Saturday, February 26, 2011

"Công bố khoa học, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học" (2)

Như đã nói ở bài 1 của loạt bài này, phần 2 của bài viết có liên quan trực tiếp đến ĐHQG-HCM nơi tôi công tác nên tôi đã loại ra, không đăng trên blog này. Dưới đây là phần 3 của bài viết của tôi.
---------
3. Công bố khoa học và việc xếp hạng đại học

Trong tất cả các bảng xếp hạng đại học, công bố khoa học cũng là một yêu cầu quan trọng, chiếm một tỷ trọng lớn trong kết quả xếp hạng cuối cùng. Mà không chỉ là công bố, các bảng xếp hạng còn có yêu cầu về chỉ số trích dẫn (citation index) của các bài báo. Ngay cả trong bảng xếp hạng QS dành cho châu Á, vốn là một bảng xếp hạng không nặng về nghiên cứu như những bảng xếp hạng khác như ARWU, thì yêu cầu về công bố khoa học cũng vẫn chiếm đến 30% tổng số điểm, trong đó 15% là số lượng báo cáo trên đầu giảng viên, và 15% là số lượng trích dẫn trên đầu giảng viên (xem Bảng 2, hình bên dưới).

Bảng 2 – Các tiêu chí xếp hạng trường đại học theo QS (so sánh giữa xếp hạng quốc
tế và xếp hạng châu Á)

Riêng trong khối các trường thuộc AUN-QA, hiện đang có tổng số 26 trường, thì có đến 13 trường đang tham gia xếp hạng với QS (cả xếp hạng quốc tế lẫn xếp hạng châu Á). Điều này cho thấy các trường được lọt vào danh sách top 500 của thế giới phải là những trường có nghiên cứu mạnh, vì những trường này không chỉ có nhiều bài báo (thường là bài báo quốc tế), mà còn là những bài báo có ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học vì được đọc và trích dẫn nhiều lần (có chỉ số trích dẫn cao). Kết quả xếp hạng của các trường thuộc AUN trong 500 thứ hạng đầu của các bảng xếp hạng thế giới của QS năm 2010 đã được nêu trong một số bài viết của tôi trên blog này.

Tình hình công bố khoa học tại các trường này ra sao? Tiếc thay, chúng tôi không
có được số liệu đầy đủ của tất cả các trường thành viên, nhưng một số thông tin dưới đây cũng có thể cho chúng ta nắm được khái quát tình hình tại các trường để tự so sánh (xem Bảng 4 - sorry, file bị lỗi, không đưa lên được, nhưng các bạn có thể đọc phần mô tả tóm tắt bằng lời của tôi dưới đây).

Có thể đưa ra một số nhận xét tổng quát về các chỉ số hoạt động và thứ hạng của các trường trong Bảng 4:

- Cả hai Đại học quốc gia của Việt Nam đều có tỷ lệ bài báo quốc tế trên đầu giảng viên kém xa gấp nhiều lần so với NUS (hạng 31 của QS 2010), với tỷ lệ 1 bài/ 0.77 giảng viên). Ngay cả hai trường đại học hàng đầu của Thái Lan là Chulalongkorn (hạng 180 của QS 2010) và Mahidol (hạng 228 của QS 2010) cũng vượt hai Đại học quốc gia rất xa, tỷ lệ trung bình là 1 bài/ 3 giảng viên.

- Cả hai Đại học quốc gia của Việt Nam đều có số lượng sinh viên rất lớn (trên 40 ngàn sinh viên, chỉ đứng sau ĐH Philippines), nhưng lại có số lượng giảng viên thấp nhất trong 6 trường (chỉ trong khoảng 1800-2400 giảng viên).

- Cả hai Đại học quốc gia của Việt Nam đều có tỷ số nhân viên phục vụ so với giảng viên ở mức thấp nhất, thấp hơn 1:1, trong khi tất cả các trường còn lại đều cao hơn mức 1:1, đặc biệt tỷ số tại NUS đạt mức 2,5:1.

- Tỷ lệ lượng giáo sư, phó giáo sư trên tổng số giảng viên tại hai Đại học quốc gia
của Việt Nam cũng ở mức rất thấp so với hai đại học hàng đầu của Thái Lan (Việt Nam: từ 7 đến 16% giảng viên có chức danh GS, PGS; Thái Lan: 30 đến 34% giảng viên có chức danh GS, PGS.)

- Tỷ lệ học viên sau đại học trên tổng sinh viên của hai trường hàng đầu của Thái Lan là rất cao, trên 50 đến gần 60%.

Ghi chú: những thông tin đưa trong phần này đều là những thông tin công khai lấy từ chính trang web của các trường được so sánh.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment