Friday, January 14, 2011

Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học (1): Một số khái niệm cơ bản

Entry này tôi viết trước hết là cho tất cả bạn học viên đang theo học chương trình cao học đo lường - đánh giá trong giáo dục tại VN (hiện chỉ mới có ĐHQG Hà Nội là có đào tạo chương trình này). Sau nữa là cho tất cả những người đang làm việc trong bộ phận đảm bảo chất lượng/ kiểm định chất lượng/ quản lý chất lượng tại các trường đại học. Và cuối cùng là cho những ai có quan tâm (nhưng chắc là không nhiều, mặc dù ai cũng đòi tăng chất lượng giáo dục!)

Quản lý chất lượng là một mảng công việc khá chuyên nghiệp với những thuật ngữ riêng biệt và đã tồn tại từ khá lâu trong các ngành công nghiệp và thương mại. Bất kỳ ai theo học quản trị kinh doanh thì chắc chắn sẽ phải biết đến một số khái niệm về quản lý chất lượng, ví dụ như benchmarking (đối sánh), balanced scorecard (bảng điểm cân bằng), ISO, performance indicators tức chỉ báo hiệu suất (hoặc chỉ số hoạt động).

Nhưng đối với ngành giáo dục thì những khái niệm về quản lý chất lượng như trên lại hoàn toàn xa lạ, mãi cho đến vài thập niên gần đây, khi các khái niệm về chất lượng bắt đầu xuất hiện cùng lúc với phong trào đảm bảo chất lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN.

Và thế là một loạt các thuật ngữ liên quan đến quản lý chất lượng xuất hiện và được sử dụng, trong khi mọi người vẫn chưa thực sự hiểu rõ các khái niệm này. Hệ quả là các từ này được dùng ... loạn cả lên, khiến cho mọi thứ trở nên rối rắm, khó hiểu.

Nên mới có entry này của tôi, cũng là một chủ đề trong môn học bắt buộc của chương trình, đó là môn "Quản lý và kiểm định chất lượng giáo dục đại học". Xin mở ngoặc nói thêm: tên môn học là do ĐHQG Hà Nội quy định, nhưng tôi thấy cái tựa này chưa hợp lý vì chỉ cần dùng "quản lý chất lượng" hoặc "đảm bảo chất lượng" là đủ.

Dẫn nhập như vậy là quá đủ rồi, giờ là phần chính: các khái niệm. Các bạn đọc bên dưới nhé! Tất cả những khái niệm tôi giới thiệu ở đây đều dựa trước hết trên danh mục thuật ngữ về chất lượng trong giáo dục đại học của định nghĩa của GS Lee Harvey - người mà tôi đã gặp và trao đổi trực tiếp lần trong các hội nghị, hội thảo quốc tế, copyright 2009, tại địa chỉ web: http://www.qualityresearchinternational.com/glossary/. Ngoài ra, đôi khi tôi cũng có bổ sung một vài định nghĩa của các tác giả khác nếu thấy cần thiết.

Phần dịch tiếng Việt đưa trên blog này là bản quyền của tôi, ai sử dụng cần ghi nguồn đồng thời xin phép dịch giả nhé! Nếu không thì lại bị mang tiếng đạo văn đó, dù cố tình hay vô ý!

Ngoài ra, xin giới thiệu thêm một vài đường dẫn khác đến các danh mục thuật ngữ có liên quan:
1. http://www.qrossroads.eu/glossary/q
2. http://www.qaa.ac.uk/aboutus/acronyms.asp - trang của QAA; đây là cơ quan quản lý chất lượng giáo dục đại học của Anh
3. http://www.chea.org/international/inter_glossary01.html - trang của CHEA, tức Hội đồng kiểm định giáo dục đại học của Mỹ
4. http://www.9001quality.com/quality-management-glossary.html - trang của ISO 9001
5. http://asq.org/glossary/ - trang của ASQ
.
------
1. Chất lượng (quality) =
Quality
1. (n) is the embodiment of the essential nature of a person, collective, object, action, process or organisation.
2. (adj) means high grade or high status (as in a quality performance).
Chất lượng
1. là biểu hiện bản chất cơ bản của một người, một tập thể, một vật, một hành động, một quy trình, hay một tổ chức
2. có thể có nghĩa là thứ hạng cao hoặc đẳng cấp cao (ví dụ trong cụm từ "hoạt động có chất lượng")

Nhận định của tôi: định nghĩa "chất lượng" nêu trên không rõ lắm. Thực ra, có khá nhiều quan điểm về chất lượng. Dưới đây xin giới thiệu vài định nghĩa khác.

Quality. The totality of characteristics of an entity that bear on its ability to satisfy stated and implied needs.
Chất lượng là tổng hòa những đặc điểm của một thực thể có liên quan đến khả năng đáp ứng những nhu cầu được nêu rõ hoặc ngầm hiểu.

Đây là định nghĩa lấy từ trang của ISO 9001, link số 4 ở trên. Còn dưới đây là định nghĩa lấy từ trang web của ASQ, link số 5 ở trên.

Quality: A subjective term for which each person or sector has its own definition. In technical usage, quality can have two meanings: 1. the characteristics of a product or service that bear on its ability to satisfy stated or implied needs; 2. a product or service free of deficiencies. According to Joseph Juran, quality means “fitness for use;” according to Philip Crosby, it means “conformance to requirements.”
Chất lượng là một khái niệm có tính chủ quan mà mỗi người hoặc mỗi ngành đều có định nghĩa riêng của mình. Trong chuyên môn, CL có thể có 2 nghĩa: 1. các đặc điểm của một sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu được nêu rõ hoặc hiểu ngầm; 2. một sản phẩm hoặc dịch vụ không có lỗi. Theo Juran, CL có nghĩa là "phù hợp với mục đích sử dụng", còn theo Crosby thì đó là "tuân thủ theo yêu cầu".

Nhận định thêm: 2 định nghĩa này cũng phù hợp với 2 mục đích chủ yếu của ĐBCL: 1. tuân thủ quy định; 2. đáp ứng khách hàng.

2. Những từ liên quan:
Quality assessment: đánh giá chất lượng

Quality assurance: đảm bảo chất lượng

Quality audit: kiểm toán chất lượng

Quality control: is a mechanism for ensuring that an output (product or service) conforms to a predetermined specification.
Kiểm soát chất lượng: là một cơ chế để đảm bảo rằng đầu ra (sản phẩm hoặc dịch vụ) đáp ứng được những "chi tiết kỹ thuật" đã được xác định từ trước.
Quality culture: văn hóa chất lượng

Quality evaluation: đánh giá chất lượng

Quality guidelines: các nguyên tắc chỉ đạo về chất lượng

Quality management: quản lý chất lượng

Quality monitoring: giám sát chất lượng

Quality review: rà soát chất lượng

Quality system: hệ thống chất lượng

Quality standard: tiêu chuẩn chất lượng

Quality validation (UK) = accreditation (US): thẩm định chất lượng (Anh), kiểm định (Mỹ)


Nhận định thêm: trong trang thuật ngữ của Lee Harvey, định nghĩa về quản lý chất lượng còn bỏ trống, nên tôi giới thiệu thêm định nghĩa cho thật ngữ này, được lấy từ nơi khác.

Quality management. All activities of the overall management function that determine quality policy objectives and responsibilities; and implement them by means such as quality planning, quality processes, quality control, quality assessment, and quality improvement within the quality system.
QLCL là tất cả mọi hoạt động trong chức năng quản lý tổng quát nhằm xác định các mục tiêu của chính sách và trách nhiệm liên quan đến chất lượng; đồng thời triển khai những chính sách và trách nhiệm này bằng các phương tiện như kế hoạch chất lượng, các quy trình chất lượng, kiểm soát chất lượng, đánh giá chất lượng, và cải thiện chất lượng, tất cả nằm trong một hệ thống chất lượng.
Đây cũng là định nghĩa lấy từ trang của ISO 9001, link số 4 ở trên.
(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment