Wednesday, November 25, 2015

"Hỡi các giáo sư, xin hãy bình tĩnh" (Vietnamnet 25/11/2015)

Hỡi các giáo sư, xin hãy bình tĩnh!

 http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/274475/hoi-cac-giao-su--xin-hay-binh-tinh-.html

Nếu môn học nào cũng coi mình là “nhất” thì con trẻ ngày càng gù lưng vì chiếc cặp ngày càng nặng (hơn người) trong khi lượng tri thức lại rất nhẹ.

Ở ta, đang sôi sục nhất là chuyện môn Lịch sử khước từ vị trí tích hợp như các môn khoa học khác. Các lập luận bênh vực cho quan điểm này nói chung  mang tính chủ quan do chưa tìm hiểu kĩ về giáo dục liên môn/tích hợp.

Đã thật sự là môn khoa học chưa?

Trong khi đó, hầu như không vị nào trong giới GD lịch sử đề cập đến vấn đề cốt lõi quyết định sự sống còn, sự hấp dẫn và tính khoa học của môn Lịch sử - đó là sự trung thực và tính khách quan của sự kiện lịch sử nêu trong chương trình-sách giáo khoa (CT/SGK). Họ hầu như lảng tránh câu hỏi quan trọng nhất trong tất cả các câu hỏi liên quan đến môn Lịch sử là một khoa học: Môn Lịch sử đã thật sự là môn khoa học trong nhà trường VN chưa? 

Khi lí giải chuyện môn Lịch sử chưa hấp dẫn được học sinh, một GS phàn nàn vì thiếu tiền và phương pháp giảng dạy không tốt.
Giáo sư, môn Sử, Nguyễn Phương, trẻ em, thế giới, Hoàng Sa, Trường Sa, tài liệu
Ảnh minh họa: Dantri   
Ví dụ cần đưa học sinh đi thăm nghĩa trang Trường Sơn để có cảm nhận về cuộc chiến vì “ai đến đó cũng khóc”. Cứ theo lập luận kiểu đó, khi học về trận Trân Châu Cảng, chắc phải đưa học sinh VN đến Hawaii? Muốn học sinh cảm nhận về vụ Thảm sát Katyn, phải đưa học sinh đến khu rừng này? 

Xin thưa, không quốc gia nào có đủ khả năng chơi sang như vậy? Sách vở và các phương tiện khác đủ khả năng “đưa” người học đến tận nơi.

Nếu cho rằng thực trạng người học chán học, người dạy chán dạy môn Lịch sử là do phương pháp dạy thật ra là tìm... “con dê tế thần”. 

Cốt lõi của vấn đề là phương pháp tư duy về môn Lịch sử và nội dung CT/SGK môn này. Những lí giải thực trạng học sinh không thiết tha với môn Lịch sử đã được bàn nhiều rồi.

Lịch Sử trải dài nhiều nghìn năm

Hãy cùng nhìn vào phân bố nội dung CT/SGK môn Lịch sử từ trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) hiện hành và đề thi tốt nghiệp trung học -tuyển sinh đại học hàng năm sẽ thấy sự mất cân đối. 

Chúng ta thường nói lịch sử đất nước trải dài nhiều nghìn năm. Khi đọc CT/SGK môn Lịch sử hiện đang lưu hành, sẽ thấy tỉ trọng nội dung dành để nói về … 3930 năm (tức là tính đến 1930) không nhiều bằng nội dung  nói về giai đoạn từ 1930 được học ở cấp THCS và nhắc lại ở cấp THPT? 

Những nội dung quan trọng của 3930 năm này lẽ ra phải được giới thiệu đến người học vào cấp THPT, khi học sinh ở độ tuổi có khả năng nhận thức tốt nhất. 

Thế hệ người viết bài này và những thế hệ sau đó biết về Trần Phú nhiều hơn là biết về Trần Hưng Đạo. 

Thời đại nay đã khác xưa rất xa ở chỗ người đọc có nhiều phương tiện cùng phương pháp tư duy phê phán xem xét sự việc từ nhiều chiều một cách bình tĩnh. 

Vị trí môn Lịch Sử trong chương trình chung

Lịch Sử chỉ là một trong hơn 10 môn học trong hệ thống trường phổ thông VN, mọi gia đình có con đi học đều thấy rất nặng nề. 

Mọi môn học đều là phương tiện, giúp người học xây dựng vốn kiến thức cho mình, không có môn nào là mục đích tự thân. Nếu được coi là một khoa học thì nó cần được đối xử như các môn khoa học khác. Song, môn Lịch sử đã làm đúng và đủ chức phận là một môn khoa học hay chưa thì các GS hầu như ít nói tới. 

Nếu cần xác định môn học “quan trọng nhất” hiện nay thì môn học ấy phải là môn Sinh học: Xã hội đang cần rau sạch, gạo sạch.... Vì, theo Bộ Y tế, hiện nay hàng năm tại VN số người chết vì ung thư là 75.000, cao gấp 07 lần tử vong vì tai nạn giao thông (VietNamNet/17/11) do thực phẩm độc hại. 

Người ta trước hết phải sống đã mới đến trường để học môn Lịch sử! 

Nếu môn học nào cũng coi mình là “nhất” thì lưng con trẻ ngày càng gù thêm vì chiếc cặp nặng hơn người, trong khi lượng tri thức lại rất nhẹ.

CT/SGK chỉ là một trong rất nhiều phương tiện để giáo dục lịch sử. Khi người học (và cả người dạy) quay lưng, những người xây dựng CT/SGK  cần xem lại sản phẩm của mình thay vì vội vàng chụp mũ “quay lưng với lịch sử”. Mà quay lưng với CT/SGK môn Lịch sử cũng không đồng nghĩa quay lưng với lịch sử.

Các GS đã khẳng định Lịch sử là môn khoa học. Vậy, hãy để nó ở vị trí một môn khoa học như các môn khoa học khác. Và khi đã xác định nó là môn khoa học, câu hỏi tiếp theo là từ lâu nay nó đã xứng đáng là môn khoa học hay chưa?

Xung quanh chuyện bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT, có GS đề xuất kiến nghị lên “cấp cao nhất”. Nếu vậy, nó dễ khiến người ta cảm giác đây là chuyện cậy mình cậy mẩy của “con đẻ”, và môn Lịch sử đang đứng ngoài và đứng trên cộng đồng khoa học. 

Và cũng sẽ là vội vàng khi kết luận chương trình giáo dục liên môn/tích hợp có nghĩa là "khai tử" môn Lịch sử. 

Mong mỏi của xã hội 

Để Lịch Sử thật sự là môn khoa học thì tư duy về vai trò môn Lịch sử cần thay đổi, CT/SGK cần được xem lại một cách nghiêm túc để đảm bảo tính khoa học, đảm bảo mọi nội dung đưa đến cho người học và người đọc phản ánh sự thật khách quan. 

Nếu môn Lịch sử kiên định vai trò làm công cụ tuyên truyền, tự nó sẽ tiếp tục đánh mất vị trí đáng có của nó.

Thay vì kêu ca “lên cấp cao nhất”, chúng ta hãy cùng nhau làm cho môn Lịch sử có sức hấp dẫn qua những bộ sách có chất lượng. Còn, nếu chỉ đòi một chỗ trong chiếc chiếu giữa đình để rồi lại nhâm nhi những món đã cũ mòn.
Xã hội đang chờ đợi.

Saturday, November 21, 2015

Tiếng Anh của người Việt Nam đang ở đâu so với các nước láng giềng? (dựa trên kết quả TOEFL ITP 2014)

Lâu lâu lại có người hỏi tôi: Tiếng Anh của VN hiện nay đang ở đâu?

Well, câu hỏi này tốt nhất là hỏi Bộ Giáo dục, chứ tại sao lại hỏi tôi nhỉ :-) vì tôi chỉ là một bà già về hưu, làm sao có được các số liệu liên quan đến giáo dục VN he he ....

Tuy nhiên, câu hỏi ấy cũng làm tôi thắc mắc: Ừ, VN đang ở đâu chứ? Như tôi đây, đi học về giảng d rồi kiểm tra đánh giá tiếng Anh, xong bằng tiến sĩ cũng gần 20 năm rồi, vậy từ thời đó tới giờ mọi việc đã thay đổi nhiểu chưa. Well, theo tôi nghĩ thì hình như ... chưa!

Nhưng đó chỉ là tôi nghĩ. Còn muốn khẳng định thì ít ra cũng phải có số liệu. Mà phải là số liệu chính thức và khách quan cơ!

Vậy thì đây, may quá, tôi vừa tìm được báo cáo toàn cầu năm 2014 của ETS. Tha hồ mà so sánh nhé. Các bạn có thể vào đọc ở đây: https://www.ets.org/s/toefl_itp/pdf/toefl-itp-test-score-data-2014.pdf

Nói nhanh về TOEFL ITP: nó chính là TOEFL giấy, bản cũ xì từ lâu rồi, giờ không còn sử dụng để xét tuyển vào đại học nữa, nhưng ETS vẫn bán nó cho những ai có nhu cầu sử dụng để kiểm tra nội bộ. Vẫn chỉ kiểm tra 2 kỹ năng là nghe, đọc, kèm thêm ngữ pháp - từ vựng. Thang điểm của nó là thang sử dụng từ thời nảo thời nao, vẫn sử dụng thang cũ trong đó 500 TOEFL được xem là mức điểm tối thiểu để vào đại học, vv. Và ở VN, một số nơi vẫn sử dụng chứng chỉ này để công nhận trình độ, xét tốt nghiệp, cấp học bổng vv và vv.

Và đây là tóm tắt những kết quả có liên quan đến bài viết này (xin xem tựa bài viết).

Nhận xét:
1. Trong 14 nước, Philippines và Mã Lai đứng trong hàng 5 nước cao nhất. Đáng chú ý là Mã Lai không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai giống như Philippines, nhưng điểm vẫn cao (5 nước cao nhất có kết quả xấp xỉ 500 hoặc hơn, tức đủ điểm để vào đại học ở Mỹ).

2. Việt Nam đứng hạng 10/14. Thuộc 5 nước thấp nhất. Tất cả các nước này đều có điểm dưới 500 tức chưa đủ điểm vào đại học.

3. Không những thế, VN đang đứng trong một chùm 4 nước có điểm sát cạnh nhau (cách nhau đúng 1 điểm), trong đó đứng đầu là, hic, Campuchia (472), kế là VN (471), rồi Thái (470) và Myanmar (469). Cả nhóm 4 nước này quy ra điểm bách phân (tức là vị trí của nước đó so với các nước khác theo phân bố chuẩn) là 44%, tất nhiên là chưa đạt trung bình.

4. Tôi không có thêm ý kiến gì, ngoài một việc: Chúng ta vừa có thêm chứng cứ là Campuchia đã chính thức qua mặt VN.

Bài phỏng vấn PA trên Báo Giáo dục và Thời đại

Dẫn: Quanh vụ tích hợp hay không tích hợp môn Sử, tôi đã được nhiều nơi phỏng vấn, chỉ vì một lý do đơn giản: trong khi mọi người ầm ầm phản đối việc tích hợp môn Sử với các môn khác thì tôi là một trong số rất ít những người ủng hộ tích hợp.

Và báo Giáo dục và Thời đại, một tờ báo do Bộ Giáo dục làm chủ quản, đã thực hiện phỏng vấn tôi; âu cũng là điều dễ hiểu. Bài đã được đăng trên mạng và trên báo in số ra ngày hôm nay (tôi không đọc báo in nên sẽ không biết được là bài của mình được đăng nếu tôi không hỏi người đã thực hiện phỏng vấn).

Link dẫn đến bài phỏng vấn ở đây: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/neu-tich-hop-mon-su-cung-khong-the-bien-mat-1453776-v.html

Còn đây là bài gốc, chưa biên tập. Xin mời các bạn.
--------------


1. Với chủ trương tích hợp môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông thổng thể, là một người trực tiếp đứng lớp, có những nghiên cứu, quan sát, so sánh... quan điểm của cô là như thế nào?


Tích hợp là một quan điểm mới trong thiết kế chương trình giáo dục đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Tôi nghĩ, chủ trương tích hợp các môn học lại  với nhau là một chủ trương đúng của Bộ và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tất nhiên, để làm được điều này thành công không phải là dễ dàng, cần nhiều thời gian và công sức của nhiều người,và đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm học tập trong những nền giáo dục tiên tiến. Không dễ, nhưng cũng không thể vì thế mà không làm, vì đó là xu hướng chung và là sự tiến bộ của bộ môn khoa học về phát triển chương trình dào tạo.


2. Khi những tranh luận nổi lên việc tích hợp môn Sử, hay môn Sử đứng riêng... Nhiều người đã so sánh, rằng nếu thế thì không một môn nào tích hợp được, vì môn học nào cũng quan trọng... Cô nghĩ sao về điều này?


Tôi nghĩ, những người phản đối tích hợp chẳng qua là chưa nhìn thấy các nước đã làm việc này như thế nào mên mới cho rằng không thể làm. Chứ thực ra thì gần như bất cứ môn nào cũng có thể tích hợp, và theo tôi thì cần tích hợp (dù, xin nhắc lại, điều này không dễ).

Nếu chúng ta nhìn việc học như là sự chuẩn bị cho học sinh giải quyết những vấn đề của thế giới, thì rõ ràng là để giải quyết bất kỳ vấn đề nào cũng đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Tích hợp chính là nhằm đáp ứng yêu cầu này, và nó cũng làm cho việc học trở nên có ý nghĩa hơn, thú vị hơn đối với học sinh. Mới đây báo chí của VN có nơi đã đưa tin rất "giật gân" rằng Phần Lan đã bỏ môn toán, thực ra môn toán chỉ được tích hợp với môn khác mà thôi. Nếu điều này xảy ra ở VN, có lẽ các nhà toán học và các nhà sư phạm toán cũng sẽ la ầm lên rằng Bộ GD có âm mưu "xóa sổ môn toán" chăng - một môn quan trọng như thế! Tôi nghĩ, mọi người phản ứng chẳng qua là do chưa quen nên không tin tưởng mà thôi.



3. Cô có đề cập trên facebook cá nhân rằng nếu tích hợp môn Sử thì môn Sử cũng không thể biến mất, không thể bị xóa sổ! Xin hỏi cơ sở nào cô có thể khẳng định như vậy?


Lịch sử vốn có sự sống của nó bên ngoài môn Sử và độc lập với các nhà viết Sử. Vì lịch sử chỉ là những gì đã xảy ra cho những con người cụ thể ở những thời điểm trong quá khứ, đặc biệt là những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với một xã hội, một dân tộc, một nhóm người nào đó, và để lại những bài học cho những người có liên quan và cho toàn nhân loại. Thử tưởng tượng các xã hội bán khai, không có chữ viết, và tất nhiên là không có các nhà sử học, vậy chẳng lẽ họ không có sử? Không đâu, họ vẫn có chứ; lịch sử của họ được lưu giữ lại trong ký ức những người cùng thời, những người có liên quan hoặc những người đã tình cờ chứng kiến. Những điều ấy vẫn cứ còn trong ký ức tập thể của cộng đồng, và nó sẽ được truyền lại bằng cách bằng cách truyền khẩu qua lời mẹ kể lại cho con, được ghi lại bằng những bài thơ, những dấu tích hoặc vật thể mang ý nghĩa tượng trưng, hoặc những vị thần thánh vốn đại diện cho các nhân vật trong sự kiện lịch sử nào đó. Đấy, ngay cả khi không có môn sử thì lịch sử vẫn tồn tại qua các tượng thần, các hòn đá thờ, các câu chuyện, bài thơ ... tích hợp là ở đấy chứ còn đâu nữa!


4. Ta học hỏi các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác. Xin hỏi hiện trên thế giới có bao nhiêu quốc gia đã và đang tích hợp môn Lịch sử? Trong quá trình tiến hành đổi mới giáo dục, họ có gặp phải những khó khăn, hoài nghi như những gì đang diễn ra tại Việt Nam không?


Tôi không nghiên cứu về môn sử, lại càng không theo dõi các quá trình đổi mới theo hướng tích hợp trên toàn thế giới nên không thể trả lời câu này. Tuy nhiên ở những nền giáo dục mà tôi biết  - tôi chủ yếu biết về những nền giáo dục của các nước nói tiếng Anh - thì tôi đều thấy môn sử có được tích hợp vào môn khác (như Singapore, Mỹ, Úc, Canada). Cũng phải nói thêm là ngay cả ở các nước tôi vừa nếu thì vẫn tồn tại cả hai quan điểm: Môn sử cần là một môn học độc lập, và môn sử cần tích hợp lại với các môn học khác. Tôi cho rằng không có phương pháp nào thay thế được tài năng và lòng yêu nghề của người thầy, nên dù có tích hợp hay không thì người thầy vẫn là quan trọng nhất.


5. Thưa cô, phải chăng dù bàn tích hợp hay không, để riêng hay sáp nhập, thì điều quan trọng nhất vẫn chính là những người gắn chặt với nội dung giáo dục lịch sử: Học sinh học như thế nào, giáo viên dạy ra sao? Vậy đối tượng học sinh sẽ đóng vai trò như thế nào trong những tranh cãi này? Làm thế nào để dung hòa được những điều mong muốn của các bên liên quan trong môn Lịch sử, thưa cô?


Câu này đã được trả lời một phần ở trên. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là người thầy. Học trò yêu môn sử, thích môn sử hay không là do thầy truyền cho cảm hứng. Vì vậy tôi phản đối quan điểm vì môn sử quan trọng nên phải bắt buộc, phải độc lập, phải thi.... . Ngoài ra tôi cũng cho rằng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của môn sử trong nhà trường, mà còn là việc của cả xã hội. Sự tôn trọng lịch sử nước nhà có lẽ thể hiện rõ nhất qua văn học nghệ thuật, và qua các ứng xử hàng ngày của báo chí truyền thông. Nếu toàn xã hội đều coi thường lịch sử, ví dụ nếu các sự kiện lịch sử quan trọng như cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979 hoặc sự kiện đảo Gạc Ma đều bị cả hệ thống truyền thông im bặt đi, thì làm sao có thể trách thế hệ trẻ không quan tâm đến lịch sử nước nhà? (phần màu đỏ này đã bị kiểm duyệt cắt bỏ)

6. Được biết mỗi quốc gia có một cách làm khác nhau về tích hợp các nội dung môn học. Với góc độ cá nhân, theo cô, Giáo dục Việt Nam nên tích hợp như thế nào với môn Lịch sử? 


Tôi nghĩ là cần tích hợp, nhưng quan trọng hơn là cần làm một cách cẩn thận, với sự đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm và hiểu biết về việc xây dựng chương trình tích hợp.  Nếu chủ trương tích hợp của bộ không được nhiều người hưởng ứng thì cũng bởi vì bộ chưa tạo được niềm tin ở công chúng nói chung, qua một số việc làm nóng vội và chưa xem xét thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề. (phần màu đỏ này đã bị kiểm duyệt cắt bỏ)


Để tích hợp môn Lịch sử tốt nhất, khó khăn gặp phải theo cô sẽ là gì?


Tập hợp chuyên gia có kinh nghiệm và tôn trọng các ý kiến khác biệt,thuyết phục được các quan điểm trái ngược nhau để đi đến đồng thuận , đó là điều tôi mong đợi, và có thể cũng sẽ là điều khó khăn nhất.

Wednesday, November 18, 2015

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm (Đại đoàn kết, 18/11/2015)

http://daidoanket.vn/khoa-giao/gs-nguyen-minh-thuyet-tich-hop-kien-thuc-co-nhieu-uu-diem/75718

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm

Thứ Tư, 18/11/2015 10:31:00
Vị thế của môn học Lịch sử trong chương trình mới vẫn đang được tranh luận gay gắt. GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng góp một ý kiến cho rằng: Trong chương trình mới, việc học Lịch sử không có gì bất thường, không những thế vị trí của giáo dục Lịch sử còn được coi trọng hơn trước. 
GS Nguyễn Minh Thuyết.
“Ồn ào” là do những hiểu lầm
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tích hợp là một xu hướng dạy học có tính khoa học và thực tiễn trên thế giới hiện nay, nó góp phần thúc đẩy nhanh việc hình thành và phát triển năng lực của học sinh (HS). 

Nếu đọc kỹ dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT), chúng ta sẽ thấy môn Lịch sử trong CT này rất được coi trọng. Ở THPT, môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp kiến thức từ 3 hợp phần: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh.

Như vậy, nội dung giáo dục Đạo đức - Công dân, Lịch sử, Quốc phòng - An ninh đều là những nội dung giáo dục bắt buộc với tất cả HS cấp THPT. Bên cạnh đó, ở cấp học này, những HS theo định hướng KHTN còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa học Xã hội hoặc ở môn Lịch sử (TC2); những HS theo định hướng KHXH sẽ học Lịch sử như một môn trong định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, tất cả HS còn được học một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (TC3), nếu các em có nguyện vọng. 

Trước THPT, từ tiểu học lên THCS, HS vẫn được học những nội dung về giáo dục lịch sử. “Tóm lại, trong chương trình mới, việc học lịch sử không có gì bất thường, không những thế vị trí của giáo dục lịch sử còn được coi trọng hơn trước”.

GS Thuyết cho rằng: Những ồn ào xung quanh việc tích hợp nội dung Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc trong CT GDPTTT hiện nay là do sự hiểu lầm. Việc lên tiếng rằng môn Lịch sử bị loại bỏ, bị “khai tử” trong GDPT là phản ứng vội vàng. Tuy không tham gia biên soạn CT GDPTTT nhưng là người đã đọc kĩ, tôi phải đính chính là không phải số giờ dạy Lịch sử bị bớt đi, không hề có chuyện môn Lịch sử bị bỏ khỏi CTPT để tích hợp vào môn khác…

Hạn chế chỉ xảy ra khi tích hợp chưa đủ “độ”
Tiếp tục nêu ý kiến, GS Thuyết khẳng định việc tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Nói cho dễ hiểu, tích hợp giống như làm một món ăn. Thay vì dọn riêng món cà rốt sống, hành tây luộc, nước mắm, gia vị, thịt bò…, chúng ta xào tất cả với nhau thành một món ăn thì món ăn ấy sẽ đủ chất, đủ vị mà có thể ngon miệng hơn. Sự ngon miệng chỉ kém nếu người nấu kém tài hoặc mỗi người nấu vẫn muốn giữ riêng món độc lập của mình. 

Như vậy có nghĩa là, hạn chế trong tích hợp chỉ xảy ra nếu chúng ta không đạt được mức độ tích hợp cần thiết, khiến môn học thành nửa nọ nửa kia hay đơn giản là lắp ghép hai cuốn SGK lại với nhau.
Hạn chế thứ hai có thể xảy ra trong tích hợp là người dạy chưa được đào tạo để đáp ứng yêu cầu tích hợp. Vì hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn, nên chưa có người dạy được môn tích hợp. Dĩ nhiên để thực hiện điều này, ngay từ bây giờ các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo. Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có, vì vậy cũng chưa thể có giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm. Đó là hạn chế chung của các môn học tích hợp hiện nay.

Về tích hợp nội dung lịch sử, khi đọc CT GDPTTT, GS cho biết giải thích về môn Công dân với Tổ quốc tương đối rõ, và nhận định: “Tôi cho rằng khả năng tích hợp là hoàn toàn có thể và đó không phải là cơ hội duy nhất để HS học lịch sử nên chúng ta không sợ môn Lịch sử biến mất khỏi trường phổ thông. Còn về chuyện tốt hơn trước hay không, tôi cho rằng ít nhất sẽ tốt hơn ở việc những kiến thức phục vụ trực tiếp cho việc giáo dục công dân, hình thành người công dân yêu nước, hiểu biết trách nhiệm của mình trên cơ sở kiến thức về lịch sử, văn hóa, pháp luật”.

Nội dung dạy học phải đổi mới
Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến công chúng lo ngại về tính khả thi của việc học môn Lịch sử khi bị tích hợp vào môn học mới, Công dân với Tổ quốc? – GS Thuyết trả lời rằng: Tôi thấy không phải như thế. Cái chính là người dân thể hiện thái độ không đồng tình nếu CT GDPT mới bỏ môn Lịch sử. Nếu hiểu nội dung môn Công dân với Tổ quốc là giáo dục “những hiểu biết ban đầu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự và nghĩa vụ quân sự của công dân” như dự thảo CT GDPT mới thì môn học này không thể thiếu các kiến thức lịch sử.

Việc HS “thờ ơ” với môn Sử ngày càng gia tăng. Tại nhiều kỳ thi quốc gia quan trọng, số lượng HS đăng ký thi môn học này rất ít. Hay trong nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử đều bị đánh giá là thấp nhất với hàng chục nghìn bài thi dưới điểm trung bình, hàng trăm bài bị điểm 0 và điểm liệt … Theo GS Thuyết, ít nhất có 3 lý do: Thứ nhất, THPT là cấp học định hướng nghề nghiệp. Phần đông HS chọn định hướng KHTN vì diện tuyển sinh đại học khối KHTN rộng hơn, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp và cơ hội nâng cao thu nhập sau khi có việc làm dễ hơn các khối KHXH, thể thao, nghệ thuật. Vì định hướng KHTN nên HS không đầu tư thời gian vào môn Lịch sử.

Thứ hai, SGK Lịch sử viết một chiều, nặng về số liệu, nhiều thầy cô dạy nhàm chán, không khơi dậy được hứng thú của HS với môn học này. Trách nhiệm này thuộc về các thầy cô, về người viết SGK. Nhưng trách nhiệm rất lớn, không thể thoái thác thuộc về các nhà nghiên cứu lịch sử, viết chính sử quốc gia. Bởi vì người viết SGK phải viết theo chính sử, không thể nào viết khác. Mình trách những người viết SGK khi viết về lịch sử Việt Nam chỉ thiên về lịch sử chiến tranh, ít nói về lịch sử kinh tế, văn hóa, ít nói về những cách nhìn nhận khác nhau mà mới chỉ nói thuận chiều,… Nhưng trách thế chưa chắc đã đúng. Bởi vì dù có tư liệu hay chính kiến khác, người viết SGK cũng phải dựa trên nền kiến thức được phần đông xã hội, giới chuyên môn, Nhà nước chấp nhận. 

GS Thuyết đưa ra góp ý: Trong hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, phải tính đến những thay đổi cho phù hợp. Trước hết là nội dung dạy học phải đổi mới. Dĩ nhiên đã nói đến lịch sử, đến các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc hay nói về thành tựu kinh tế, văn hóa, vẫn phải có số liệu nhưng người dạy, người kiểm tra đừng nặng về số liệu hay diễn biến mà cần phải giúp cho HS có một cái nhìn khái quát và rút ra bài học từ trong lịch sử, đó mới là điều quan trọng. 

Bên cạnh đó, nội dung dạy lịch sử phải tránh khô khan, đơn điệu, một chiều. Nhưng điều này một mình Bộ GD-ĐT không làm được, một mình người viết sách không làm được, mà nó còn phụ thuộc vào thành tựu nghiên cứu của ngành Sử học nói chung. Nếu không có thành tựu nghiên cứu về lịch sử kinh tế, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần thì người viết SGK không lấy đâu ra kiến thức để viết. 

“Về phía các thầy cô dạy Sử ở trường phổ thông, tôi hy vọng trong CT sắp tới, bên cạnh môn học Lịch sử còn một số chuyên đề sâu về Lịch sử thì những chuyên đề đó có thể được học tại bảo tàng, những nơi diễn ra sự kiện lịch sử, xem phim tài liệu, phim nghệ thuật về những giai đoạn lịch sử, nhân vật lịch sử,… điều này sẽ tạo hứng thú cho HS. Tuy nhiên đây là điều rất khó khi chúng ta hạn chế về tài chính, giao thông, con người…

Cuối cùng, để giới trẻ mê lịch sử hơn thì cần có sự hỗ trợ của văn hóa - nghệ thuật. Nếu chúng ta có nhiều thơ hay, truyện hay, phim hay, nhạc hay… về các thời kì lịch sử, các nhân vật lịch sử, các chiến công trong lịch sử thì chẳng những giới trẻ mà toàn dân đều hiểu sử, yêu sử hơn” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.  
 Hạ Thanh (ghi)

Tuesday, November 17, 2015

Con gái tôi học Sử ở Mỹ như thế nào?

Chép lại status đã đăng trên facebook.
--------------------
Con gái tôi đang học đại học ở Mỹ. Học kỳ này, nó học môn Lịch sử Mỹ như một môn học bắt buộc và độc lập trong số các môn chung cho mọi sinh viên của trường.

Chỉ mới gần một học kỳ thôi, mà đã thấy nó hiểu biết rất nhiều về lịch sử nước Mỹ rồi. Không chỉ là biết những sự kiện, mà là hiểu những vấn đề (issues) của nước Mỹ (người da đen, người nhập cư, giải phóng phụ nữ, quyền con người, kỳ thị chủng tộc, vai trò của nước Mỹ trong hai cuộc thế chiến, vị trí nước Mỹ hiện nay trên thế giới ...).

Nó phải làm bài rất nhiều: quiz để kiểm tra kiến thức sau mỗi chương, viết bài luận sau khi học xong một giai đoạn lịch sử, và, quan trọng hơn cả, là phải thảo luận về bài học, tự đưa ra quan điểm và lập luận, chứng cứ lich sử để bảo vệ quan điểm của mình.

Nó có thích học môn ấy không? Không phải là quá thích, vì phải thảo luận và viết bài mà nó thì tiếng Anh chưa giỏi. Nhưng cũng không ghét, thậm chí đôi khi rất hào hứng khi nói lên một vấn đề nào đó mà nó quan tâm và có quan điểm riêng. Ví dụ, việc sở hữu súng ở Mỹ, nên hay không nên? Và để bảo vệ quan điểm của mình khi tranh luận, nó phải đọc rất nhiều.

Nó, một đứa bé vừa qua sinh nhật 18 tuổi cách đây chưa đầy 1 tháng. Nó, một đứa đã học hết 12 năm học ở phổ thông của VN, và chỉ mới học ở Mỹ có gần 3 tháng. Nó là người VN, và tiếng Anh không quá giỏi (nói đúng là hơi yếu, chỉ mới 5.5 IELTS khi được nhận vào trường). Và học sử ở VN bằng tiếng Việt, còn sử Mỹ thì học bằng tiếng Anh là thứ tiếng nó không rành.

Vậy mà tôi cam đoan là nó đã hiểu về lịch sử nước Mỹ (và vì thế, có lẽ có chút yêu, có chút phục ... nước Mỹ) hơn là nó hiểu về lịch sử VN rồi đó. Ừ thì lịch sử VN nó cũng ... thuộc theo SGK (điểm thi sử toàn 9, 10), nhưng bảo là hiểu, bảo là yêu, thì chắc chắn là không.

Tại sao thế? Đó là câu hỏi mà mọi người cần phải trả lời, và mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Riêng tôi, qua những lần trao đổi với con gái, tôi thấy điều làm cho nó thích thú nhất là quyền được đưa ra quan điểm và bảo vệ quản điểm của mình, miễn là có lập luận và chứng cứ lịch sử thuyết phục. Không bắt buộc phải theo một quan điểm có sẵn và được áp đặt lên nó.

Còn ở VN? Con gái tôi có lần kể với tôi rằng hồi học về sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu (trong môn Sử thế giới), có một đứa bạn trong lớp nó (một cậu con trai lúc ấy mới 16 tuổi hơn) có giơ tay hỏi: Thưa cô, trên thế giới bây giờ chỉ còn có mấy nước theo CNXH, trong đó có VN mình. Nhưng mà mấy nước này đều nghèo, chỉ có TQ là hơi kha khá. Vậy VN có nên theo CNXH nữa không?

Một câu hỏi theo tôi là rất ngây thơ và là một thắc mắc tự nhiên của một cậu bé có quan sát và quan tâm đến các vấn đề của thế giới. Không có hàm ý gì cả.

Và, tất nhiên rồi, cô giáo giận tím mặt, và mắng cậu bé là "phản động". Rồi thôi, nói sang chuyện khác, và không trả lời câu hỏi của cậu bé.

Con bé tôi khi kể lại còn bình phẩm thêm; Thằng đó nó gan ghê, dám hỏi câu đó. Nhưng mà cô mắng nó cũng không đúng, tại nó hỏi như vậy vì nó thắc mắc thật mà. Cô phải trả lời chứ, trả lời sao cũng được, hoặc nói là cô không có thẩm quyền để trả lời, chứ sao lại mắng nó?

Các nhà sử học, các nhà sư phạm, các nhà chính trị của VN có suy nghĩ gì về điều tôi vừa nói hay không?

Tích hợp môn Sử vào môn học khác có làm mất sử?

Nhiều người đang nhao nhao phản đối việc tích hợp môn sử với môn khác. Trong một số lý do được đưa ra, có lý do xem ra được nhiều người ủng hộ và có vẻ có trọng lượng nhất, đó là: Tích hợp đồng nghĩa với xóa sổ môn sử.

Có đúng như vậy không? Tôi nghi ngờ quá.

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia thực hiện tích hợp môn sử với các môn khác. Chính là để cứu môn sử khỏi rơi vào tình trạng khô khan, vô nghĩa đối với người học khi bắt người trẻ học về những sự kiện xa xưa do những con người xa lạ thực hiện ở những vùng đất xa xôi, và vì nó chẳng có vẻ gì là liên quan đến cuộc sống của người trẻ hiện nay nên họ không thể nào nhớ nổi nếu không học bằng cách ngồi tụng trước các kỳ thi, để sau đó là xé nát sách vì căm thù khi học và mừng rỡ khi thoát nạn.

Xin mọi người hãy đọc bài này: Tại sao học sinh ghét sử? Bài viết của một thầy giáo, rất đáng suy ngẫm. http://www.edweek.org/ew/articles/2015/09/23/why-do-students-hate-history.html

Và hãy ghi nhận: Bất cứ ai dạy sử thành công cũng đều phải sử dụng phương pháp tích hợp, dù môn sử có được tích hợp vào môn khác hay đứng riêng một mình. Ví dụ, nói về thời Hùng Vương thì nhất thiết phải cho các em xem hình ảnh đền Hùng ngày nay, nói về địa điểm du lịch này, nói về vùng đất Phú Thọ, vv rồi mới dẫn dắt đến những nhân vật thời xa xưa ấy. Tức là nói một chút về văn hóa, về địa lý, có thể cả văn học nữa nếu có, rồi mới dẫn đến nhân vật lịch sử, thời đại lịch sử.

Và khi dạy địa, dạy giáo dục công dân, các thầy cô giáo khác mà muốn thành công cũng phải làm tương tự. Vì bản chất kiến thức là tích hợp. Chúng ta không thể sống trên đời này và làm việc gì có ích, giải quyết được những vấn đề của chính mình và của xã hội, nếu chúng ta chỉ biết độc có một thứ, dù thứ ấy rất quan trọng và dù chúng ta biết rất chuyên sâu đi chăng nữa.

Vì ai cũng phải tích hợp, nên người ta đổi cách thiết kế chương trình và tích hợp nhiều môn lại thành những chủ đề tổng hợp đụng chạm đến kiến thức liên ngành, có thế thôi. Nó không dễ làm nhưng nếu làm được thì rất có hiệu quả, như các nhà sư phạm trên thế giới đã chứng minh (hoặc chính tôi đã có chứng tỏ trong ví dụ ở trên).

Vậy nếu tích hợp không làm cho mất sử, nhưng việc mất sử (người trẻ không còn biết gì về lịch sử nước nhà) là một mối đe dọa có thật, vậy điều ấy là do đâu?

Tôi có viết vài dòng trên facebook, muốn được chia sẻ với mọi người ở đây. Tôi viết nhân thấy cái tựa bài báo và vài dòng dẫn nhập trên tường của tôi. Bài báo này đây: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151117/ai-tra-loi-cho-nguoi-dan-viet-cau-hoi-dang-cay-nay/1004281.html
--------------------
Ai, cái gì đã làm cho chúng ta mất sử?
--------------
Tôi chưa đọc vì mạng chậm quá, nhưng đã nhìn thấy câu hỏi trên báo Tuổi Trẻ kèm mấy câu dẫn hiện lên trên tường nhà tôi, đại khái (không phải là trích dẫn nguyên văn): "Chúng ta đã mất nhiều thứ và giờ lại sắp mất thêm môn Sử. Vì sao? Ai trả lời cho người Việt câu hỏi đắng cay này?"


Tôi hy vọng người viết không cho rằng vì tích hợp môn Sử vào một số môn khác mà chúng ta mất sử. Chính người viết cũng đã nói rằng lịch sử là lịch sử, và không bao giờ chúng ta có thể mất lịch sử được. Điều này thì tôi hoàn toàn đồng ý, vì từng người chúng ta phải biết dạy cho con cái mình lịch sử của chính mình, và đó là một phần lịch sử đất nước mình.

Và nếu đúng là người viết không đổ lỗi cho việc tích hợp làm mất môn sử, chỉ nhân cớ tích hợp để nói lên sự đau đớn về việc mất (từng phần của) lịch sử, thì tôi thấy hoàn toàn có thể đồng tình với người viết.

Chẳng hạn như tôi. Đối với tôi, lịch sử của người Việt hiện đại phải gắn với 2 chiến dịch di cư vĩ đại là năm 1954 và 1975, chưa kể là cần phải có cả cuộc di dân trên biển sau năm 1975 nữa. Bởi gia đình tôi, người thân của tôi, và cả bản thân tôi nữa, đã trải nghiệm những giây phút lịch sử ấy. Nên những con người, những hình ảnh, sự kiện và ý nghĩa của những sự kiện ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi và vẫn được truyền cho con cái, bạn bè.

À, nhân tiện, phần lịch sử ấy không được truyền như một môn học độc lập, mà nó được truyền lại, vâng ạ, một cách tổng hợp, qua những câu chuyện tôi kể lại cho con cháu hay những trao đổi giữa vợ chồng tôi khi ăn cơm, khi xem TV, khi nhận thư của người nhà, khi đi chơi đến những địa danh gợi nhớ. Đấy, tích hợp đấy, chứ đâu nữa ạ.

Phần lịch sử rất quan trọng với tôi như một nhân chứng của một thời, hiện nay hoặc không được đề cập chút nào trong sách giáo khoa mà con tôi học, hoặc được đề cập hoàn toàn khác lạ với những gì tôi trải nghiệm.

Vậy có thể nói là tôi đã bị tước mất lịch sử hay không? Và hàng triệu người VN giống như tôi nữa?
Vậy thì, vấn đề có phải là tích hợp hay không tích hợp mà người ta mất sử hay không? Hay chính là tâm thức, là mục tiêu, là triết lý, là sử quan lấy người chiến thắng làm trung tâm, và kiểu giáo dục áp đặt một chiều, ấy mới là thủ phạm làm cho ta mất sử?

Và, theo cách nhìn và cách hiểu của tôi, thì sự độc quyền chân lý trong tay các nhà sử học phục vụ chính trị, chính là căn nguyên của tình trạng hiện nay. Chứ không phải là sự tích hợp hay không tích hợp đâu ạ.

PS: Tôi ủng hộ có tích hợp, nhưng tích hợp không phải là giải pháp toàn năng. Vấn đề là chúng ta muốn gì khi dạy sử, và chúng ta sẽ dạy cái gì. Còn dạy như thế nào, chuyện ấy không phải là quá lớn.

Monday, November 16, 2015

Có thể tích hợp môn Sử vào môn học khác? (3): Ông DTQ thất vọng về Bộ, còn tôi thì thất vọng về ông DTQ

Đang quan tâm đến cuộc tranh luận về môn lịch sử (có thể tích hợp nó vào môn khác được chăng?), tôi bỗng nhìn thấy tựa bài báo này liên quan đến đúng điều mà tôi quan tâm. Không những thế, nó còn có cái tựa rất thu hút: "Thất vọng với phát biểu của Bộ Giáo dục."

