Friday, February 11, 2011

ĐGCL theo phương pháp định lượng (2): Chỉ số và chỉ số hoạt động

Đây là bài số 2 của loạt bài viết về Đánh giá chất lượng theo phương pháp định lượng. Để thuận tiện cho việc theo dõi, xin đọc từ bài đầu tiên, ở đây.
-------------------

Chỉ số, chỉ báo, hoặc chỉ tiêu (indicator)

Nếu số liệu thống kê (statistics) có thể định nghĩa là các số liệu được thu thập và lưu giữ một cách hệ thống, thuận tiện cho việc xử lý nhưng không làm gia tăng giá trị thông tin và không thể là căn cứ ra quyết định, thì các chỉ số (chỉ báo, chỉ tiêu) chính là những số liệu đã có được sự giá trị gia tăng cần thiết để có thể làm căn cứ ra quyết định.

Theo tài liệu của UNESCO đã được giới thiệu trong bài trước, chỉ số chính là các số liệu thống kê đã được gia tăng giá trị bằng cách cung cấp thêm thông tin về bối cảnh và quan trọng hơn là một khung quy chiếu để so sánh, trong điều kiện thông thường là quy chiếu về nhóm chuẩn (norm). Chính những thông tin về bối cảnh cũng như khung quy chiếu này mới có thể biến những số liệu thống kê vô hồn, máy móc thành những thông tin có ý nghĩa đối với các nhà quản lý để làm căn cứ ra quyết định.

Có lẽ cần một vài ví dụ ở đây. Khi nói đến những số liệu của hoạt động đào tạo, người ta có thể đưa ra những số liệu sơ cấp (primary) về tổng số sinh viên (ví dụ, quy mô 60 ngàn sinh viên), tổng số giảng viên (ví dụ, 3000 giảng viên), hoặc thống kê thứ cấp (secondary) về tỷ lệ giảng viên trên sinh viên (chẳng hạn, 1/20). Những con số này rất cụ thể, và rất cần thiết cho việc quản lý hàng ngày, nhưng chưa đủ để các nhà lãnh đạo và quản lý có cơ sở để phán đoán và ra quyết định. 60 ngàn sinh viên là quá nhiều hay quá ít, có nên dừng tuyển sinh, hay cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút sinh viên? 1 thầy trên 20 trò đã đủ chưa, hay cần phải tăng cường thêm đội ngũ?

Những câu hỏi này chỉ có thể trả lời được khi ta được cung cấp thêm thông tin rằng trên thế giới, một trường đại học có tổng số 20 ngàn sinh viên đã được xem là có quy mô khá lớn, hoặc tỷ lệ giảng viên trên sinh viên của những trường có hạng trên thế giới không bao giờ vượt quá mức 1/10-1/12. Khi ấy, những con số thống kê nói trên không còn là những con số vô hồn nữa, mà trở thành những dấu chỉ để báo hiệu một mức độ cụ thể nào đó của những khía cạnh hoạt động cụ thể của một trường. Chẳng hạn, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên có thể xem là một chỉ báo về nguồn lực (ở đây là đội ngũ), hoặc cũng có thể là một chỉ báo về hiệu suất hoạt động (ít thầy nhưng vẫn đảm bảo tốt khối lượng giảng dạy khổng lồ).

Tóm lại, khi những con số thống kê được tạo thêm những giá trị gia tăng để trở thành những con số có ý nghĩa với nhà quản lý - đó là lý do tại sao chúng được gọi là chỉ số (= con số mang tính chỉ dẫn), chỉ báo (dấu chỉ để báo hiệu), hoặc đôi khi còn được gọi là chỉ tiêu (những chỉ số liên quan đến mục tiêu cần đạt; chính xác hơn thì mục tiêu phải được dùng để dịch từ target, là mức độ cụ thể mà nhà quy hoạch muốn đạt cho một loại chỉ số).

Chỉ số hoạt động, hoặc chỉ số (đo lường) hiệu suất

Trong những phần trên ta đã đề cập đến số liệu thống kê và chỉ số, và sự khác biệt giữa chúng là phần giá trị tăng thêm mà các thông tin về bối cảnh và khung quy chiếu có thể mang lại cho các số liệu hành chính (statistics) để biến chúng từ những con số vô hồn trở thành những dấu hiệu có ý nghĩa cho nhà quản lý, tức indicator.

Vậy còn chỉ số hoạt động, hay chỉ số hiệu suất, tiếng Anh là performance indicator, viết tắt là PI, là gì nhỉ? Các bạn chờ đọc tiếp nhé.

(còn tiếp)
Tham khảo: http://www.mass.edu/forinstitutions/research/perfmeasurementindicators.asp

No comments:

Post a Comment