Sunday, February 13, 2011

Trung Quốc: "Giáo sư đạo văn bị tước giải thưởng"

Đó là tựa một bài viết trên tờ báo mạng về giáo dục đại học, University World News, trên số mới ra ngày hôm nay 13/2/2011. Bài viết ấy ở đây, viết lại dựa theo bài phóng sự trên tờ AsiaOne, tin đầy đủ ở đây.

Dưới đây là phần thuật lại bài phóng sự trên AsiaOne, viết bằng lời của tôi.
----

Nguyên GS Li Liansheng, 45 tuổi (hình bên trên), người có dính líu đến một vụ đạo văn om xòm từ mấy năm qua, vừa bị Bộ Khoa học và Công nghệ của TQ tước đi một giải thưởng quốc gia đã được trao cho ông vào năm 2005. Số tiền tặng thưởng cho ông, hơn 19 ngàn đô la Sing, và tấm giấy chứng nhận giải thưởng, sẽ bị thu hồi lại, bài phóng sự viết như thế.

Việc tước giải thưởng của ông Li là kết quả của một vụ kiện do 6 đồng nghiệp của ông thực hiện; những người này cho biết nghiên cứu của ông Li thực ra là lấy cắp những kết quả của người khác.

Bộ trưởng Bộ KH và CN của TQ, ông Wan Gang, đã tuyên bố trước đó rằng ông sẽ hoàn toàn không chấp nhận việc gian lận và đạo văn trong nghiên cứu, để cứu vãn hình ảnh của giới khoa học TQ trước những nhìn nhận của cộng đồng khoa học quốc tế.

Cũng theo bài báo này, hiện TQ có đến hơn 2 triệu nhà khoa học đang hoạt động trong lãnh vực khoa học công nghệ, và số lượng công bố quốc tế của nước này hiện nay đã đứng đầu thế giới.

Vấn đề là ở chỗ, áp lực phải có công bố quốc tế bằng mọi giá đã khiến cho một số người phải giả mạo số liệu hoặc ăn cắp ý tưởng của người khác để có thể công bố trên các tạp chí.

Các trường đại học của TQ cũng rất cần có công bố của các giảng viên, vì vị thế của một trường và kèm theo đó là kinh phí được cấp cũng phụ thuộc vào việc trường ấy có nhiều công bố khoa học hay không. Thậm chí đôi khi các trường còn bao che các trường hợp đạo văn khi bị phát hiện nữa, vì không muốn làm xấu đi hình ảnh của nhà trường!

Còn trường hợp của ông Li thì dù nghiên cứu của ông đã được trao giải thưởng từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2009 thì lời cáo buộc đạo văn mới được điều tra. Tháng 3/2010, Li đã bị đuổi việc sau khi những đồng nghiệp này đã liên tục gửi thư cho lãnh đạo trường đồng thời đưa các bức thư này lên mạng.

Yang Shaokan, một trong 6 người đồng nghiệp đã tố cáo vụ gian lận của Li, cho biết ông chỉ bắt đầu quan tâm tìm hiểu vấn đề này khi thấy Li được trao giải thưởng cho một công trình khoa học không nằm trong chuyên ngành của Li.

Ban đầu, lãnh đạo của trường đại học nơi Li làm việc thậm chí không quan tâm đến những lời tố cáo này; họ cho rằng nếu làm rùm beng lên thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường.

Chỉ đến khi 6 người đồng nghiệp nói trên dùng tên thật của mình để đưa toàn bộ thông tin về vụ việc lên mạng, và thu hút sự quan tâm của báo chí và công luận, thì lãnh đạo nhà trường mới có động thái dứt khoát như trên.

----
Và một bình luận, cùng một câu hỏi nhỏ:

1. Đúng là sức mạnh của Internet: làm đổ cả một chế độ (độc tài), và làm tiêu tan sự nghiệp của một nhà khoa học (gian lận).

2. TQ đã làm được đến như thế. Còn VN thì bao giờ? Hay các phát hiện về đạo văn lại chìm vào quên lãng, người bị vạch mặt có khi còn thăng quan tiến chức, người đi tố cáo thì ... sau đó lặng lẽ biến mất?

(Tôi có quá bi quan về tình hình VN không ấy nhỉ?)

No comments:

Post a Comment