Tôi vội vào đọc lướt qua, và nhìn thấy một đoạn khiến tôi phải viết bài này, với cái tựa như các bạn đã thấy ở trên. Với tư cách phó chủ tịch hội sử học, ông DTQ phát biểu như sau:


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/that-vong-voi-y-tuong-bo-mon-lich-su-20151107221139307.htm

Không thể lãng quên lịch sử
“Chúng tôi chia sẻ với mong muốn của Bộ GD-ĐT là tìm một giải pháp tốt nhưng cung cách làm của bộ gây ra sự không yên tâm. Đặc biệt, tích hợp mới chỉ là ý tưởng mà chưa có một thử nghiệm hay giáo trình, phương hướng cơ bản nào. Đây chỉ là dự án của một nhóm tác giả do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, chưa từng được lấy ý kiến rộng rãi mà đã tuyên bố như công cụ để thay thế. Không phải giới lịch sử chúng tôi đề cao môn học này mà bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản” - ông Dương Trung Quốc nhìn nhận.

Ông DTQ thất vọng về Bộ. Còn tôi thì thất vọng về ông DTQ. Ông ấy nói như vậy có nghĩa là ông ấy chưa bao giờ biết ở nước ngoài người ta làm gì với môn lịch sử cả. Cứ nghe tích hợp là dãy nảy \lên, cho rằng như thế là "xóa sổ" môn lịch sử.

Tôi cũng thất vọng là ông ấy đòi Bộ phải hỏi ý kiến Hội sử học trước khi quyết định tích hợp. Thưa, hội sử học là những người nghiên cứu sử, tức là phần nội dung. Còn bộ giáo dục làm chương trình và SGK là chuyện liên quan đến phương pháp, là chuyên môn sâu của dân sư phạm mà bộ phải là người nắm vững nhất. Nhưng ông DTQ dường như không phân biệt được các vai này, nên cứ phán lung tung cả lên. Và, để có thêm trọng lượng cho phát biểu của mình, ông ấy cứ lôi sự quan trọng của môn sử, của tình hình đất nước ra, để cản trở không cho bộ đổi mới PHƯƠNG PHÁP (chứ không phải nội dung) dạy sử. Không nghe lời ông ấy thì ông ấy bảo là xóa bỏ lịch sử, là quên truyền thống cha ông, vv và vv.

Thế thì, xin hỏi ông là lâu nay môn sử dạy không thành công dù không hề tích hợp, vậy mà bây giờ cứ giữ nguyên như thế thì nó có thành công hơn không? Nếu không nên dạy như cũ, mà sáng kiến của Bộ đưa ra thì các ông phản bác, vậy ông phải đưa ra giải pháp nào khác đi chứ?

Bực, bực là!

Đây, chương trình khung "môn xã hội" - một môn tích hợp tất tần tật mọi môn xã hội vào trong một môn - của bang Ohio, năm học 2014-2015: http://education.ohio.gov/Topics/Ohios-Learning-Standards/Social-Studies
----------------
Dưới đây là những đoạn tôi đã viết lăng nhăng trên fb sáng giờ về chủ đề này, nay chép lại để khỏi quên:

1.
Họ chụp mũ Bộ Giáo dục ghê quá!

Tôi chẳng biết nội dung chương trình tích hợp môn sử với một môn mà nghe tên có vẻ giống môn giáo dục công dân do Bộ Giáo dục phác thảo ra có gì ở trong khiến người ta phản ứng như vậy, nhưng nếu chỉ dựa vào việc tích hợp các môn học lại với nhau mà phán rằng việc ấy là tùy tiện, vô căn cứ thì xin thưa với quý vị rằng thế giới người ta đã làm lâu rồi, chứ có mới mẻ gì đâu.

Ví dụ, việc dạy môn giáo dục công dân thường là rất khô khan (ở đâu cũng thế, riêng ở VN thì khỏi nói rồi), nên trên thế giới người ta dạy theo các chủ đề mang tính tổng hợp, ví dụ, chủ đề "người dân tộc thiểu số ở VN", trong đó tích hợp luôn cả lịch sử, cả địa lý, và cả văn hóa vào nữa. Thông qua đó, dạy cho học sinh sự hiểu biết về quê hương mình (đẹp đẽ, thú vị, đa dạng, hào hùng, ví dụ thế), rồi ý thức về dân tộc tính và lòng yêu nước, muốn bảo vệ tổ quốc .... 

Chắc chắn là học như vậy sẽ hay và hiệu quả hơn học từng bài sử rời rạc, theo kiểu hồi đó ở chỗ đó (chả biết chỗ đó là chỗ nào, chỉ học thuộc lòng cái tên thôi) có xảy ra chuyện đó do mấy người đó đó (chả biết là ông nào bà nào) làm ra, ý nghĩa của việc đó là như thế này thế này, tụng đi các con để mà trả bài trong những môn thi rồi lấy điểm ghi vào học bạ cho nó đẹp.

Xin thưa với các vị rằng nếu không chịu thay đổi mà cứ giữ khư khư như hiện nay thì chính các vị đang giết chết môn sử đó. Chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới rồi. Tôi có kinh nghiệm đi học ở nước ngoài, lại học về giáo dục, đây là vấn đề mà tôi quan tâm, tôi có tìm hiểu nên tôi biết, trời ạ!!!!

Không, tôi không bênh vực Bộ Giáo dục làm gì cả, vì tôi về hưu rồi (hồi còn đi làm tôi còn chẳng bênh nữa là!). Tôi cũng không tin rằng với cách làm lâu nay của Bộ Giáo dục thì bộ sẽ làm được một bộ giáo trình tích hợp hay và nhanh chóng để phục vụ chương trình đổi mới. Nhưng thay vì cùng ủng hộ chủ trương đúng đắn ấy và cùng với Bộ tìm ra lối thoát, thì các vị ấy (toàn cây đa cây đề ngành sử) lại buông ra những lời mang tính chụp mũ. Đem lòng yêu nước cùng sự trung thành với truyền thống ra mà dọa thì còn ai dám hó hé gì nữa các vị ơi.

Thôi được. Tôi mà là Bộ Giáo dục thì tôi sẽ ... dỗi, mặc kệ mấy người. Cứ dạy như cũ đi, cho học sinh nó tha hồ chê trách, nhiếc móc, cười cợt. Và cứ để cho học sinh nó vỗ tay reo hò khi nghe thấy trong kỳ thi tốt nghiệp không có môn sử, cứ để cho học sinh xé nát đề cương môn sử thả xuống sân trường đi. Các vị ấy muốn vậy mà.

Còn nếu ai tò mò muốn biết ở nước ngoài người ta làm cái gì mà tôi mạnh miệng thế, thì đọc thử bài này, trong đó người ta cải cách việc giáo dục công dân (và các môn xã hội nói chung) bằng cách tích hợp. Cụ thể, người ta tích hợp cả công dân, sử, địa vào chung một môn đây này, ai tin thì đọc ai không tin thì ... tự nhận hậu quả thôi.

(Có lẽ tôi phải nhanh chóng chuyển sang làm một nghề mà trước đây tôi đã được phân công làm nhưng rồi từ chối: Nghề tư vấn du học. Vì coi bộ cải cách giáo dục phổ thông ở VN còn khó khăn lắm, với mấy vị bô lão hùng hồn chụp mũ như thế này!)
Ôi quê hương biết mấy tự hào, hu hu hu!!!!
-----
PS: Muốn biết "họ" là ai, cứ tìm đọc báo về vụ này, ắt sẽ hiểu thôi.

2.
Bài này là bài duy nhất hợp lý trong cuộc tranh luận ầm ĩ hiện nay về môn sử. Tôi hoàn toàn ủng hộ.
--------------
Trích:
Thực ra, giáo dục lịch sử, giáo dục về ngôn ngữ và những môn học thứ khác cho học sinh cũng chỉ là phương tiện thôi. Điều đạt được là nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của nó. Khi trao đổi về vấn đề tích hợp, nên phân biệt rõ điều này.


Ngoài ra, môn học nào, kiến thức nào là nội dung, còn hình thức thực hiện nội dung là một chuyện khác. Cuối cùng, phải xem xét tích hợp hay không tích hợp thì tốt. Nếu để dạy về lòng yêu nước, một môn học riêng biệt khó mà thực hiện tốt nhiệm vụ ấy. Thí dụ, lịch sử không kết hợp với văn học chưa chắc đã phải là hình thức giáo dục lòng yêu nước tốt nhất. Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” là một áng văn hay, nhưng lại rất có giá trị giáo dục về lịch sử và lòng yêu nước. Đôi khi, kiến thức tích hợp của nhiều môn học như lịch sử, văn học, địa lý phối hợp lại mới tạo được một cơ sở để thực hiện tốt nhất mục đích là giáo dục lòng yêu nước.
---------
PS: Riêng câu chót, tôi xin đổi từ "Đôi khi" (ở đầu câu) thành "Hiện nay các nhà sư phạm trên thế giới đã khẳng định rằng". Vâng, tôi nói với tư cách một người được đào tạo về giáo dục nói chung (và giáo dục ngôn ngữ nói riêng), và xin nhận mọi trách nhiệm về tôi. Ai ném đá xin cứ ném đi ạ.

Chỉ muốn hỏi các nhà sử học và các nhà giáo dạy môn sử một vài câu nho nhỏ:

- Lâu nay môn sử vẫn đứng độc lập, không hề tích hợp. vậy học sinh VN có yêu mến môn sử và có lòng yêu nước và tự hào dân tộc hay không? Hay càng ngày càng mờ nhạt?


- Không lẽ chỉ có một mình môn sử được trao cái trách nhiệm nặng nề là giáo dục lòng yêu nước thôi à? Các môn xã hội , nhân văn khác chẳng lẽ không giáo dục lòng yêu nước? Ví dụ, nếu các vị bắt thi sử như một môn bắt buộc, và môn sử thì đầy những bài học tự hào về quá khứ hào hùng, về dân tộc vinh quang, nhưng khi các em bước ra khỏi cổng trường thì rác vứt đầy đưòng, cướp giựt khắp nơi, người trẻ mở miệng là văng tục, nhìn đểu là đâm nhau, dân thì bị côn đồ hành hung khi chỉ cần chạy xe làm văng bụi bẩn, thì các em có tự hào dân tộc và yêu nước hay không?


- Nếu có ai đó nói rằng lòng yêu nước hiện nay giảm sút, thì các nhà sử học và các nhà giáo dạy sử có nhận đó là trách nhiệm của mình hay không. và họ có đang làm gì để cải thiện tình hình không? Hay chỉ đổ cho Bộ giáo dục và xã hội rằng mọi thứ tệ quá, tệ quá, và tất cả là do mọi người coi thường môn sử? Thế trước khi bị coi thường thì các nhà sử học và các nhà sư phạm dạy môn sử ở đâu mà không làm cho tình hình tốt lên trước khi quá muộn?


- Thế nếu thế giới người ta bảo tích hợp chính là giải pháp để học sinh không chán môn sử (tôi, người viết status này, có thể nêu rất nhiều ví dụ trên thế giới) thì các vị nói sao? Nếu các vị nói như thế là sai thì giải pháp của các vị để nâng cao vị thế của môn sử và hiệu quả của việc dạy sử là gì, các vị có thể nói ra cho mọi người biết hay chăng? Hay các vị cho rằng hiện nay mọi thứ đã hoàn hảo?


Rất mong các vị đang tranh cãi rất hăng với Bộ GD trả lời cho nhà em biết cho bớt ngu ạ!

http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/27972102-giao-duc-long-yeu-nuoc-moi-la-muc-dich-cua-mon-lich-su-tich-hop.html  

3.
Nhà nghiên cứu lịch sử, hay còn gọi là nhà sử học, thì cần nghiên cứu lịch sử sao cho lịch sử đúng là lịch sử như nó đã là. Không cắt xén, thêm thắt, che đậy, tô hồng.

Hội đồng chương trình và sách giáo khoa thì cần thiết phải đưa ra được những kết quả mong đợi mà chương trình giáo dục cần đạt. Ví dụ, dạy cho học sinh những hiểu biết căn bản về lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước, cũng như những hiểu biết về các ngành khoa học tự nhiên, về thế giới quanh ta. Và sắp xếp các nội dung theo một trình tự hợp lý nhất. Hội đồng ấy tất nhiên cần đa ngành, phải làm việc cật lực, có nhiều tranh cãi (các nhà khoa học tranh cãi với nhau, không phải bạ ai cũng có thể có ý kiến, và không nên có các nhà chính trị ngồi trong ấy. Xin trả khoa học cho người làm khoa học.)

Còn hội đồng viết sách giáo khoa và các nhà sư phạm (phương pháp) thì cần bàn xem với những mục tiêu và nội dung cần dạy thì phải làm cách nào để người học có thể học hành có hiệu quả nhất. Tích hợp hay không tích hợp nằm ở chỗ này. Và riêng về mặt phương pháp soạn sách giáo khoa cũng như phương pháp giảng dạy thì tích hợp là một tiến bộ. Không có lý gì tự nhiên lại gạt bỏ nó, trong khi chúng ta đã đặt vấn đề đổi mới và tích hợp từ nhiều năm nay rồi.

Một khi đã quyết định tích hợp và có sách giáo khoa tích hợp thì chẳng có môn nào mất đi mà chỉ là thay đổi cách lên lớp. Các giáo viên bộ môn Sử, Địa, Công dân có thể cùng ngồi bàn bạc trên một cuốn SGK mang tính tích hợp, để sau đó dù ai có chuyên ngành hẹp nào thì cũng có thể lên lớp giảng dạy môn học tích hợp của 2, hoặc 3, bộ môn riêng lẻ trước đó. Vâng, có gì là khó đâu ạ, kiến thức phổ thông, các em học sinh hiểu được thì tại sao thầy cô của họ dù không được dào tạo sâu về ngành đó nhưng có chuẩn bị bàn bạc (và giáo trình có sẵn) lại không dạy được cơ chứ?

(Tất nhiên, sau khi đã có chương trình tích hợp thì có thể đào tạo giáo viên mới sao cho có thể dạy tốt các môn tích hợp như vậy - đây là chuyện sẽ phải nghĩ đến cùng lúc với việc soạn lại chương trình.)
Tóm lại, tích hợp là điều nên làm, điều quan trọng là làm như thế nào, chuẩn bị ra sao, đặc biệt là hai khâu trước đó đã làm đến đâu, đồng thuận hay chưa thôi.

Các vị cây đa cây đề ngành sử lẽ ra phải bàn chuyện của đoạn thứ nhất (nghiên cứu sử cho khoa học, khách quan) hoặc đoạn hai (bàn những nội dung cần dạy sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục) thì lại nhảy ra lo lắng mất môn Sử. Ơ hay, các thầy có phải là giáo viên đứng lớp đâu mà sợ bị "mất dạy"? Chuyện ấy sẽ bàn sau, nhưng việc của các thầy phải lo là làm sao cho nội dung môn sử (dù là tích hợp hoặc không tích hợp) khách quan nhất và đạt hiệu quả cao nhất, đem lại sự yêu thích cho các em học sinh, và giáo dục được lòng yêu nước hay gì gì đấy, thì mới đáng là các cây đa cây đề ngành sử chứ ạ?

Có thể tích hợp môn Sử vào môn học khác? (2): Chương trình khoa học xã hội tích hợp lớp 7-12 của British Columbia

Vâng, đây là bài 2 trong loạt bài liên quan đến tranh cãi về việc có nên/có thể tích hợp môn Sử vào các môn khác không. Hiện đang có Bộ Giáo dục bảo có, Hội Sử học bảo không!

Tôi thì nghĩ, lựa chọn hướng nào cũng được, vì không có điều gì là hoàn hảo. Miễn là mình có lý do chính đáng để lựa chọn. Tuy nhiên tôi thấy lập luận của Hội Sử học khi phản đối việc tích hợp Sử vào môn khác là không hợp lý, không có căn cứ, và hoàn toàn cảm tính. Vì họ bảo, trên thế giới chẳng ai làm thế cả. Làm như vậy là phá nát môn sử.

Đặc biệt, trên báo Công an nhân dân hôm qua 15/11/2015 còn có một bài với cái tựa rất nặng nề, gần như chụp mũ, như thế này: "Tích hợp lịch sử vào môn "công dân với tổ quốc" là tùy tiện và thiếu cơ sở".

Không biết họ dựa vào đâu mà dám phán như thế? Vậy hóa ra các nước phương tây tiên tiến họ đều tùy tiện và thiếu cơ sở đến vậy sao? Nếu chỉ có ta làm đúng, còn các nước tiên tiến làm sai cả, vậy sao học sinh của mình lại ghét môn sử đến thế, nhỉ?

Nếu có ai không tin những gì tôi nói thì hãy vào đây mà đọc này. Chương trình khoa học xã hội tích hợp từ lớp 7 đến lớp 12, bang British Columbia của Canada. Tôi đã đọc lướt qua rồi, và thấy hộ không chỉ tích hợp Sử vào với Địa, mà còn tất cả các môn khoa học xã hội khác - giáo dục công dân, hiểu biết về thế giới, về quyền bình đẳng vv, tất tần tật.

https://www.bced.gov.bc.ca/irp/pdfs/social_studies/2006ssk7.pdf

----------------
Nhân tiện, xin mời các vị nào lên án Bộ Giáo dục về sự tích hợp thì xem bài này của một thầy giáo dạy môn Sử nhé, viết mới tháng 9/2015 thôi. Bài rất hay đấy.

Why Do Students Hate History?

Some Thoughts on the 'Boring' Social Studies

Article Tools
I open up my World History textbook and sigh.

It starts with the origins of civilization, and it wraps up with a rushed snapshot of today. That's 5,000 years of history.

"So," I asked myself early in my career, "we're supposed to teach everything that's ever happened everywhere on Earth?"

"Right (inject sarcasm)."

It wasn't until my fifth year that I began selecting units to merely touch upon and other units to dive deep into, but in a class based on chronology, that can be difficult for students. I was never much into the European Middle Ages, but I couldn't breeze over it and expect my students to understand why the European Renaissance emerged.

About my seventh year, I began to wonder, "What's this all about? Who cares about DaVinci? Who cares about the Roaring Twenties? Who cares about Sun Tzu? Who cares about any of this history? 

What's the point?"

I mean, I care, because I nerd out over it. I'm guessing most historians do. But I'm also guessing many kids don't.

I run into people all the time who say, "I hated history as a kid, but I like it now." They also can't tell me anything about their history class, except for how boring the teacher was, but they can tell me about whatever history interests them today. Why does that happen?

Why do students hate history?

—Getty
I'm pretty sure it's a diverse list of reasons, but usually students who dislike my class say it is boring.
"Why is it boring?" I ask.

Students often answer with something along the lines of, "How is learning about the Treaty of Versailles going to help me in life?"

Good question.

It makes me question whether the content should be the focus.

What is it about the social studies that's most important to my students?

My answer: strengthening their thinking skills.

I want my students to think. I want them to make reasoned decisions that consider the many variables of an event. I want them to understand a decision's consequences, for the long term as well as the short. I want them to understand how others will be affected by the decision. And I want them to act accordingly.

If my goal is, as the Ohio Department of Education puts it, to "prepare students to be participating citizens," then it seems that I want to challenge students' decisionmaking, and to provide them with the opportunity to take action.

And it makes sense that students can practice those decisionmaking skills with any subject—not a boring one.

Why does history have to be taught through a chronology of topics?

Why do my students have to learn about the fall of Rome or the East India Trading Co.? Maybe one of them would like to focus on elections in Burundi.

Textbooks are often written with brief and incomplete details, blowing through the specifics, kind of like how a teacher who isn't comfortable with the subject matter would teach a topic. This method misses out on the many variables that matter in understanding cause and effect.

Textbooks also tend to dismiss the humanity of the subject—akin to telling a story with no main character.

“If we want our students to make reasoned decisions, then they’ll have to be able to understand the complicated mix of people, places, and things that lead to an outcome.”
 
If we want our students to make reasoned decisions, then they'll have to be able to understand the complicated mix of people, places, and things that lead to an outcome.

My students ask questions that show how perceptive they are. They realize that there are gaps in a lesson, or that I've breezed over something. I could run with that awareness, answering the students' questions, fulfilling the so-called "teachable moment," but why not let the students discover the answer on their own?

Unfortunately, our courses aren't designed this way. They are not à la carte. The menu is set, and the dishes are going to come out in the same order every time. And because the structure is already set, a student looks at her text and thinks: "Oh, well, that question isn't in here, so it won't be on the test, so let's just move this along. What's on the next page, I wonder? Oh, vulcanization. How awfully exhilarating."

I could construct a lesson that leaves a gap open for all of my students to practice inquiry skills and develop a conclusion, which I do. But might there be other options that attract the students—that allow them to decide what they like, instead of giving me that choice?

Why not let each student decide what gap he or she wants to research and solve, instead of demanding that all students have a similar learning experience with the same topic?

Rather than a standardized chronology of events, why not choose one topic to dive deep into for the semester, allowing the students to really tear the topic apart, providing them with the necessary details to make valid arguments?

If one topic per semester sounds a little extreme, try four topics during the course of a semester. The point is that fewer topics, with a concentration on depth, will allow the richness of the history to attract the students.

As history classes are currently designed, time is a huge issue. "How am I supposed to get through 5,000 years of history?"

Teachers are deeply and constantly concerned with time, and for good reason.

"I can't spend any more time on the Korean War because I have to be to Watergate by next week, and I still have to cover the civil rights movement to adequately prepare my students for the test."
What hogwash. All the students need in order to practice their social studies skills is one of those topics. They are all fascinating. Let's choose one.

A semester could be based on the themes Inquiry, Analysis, and Solutions, and teachers could let those concepts guide the course, instead of the label Western Civilization. A course that focuses on methods could choose five interesting and unrelated events or people to study in depth.

Social studies is just that: studying society. We love to try to build equations about how society and the people within it will act. Economics tries to predict these trends all the time, but there really is no way to predict with any consistency what a person will do. Because there is a level of uncertainty about human behavior, we try to categorize it and make sense of it. We attach names to eras and titles to chapters, and we stick it in a book, and we call it history.
"Here is what happened in the past," we say. "Phew, we got that figured out."
And then a student asks a question: "Why is the U.S. prison population so high?"
And then we're like, "Oh, that's not on the test, let's get back to the timeline" and the kid's curiosity is shattered, and they're like, "History's boring." 
----------

http://www.edweek.org/ew/articles/2015/09/23/why-do-students-hate-history.html







Sunday, November 15, 2015

Có thể tích hợp môn Sử vào môn học khác? (1): Tích hợp hai môn Sử - Địa

Đó là câu hỏi gây ra cuộc tranh luận căng thẳng, nóng bỏng đang diễn ra hiện nay. Nói vắn tắt, Bộ Giáo dục thì muốn tích hợp, mà các thầy cô dạy Sử thì không muốn. Họ cho rằng đó là sai, Sử phải dạy riêng, độc lập, chứ nếu tích hợp vào thì phá nát môn Sử mất. Và nhiều người cho rằng trên thế giới người ta chẳng làm như vậy bao giờ.

Tôi không phải là người dạy Sử, cũng chẳng ủng hộ bên này hay bên kia trong cuộc tranh luận ấy, mà chỉ tò mò muốn biết trên thế giới người ta dạy Sử như thế nào, có tích hợp hay không và nếu có thì họ làm điều ấy như thế nào.

Và để tự trả lời mình, tôi bắt đầu đi tìm trên Internet. Và tìm thấy ngay thôi. Nên đăng lên đây để lưu cho mình, và chia sẻ với những người khác có cùng quan tâm.

Đây, bài đầu tiên: Tích hợp Lịch sử và Địa lý. Bài viết của Mỹ, đăng mãi từ năm 1994. Ở đây: http://www.socialstudies.org/system/files/publications/se/5802/580215.html

Và xin trích dịch chỉ một đoạn đầu thôi, đủ để phản bác những ai cho rằng dạy Sử mà tích hợp với môn khác thì phá nát môn Sử. Tôi thì cho rằng ngược lại mới đúng: Dạy Sử và Địa riêng biệt là giết  chết cả hai môn.

Tích hợp sử và địa không phải là một điều mới mẻ. Immanuel Kant [triết gia Đức thế kỷ thứ 18] đã từng viết rằng "địa lý và lịch sử mở rộng tầm nhìn của chúng ta: địa thì mở rộng không gian, còn sử thì mở rộng thời gian." Quan điểm của Kant có lẽ đã ảnh hưởng đến những tác phẩm của các nhà địa lý thời đầu như Eratosthenes và Ptolemy.

Sử gia Frederick Jackson Turner chuyên nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ thế kỷ 19 và 20 đã nhận ra rằng mọi trải nghiệm của con người đều diễn ra trong một thời gian và không gian cụ thể. Turner lập luận thêm rằng hai lĩnh vực này khi kết hợp với nhau sẽ cung cấp một hình ảnh đầy đủ hơn và một sự hiểu biết sâu sắc về các sự kiên lịch sử và các nhân vật hơn so với khi dạy riêng biệt.

[...]
 Gần đây nhất, Walter C. Parker, trong tác phẩm "Đổi mới chương trình các môn khoa học xã hội" (1991) đã lập luận rằng chương trình các môn KHXH ở Mỹ sẽ được củng cố bằng cách tích hợp các khái niệm địa lý vào trong chương trình dạy lịch sử thế giới. Ông cho rằng các khái niệm và công cụ của môn địa lý rất phù hợp để nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, khi học về sự diịch chuyển và di cư của các nhóm người thiểu số thì tốt nhất là nên xem xét và hiểu được địa lý văn hóa và địa lý kinh tế của cả hai vùng đất mà nhóm người ấy đã rời đi và tìm đến. Các khái niệm và công cụ địa lý cho phép người học khái quát được các hiện tượng tự nhiên và văn hóa xuyên qua các ranh giới chính trị và bao gồm cả sự so sánh và đối chiếu các vùng đất khác nhau trên thế giới.

Sao, toàn là phát biểu của cây đa, cây đề trong ngành nhân văn (khối văn, triết, sử) đấy. Còn ai cãi rằng không thể tích hợp nữa hay thôi? (Còn tích hợp như thế nào cho thành công thì lại là chuyện khác nữa, sẽ bàn đến sau.)
----------
Social Education 58(2), 1994, pp. 114-116
1994 National Council for the Social Studies


Integrating History and Geography

Al M. Rocca
Integrating history and geography is not a new idea. Immanuel Kant (in Hartshorne 1961, 135) wrote that "geography and history &Mac222;ll up the entire circumference of our perceptions: geography that of space, history that of time." Kant's synthesis probably reformulated the writings of early geographers such as Eratosthenes and Ptolemy. 

 Tích hợp sử và địa không phải là một điều mới mẻ. Immanuel Kant đã từng viết rằng "địa lý và lịch sử mở rộng tầm nhìn của chúng ta: địa thì mở rộng không gian, còn sử thì mở rộng thời gian." Quan điểm của Kant có lẽ đã ảnh hưởng đến những tác phẩm của các nhà địa lý thời đầu như Eratosthenes và Ptolemy.

Frederick Jackson Turner, a U.S. historian of the late nineteenth and early twentieth centuries, realized that all human experiences occur in time and place. Turner further reasoned that integrating these two synthesizing subjects provides for a more complete picture and a deeper understanding of historical events and people than if each were taught separately. 
Sử gia Frederick Jackson Turner chuyên nghiên cứu về lịch sử nước Mỹ thế kỷ 19 và 20 đã nhận ra rằng mọi trải nghiệm của con người đều diễn ra trong một thời gian và không gian cụ thể. Turner lập luận thêm rằng hai lĩnh vực này khi kết hợp với nhau sẽ cung cấp một hình ảnh đầy đủ hơn và một sự hiểu biết sâu sắc về các sự kiên lịch sử và các nhân vật hơn so với khi dạy riêng biệt.

Early in his career Turner summarized his thoughts on the subject when he announced that "the master key to American history is to be found in the relation of geography to that history" (Block 1980, 36). In 1941, geographer Preston James declared that "the essential elementary aspects of human society are those of time and space. It has long been recognized in theory that these two aspects cannot in reality be separated: that history should be taught geographically, and that geography should be taught historically" (James 1941, 334).

More recently, Walter C. Parker, in Renewing the Social Studies Curriculum (1991), argued that the social studies curriculum in the United States would be strengthened by integrating geography concepts within world history studies. He contended that geographic concepts and tools are particularly well suited to enhancing a multicultural perspective. For example, the study of minority group migration and movement is best understood after examining and interpreting the economic and cultural geography of both the sending and host regions. Geographic concepts and tools permit students to generalize about physical and cultural phenomena that cut across political boundaries and include comparisons and contrasts about different parts of the world. 

 Gần đây nhất, Walter C. Parker, trong tác phẩm "Đổi mới chương trình các môn khoa học xã hội" (1991) đã lập luận rằng chương trình các môn KHXH ở Mỹ sẽ được củng cố bằng cách tích hợp các khái niệm địa lý vào trong chương trình dạy lịch sử thế giới. Ông cho rằng các khái niệm và công cụ của môn địa lý rất phù hợp để nâng cao hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, khi học về sự diịch chuyển và di cư của các nhóm người thiểu số thì tốt nhất là nên xem xét và hiểu được địa lý văn hóa và địa lý kinh tế của cả hai vùng đất mà nhóm người ấy đã rời đi và tìm đến. Các khái niệm và công cụ địa lý cho phép người học khái quát được các hiện tượng tự nhiên và văn hóa xuyên qua các ranh giới chính trị và bao gồm cả sự so sánh và đối chiếu các vùng đất khác nhau trên thế giới.

Along similar lines, James Becker (1990) concluded that geographic interpretation is critical to global education and to contemporary global studies. The California History-Social Science Framework (1988) places great emphasis on integrating history and geography in social studies. As a member of the committee that helped create this dynamic curriculum document, I urged, along with geographer Christopher Salter, a strong integrated geography component. Many of us on the committee worried that geography would be relegated to one or two grade levels and that students would study geographic concepts and vocabulary apart from history and other social science disciplines. Although the framework recommends the infusion of geography at all grade levels, formal integration is placed within the sequential study of history in grades 4 through 11.

Integrating the Five Themes of Geography
An effective approach to designing integrated history and geography curricula and teaching strategies is to place a history unit in the context of the five themes of geography. The themes are all related-if you use one, you use them all. You might emphasize aspects of a theme at one point, but you must keep in mind their strong interrelationships. According to the Guidelines for Geographic Education (1984), the five themes of geography are location, place, relationships within places (human/ environmental interaction), relationships between places (spatial interaction or movement), and regions (their form and change).


Developing an awareness of place
Historical and contemporary events have occurred in specific places, and often we can find geographic reasons for the way those episodes have unfolded. To understand historical events, students must be able to develop a sense of the physical and human characteristics of the places where the events occurred. Physical characteristics of a place include its landforms, water bodies, climate, soils, natural vegetation, and animal life. Human characteristics include population density and distribution, social traits, cultural traditions, and political institutions.


Developing locational skills and understandings
Map and globe skills should never be divorced from their geographical concepts. By developing these skills, students will be able to judge the signi&Mac222;cance of relative locations and begin to understand the effects physical characteristics (e.g., natural harbors, navigable rivers, fertile plains, and mountainous terrain) have on human settlement and use.


Understanding human and environmental interaction
People have always modified their natural environments. By demonstrating and providing local field observations, teachers can help students learn how people have modified their environments, how they continue to do so, and the effects these modifications have on life-styles, economics, settlement patterns, and the environment. They should also become aware of how humans have created environments and how they have learned to adjust to them.


Understanding human movement
Human migration has occurred from the earliest years of our existence on earth. Students will bene&Mac222;t from tracing migration routes and learning why these movements were necessary. They will then be able to follow the diffusion of ideas and technological artifacts, and judge their effects on the receiving areas.


Understanding regions
Understanding a region-a more or less homogeneous area-provides a systematic basis for recognizing differences between areas by using characteristics such as landforms, rainfall, political affiliations, religion, agriculture, settlement density, and government. Students should also be able to understand the growing complexity of the interdependence of world regions and the changing global environment.


Building an Integrated Lesson Plan
Teachers can build integrated history and geography lessons for almost any historical study unit. Teachers must remember not to focus on just one or two of the &Mac222;ve themes of geography but, rather, to integrate all five themes.


Step 1: Formulate questions
One way of approaching integration is to ask questions about the places where a historical event occurred. Write down some basic questions about the places incorporating each of the &Mac222;ve themes of geography. Use these questions to prepare an exercise or activity designed to arrive at the answer. The teacher-generated questions should focus on the activity and provide a challenge and a purpose for students. For instance, in a unit of study covering the westward movement in U.S. history, a teacher might want to use questions prompting activities that enhance a geographic perspective on the Oregon Trail. For example:


1. Location. Where did the Oregon Trail begin and end? Name three rivers that pioneers followed on the Oregon Trail.

2. Place. In what ways did the Native Americans, landforms, and climates that pioneers encountered in each portion of their journey ease the passage or make the trip difficult?

3. Human/environmental interaction. How did the pioneers change the landscapes over which they passed? Were all of these environmental modifications negative or were some positive?

4. Movement. How did rivers, deserts, and mountain ranges influence their travel route?

5. Region. How are the Great Plains different from Oregon's Willamette Valley, the final destination of many of the pioneers?

Step 2: Planning and implementing the activity
Although maps can be valuable sources of information in this activity, do not hesitate to encourage students to use textbooks, other reference books, and magazines. Using primary sources (e.g., diaries and letters) can be especially rewarding. Refer to the list of organizations at the end of this article for sources of appropriate materials.


Exercises and activities should be based on what I call the "detective methodology." Supply students, either individually or in groups, with a variety of information. For example, provide students with a map of the Oregon Trail (Figure 1), an atlas of the United States that displays landform regions and climate, and a short narrative story of the Oregon Trail. With this information in hand, students should be able to answer several of the guiding questions.

Provide additional information by having students perform a dramatic reading of several diary accounts or letters. If available, show students historical maps or atlases that were sold to travelers and have them compare the maps with contemporary maps for accuracy. Finally, allow students to view one of the excellent videos available on the Oregon Trail, and have them pay close attention to the persistent influence of geography.

Step 3: Integrating the five themes
Students should be able to demonstrate an understanding of the interrelationships of the &Mac222;ve themes and their combined effects on a historical event by offering a number of examples from the real world that exhibit such interrelationships. In groups of four or five, students should discuss and complete their answers to the guiding questions. As a &Mac222;nal unifying activity, have the groups integrate the &Mac222;ve themes by summarizing their answers in a chart and discussing how the themes are related. For example, they should be able to relate that much of the Oregon Trail (human-made) followed rivers (natural). After naming and locating several of the rivers, students should be able to discuss how humans interacted with rivers (by drinking water, watering their stock, irrigating plants, bathing, washing clothing, fishing, and boating) and moved along them (following trails, finding paths of least slope, and searching for sources that might provide a pass through a mountain range). Students should be able to discover why settlers moving west followed rivers. Using three-dimensional maps and topographic sheets, students will learn that rivers afforded the flattest terrain in any given area and provided a route having the least rise in elevation. 


As students learn about the size and weight of the wagons used on the Oregon Trail, they will discover why pioneers often looked for river routes, especially those with fairly wide floodplains.
Students should learn that although rivers provided water for drinking, cooking, and washing, they proved difficult to cross and pioneers began to pollute them as they trekked over the Oregon Trail. In the regions through which they passed, pioneers cut down trees to clear land for farming and to establish lumbering industries. Clearing fields accelerated runoff and erosion, even on relatively gentle slopes. Lumbering on steep slopes produced spectacular and ruinous cases of erosion.
Students should also realize that the Rocky Mountains separate three distinct regions: the Great Plains, the Great Basin, and the Pacific Northwest. In addition, the mountains serve as barriers to the prevailing westerly winds that drop their precipitation on the westward-facing slopes and create leeward zones of desert environments.

Sources of Information for Integrating Geography
Martorella (1991) recognized the need for developing integration strategies that would increase awareness within the social studies curriculum. He noted the importance of reinterpreting historical societies and events within an expanding regional, and later global, interdependence. Social studies teachers, then, must use spatial perspectives in all history lessons; without them, the events of history lack ties to real places on earth. Traditional geographic integration in the social studies, as displayed in textbooks, relied heavily on using maps to find and identify locations. Although this is certainly an important basic skill that should be part of every history unit plan, it should be viewed as a means toward the intrinsic geographical knowledge necessary to impart a spatial dimension to history and not simply as a skill.


With some exceptions, few published integrated history and geography lesson plans are available. Teaching Geography: A Model for Action (National Geographic Society 1988) provides both general ideas on integration strategies and speci&Mac222;c lessons. Strengthening Geography in the Social Studies (Natoli 1988) includes brief articles highlighting strategies and resources for blending geographic concepts and skills into social studies lessons.

If you live in an area served by a local Geographic Alliance organization, check to see if it publishes locally created geography lesson plans in its newsletter. Many local chapters of the Geographic Alliance are based at geography departments in nearby universities. These university departments can also supply valuable advice and resources.
-------------
The following national organizations can provide additional information and addresses of local and state contacts:
National Council for the Social Studies
3501 Newark Street, NW
Washington, DC 20016
NCSS has a Geographic Education Special Interest Group composed of K-12 teachers, curriculum developers, and researchers interested in developing and integrating geography.

National Council for Geographic Education
Department of Geography and Regional Planning
Indiana University of Pennsylvania
Indiana, PA 15705
NCGE is the only organization for teachers devoted exclusively to improving geographic education. NCGE produces the Journal of Geography and many other publications, sponsors an annual meeting, and distributes geography education materials published by the Geographic Education National Implementation Project, a coalition of geographical organizations based at the Association of American Geographers, 1710 16th St., NW, Washington, DC 20009. GENIP publishes a newsletter free of charge for teachers who request it from the GENIP of&Mac222;ce as well as other useful geography education material.

National Geographic Society
P.O. Box 2895
Washington, DC 20077-9960
In an effort to boost geography awareness and education, National Geographic has instituted the Geography Education Program offering teacher training and assistance through workshops and model classroom experimentation. Curriculum guidelines and suggestions and a quarterly newsletter keep teachers informed of classroom strategies and techniques.

Educational Resources Information Center
Clearinghouse for Social Studies/Social Science Education
University of Indiana
Bloomington, IN 47405
The ERIC clearinghouse is an outstanding source for books and articles relating to social studies and the social sciences. Copies of relevant literature may be obtained through the ERIC Document Reproduction Service, 7420 Fullerton Road, Suite 110, Springfield, VA 22153; (800) 443-3742.

References
Barth, James. Methods of Instruction in Social Studies Education. Lanham, Md.: University Press of America, 1990.Becker, James. "Curriculum Considerations in Global Studies." In Global Education: From Thought to Action, edited by K. A. Tye. Alexandria, Va.: Association for Supervision and Curriculum Development, 1990.Block, Robert. "Frederick Jackson Turner and American Geography." Annals of the Association of American Geographers 70 (March 1980): 36.California State Department of Education. California History-Social Science Framework. Sacramento: California State Department of Education, 1988.Hartshorne, Richard. The Nature of Geography. 1939. Reprint. Lancaster, Pa.: Association of American Geographers, 1961.James, Preston. "The Contribution of Geography to the Social Studies." Social Education 5 (May 1941): 334-38.Joint Committee on Geographic Education, Association of American Geographers, and National Council for Geographic Education. Guidelines for Geographic Education: Elementary and Secondary Schools. Macomb, Ill.: Association of American Geographers and National Council for Geographic Education, 1984.Martorella, Peter. Teaching Social Studies in Middle and Secondary Schools. New York: Macmillan, 1991.Parker, Walter. Renewing the Social Studies Curriculum. Alexandria, Va.: Association for Supervision and Curriculum Development, 1991.Natoli, Salvatore J., ed. Strengthening Geography in the Social Studies. Bulletin no. 81. Washington, D.C.: National Council for the Social Studies, 1988.Teaching Geography: A Model for Action. Washington, D.C.: National Geographic Society, 1988.