Saturday, March 5, 2011

"Tám biện pháp cải thiện nền đại học Mỹ" (bản đầy đủ) (1)

Như vậy là bài viết "Tám biện pháp ..." của tôi đã được Tia Sáng đăng trên số báo đầu tháng 3/2011 vừa qua. Bản mềm có thể tìm thấy trên trang mạng của Tia Sáng, ở đây.

Còn dưới đây là bản chưa qua biên tập của tôi. Phải nói thêm: báo TS đã biên tập rất tốt, làm cho bài viết gọn gàng và dễ đọc hơn đối với độc giả. Chỉ có điều, theo nguyên tắc "văn mình, vợ người", tôi cũng vẫn muốn đăng bản gốc của mình ở đây. Thôi thì các bạn chịu khó đọc và so sánh nhé!

--------------
Giáo dục đại học Mỹ luôn được cả thế giới nhắc đến như một mô hình đại học lý tưởng, là hình mẫu cho các quốc gia khác học tập. Nhưng cũng chính nền đại học này lại không làm cho công chúng Mỹ hài lòng. Đại học Mỹ gần đây đang liên tục chịu búa rìu của dư luận về nhiều vấn đề như học phí quá cao và không ngừng gia tăng, tỷ lệ tốt nghiệp có sự chênh lệch rất lớn giữa các nhóm xã hội khác nhau, và gần đây nhất là câu hỏi không mấy dễ chịu, đó là: liệu sinh viên tốt nghiệp có thực sự học được điều gì có ích hay chăng? Nói cách khác, nền đại học Mỹ cần có những cải cách nếu không muốn bị mất vị trí hàng đầu mà nó đang có.

Nhưng cải cách giáo dục đại học Mỹ thế nào đây? Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post ngày 20/2/2011 có tựa đề là "Eight ways to get higher education into shape", Daniel de Vise đã đưa ra tám biện pháp củng cố giáo dục đại học Mỹ. Các biện pháp đó là:

1. Đo lường việc học của sinh viên
2. Ngưng cấp học bổng "tài năng" (merit aid)
3. Cấp bằng đại học sau 3 năm
4. Cải cách chương trình cốt lõi
5. Tăng cường giao bài tập về nhà
6. Gắn việc cấp kinh phí với tỷ lệ tốt nghiệp
7. Cắt giảm hỗ trợ thể dục thể thao
8. Xem xét lại việc tổ chức phụ đạo ở các trường cao đẳng cộng đồng.

Tại sao lại là tám biện pháp nêu trên? Rất đơn giản, các biện pháp vừa nêu chính là để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong giáo dục đại học của Mỹ hiện nay. Chúng ta hãy cùng tác giả của bài báo xem xét từng biện pháp dưới đây.

1. Đo lường việc học của sinh viên

Các trường đại học Mỹ vốn nổi tiếng về mức độ tự chủ cao; đồng thời sinh viên đại học cũng có rất nhiều quyền lựa chọn trong việc học của mình. Điều này rất tốt, nhưng không phải không có mặt trái của nó. Theo Daniel de Vise, cách đây chỉ khoảng một thập niên trở về trước, rất ít trường đại học và cao đẳng của Mỹ có được những phương pháp khách quan để đo lường việc học của sinh viên, và vì vậy hầu như không nắm được các sinh viên đã học tập được gì từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp.

Mãi đến thời gian gần đây, trước những áp lực của cả nhà nước lẫn công chúng thì giới đại học Mỹ mới nghiên cứu và đưa ra những bài trắc nghiệm đo lường thành quả của việc học của sinh viên đã tốt nghiệp (nói theo ngôn ngữ quản lý giáo dục của VN thì đây chính là “đánh giá chuẩn đầu ra”, tức đo năng lực đạt được của sinh viên sau khi học). Một nghiên cứu được thực hiện gần đây sử dụng bài trắc nghiệm CLA (Collegiate Learning Assessment, tạm dịch Bài trắc nghiệm học tập bậc đại học) nhằm đo lường năng lực tư duy của sinh viên tốt nghiệp đã đưa ra kết quả thực sự đáng báo động: Sinh viên tốt nghiệp đại học hầu như không có gì khác hơn so với sinh viên mới vào trường, hay nói cách khác, việc học tại trường hầu như không mang lại một chút giá trị gia tăng nào cho người học

Đây chính là lý do Daniel de Vise trong bài viết của mình đã đưa ra đề xuất đầu tiên là cần phải đo lường việc học của sinh viên. Chỉ khi nào nhà trường đo đạc được chính xác kết quả của việc học tập của sinh viên sau từng môn học và có những hành động kịp thời để thúc đẩy việc học, thì lúc ấy mới việc học ở đại học mới đem lại cho người học những giá trị gia tăng cần có.

2. Ngưng cấp học bổng "tài năng"

Biện pháp này có vẻ rất vô lý, vì đây là một trong những điểm "hấp dẫn" của đại học Mỹ và cũng là một chiêu tiếp thị quan trọng của tất cả các trường đại học nhằm thu hút tài năng đến học ở trường mình. Nhưng theo lập luận của Daniel de Vise thì việc trợ cấp này thực ra chỉ giúp con nhà giàu chứ chẳng giúp gì cho con nhà nghèo cả. Con nhà giàu thông thường sẽ có điểm học bạ ở phổ thông và điểm thi SAT/ACT thấp hơn (không có đủ điều kiện bằng con nhà giàu).

Nếu vẫn tiếp tục cách làm hiện nay, thì những người không thuộc diện được xét cấp học bổng "tài năng" không những phải đóng học phí để trả chi phí học tập của mình, mà còn phải gánh phần chi phí rất nặng của những người được cấp học bổng nữa. Kết quả là học phí ngày càng cao ngất ngưởng, khiến cho nhiều người cần học để cải thiện thu nhập nhưng không thể nào trả nổi học phí và phải nghỉ học. Khoảng cách giàu nghèo vì thế ngày càng tăng, và công bằng xã hội bị ảnh hưởng.

Một chút lạc đề: việc cấp học bổng tài năng ở Mỹ nghe rất giống các chương trình cử nhân tài năng, và mở rộng hơn nữa là hệ thống các trường chuyên ở bậc trung học tại Việt Nam. Phải chăng giáo dục của chúng ta cũng đang xuất hiện mầm mống căn bệnh “lấy của người nghèo chia cho người giàu” chứ không phải là ngược lại, như định hướng xã hội chủ nghĩa mà các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi?

3. Cấp bằng đại học sau 3 năm

Ba năm là thời gian đào tạo đại học chuẩn của châu Âu theo Tiến trình Bologna (hệ thống 3-5-8 tức 3 năm xong đại học, thêm 2 năm tức sau 5 năm xong thạc sĩ, thêm 3 năm tức sau 8 năm xong tiến sĩ). Tuy nhiên, ở Mỹ thì thời gian chuẩn để hoàn tất chương trình đại học là 4 năm, không kể những người học tăng số môn mỗi năm để rút ngắn thời gian.

Theo Daniel de Vise, tác giả bài viết, thực ra trước đây Mỹ cũng đã từng đào tạo đại học trong 3 năm, cho đến khi trường đại học Harvard đưa ra yêu cầu phải kéo dài thành 4 năm (việc này xảy ra vào năm 1652). Hiện nay, một số đại học của Mỹ đang thử nghiệm áp dụng chương trình đại học trong 3 năm, và kết quả rất khả quan. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà không trở lại chương trình 3 năm để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Việc kéo dài thời gian học ra thành 4 năm, theo những người ủng hộ việc làm này, là nhằm có thời gian để sinh viên học những môn học "khai phóng" (liberal arts trong tiếng Anh, tạm dịch "khai phóng" trong khi chờ đợi một cách dịch hay hơn). Nhưng trong khi chi phí học tập ngày càng tăng, mà lợi ích của việc học chưa đo được rõ ràng, thì việc đòi hỏi giảm thời gian để giảm chi phí xem ra cũng rất hợp lý.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment