http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-giao-Thu-do-thi-bang-A2-ngoai-ngu-da-so-truot-post174199.gd
Cô giáo Thủ đô thi bằng A2 ngoại ngữ, đa số ...trượt!
(GDVN) - “Nhiều giáo viên ở quận Hoàn Kiếm đã bỏ 3,2 triệu đồng đi học mong đạt được chứng chỉ A2, ai ngờ khi đi thi đa số bị trượt dài”.
20 người đi thi chỉ 4 người đậu
Việc học ngoại ngữ để đạt chuẩn theo Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non;
Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với giáo viên Tiểu học;
Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên Trung học Cơ sở;
Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên Trung học Phổ thông là một việc khó đối với đa số giáo viên.
Đạt chuẩn A2 đang là thách thức lớn đối với đa số giáo viên (ảnh nguồn giaoduc.net.vn). |
Học ngoại ngữ đòi hỏi người học phải dành nhiều thời gian, tiền bạc, cùng môi trường tốt mới mong có kết quả như ý muốn.
Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng có điều kiện để học và tiếp cận với tiếng Anh một cách bài bản, có hiệu quả.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì việc giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ còn trở nên xa vời chứ chưa nói đến vùng nông thôn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Hóa đơn thu tiền 64 triệu đồng tiền học ngoại ngữ (ảnh do chị H. cung cấp). |
Một cô giáo tên H., Hiệu Phó của một trường Tiểu học ở Hoàn Kiếm kể về chuyện học và thi chứng chỉ A2 với tâm trạng đầy âu lo:
“Trước đây, trường chúng tôi khi nhận được công văn của cấp trên về việc bổ sung bằng ngoại ngữ A2 thì ai nấy đều lo lắng.
Đặc biệt, những giáo viên ở tuổi trên 40 càng sợ hãi, đứng ngồi không yên. Chính vì thế, mọi người đều nghĩ cách làm sao có bằng để đối phó.
Qua môi giới của một trung tâm ngoại ngữ, họ giới thiệu chỉ cần ôn thi 10 buổi, người học có thể thi đậu bằng A2 và chi phí cho mỗi người 3,2 triệu đồng.
Cả hội đồng vui mừng khi biết thông tin, chỉ trong thời gian ngắn, 20 giáo viên trong trường đã nộp 64 triệu đồng cho trung tâm này và tiến hành đi học.
Kết quả khi đi thi tại Trường Đại học Ngoại Ngữ vào đầu tháng 10/2016 thì chỉ có 4 người đậu còn đa số thi trượt.
Đợt thi đó,có đến hơn 1.000 giáo viên từ khắp nơi về thi.
Tôi tin chắc rằng, chi phí số tiền bỏ ra để được đi thi của nhiều giáo viên ở xa phải lên đến gần chục triệu đồng nhưng kết quả thì trượt.
Sau khi biết kết quả, mọi người buồn rầu và tiếc số tiền mà mình đã bỏ ra nhưng không đạt kết quả như ý muốn”.
Khi những quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên ở các cấp học được bàn hành thì có tình trạng giáo viên lo lắng và tìm mọi cách để đối phó.
Nắm bắt tâm lý đó, nhiều nơi đã quảng cáo, đăng tin về việc ôn luyện, mua bán, chạy chọt bằng A2 để thu lợi.
Chị H. nói:“Về những quy định chứng chỉ ngoại ngữ và tin học mới.
Đối với chứng chỉ tin học, đội ngũ giáo viên trong trường của tôi đều đạt theo chuẩn yêu cầu.
Vì việc học tin học không quá khó, chỉ cần dành thời gian ôn luyện là được.
Trong khi, với chứng chỉ ngoại ngữ quả thực rất khó để hoàn thành.
Trong khi đó, thực tế những giáo viên dạy tiểu học, mần non, phổ thông nhu cầu về ngoại ngữ không lớn”.
Kể về chuyện đi học và thi ngoại ngữ, cô giáo Trần T.T (xin được giấu tên), đang dạy học ở quận Hoàn Kiếm trò chuyện với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ:
“Sau khi tiếp cận công văn về việc bổ sung bằng ngoại ngữ A2.
Ai cũng lo lắng, cuống lên để tìm cách đối phó.
Vì tin trung tâm ngoại ngữ quảng cáo thi là sẽ độ nên tôi nộp 3,2 triệu đồng cùng với 19 đồng nghiệp nữa cùng đi học.
Trung tâm giới thiệu là chỉ cần tổ chức học 10 buổi, ai thi cũng đậu nên mọi người hy vọng chuẩn hóa được bằng cấp một cách siêu tốc.
Nhưng khi đi học thì ngồi học trong một trung tâm tối tăm, ẩm thấp.
Việc học tổ chức ngoài giờ hành chính.
Chất lượng dạy và học không đạt yêu cầu nên khi đi thi sát hạch bằng A2 (theo khung châu Âu) vào đầu tháng 10 tại Trường Đại học ngoại ngữ thì đa số trượt”.
Lấy tiền, thời gian ở đâu để học bài bản?
Cô Nguyễn T.T. cũng cho biết:
“Việc học ngoại ngữ, nếu không tổ chức bài bản, chắc chắn khi tổ chức thi nghiêm túc giáo viên sẽ không vượt qua được.
Giáo viên ở trung tâm thủ đô Hà Nội còn thế, tôi tin rằng giáo viên ở các tỉnh thành khác còn khó khăn hơn gấp bội”.
Liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ đạt chuẩn A2, thầy giáo Mai Quốc Tuấn, ở Nghệ An còn thốt lên rằng:
“Trong khi, lương giáo viên đa số thấp nên muốn đạt chuẩn thì đó là một gánh nặng.
Nếu để nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho giáo viên nhằm phục vụ dạy và học cần có đề án và nguồn kinh phí hỗ trợ, cùng một lộ trình cụ thể.
Học phí học tại các trường sư phạm được miễn, trong khi giáo viên đi học ngoại ngữ để về phục vụ công tác giảng dạy tại sao không được miễn học phí.
Còn nếu, để giáo viên và nhà trường tự phát tổ chức học ngoại ngữ dẫn tới chất lượng không cao.
Thậm chí, còn tồn tại tâm lý dùng tiền mua bằng A2 như vậy là lãng phí”.
Qua thực tế tìm hiểu về học chứng chỉ A2 đang cho thấy, giáo viên nhiều địa phương thực sự gặp khó để thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Việc tổ chức học như thế nào để đạt hiệu quả, cần thiết phải được tư vấn rõ ràng chứ không thể để giáo viên, nhà trường “tự bơi” rồi nảy sinh ra tư tưởng mua bằng đối phó.
Câu hỏi đặt ra là giáo viên ở Hoàn Kiếm còn khó để đạt chuẩn vậy những nơi khác thì tính cách nào?