Saturday, February 26, 2011

"Công bố khoa học, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học" (1)

Tôi đang viết dở dang bài "Tám biện pháp", viết một cách ngẫu hứng nhằm lưu lại những cảm nghĩ của mình khi đọc bài viết, đồng thời đưa lên cho các bạn đọc chơi, thì được một tờ tạp chí được xem là có uy tín trong báo giới lại đề nghị tôi hoàn tất bài viết để gửi cho họ.

Tôi đã đồng ý, cũng đã viết xong và gửi đi (hơi vội cho kịp deadline nên có lẽ không hay lắm). Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi không thể đăng nó lên blog trước khi tờ tạp chí ấy sử dụng, có nghĩa là các bạn phải chờ cho đến khi báo đăng thì mới có thể đọc tiếp được.

Thôi thì trong khi chờ đợi báo đăng xong để tôi đưa lên phần còn lại của bài viết thì xin gửi đến các bạn một phần trong bài viết của tôi nhằm phục vụ cho một hội thảo cách đây ít lâu, liên quan đến công bố khoa học, kiểm định và xếp hạng đại học - như đã nêu rõ trong tựa bài viết. Xin nói thêm: bài viết này nói về ĐHQG-HCM, nhưng để giữ nguyên tắc không công bố thông tin nội bộ ra bên ngoài vì mình không có quyền sở hữu đối với thông tin ấy, tôi đã cắt bỏ tất cả những gì liên quan đến cơ quan, chỉ để lại những phần mang tính lý luận hoặc những thông tin tổng quát mà ai cũng biết mà thôi. Các bạn chịu khó đọc bài này trong khi chờ đợi đọc nốt bài "tám biện pháp" vậy nhé!

-----------

CÔNG BỐ KHOA HỌC, KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG VÀ XẾP HẠNG ĐẠI HỌC
Vũ Thị Phương Anh
Bài viết đã được công bố trong Hội thảo về Công bố khoa học do ĐHQG-HCM tổ chức vào tháng 12/2010


1. Công bố khoa học: yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên đại học

Khác với một giáo viên trung học chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên đại
học ngoài nhiệm vụ giảng dạy còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nếu
công tác giảng dạy của một giảng viên có thể dễ dàng quản lý vì đó là một việc làm mà
ai cũng có thể theo dõi thông qua lịch trình giảng dạy, đề cương môn học, danh sách sinh viên, kết quả thi cử, và cả các ý kiến phản hồi của sinh viên về giảng viên và môn học, thì công tác nghiên cứu lại là một việc làm âm thầm, không nói ra thì thường là không có ai biết.

Đó chính là lý do tại sao các trường đại học phương Tây đều đòi hỏi mọi giảng
viên đại học phải có các công bố khoa học (publications) như một bằng chứng về năng
lực để có thể bổ nhiệm vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư, đồng thời sử dụng các
số liệu về công bố khoa học để đánh giá hiệu suất (productivity) của các giảng viên hàng năm, làm cơ sở để khen thưởng, đề bạt và thăng chức. Và điều này giải thích cho sự tồn tại của một câu nói rất quen thuộc ở các trường đại học phương Tây, đó là: “Công bố hay là chết” (publish or perish)!

Không phải chỉ có các trường đại học ở phương Tây mới đòi hỏi các giảng viên
phải có công bố khoa học, mà từ cuối năm 2004, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học (QĐ 38) thì công bố khoa học
đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối về chất lượng đối với các trường đại học của Việt Nam. Yêu cầu về số lượng các bài báo khoa học hàng năm trên các tạp chí chuyên ngành (không phân biệt công bố trong nước hay quốc tế) trong các trường đại học theo QĐ 38 (Tiêu chí 7.3) là như sau:

+ Đối với các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và nông-lâm-ngư: 1 bài / 6-15 giảng
viên (mức thấp); 1 bài/ tối đa 5 giảng viên (mức cao);
+ Đối với các ngành sư phạm, y-dược, kinh tế, khoa học xã hội: 1 bài/ 11-20 giảng
viên (mức thấp); 1 bài/ tối đa 10 giảng viên (mức cao);
+ Đối với ngành nghệ thuật, thể dục - thể thao 1 bài/ 13-22 giảng viên (mức thấp); 1
bài/ tối đa 12 giảng viên (mức cao).

Như vậy, mức trung bình cho một đại học đa ngành đa lãnh vực và định hướng
nghiên cứu như ĐHQG-HCM thì chỉ tiêu về bài báo khoa học là 1 bài/ 5-10 giảng viên/
năm (không có các ngành nghệ thuật, thể dục – thể thao).

Nhìn chung, đây là một yêu cầu không cao so với khu vực và thế giới, và là một
mức chấp nhận được đối với các trường đại học công lập lớn, lâu đời và có truyền thống
như các trường thành viên của ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, ngay cả với yêu cầu này đa số
các trường đại học của Việt Nam được đánh giá ngoài theo QĐ 38 đều chỉ đạt ở mức
thấp, thậm chí có những trường bị đánh giá là không đạt hoặc chấp nhận không đánh giá.

Sau vòng kiểm định 20 trường đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến các chuyên gia
về chất lượng trong và ngoài nước cũng như và các trường tham gia kiểm định về tính
hợp lý của bộ tiêu chuẩn tạm thời. Nhiều ý kiến đã được đóng góp, trong đó có ý kiến
góp ý về tiêu chí bài báo khoa học. Đa số các ý kiến cho rằng không nên đưa ra những
con số cứng nhắc, mang tính áp đặt từ trên xuống về số lượng bài báo, mà cần đưa ra một yêu cầu tương đối, trong đó một yếu tố cần được cân nhắc là sự tương ứng giữa công bố khoa học với kinh phí được cấp.

Điều này là hợp lý, vì hiện nay cho nghiên cứu khoa học từ các trường, viện
nghiên cứu công lập chủ yếu là do kinh phí nhà nước cấp, trong khi các trường ngoài
công lập thì không có nguồn kinh phí này mà phải tự lấy kinh phí của trường hoặc tìm
các hợp đồng nghiên cứu từ bên ngoài. Ngoài ra, sự đầu tư của nhà nước cho các khối
ngành khác nhau là rất khác nhau, trong đó mức độ đầu tư cao nhất thường rơi vào các
ngành kỹ thuật công nghệ, hoặc khoa học tự nhiên, còn đầu tư cho các ngành xã hội và
đặc biệt là các ngành nhân văn và ngoại ngữ là rất thấp.

Vì vậy, tiêu chí 7.3 (theo QĐ 65/2007) đã được điều chỉnh thành “số lượng bài
báo phải tương ứng với số đề tài khoa học” – một yêu cầu hợp lý hơn rất nhiều so với
trước đây. Nguyên văn tiêu chí 7.3 theo bộ tiêu chuẩn mới như sau:

Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài nghiên cứu khoa học và phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của trường.


Trước yêu cầu mới này, các trường đại học của Việt Nam đã đáp ứng ra sao? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời vì các trường đại học Việt Nam hầu như chưa có hệ thống thông tin quản lý để phục vụ các hoạt động bên trong nhà trường, và những con số được đưa ra trong các báo cáo tự đánh giá phục vụ kiểm định rất có thể là những con số đã được tô hồng thêm ít nhiều. Tuy nhiên, nếu một trường chọn cho mình sứ mạng là đại học nghiên cứu, hoặc muốn tham gia cuộc chơi xếp hạng, thì rõ ràng không thể không nắm được những số liệu về công bố khoa học của giảng viên của mình.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment