Saturday, August 21, 2010

NetAcademy là ai?

Entry này tôi bắt đầu từ ngày 21/8, đang viết dở dang, nhưng bận công việc nên gác lại. Nay viết tiếp, vì có người lại hỏi đến nó.
---
Có một số bạn bè, đồng nghiệp, và người thân gọi điện và hỏi thăm tôi về NetAcademy, một công ty cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến ở Mã Lai.

Họ hỏi, không phải vì họ quan tâm gì đến cái "academy" của anh bạn láng giềng Mã Lai này, mà chỉ vì họ thấy quảng cáo khắp nơi ở VN về việc học các chương trình đào tạo QTKD ở mọi trình độ, BBA, MBA, và DBA cấp bằng của UBI thông qua công nghệ của NetAcademy mà thôi.

Nên lại phải bỏ thời gian ra tìm hiểu nhanh và đưa lên đây để ai quan tâm thì lên đây đọc, cho tiện. Để tôi khỏi mất công nói đi nói lại nhiều lần! (Thời giờ là tiền bạc mà!);-)

Trước hết, để trả lời câu hỏi có phải NetAcademy đã nói dối mọi người khi nói rằng họ có quan hệ với UBI hay không, xin trả lời rằng, quan hệ này là có thật. Giữa NetAcademy và UBI rõ ràng có một mối quan hệ hợp tác đúng như quảng cáo đã nêu: UBI cung cấp nội dung và cấp bằng, NetAcademy cung cấp công nghệ dạy online, và một đối tác thứ ba sẽ làm nhiệm vụ quảng cáo, tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học (qua mạng), quản lý sinh viên, và làm đầu mối liên lạc giữa học viên và 2 đối tác còn lại.

Website của NetAcademy ở đây: http://www.netacademy.com.my

Vậy NetAcademy là ai? Thưa, là một công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến (online) đến người học ở khắp nơi trên thế giới. Đã là trực tuyến, thì người học có thể ở bất cứ nơi đâu. Nhưng thông thường, những công ty như thế này không có tên tuổi gì, nên muốn "bán hàng" ra nước ngoài thì họ cần phải có một đối tác ở địa phương. Đối tác này sẽ làm những việc mà tôi có nhắc đến ở trên: tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học vv. Và quan trọng hơn hết, là nó tạo ra sự tin tưởng thông qua những giao tiếp trực tiếp giữa người học tiềm năng và người đại diện cho nơi cung cấp dịch vụ.

Học trực tuyến với những công ty như NetAcademy có tốt không? Xin thưa, đối với những "dịch vụ đào tạo trực tuyến" như vậy, việc dạy có tốt hay gần như không phụ thuộc ở nơi cung cấp nội dung và văn bằng, chứng chỉ, mà ở nỗ lực của từng người học và sự chia sẻ của các nhóm học viên với nhau. Nói cách khác, chất lượng của những nơi này không được đảm bảo, vì chất lượng của người tốt nghiệp là rất khác nhau nhưng vẫn được cấp bằng như nhau.

Không đảm bảo chất lượng, vậy có thể gọi là "đồ dỏm" không, và có nên cấm hay không? Đến đây, câu trả lời trở nên khá khó khăn đối với tôi. Vì giáo dục hiện nay đã được công nhận là một loại dịch vụ. Và nó có nhiều đối tượng phục vụ khác nhau. Nếu chỉ bán toàn đồ xịn, đắt tiền, vv thì sẽ có rất ít người có thể tiếp cận. Như vậy, chất lượng ở đây không phải chỉ là "có" hay là "không có", mà nó là một dải khá rộng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Viết đến đây thì mệt quá, hết ý. Thôi thì cứ đưa lên đây để mong mọi người có ý kiến nhé. Tôi sẽ quay lại chủ đề này sau.

6 comments:

  1. Dear chi,
    Tôi xin cảm ơn những thông tin của chị đã nêu. Và tôi cũng đã tìm hiểu và có một số thông tin muốn chia sẽ với chị:

    1. NetAcademy là một tổ chức tư nhân nhưng rất có uy tín. Trên thế giới để phát triển như NetAcademy, tôi cho rằng đó là một thành tựu.

    2. Những chương trình của NetAcademy cung cấp cũng khá tốt trên thế giới như ĐH Concordia, Hult,...

    3. Hệ thống đào tạo của NetAcademy tốt hơn rất nhiều so với các chương trình đào tạo online của nhiều trường ĐH online trên thế giới.

    Với những người không có nhiều thời gian là lựa chọn tối ưu nhất chị ơi. Chứ đến lớp học thì lấy đâu ra thời gian.

    Miễn sao không phải mua bằng, mà học bằng chính năng lực của mình là ok đúng ko chị?

    Thanks and best wishes

    ReplyDelete
  2. Dear all,

    Tôi có nhận được một comment nặc danh với lời lẽ như sau:

    Tôi nghi ngờ bà này có mưu đồ bất chính. Hãy cẩn thận các độc giả nhé.

    Tôi đã delete vì nội dung trên không đáng để được lưu lại trên blog này.

    Cũng xin đề nghị các bạn vào đây phát biểu, kể cả comment trên đây của nặc danh, ngoài thái độ tôn trọng chủ nhà và những người khác, thì cần đưa ra chứng cớ cho các lập luận của mình.

    Đề nghị không đưa những phát biểu chụp mũ, vu vơ, gây rối dư luận!

    PA

    ReplyDelete
  3. Dear Nặc danh lúc 9:59 AM,

    Cám ơn những thông tin của bạn. Nếu có thể, bạn có thể cung cấp thêm một số thông tin dưới đây để những nhận định của bạn có trọng lượng hơn, được không?

    1. NetAcademy "rất có uy tín" (trích). Xin bạn cho biết căn cứ của nhận định này.

    2. ĐH Concordia và Hult là "khá tốt". Bạn có thể cung cấp thêm thông tin về những trường này không?

    3. "Hệ thống đào tạo của NetAcademy tốt hơn rất nhiều so với các chương trình đào tạo online của nhiều trường ĐH online trên thế giới" (trích). Bạn hãy cho biết là bạn so sánh NetAcademy với ai đưa ra nhận định này.

    4. Tôi đồng ý học online là lựa chọn tối ưu với những người đi làm. Nhưng một vấn đề đặt ra là ai quản lý chất lượng việc học, ví dụ: nếu người học không thực sự học mà nhờ người khác làm bài giúp hoàn toàn, thì ai có thể kiểm tra?

    Và đây chính là lý do mà các bằng online không được tin tưởng lắm.

    ReplyDelete
  4. Thưa cô, đây là kết quả em check trên website của CHEA về đại học Hult (gọi là đại học Hult có vẻ không hợp lý vì theo thông tin trên mạng thì chỉ có Hult International Business School) và đại học Concordia:
    http://www.chea.org/search/actionInst.asp
    http://www.chea.org/search/actionInst.asp
    2 trường trên đều được accredited.

    Tuy nhiên, theo ý kiến của em, điều này không hoàn toàn đảm bảo được hoạt động của Net Academy vì họ chỉ là một tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, không hề chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình đạo tạo, nếu chẳng may NetAcademy quan hệ với một trường ma thì chỉ có người học là bị thiệt thôi.

    Kotaro Wu

    ReplyDelete
  5. (tiêp theo)
    NetAcademy là ai, có thể nói được một cách khái quát: NetAcademy là một công ty với nền tảng giải pháp công nghệ sở hữu, họ đóng vai trò trung gian giữa một bên là “cung cấp dịch vụ giáo dục” (các trường) và một bên là “sử dụng dịch vụ giáo dục” (học viên). “Khoa học công nghệ” không thể kết luận mù quáng là “xấu”/ hoặc “tốt”; và “ứng dụng công nghệ” cũng thể nói được đơn thuần là “tốt”/ hoặc “xấu”, vai trò trung gian (môi giới)…có thể có những “ngôn từ” nhận định khác nhau!

    Và đối tượng phục vụ của NetAcademy là ai? – Là những học viên, người hơn ai hết hiểu rõ nhu cầu và khả năng của mình. Công nghệ thông tin ứng dụng trong giáo dục và đào tạo… tuy còn xa lạ với nhiều người nhưng cũng đã chứng tỏ được “ưu điểm” với nhiều người. Là những doanh nhân coi trọng tính lợi ích, tính phù hợp, tính cụ thể… thì chúng tôi không nói chung chung “… thông thường, những công ty như thế này…”. Và dẫu không có sự trợ giúp “chuyên nghiệp” nào thì thực tế chúng tôi vẫn không ngừng học hỏi!

    Và đối tác giáo dục của NetAcademy là ai? – Đó là những đại học ở những quốc gia có nền giáo dục được coi là tiên tiến! Và bởi vì NetAcademy là một công ty, họ có quyền lựa chọn phù hợp, do đó nếu họ có một đối tác giáo dục được đánh giá cao hơn một đối tác giáo dục khác thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng tôi được biết rằng các chương trình của họ đều đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, học tập và nghiên cứu theo phương pháp nào thì đều được cấp bằng theo một mẫu, và chỉ được cấp khi đã “đạt chuẩn”.

    Và… “đối thủ” giáo dục của NetAcademy là ai? – Câu này cũng thật khó trả lời, bởi vì e rằng sẽ ít nhiều “động chạm” (thượng vàng hạ cám), nhưng không thể bỏ qua (thuốc đắng giã tật). Uy tín của một cơ sở giáo dục không phải dễ dàng mà có, nhưng trước khi “uy tín cụ thể được khẳng định” thì những nền tảng của nó phải đủ vững. Nền tảng của nó phải đủ vững, ví dụ ý thức và khả năng tự chủ lựa chọn của người dân trong môi trường cạnh tranh toàn cầu như thế nào (!)? Và “uy tín cụ thể” (theo tiêu chuẩn quốc tế) - ví dụ với ĐHQG-HCM, với tư cách một người đang làm việc “chuyên môn” thì chị Phương Anh nghiên cứu hiệu quả như thế nào? so sánh khách quan như thế nào, tham mưu lãnh đạo sâu sắc như thế nào?...

    … Và dẫu cho “câu trả lời”… có trở nên khó khăn đến đâu thì tôi vẫn muốn hỏi to rằng: Nếu như giáo dục hiện nay “đã được công nhận là một loại dịch vụ, và nó có nhiều đối tượng phục vụ khác nhau”… thì liệu ai là người có thể ngăn cấm quyền tự do học tập và nghiên cứu của chúng tôi? - Không! Bởi vì cơm ăn áo mặc của chúng tôi và con cái chúng tôi ngày càng phụ thuộc “tri thức”. “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tộc bực, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.


    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  6. Các bạn đọc comment này trước, rồi đọc comment ngay bên trên sau.

    Sở dĩ thế, là vì khi nhận mail phần comment chờ kiểm duyệt, tôi vô tình delete nó đi mất. Sau đó, nhận phần 2 (ở trên), sau khi publish rồi mới thấy còn thiếu một phần. Tôi phải đi phục hồi lại mail đã delete để lấy lại nội dung này đăng lên, cho đầy đủ thông tin.

    Các bạn đọc dưới đây nhé.

    “TÔI CHỈ CÓ MỘT HAM MUỐN, HAM MUỐN TỘT BỰC…”


    Tôi là Thanh Thủy chủ một công ty ở Việt Nam, công ty của chúng tôi sau những năm tháng nỗ lực đã có được những vị trí nhất định trong lòng của công chúng. “Công chúng” bao gồm cả người nước ngoài (mọi ranh giới dường như ngày càng khó nhận ra). Tôi mở đầu như vậy không biết có đủ để nêu lên ý này: cần phải biết mình biết người trong đời sống, hay nói cách khác là không nên chỉ nhìn nhận vấn đề từ một phía. Nếu không chúng ta không tránh khỏi những suy nghĩ, những phát biểu, những quyết định… nóng vội, thiếu thuyết phục và không có lợi ích cho bất kỳ ai.

    Phải thừa nhận là sau một số năm thay đổi nhận thức toàn diện về kinh tế xã hội… thì đất nước ta chưa có được nhiều những công ty bước ra được ranh giới quốc gia. Điều các doanh nghiệp chúng tôi thiếu nhất đó chính là giá trị sức lao động của con người (bao gồm cả lãnh đạo doanh nghiệp). Dù sao chúng tôi vẫn hi vọng rằng, đất nước chúng ta sớm có được nhiều người lao động “danh tiếng toàn cầu” – trước khi có được nhiều những công ty “đi khắp thế giới”. Doanh nghiệp của chúng tôi rất cần tri thức, chúng tôi đang có những mục tiêu tri thức, nhân viên của chúng tôi có ý thức tự đổi mới!

    Vậy ai có thể thực sự giúp được chúng tôi, chúng tôi không cần những định kiến, chúng tôi cần những giải pháp phù hợp! Tôi không xa lạ gì với NetAcademy, sau một thời gian đủ gọi là lâu - tìm hiểu và thẩm định - tôi (và có thể những người khác) có những kết luận của riêng mình. Song nói chung hiện thực và xu hướng phân công lao động toàn cầu hiện nay cho chúng ta hiểu một điều rằng: Một sản phẩm/ dịch vụ có thể tích hợp giá trị từ rất nhiều người, từ rất nhiều tổ chức, từ rất nhiều quốc gia. Do đó thiết nghĩ không nên đặt vấn đề một cách “giới hạn”: “NetAcademy là ai?”

    Bởi vì có thể dẫn đến những nhận định sai sót (nhất là nhận định mà chưa có dẫn chứng), và cả những công kích bất kể đúng sai. Mà hãy nhìn nhận bao quát hơn, một cách khách quan: Đối tác giáo dục của NetAcademy là ai? Đối tượng phục vụ của NetAcademy là ai? Và… đối thủ giáo dục của NetAcademy là ai? v.v…Sau đó khả dĩ mới có thể kết luận “đảm bảo chất lượng” hay không? Có thể bỏ tiền sử dụng dịch vụ hay không? và… (nhà nước) có nên cấm hay không? v.v…

    (còn tiếp)

    ReplyDelete