Saturday, January 8, 2011

"Chất lượng đào tạo SĐH" (5): Những thách thức (tt)

Tác giả: Prof Tierney; người dịch: Nguyễn Quang Tiến; hiệu đính và biên tập ngôn ngữ: Vũ Thị Phương Anh
---------
4. Tuyển sinh và chọn lựa học viên
Nếu chất lượng học viên là một biến số đầu vào của chương trình, khả năng tuyển được những học viên có khả năng hoàn tất chương trình học đúng hạn là một thách thức, thì việc tuyển sinh và chọn học viên vào chương trình là điều thực sự quan trọng. Cần nhắc lại rằng một chương trình có chất lượng thường có khả năng thu hút học viên trên toàn thế giới nói chung, và cụ thể hơn là những học viên đã tốt nghiệp từ các trường đại học khác hơn là từ trường sở tại. Nếu học viên từ các trường đại học khác không hề biết gì về chương trình này, thì họ sẽ không nộp đơn vào học, do đó công việc của người quản lý là lập ra các văn phòng tuyển sinh để làm cho các học viên tiềm năng biết đến chương trình này.

Tương tự, một chương trình đào tạo chất lượng cao sẽ có những tiêu chí cụ thể để dựa vào đó mà Khoa quyết định nhận sinh viên. Những tiêu chí đó có thể là điểm số của một kỳ thi chẳng hạn như là điểm GRE, bảng điểm đại học từ những trường được xếp hạng cao, và một bài luận hay lá thư tự giới thiệu cho thấy sự nghiêm túc cũng như năng lực theo học chương trình sau đại học của học viên đó. Hồ sơ xin học của học viên cũng cần xem xét kỹ. Ở một vài quốc gia, người ta đang nỗ lực tăng số lượng học viên nữ trong các ngành khoa học. Những người được giao nhiệm vụ khuyến khích một đối tượng cụ thể nào đó nộp đơn, hoặc thậm chí nhắm đến việc tuyển vào học, chính là những nhân viên làm trong bộ phận tuyển sinh.

5. Hồ sơ của học viên
Bất kỳ quốc gia nào cũng có những cá nhân có nhiều khả năng theo học chương trình sau đại học hơn những người khác do thành phần xuất thân của họ. Ví dụ như ở Mỹ, sinh viên da trắng thì có nhiều khả năng theo học sau đại học hơn là sinh viên người Mỹ gốc Phi (Perna, 2004). Ở Úc, những người Úc gốc thổ dân thường ít học sau đại học hơn nhiều so với những người Úc gốc Âu. Nhiều nước lại có những dân tộc hay chủng tộc người thiểu số mà vì lý do này hay lý do khác đã không vào được đại học, và kết quả là họ cũng không được học sau đại học.

Những điều vừa nêu cũng đúng với những đặc điểm khác của học viên, chẳng hạn như về giới tính, tầng lớp giai cấp, tình trạng khuyết tật, và đại loại như thế. Một thách thức cho bất kỳ quốc gia nào tìm kiếm sự công bằng và đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều có quyền được học như nhau, đó là phải tìm ra một tỉ lệ học viên hợp lý để những người nghèo, người dân tộc hay giống người thiểu số, và phụ nữ không bị thiệt thòi hoặc tệ hơn nữa là bị phân biệt đối xử. Đây là điều quan trọng vì trong nền kinh tế toàn cầu dường như những quốc gia có tiềm năng lớn nhất này là những quốc gia mà nơi đó không có một nhóm người nào bị cản trở trong việc theo học sau đại học.

6. Giáo dục và đào tạo
Có hai phương pháp sư phạm đang được dùng trong suốt một thế kỷ nay. Phương pháp thứ nhất là một giáo sư nổi tiếng thuyết giảng cho các lớp học có sĩ số đông. Cách thứ hai là tổ chức các buổi trao đổi cho một nhóm nhỏ học viên tương tác với một vị giáo sư về một đề tài cụ thể nào đó. Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ cho phép chúng ta tiến gần đến một cuộc cách mạng về phương pháp sư phạm. Chẳng bao lâu nữa, người học sẽ được học trong một thế giới ảo và tương tác với nhau bằng nhiều cách mà mới cách đây chỉ một thập niên người ta chưa mường tượng ra được, và điều này sẽ sớm đem lại thay đổi căn bản cách giảng dạy của các giáo sư.

Mặt khác, đào tạo sau đại học lệ thuộc rất nhiều vào khả năng của giảng viên trong việc hướng dẫn cho học viên những truyền thống và nguyên tắc của các ngành khoa học mà họ đang theo đuổi. Những tương tác với học viên là loại lao động có cường độ cao và đòi hỏi ở giảng viên rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần chào hỏi xã giao với các học viên sau đại học. Cho đến nay, hướng dẫn nghiên cứu sinh vẫn được xem là một hoạt động nghề dạy nghề, và người ta tin rằng không ai có thể dạy được cho người khác biết cách hướng dẫn học viên. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng vẫn có những người hướng dẫn tốt hơn những người khác, và các học viên khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau. Hướng dẫn là một hoạt động đa chiều đòi hỏi nhiều kỹ năng mà từng cá nhân giảng viên có thể học được. Thách thức ở đây là khuyến khích các giảng viên học các kỹ năng ấy và có thời gian cũng như nhận được sự hỗ trợ về mặt hành chính để phát triển một chương trình đào tạo kỹ năng hướng dẫn cho các giảng viên.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment