Entry này là phần tóm tắt những ý chính của tài liệu tập huấn "Designing Key Performance Indicators" do Hội đồng Kiểm định giáo dục đại học Oman soạn thảo vào năm 2006. Bản gốc tiếng Anh của tài liệu có thể tìm được tại địa chỉ sau đây: www.oac.gov.om/files/qe/training/handout/03v8_handout.pdf.
Trước khi vào phần chính, xin được giải thích tại sao tôi lại quan tâm đến KPI. Như mọi người đã biết, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục hiện đã là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường đại học của VN. Theo quy định, kết quả đánh giá sẽ được sử dụng để xét chỉ tiêu tuyển sinh, cho phép mở ngành và liên kết đào tạo, quyết định về mức độ đầu tư vv. Nhưng muốn đưa ra những phán đoán chính xác để đánh giá thì nhất thiết phải có các số liệu đủ tổng quát cho phép so sánh về hiệu suất (efficiency) và hiệu quả (effectiveness) giữa các trường với nhau. Các số liệu ấy được gọi là KPIs, vốn được áp dụng trong thương mại và công nghiệp từ đã lâu, nay mới được đưa vào áp dụng trong giáo dục đại học trong vòng vài thập niên trở lại đây.
KPI cho phép các trường xác định dễ dàng những chỉ tiêu cần đạt trong tương lai, và thực hiện các so sánh với trường khác hoặc với chính mình nhằm quản lý những thay cần có. Đó là lý do tại sao hiện nay ở các nước phương tây, KPI được dùng rộng rãi trong quản trị đại học (cụ thể là trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược, trong đánh giá-giám sát và điều chỉnh hoạt động, và trong các hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng (ở VN cũng đang đi dần theo hướng này, thể hiện qua việc Bộ Giáo dục yêu cầu các trường phải "3 công khai", mặc dù số liệu của VN thì vẫn còn nhiều điều phải bàn lắm).
Vâng, dẫn nhập như vậy đủ rồi, giờ thì phải vào nội dung chính thôi.
-----------
1. Vai trò của KPI trong quá trình hoạch định chiến lược của một đơn vị
Việc hoạch định chiến lược của một đơn vị có thể được xem là 1 quá trình 8 bước, bắt đầu bằng sứ mạng của đơn vị và kết thúc bằng kết quả đạt được. Xem sơ đồ dưới đây:
1. Sứ mạng (mision) --> 2. Mục tiêu hoặc mục đích (goal) --> 3. Mục tiêu cụ thể (objectives) --> 4. Chiến lược (strategy) --> 5.Chỉ báo (indicator) --> 6. Số đo (hoặc số liệu, measure) --> 7. Chỉ tiêu (target) --> 8. Kết quả (result).
Quy trình 8 bước nói trên chia thành 2 giai đoạn rõ rệt, giai đoạn 1 là lập kế hoạch (ie, trên giấy) và giai đoạn 2 là thực hiện kế hoạch (ie, triển khai trên thực tế).Trong sơ đồ nói trên, KPIs bao gồm các yếu tố từ vị trí số 5 trở đi. Theo tài liệu, KPI là yếu tố cốt lõi của toàn bộ hệ thống hoạch định và giám sát. KPI không nhất thiết phải là một thành tố duy nhất mà có thể là một tập hợp có tính tích hợp (integrated collection) gồm nhiều thành tố khác nhau, ở đây là tập hợp các loại chỉ số từ 5 đến 8 trong sơ đồ.
Phân biệt một số thuật ngữ có thể nhầm lẫn
Mục tiêu cụ thể: chúng ta muốn đạt được điều gì? Mỗi mục tiêu cụ thể đòi hỏi có những chiến lược để đạt được chúng. Mỗi mục tiêu có thể có nhiều chỉ báo (indicator).
Chỉ báo: chúng ta sẽ đo cái gì để biết rằng đã đạt mục tiêu hay chưa? Chỉ báo cho phép ta đánh giá tiến độ thực hiện và đề xuất những hành động cần thiết để đạt mục tiêu cụ thể.
Số đo hay số liệu (measure): chúng ta sẽ đo như thế nào? Có thể dùng dữ liệu định tính hoặc định lượng, và có thể đo đầu vào, quá trình, hoặc đầu ra.
Chỉ tiêu (target): chúng ta muốn thấy những kết quả nào?
Kết quả (result): chúng ta đã thực sự đạt những điều gì?
Ví dụ
Mục tiêu: giảng dạy đạt chất lượng tốt
Chỉ báo: sự hài lòng của sinh viên đối với quá trình học tập
Số đo: điểm trung bình (mean) chung của từng lớp đối với câu hỏi tổng quát (overall) trong bảng hỏi lấy ý kiến sinh viên, sử dụng thang Likert có thang từ 1-5.
Chỉ tiêu: Ít nhất phải đạt điểm 3.5 trên thang 5 điểm; hoặc: có thứ hạng cao nhất trong nhóm so sánh (best in class compared with benchmark partners)
(còn tiếp)
Wednesday, January 5, 2011
Thiết kế các chỉ báo hiệu suất cốt lõi (KPI) trong giáo dục đại học (1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment