(tiếp theo phần 1 - và hết)
Vai
trò và quy mô của khu vực vì lợi nhuận
Hơn 20 năm trước đây, chẳng ai - kể cả những người
làm việc trong khu vực vì lợi nhuận - có thể đoán được rằng có đến 12 % số người
học đại học sẽ theo học tại các trường đại học vì lợi nhuận vào năm 2011. Và cho
đến nay, vẫn chưa ai xác định khu vực này sẽ có quy mô ra sao để đáp ứng nhu cầu
học tập sau trung học của công chúng.
Với tốc độ phát triển cũng như những vấn đề hiện nay
của khối trường đại học tư vì lợi nhuận, chúng ta cần một quy mô như thế nào
cho khu vực vì lợi nhuận để đạt được sự tối ưu? Nhu cầu học tập sau trung học sẽ
giúp xác định quy mô của giáo dục đại học vì lợi nhuận. Nếu thị trường đã bão
hòa, thì rõ ràng là không cần mở rộng thêm nữa. Nhưng vấn đề này thật ra không
đáng quan tâm vì nó sẽ được tự giải quyết: Lúc ấy, khu vực vì lợi nhuận sẽ
không tạo ra được lợi nhuận, nên sẽ tự giảm bớt hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, dễ thấy
rằng mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại: nước Mỹ đang cần ngày càng nhiều
những công dân có bằng đại học những các trường đại học truyền thống sẽ không thể
đáp ứng nhu cầu ấy.
Như đã từng được nêu trên tạp chí này,
khi Hoa Kỳ chuyển dần từ một nền kinh tế công nghiệp trong phạm vi một quốc gia
sang nền kinh tế tri thức toàn cầu, nó sẽ cần một tỷ lệ người có học vấn cao
hơn trong nhiều khu vực kinh tế khác nhau – điều này cần thiết đối với từng cá
nhân cũng như toàn xã hội. Vì vậy, Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra mục tiêu sẽ vượt
lên thành tốp đầu trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát
triển (OECD) các quốc gia về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trong dân số.
Theo ước tính trong vòng 10 năm tới, nước Mỹ sẽ cần tăng thêm mỗi năm một triệu
sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu này. Và điều này sẽ không thể đạt được nếu
không có sự tham gia đáng kể của các nhóm sinh viên sau đây: những người trưởng
thành đang có việc làm, những người mà trước đó chưa bao giờ học đại học và
cũng có rất ít những cơ hội lựa chọn – và đó cũng chính là đa số công dân của đất
nước này.
Các trường đại học vì lợi nhuận đang tìm cách đáp ứng
với thách thức này mạnh mẽ hơn bất cứ loại trường nào khác. Các trường tư phi lợi
nhuận thường không quan tâm đáp ứng các chính sách của nhà nước hay sự gia tăng
nhu cầu đối với các ngành đào tạo định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong một thị
trường việc làm đầy rẫy thất nghiệp, còn các trường công lập thì đang phải vật
lộn với sự cắt giảm ngân sách và những bất ổn trong tổ chức của mình.
Các trường cao đẳng và trường đại học đào tạo cử
nhân công lập hiện đang gặp nhiều khó khăn để tiếp tục giữ được số lượng sinh
viên như trước đây, và một vài trường đã có ý định giảm lượng sinh viên. Ví dụ,
hệ thống đại học California State University (CSU), hiện đã giảm khoảng 10.000
sinh viên so với năm trước, đồng thời cũng chấp nhận nhiều sinh viên từ bên ngoài
tiểu bang vào học để thu học phí cao hơn. Hệ thống trường Cao đẳng cộng đồng
California (CCC) thì đã giảm 400.000 sinh viên.
Như vậy, trong khi chính phủ đang kêu gọi gia tăng số
người có bằng đại học, thì các trường đại học công lập lại đang giữ nguyên số
lượng hoặc thậm chí giảm lượng sinh viên. Mà để giữ lượng sinh viên như hiện
nay thì các trường này cũng đang phải trả giá. Sĩ số lớp học lớn hơn, số môn học
ít hơn, và các lớp học mùa hè thường xuyên bị cắt giảm. Nói chung các trường đại
học công, sẽ không thể đáp ứng nhu cầu học tập đang gia tăng bởi vì họ đã hoạt
động hết công suất với cấu trúc hiện nay.
Có hai kịch bản thay thế có thể xảy ra. Trước hết,
các tiểu bang có thể tăng thuế để cho phép các trường nhận thêm sinh viên. Thứ
hai, các trường đại học công có thể thay đổi cơ bản cách vận hành, cắt giảm chi
phí, để có thể phục vụ nhiều sinh viên hơn. Cả hai kịch bản này dường như lại rất
khó xảy ra. Dù thế nào đi nữa, thì các công dân và các đại biểu dân cử của các
tiểu bang cũng không thích thú gì với việc tăng thuế. Tương tự như vậy, tại các
trường thì cả nhà quản lý, giảng viên lẫn công đoàn đều tỏ ra rất ít quan tâm đến
việc tái cấu trúc lại nhà trường.
Nếu chúng ta đồng ý rằng sự gia tăng tham gia vào
giáo dục đại học là rất quan trọng đối với kinh tế và phúc lợi xã hội của đất
nước và thừa nhận rằng 1) khu vực nhà nước không có khả năng tăng lượng sinh
viên một cách đáng kể và 2) đại học tư phi lợi nhuận không thể đáp ứng các mục
tiêu đầy tham vọng đã được thiết lập, liệu chúng ta sẽ có những lựa chọn thay
thế nào để đảm bảo rằng các trường đại học tư vì lợi nhuận có thể mở rộng mà vẫn
phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của ngành giáo dục?
Dù muốn hay không, thì nước Mỹ vẫn cần khu vực vì lợi
nhuận để đảm bảo khả năng phát triển kinh tế. Nếu chúng ta đồng ý – dù là một
cách thích thú hay miễn cưỡng – rằng khu vực vì lợi nhuận có vai trò trong việc
đảm bảo sự phát triển của giáo dục đại học Mỹ, thì chúng ta cần quan tâm đến những
điều gì để đảm bảo rằng khu vực này sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm?
Phải
làm thế nào cho đúng?
Đảm
bảo tuyển sinh có đạo đức
Nếu chúng ta thừa nhận rằng việc tuyển người học phi
truyền thống đòi hỏi phải có những cách thức mới, thì cần làm như thế nào để đảm
bảo rằng việc tuyển sinh vừa có hiệu quả vừa có đạo đức? Những người chỉ trích khu
vực vì lợi nhuận trong những năm qua đã cáo buộc rằng toàn bộ khu vực này là tệ
hại. Các phát ngôn viên và những người vận động hành lang của những trường tư
vì lợi nhuận đã đáp lại rằng "đó chỉ là một số trường hợp cá biệt" và
phản đối việc bị nhà nước giám sát. Mặc dù cần nghiên cứu thêm về việc này, các
tiểu bang cũng vẫn nên phải đặt ra các tiêu chuẩn để vừa chấp nhận những cách
thực hành mới, vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng giáo dục.
Để được tiểu bang cấp phép hoạt động, có thể yêu cầu
các nhân viên tư vấn của các trường phải có chứng chỉ để đảm bảo họ hiểu rõ các
tiêu chuẩn đạo đức cũng như cách thực hành tuyển sinh nào là chấp nhận được và
không chấp nhận được. Bất kỳ trường nào cung cấp thông tin sai lệch trên
website hoặc quảng cáo sai đều cần phải bị vạch rõ về các hành vi phi đạo đức này,
đồng thời bị phạt tiền và cuối cùng có thể bị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của
tiểu bang đóng cửa. Tuy nhiên hiện đang có những tiểu bang hầu như không có quy
định về giấy phép mở trường, và trong vì vậy chính quyền liên bang có thể phải
làm việc thông qua các tổ chức kiểm định khu vực để đảm bảo rằng nhân viên tuyển
sinh của các trường được huấn luyện thích hợp và cung cấp chính xác các thông
tin về nhà trường chính xác cả trên trang web lẫn các ấn phẩm quảng cáo.
Thông
tin cho người học về khoản nợ phải vay
Ngoài những kẻ lường gạt để kiếm lợi, sẽ chẳng ai được
ích lợi gì khi người học phải vay một khoản nợ học tập rất lớn để rồi không thể
trả được. Người nộp thuế sẽ mất hàng triệu đô la nếu người học không có khả
năng trả nợ và chính phủ phải gánh chịu. Các trường vì lợi nhuận muốn tiếp tục hoạt
độngđều biết rằng người học sẽ không tiếp tục đến học nếu chi phí học tập quá
cao. Còn người học thì phải trả hàng ngàn đô la cho một nỗ lực mà cuối cùng
không có lợi gì cả.
Chính phủ liên bang cần phải đảm bảo rằng người học hiểu
biết đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ khoản vay học tập của mình khi quyết định đăng
ký học. Vai trò của chính phủ là vừa giáo dục người tiêu dùng vừa ngăn chặn các
hành vi lừa đảo. Thuốc lá bắt buộc phải in lời cảnh báo có hại cho sức khỏe, và
đã có một chiến dịch giáo dục công chúng rầm rộ về sự nguy hiểm của thuốc lá.
Khi một sản phẩm độc hại được bán ra, thì Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa
Kỳ sẽ phải ra quyết định thu hồi. Người tiêu dùng tiềm năng của giáo dục đại học
cũng cần được bảo vệ tương tự.
Có hai câu hỏi quan trọng liên quan đến các khoản
vay nợ học tập của sinh viên.
Trước hết họ cần được cung cấp những thông tin gì khi
họ nộp đơn xin vay hỗ trợ học tập của liên bang, và ai sẽ có nghĩa vụ cung cấp những
thông tin này cho họ? Người học có thể đã được cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng
do sự thiếu hiểu biết của các sinh viên thế hệ đầu tiên từ các gia đình có thu
nhập thấp, nên những thông tin ấy có thể chẳng có ý nghĩa gì đối với họ.
Mặc dù tất cả các trường đều được yêu cầu tổ chức những
buổi hướng dẫn về tài chính cho sinh viên trước khi đăng ký nhập học, nhưng hiệu
quả của chỉ một đợt hướng dẫn là rất nhỏ và khó có thể đánh giá. Điều này cũng tương
tự như việc các nhà hàng được yêu cầu liệt kê lượng calories trong từng món ăn,
nhưng chẳng ai cho rằng họ phải có trách
nhiệm hướng dẫn cho thực khách những hiểu biết về dinh dưỡng. Hiểu biết về tài
chính là một quá trình phải mất nhiều năm. Vì vậy, gánh nặng của việc hướng dẫn
người học về tài chính chủ yếu là trách nhiệm của chính quyền tiểu bang và liên
bang, những nơi cần đưa ra và hỗ trợ tài chính cho các chương trình hướng dẫn
người học về các khoản vay, học bổng, khoản nợ, v.v… và cũng chẳng phải chỉ riêng những người học ở
những trường vì lợi nhuận.
Hơn nữa, ai phải chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu
dùng? Nếu nhiều sinh viên của một trường có khuynh hướng mắc phải những khoản nợ
cao ngất ngưởng đến khó chấp nhận, thì có thể giải quyết bằng nhiều cách: gửi
thông báo đến người học, đăng thông tin bắt buộc trên trang web của trường và
trên các ấn phẩm giới thiệu trường (tương tự như lời cảnh báo trên bao thuốc lá),
v.v... Ở đây, cả chính quyền tiểu bang lẫn liên bang đều phải có vai trò, bởi
vì một số trường đại học tư vì lợi nhuận hoạt động trên toàn quốc, trong khi một
số khác chỉ hoạt động trên phạm vi một tiểu bang.
Và cuối cùng, nếu sinh viên của một trường bị mắc nợ
quá nhiều thì trách nhiệm của trường ấy là như thế nào? Vai trò của chính quyền
liên bang chính là truất quyền được hỗ trợ và vay nợ học tập của trường ấy; chính
quyền tiểu bang cũng cần làm tương tự với những khoản hỗ trợ của tiểu bang. Các
tiểu bang cũng có thể giám sát các khoản nợ của người học tại từng trường, khi
một trường đã vượt quá mức nợ trung bình, thì sẽ được nhận một thư cảnh báo. Về
lâu về dài, chính các tiểu bang phải có trách chấm dứt hoạt động của các công
ty hoạt động gian lận bằng cách sử dụng quyền cấp phép hoạt động của mình.
Đào
tạo kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động
Các sinh viên theo học tại các trường tư vì lợi nhuận
vào năm 2011 cũng vì lý do tương tự như các phụ nữ trẻ đi học tại trường
Katherine Gibbs cách đó một thế kỷ: hòng được đào tạo các kỹ năng cần thiết cho
thị trường. Một người muốn học nghề đầu bếp và bỏ tiền ra để học những kỹ năng
cần thiết sẽ cảm thấy thất vọng khi biết rằng công việc duy nhất mà họ có thể
kiếm được với tấm bằng chỉ là rửa chén mà thôi.
Tất nhiên nhận xét này không phải lúc nào cũng đúng.
Kiếm việc khi kinh tế thuận lợi tất nhiên sẽ dễ dàng hơn khi kinh tế đang khó
khăn. Một số nghề đòi hỏi người vào nghề phải bắt đầu từ bậc thấp nhất. Và
không phải lúc nào cũng có một mối quan hệ tuyến tính giữa những gì được học ở
trường và công việc đầu tiên mà người học tìm được.
Tuy nhiên, nói rằng không có mối liên hệ nào giữa việc
học ở trường và công việc sau khi tốt nghiệp cũng là ngụy biện. Cần phải có những
chính sách sao cho những yếu tố tác động bên ngoài đã được tính đến nhưng vẫn bảo
vệ được người tiêu dùng và người đóng thuế.
Chưa có vấn đề nào liên quan đến đại học tư lại gây
tranh cãi cho bằng quy định sinh viên tốt nghiệp phải có việc làm xứng đáng. Có
người cho rằng các trường phải chịu trách nhiệm về loại công việc mà người học
sẽ kiếm được sau khi ra trường, còn người khác thì không đồng ý. Mặc dù trách
nhiệm trong việc tìm được công việc cho mình chủ yếu là của người tốt nghiệp,
nhưng các trường không được quyền làm cho người học tin rằng họ sẽ tìm được việc
khi trên thực tế đang không có việc, hoặc khi những công việc được hứa hẹn có mức
lương thấp hơn nhiều so với những gì mà người học mong đợi dựa trên thông tin
mà nhà trường cung cấp.
Các tổ chức kiểm định cần phải đảm bảo rằng các trường
cung cấp cho người học tiềm năng không chỉ các thông tin về chi phí của toàn
khóa học mà còn về những công việc mà họ có thể kiếm được sau khi hoàn tất – và
yêu cầu này là cho cả các trường đại học vì lợi nhuận lẫn những trường truyền
thống. Chẳng hạn, người học cần được biết rằng chứng chỉ về mát-xa trị liệu do
một trường nghề vì lợi nhuận cung cấp sẽ chỉ kiếm được mức lương $ 40,000/ năm,
không có bảo hiểm y tế và cũng hầu như không có cơ hội thăng tiến; cũng như một
sinh lấy bằng Tiến sĩ về văn học thời Victoria từ một trường tư phi lợi nhuận
ưu tú cũng cần được biết rằng sẽ không có vị trí giảng viên nào chờ đợi họ đâu.
Rồi sau đó, người học sẽ có những quyết định với đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, “việc
làm xứng đáng” cũng phải được xác định dựa trên mức lương trong một khoảng thời
gian dài chứ không thể xác định trên mức lương của công việc đầu tiên ngay sau khi
tốt nghiệp.
Những mối liên hệ qua lại và chặt chẽ giữa người học,
nhà trường, và môi trường kinh tế bên ngoài hiện nay không còn giống với như cách
đây vài thập niên. Hiện nay chúng ta không còn có thể để mặc cho sinh viên tự
quyết định họ sẽ học ngành gì rồi hy vọng rằng sau đó họ sẽ có lúc tìm được việc.
Quả là không thể đòi hỏi các trường đại học chỉ nhằm vào việc đào tạo nhân lực
cho nền kinh tế, nhưng các trường cũng phải có vai trò thiết yếu trong việc
cung cấp cho người học những kỹ năng ở trình độ cao và nghề nghiệp với mức
lương xứng đáng.
Vai
trò điều tiết của Chính phủ
Trong vài năm qua, khối trường đại học tư vì lợi nhuận
đã phản ứng lại với hầu hết các quy định mà Bộ Giáo dục đề xuất. Trong khi bản
thân các trường này cũng có các cải cách ít nhiều và bắt đầu chấp nhận những
nghiên cứu từ bên ngoài so với thời kỳ cách đây một thập niên, nhưng nhìn chung
các trường vì lợi nhuận vẫn giữ triết lý về tự do thương mại và định hướng thị
trường. Giả định của họ là thị trường có cơ chế tự điều chỉnh và nó sẽ giải quyết
mọi vấn đề; các trường tai tiếng sẽ tự động bị loại khỏi cuộc chơi. Theo quan
điểm này, chính phủ hầu như không có vai trò gì ngoài việc trợ cấp cho người học
để tạo thuận lợi cho sự phát triển của các công ty.
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tăng số lượng người tốt
nghiệp đại học thì cần phải giữ cho khu vực giáo dục đại học có sự cạnh tranh
lành mạnh, và điều này sẽ không thể xảy ra nếu có các quy định quá khắt khe khiến
các trường tư vì lợi nhuận không hoạt động được cũng như nếu chúng ta cho rằng cơ
chế thị trường sẽ giải quyết mọi vấn đề. Còn nếu chúng ta muốn khối trường tư
vì lợi nhuận hoạt động tốt, thì chúng ta cần có những chính sách tổng quát sau
đây.
Trước hết, cần phải đưa khối trường tư vì lợi nhuận vào
trong kế hoạch phát triển hệ thống giáo dục của tiểu bang – có thể thêm vào
danh sách các trường đang được điều phối
bởi các Ủy ban giáo dục đại học của tiểu bang, hoặc thông qua những hội đồng
riêng biệt khác. Việc hoạch định sẽ không thể xảy ra nếu như các khu vực trong
cùng một ngành công nghiệp không có cách thức để nắm được thông tin chính thức.
Đến lúc ấy, tất cả mọi loại hình trường sẽ cần phải cung cấp thông tin cho cả
người tiêu dùng lẫn nhà chính sách qua các dữ liệu về chi phí, tỷ lệ tiếp tục học,
tỷ lệ tốt nghiệp và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Một số tiểu bang cũng cần tăng cường năng lực quản
lý các trường đại học tư vì lợi nhuận. Ví dụ, hiện nay ở Califorina chỉ có vài
công chức phải giám sát hoạt động của hàng trăm trường tư vì lợi nhuận. Những
công chức này có quá ít thời gian để tìm ra những vụ gian lận, chứ đừng nói đến
việc thông báo cho công chúng hoặc đóng cửa các trường này và giải quyết những
kiện tụng về sau. Hơn nữa, trong thời đại khi công nghệ cho phép các tổ chức hoạt
động xuyên biên giới một cách dễ dàng, các tiểu bang cần phải có cơ chế hợp tác
để quản lý các trường hoạt động trong khu vực và trên toàn quốc, cũng như hỗ trợ
sự tăng trưởng hợp pháp của chúng.
Mặc dù giáo dục và lợi nhuận không hẳn là không thể
đi được với nhau, nhưng việc giáo dục các công dân của một đất nước cũng chẳng
thể giống với việc sản xuất kem. Đúng là nếu không có kem, thì dân chúng có thể
hơi buồn một chút, nhưng điều đó không đe dọa sự ổn định của kinh tế và xã hội.
Giáo dục đại học – dù là phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận – là điều tối cần thiết
cho tương lai của đất nước.
Các trường đại học vì lợi nhuận có vai trò rất quan
trọng trong thế kỷ 21, bởi vì nếu không có chúng, thì chúng ta không thể đạt được
tỷ lệ người có bằng đại học như mong muốn. Tuy nhiên, mặc dù nền giáo dục đại học
của nước Mỹ nên - nói đúng hơn là phải - bao gồm cả các trường vì lợi
nhuận, những trường này cũng cần phải chấp nhận trách nhiệm và sự giám sát cần
thiết đối với tất cả những ai tham gia vào ngành công nghiệp giáo dục đại học.
----------
Tài
liệu tham khảo
1. Hentschke, G. C., Lechuga, V. M. and Tierney, W. G.
(eds) (2010) For-profit
colleges and universities: Their markets, regulation, performance, and place in
higher education, Stylus, Sterling, VA.
2. Tierney, W. G. and Hentschke, G. C. (2007) New players, different game:
Understanding the rise of for-profit colleges and universities, Johns Hopkins
University Press, Baltimore, MD.
4. Weisbrod, B. A., Ballou, J. P. and Asch, E. D. (2008) Mission and money: Understanding
the university, Cambridge University Press, Cambridge, UK.