Tác giả: W. G. Tierney, ĐH Nam California (USC)
Người dịch: Nguyễn Quang Tiến; hiệu đính và biên tập ngôn ngữ: Vũ Thị Phương Anh
---
Vai trò của các nhóm khác nhau trong đào tạo SĐH
So với đào tạo ở trình độ đại học, đào tạo SĐH cần mối quan hệ qua lại chặt chẽ hơn giữa các thành phần có liên quan. Trong khi đào tạo ở trình độ đại học vai trò của các thành phần có thể không đồng đều, ví dụ giảng viên có thể có vai trò quan trọng hơn, thì ở trình độ SĐH cần tạo được sự phối hợp và hợp tác giữa các nhóm khác nhau dù những nhóm này có thể có những cách diễn giải khác nhau về tầm quan trọng, nội dung, và tiêu điểm của quá trình đào tạo.
Giảng viên và các nhà quản lý
Các giảng viên chịu trách nhiệm về chương trình và giảng dạy sau đại học. Nhìn chung, giảng viên có học vị tiến sỹ thích dạy ở trình độ sau đại học hơn là trình độ đại học. Lớp học ở trình độ SĐH có sĩ số thấp hơn và tập trung hơn vào những quan tâm nghiên cứu của cá nhân hơn là những lớp có sĩ số cao hơn ở trình độ đại học. Đào tạo SĐH cho phép có những sinh viên tham gia vào nghiên cứu để hỗ trợ cho các giảng viên trong những công việc mà họ đang làm – điều mà Cohen và các đồng tác giả (1980) gọi là “sự cộng tác trí tuệ”.
Tuy nhiên, bản chất của kiến thức là luôn thay đổi và kết quả là các giảng viên cần được chuẩn bị tốt hơn và hiểu biết rõ hơn về những gì đang diễn ra trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó hơn là ở trình độ đại học. Nhận định này càng chính xác hơn trong thế kỷ 21 khi việc nghiên cứu tách biệt từng lĩnh vực riêng biệt không còn phù hợp, vì nghiên cứu ngày càng đi theo hướng liên ngành. Các giảng viên về phần mình cũng cần xác định rõ là họ cần có những hỗ trợ nào để đảm bảo có đủ cơ sở hạ tầng nhằm phát triển những chương trình đào tạo có chất lượng.
Cơ chế quản lý cũng cần phải phù hợp với yêu cầu hỗ trợ nghiên cứu. Cơ chế này hoàn toàn khác với một cơ chế quản lý hiệu quả cho việc hỗ trợ chất lượng dạy và học. Một cơ sở hạ tầng nghiên cứu đòi hỏi trường đại học phải sẵn sàng tìm kiếm ngân quỹ từ nhiều nguồn khác nhau chứ không chỉ theo cách mà các trường chỉ đào tạo ở trình độ đại học thường làm. Cơ chế ngân sách để thúc đẩy tính liên ngành cũng hoàn toàn khác với cơ chế ngân sách chỉ dành riêng cho một cá nhân hay một khoa. Các trường đại học thường không tổ chức đào tạo ở trình độ SĐH tất cả mọi chương trình mà họ đào tạo ở trình độ đại học, vì vậy có khả năng là các học viên SĐH có thể đến từ một vùng địa lý nào đó nhiều hơn số người học ở trình độ đại học. Nếu chương trình đạt được chất lượng đáng kể, lúc đó sẽ có cả sinh viên từ nước ngoài đến học sau đại học. Kết quả là đào tạo sau đại học cần phải có những quy trình tốn kém đáng kể về nguồn lực và thủ tục cụ thể để tạo điều kiện nhận học viên vào học.
Điểm cuối cùng là các giảng viên cùng và các nhà quản lý phải phát triển những phương cách hữu hiệu để phân tích chất lượng của các chương trình đào tạo. Chương trình cần được đánh giá bao lâu một lần? Ai sẽ là người đánh giá? Những chương trình kém chất lượng sẽ phải xử lý ra sao? Chúng ta sẽ quay lại những câu hỏi này trong phần dưới đây, nhưng đó là những câu hỏi then chốt của vai trò giảng viên và nhà quản lý.
Các nhà hoạch định chính sách và nhà nước
Các trường công được lập ra để đáp ứng những nhu cầu của nhà nước cũng như những ưu tiên mà các nhà hoạch định chính sách và các bộ ngành đưa ra. Nếu không kể đến nước Mỹ, phần lớn việc nghiên cứu và đào tạo sau đại học đều được thực hiện ở các trường công lập. Kết quả là giảng viên và nhà quản lý sẽ không thể quyết định đưa ra chương trình này hay chương trình khác nếu không nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các cơ quan nhà nước, ví dụ như như Bộ Đại học chẳng hạn.
Nếu đào tạo sau đại học là ưu tiên cấp quốc gia, thì ngân sách cho nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, và trợ giúp về tài chính cũng sẽ phải phản ánh điều này. Chiến lược này sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng sẽ có những rủi ro hiển nhiên. Nghiên cứu vốn không có đầu ra chắc chắn hay cụ thể nào cả, vì bản chất của nghiên cứu luôn có tính rủi ro. Sẽ có những dự án nghiên cứu thành công và cũng có những dự án không thành công. Tương tự, học viên sau đại học cũng không thể chắc chắn là mình sẽ xuất sắc trong nghiên cứu. Tuy nhiên, những lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ càng cần đến tính sáng tạo và chấp nhận rủi ro nhiều hơn, và vai trò của nhà nước là phải khuyến khích điều này. Kết quả để hỗ trợ đào tạo SĐH thì các nhà quản lý sẽ phải làm những điều trái ngược hẳn với suy nghĩ thông thường của những đơn vị mang tính hành chính. Các tiểu bang cũng có ảnh hưởng đến việc những học viên như thế nào được nhận vào học trong các trường đại học. Quan sát này cho thấy là các tiểu bang có khả năng điều phối các nguồn lực dành cho những nhóm bị thiệt thòi, chẳng hạn như phụ nữ trong các ngành khoa học hoặc các dân tộc thiểu số. Tương tự, các tiểu bang quyền quyết định là khuyến khích hay cản trở các sinh viên nước ngoài đến học sau đại học ở tiểu bang. Những người đạt được bằng sau đại học ở nước ngoài chính là những tiềm năng lớn cho đất nước ấy. Tuy nhiên, tiềm năng này sẽ mất nếu những sinh viên vốn là những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ không có cách nào để có quyền cư trú dài hạn.
Nhiều lĩnh vực đào tạo sẽ có sự tương tác chặt chẽ với thương mại và công nghiệp, và tiểu bang cần phát triển những chính sách để những trao đổi giữa các bên có kết quả tốt. Cũng vậy, ngay cả khi có sự hỗ trợ của công ty hay một trường đại học thì những tương tác này cũng không nhất thiết tạo ra được các mối quan hệ có tính hệ thống. Chính các tiểu bang mới khả năng cũng như trách nhiệm để tạo ra những quan hệ như vậy.
Thương mại và công nghiệp
Có lẽ những ai làm việc trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp đều nhận thức rõ về những lợi ích của một lực lượng lao động có học thức và những nhu cầu việc làm của tương lai. Vì vậy, rất cần thiết có sự ủng hộ tích cực cũng như những mô tả rõ ràng về nhu cầu đào tạo SĐH từ các nhà lãnh đạo thương mại và công nghiệp. Ở một vài quốc gia, chẳng hạn như ở Mỹ, nơi các trường đại học áp dụng mô hình ngân quỹ đa dạng, các vị lãnh đạo này cũng ủng hộ về tài chính để xây dựng các tòa nhà, cơ sở hạ tầng, và hỗ trợ sinh viên sau đại học.
Tuy nhiên, những trường đại học mạnh nhất về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học lại không phải là những trường đại học am tường về việc chuyển giao công nghệ. Vì vậy, cần có một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa thương mại và công nghiệp sao cho tài sản trí tuệ của những người có những phát minh được bảo vệ, nhưng đồng thời cũng cho phép những ý tưởng đó được đưa ra thị trường, vì điều này có tiềm năng mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn. Thương mại và công nghiệp cũng có khả năng hỗ trợ việc thực tập, học bổng làm việc, và các dạng việc làm khác để thúc đẩy những ý tưởng có liên quan đến đào tạo sau đại học. Những nhóm sẵn sàng nhất trong việc chấp nhận rủi ro để chuẩn bị cho các cá nhân làm việc trong một nền kinh tế toàn cầu chính là những người đang lãnh đạo các ngành kinh doanh và công nghiệp đang tham gia cạnh tranh trong những công ty và ngành kinh doanh chủ yếu dựa vào tri thức.
(còn tiếp)
Monday, January 3, 2011
"Chất lượng đào tạo SĐH" (2): Vai trò của các nhóm khác nhau
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment