất tốt, rồi "nhập khẩu" một vị hiệu trưởng của nước ngoài với một số giảng viên xịn cũng từ nước ngoài vào, thì "hô, biến", chẳng mấy chốc những trường đại học đẳng cấp sẽ lù lù hiện ra trước mắt chúng ta. Đây chính là quan điểm thiên về nguồn lực (resources, hoặc input) trong giáo dục, không chỉ có ở VN mà còn tồn tại dai dẳng ở nhiều nơi trên thế giới, dù đã có nhiều nhà lý luận giáo dục chỉ ra là chúng sai lầm.

Nhưng hôm nay, khi đọc lại bài này thì tôi lại thấy vấn đề đối với việc công bố khoa học tại VN trước hết là vấn đề nguồn lực. Cứ thử so sánh lại các chỉ số hoạt động cốt lõi của các trường VN và các trường trong khu vực mà tôi đã đưa lên trong entry số 2 của loạt bài này thì sẽ rõ. Trong khi ở các nước người ta có tỷ số thầy trên trò là khoảng 1/10, thì ở VN tỷ số đó là 1/30. Ngoài ra, một lực lượng lao động trí tuệ (miễn phí) rất quan trọng của các trường đại học là các nghiên cứu sinh trẻ, sáng láng và ham học hỏi, những người sẽ bỏ công sức lao động trí óc và thời gian của mình ra để thực hiện các đề tài nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy và cùng viết ra các bài báo, các công bố khoa học. Thông thường, các trường đại học nghiên cứu của các nước đều có tỷ số học viên sau đại học so với sinh viên đại học là trên dưới 1:1. Nhưng thử nhìn những con số của 2 ĐHQG của VN thì mới thấy tỷ số của chúng ta thật nhỏ bé, thảm hại làm sao!

Chỉ xét về mặt thời gian mà thôi, thì với khối lượng công việc và nguồn nhân lực như vậy, thử hỏi làm sao mà các thầy cô của chúng ta có thể có nhiều công bố khoa học được? Ấy vậy mà hiện nay dường như chúng ta lại đang đưa ra những chính sách thúc đẩy nghiên cứu và công bố khoa học theo kiểu trừng phạt, tức nếu không có bao nhiêu bài báo được đăng trên các tờ báo có impact factor như thế, như thế, có chỉ số trích dẫn như thế, như thế, thì không được xét nọ xét kia, vv. Hệ quả của những chỉ tiêu phi thực tế như vậy có lẽ chúng ta đã hiểu quá rõ rồi, vì TQ cũng là một tấm gương tầy liếp. Đúng, nghiên cứu là cần, công bố quốc tế thì quá tốt, nhưng nếu không trồng cấy, nuôi dưỡng chăm bón cho đủ ngày đủ tháng, thì làm sao lại đòi hái trái ngọt được nhỉ? Có ai còn nhớ câu truyện gà đẻ trứng vàng hay không vậy?

Ôi, ước mơ đẳng cấp quốc tế của đại học VN ơi, "ta chờ em đến bao giờ"?

No comments:

Post a Comment