Wednesday, January 5, 2011

"Chất lượng đào tạo SĐH" (4): Những thách thức

Tác giả: Tierney; người dịch: Nguyễn Quang Tiến; hiệu đính và biên tập ngôn ngữ: Vũ Thị Phương Anh

----
Những thách thức trong việc tạo ra và duy trì chất lượng

Chúng ta đã nói lướt qua về ba yếu tố có tác động bao trùm trong việc phân tích chất lượng. Rõ ràng là các biện pháp tổng hợp và phân tích đều có những chỉ báo riêng biệt cho phép phát triển hoặc cản trở một chương trình có chất lượng. Nếu cần điều tra chất lượng của một chương trình, thì chúng ta cần biết có với những thách thức nào đối với việc tạo ra chất lượng. Cụ thể, chúng ta sẽ xem xét tám (8) thách thức sau đây.

1. Kinh phí cho chương trình
Một chương trình chỉ nhận được những hỗ trợ tài chính ít ỏi từ phía nhà trường, chính phủ, và các ngành công nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ đội ngũ giảng viên và sinh viên. Ví dụ, giảng viên và sinh viên cần tham dự các hội nghị trong nước, trong khu vực, và quốc tế. Giảng viên thuộc các ngành khoa học tự nhiên cần cơ sở hạ tầng đầy đủ để thực hiện các thí nghiệm. Giảng viên và sinh viên cũng cần có văn phòng làm việc được trang bị các thiết bị công nghệ điện tử để giúp họ tiến hành nghiên cứu, và cộng tác với đồng nghiệp trong cùng trường cũng như cộng tác với các cá nhân khác trên toàn thế giới. Lớp học cần được trang bị công nghệ hiện đại nhất để giúp cải tiến việc học và nâng cao phương pháp tương tác giữa các cá nhân với nhau.

2. Kinh phí hỗ trợ học viên
Học viên SĐH có hàng vạn cách khác nhau để trang trải chi phí việc học của mình, và kết quả của chúng cũng khác nhau. Một khả năng có thể xảy ra là cá nhân người học tự trang trải chi phí học tập của mình, hoặc đi vay và trả sau. Khả năng thứ hai là học viên làm việc bán thời gian hoặc làm một công việc bất kỳ trong trường không liên quan đến lĩnh vực mình đang theo học, nhưng mang lại thu nhập cho học viên đó. Một khả năng cũng gần tương tự là học viên đi học bán thời gian và đi làm toàn thời gian hoặc bán thời gian. Công việc trợ giảng cũng giúp học viên học được cách giảng dạy, và những công việc ở văn phòng Khoa giúp họ học thêm các kỹ năng. Tuy nhiên, khả năng tốt nhất cho các học viên là được thực tập nghiên cứu cho phép họ được làm việc với một giảng viên, hoặc được tập sự trong lĩnh vực chuyên ngành để giúp họ có những kinh nghiệm thực tế.

Hỗ trợ tài chính cho sinh viên là việc làm rất quan trọng. Rõ ràng là có nhiều cách để trang trải chi phí học tập sau đại học. Nhưng nếu điều quan trọng nhất là học viên có được kinh nghiệm học tập tối đa, thì các học viên cần có những việc làm liên quan đến lĩnh vực học tập của mình nói chung, và liên quan đến luận án của mình nói riêng. Chỉ báo đầu tiên về chất lượng của một chương trình là sự quan tâm của đội ngũ giảng viên và các nhà quản lý đối với chất lượng của kinh nghiệm học tập của học viên, và những nguồn hỗ trợ tài chính mà học viên có thể được cung cấp từ chương trình nhằm giúp họ trang trải chi phí học tập.

3. Tỷ lệ hoàn tất khóa học và thời gian tốt nghiệp
Rõ ràng là nếu một học viên không hoàn tất được khóa học thì bất kỳ chỉ số nào về sự thành công của học viên đó đều không có giá trị. Các học viên tiềm năng thường chú ý xem xét tỷ lệ hoàn tất khóa học của học viên những khóa, và đây là một chỉ báo giúp họ quyết định xem có nên theo học chương trình này hay không. Sự tốn kém của việc học tập ở trình độ sau đại buộc các giảng viên và bộ phận quản lý có những đánh giá để chọn được những học viên đủ năng lực để hoàn thành chương trình học. Nếu nhận vào một học viên yếu và ít có khả năng hoàn thành chương trình học, thì sự đầu tư sẽ rất dễ trở thành một sự lãng phí về tiền bạc. Do đó, nếu học viên không hoàn tất được khóa học thì hoặc là các giảng viên của chương trình cần xem lại việc tuyển sinh có chọn được các học viên phù hợp hay không, hoặc chương trình có cung cấp những hỗ trợ cần thiết để trong việc học của họ hay không.

Một thách thức có liên quan là thời gian mà một học viên cần dành ra để hoàn tất chương trình học và được nhận bằng. Chỉ dựa vào việc học viên nhận được bằng thì chưa có cơ sở để phán đoán về hiệu quả và chất lượng của chương trình, mà còn cần đưa ra câu hỏi là học viên cần bao nhiêu thời gian để tốt nghiệp. Nếu hai chương trình có cùng một kết quả, nhưng một chương trình mất gấp đôi thời gian để đào tạo và huấn luyện học viên, thì điều này cho thấy là quá trình đào tạo của một chương trình tốt hơn quy trình của chương trình kia. Giảng viên của những chương trình khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau về những gì học viên cần phải học trước khi sẵn sàng viết và bảo vệ luận văn. Ví dụ, sinh viên của những ngành nhân văn thường phải mất nhiều thời gian hơn là những sinh viên ngành kỹ thuật hoặc giáo dục. Tuy nhiên, khi các chương trình tương tự được so sánh với nhau, nhất thiết phải đặt câu hỏi là tại sao chương trình này lại kéo dài và tốn nhiều nguồn lực hơn là chương trình kia, nếu cả hai chương trình có cùng một kết quả như nhau.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment