Bài viết này của tôi được viết theo đề tài đặt hàng của báo ND, nay đã được đăng lên, nhưng được biên tập lại một số đoạn. Xin đăng bản gốc dưới đây. Ai quan tâm đến bản đã biên tập có thể xem ở đây: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/chuyen-de/item/22438002-quan-ly-giao-duc-mam-non-tu-thuc.html.
-----------------
-----------------
QUẢN
LÝ TRƯỜNG LỚP MẦM NON TƯ THỤC: CẦN MỘT CÁCH LÀM KHÁC
Dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non tư thục đã tồn
tại nhiều năm nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Số trẻ em mầm non
được gửi tại các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân hiện nay đã đạt mức ngang ngửa với
khu vực công lập. Tuy vậy, mãi đến gần đây vấn đề quản lý nhà trẻ, nhóm trẻ tư
nhân mới được đặt ra một cách toàn diện. Cuộc họp đầu năm Giáp Ngọ vào ngày 7/2
do Thành ủy triệu tập liên quan đến công tác giáo dục trẻ mầm non[1]
đã nói lên tính cấp bách của vấn đề.
Tại
sao có sự quan tâm đặc biệt như vậy vào lúc này? Có lẽ không ai không biết đến
những sự cố đáng buồn xảy ra dồn dập trong năm 2013, mà đỉnh điểm là vụ bạo
hành trẻ em tại một nhà ở Thủ Đức[2].
Vụ việc này sau đó đã được xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc nhằm mục đích răn
đe để làm nhụt chí những kẻ đã và đang có những vi phạm tương tự nhưng chưa bị
phát hiện.
Xiết
chặt quản lý, rồi sao nữa?
Kiên quyết và mạnh tay xử lý các vi phạm rõ ràng là cần
thiết. Đó cũng là những gì hứa hẹn sẽ xảy ra trong năm 2014 này[3].
Tại cuộc họp đầu năm ngày 7/2 đã nêu ở trên, Văn phòng Thành ủy đã đưa ra những
con số đáng giật mình: TP.HCM hiện đang có 1.028 nhóm, lớp trường nhân
trông giữ trẻ không phép; 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các nhóm
lớp, trường tư thục không phép trong đó 337 người có trình độ thấp, không có
chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo[4].
Một mục tiêu quan trọng của TP HCM trong thời gian tới là tập trung “giải
quyết” các đối tượng này.
Đây có thể là một tin mừng, cho thấy các cấp quản lý đang
bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến một vấn đề đã bị bỏ lơ quá lâu. Nhưng nhìn ở môt
góc độ khác, nó phản ánh một khuynh hướng đáng lo ngại, đó là: đổ lỗi hoàn toàn
cho các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Đọc lại các thông tin trên báo chí, truyền thông
và dư luận công chúng, ta thấy rất nhiều lời lên án đối với những người vi
phạm: Tham lợi nên không đầu tư cho các điều kiện vệ sinh và an toàn của trẻ,
sử dụng những cô nuôi dạy trẻ chưa qua đào tạo và thiếu trình độ để tiết kiệm
chi phí; thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật khi hoạt động chui và hoàn
toàn không đăng ký với địa phương vv.
Không
sai, nhưng chưa đủ! Để những sự việc đau lòng như vậy xảy ra cho trẻ em, vốn
quý của xã hội như chúng ta vẫn nói, lẽ nào ngành giáo dục, ngành y tế, các
đoàn thể, địa phương, gia đình và toàn xã hội lại vô can?
Nếu chỉ chăm chăm xử lý vi phạm, hệ quả tất yếu sẽ là tăng
cường kiểm tra, thu hồi giấy phép, đóng cửa các nhà trẻ, nhóm trẻ không đạt yêu
cầu, và thậm chí không cho phép tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc trẻ
mầm non. Cũng tốt, nếu nhà nước có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc trẻ mầm
non công lập đến mọi người, như đang xảy ra ở một vài quốc gia ở Bắc Âu với dân
số vài triệu người và một nền kinh tế phát triển. Nhưng tuyệt đại đa số các
quốc gia khác, kể cả những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ,
Nhật, vv vẫn tồn tại các trường lớp mầm non tư thục hoạt động song hành với hệ
thống công lập.[5] Vấn
đề dường như không phải là cho phép hay không phép tư nhân chăm sóc, giáo dục
trẻ mầm non, mà là quản lý như thế nào để có được kết quả tốt nhất.
Riêng tại Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô
thị hóa đang diễn ra thì nhu cầu về dịch vụ chăm sóc trẻ em vốn đã quá tải đối
với hệ thống công lập không những không giảm đi mà ngày càng tăng thêm, và, như
báo chí đã từng lên tiếng cảnh báo, các công nhân và người lao động nghèo vẫn
đang mỏi mòn mong đợi có nhà trẻ tại nơi làm việc[6],
để không phải gửi con em vào những chỗ không thể yên tâm mà vẫn phải bấm bụng
làm ngơ.
Đi
tìm câu trả lời khác
Rõ ràng là cần có một cách quản lý khác, vừa khuyến khích
được tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ thiết yếu này, vừa quản lý được
chất lượng chăm sóc trẻ mầm non. Nhưng thay đổi như thế nào? Câu hỏi này cho
đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Quay lại TP HCM, trong cuộc họp quan
trọng đầu năm đã nêu ta cũng chỉ thấy lời hứa xiết chặt quản lý và cung cấp
thêm nhà trẻ công lập, mà không rõ họ sẽ làm điều đó như thế nào, hay vẫn sẽ
chỉ là những kế hoạch trên giấy.
Có thể, các nhà quản lý của chúng ta đang lúng túng chính là
vì quan điểm chỉ nhìn thấy lỗi lầm của trường lớp mầm non tư thục, mà không
thấy được họ cũng là đối tác tích cực để cùng với khối công lập thực hiện nhiệm
vụ nặng nề của giáo dục mầm non.
Nhưng trong khi chúng ta đang lúng túng với câu hỏi mới thì
câu trả lời đã tồn tại ở một quốc gia lân cận trong khu vực. Báo cáo của Văn
phòng UNESCO tại Bangkok kết hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc được viết vào
năm 2012[7]
đã phân tích những thách thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em của các nước
đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, vv để từ đó đưa ra những
khuyến nghị phù hợp, dựa trên 5 vấn đề cốt lõi:
(1) Chính sách toàn diện;
(2) Ưu tiên cho các đối tượng “thiệt thòi”;
(3) Chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ mầm non;
(4) Các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn, và hoạt động bồi
dưỡng - phát triển năng lực;
(5) Yêu cầu về chất lượng kèm cơ chế hỗ trợ, giám sát và rà
soát thường xuyên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Những vấn đề cốt lõi nêu trên cung cấp cho chúng ta một quan
điểm toàn diện với các yếu tố cần quan tâm của một hệ thống chăm sóc giáo dục
trẻ mầm non, từ đó các thiếu sót, bất cập của hệ thống chúng ta đã lộ rõ. Chúng
ta có “chính sách” nhưng chỉ ở mức độ vĩ mô, không được cụ thể hóa thành những
chỉ tiêu và giải pháp khả thi; chúng ta chưa quan tâm đủ đến những người nhập
cư và những địa bàn có tập trung nhiều công nhân và người lao động; chưa có quan
điểm toàn diện trong việc chăm sóc trẻ mầm non khi quy định chỉ có ngành giáo
dục là chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục mầm non; các tiêu chuẩn và quy
định còn khá sơ sài; và chúng ta rất ít quan tâm bồi dưỡng, phát triển năng lực
thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là khu vực ngoài công lập;
và cuối cùng, chúng ta hoàn toàn thiếu những cơ chế chất lượng đối với giáo dục
mầm non, trong khi bỏ quá nhiều thời gian vào những báo cáo mang nặng tính hình
thức như các phong trào thi đua, các kỳ thao diễn vv – danh mục nói trên còn có
thể kéo dài thêm nhiều nữa.
Để bổ sung và sửa chữa những thiếu sót bất cập vừa được chỉ
ra đòi hỏi nhiều thời gian và đặc biệt là nguồn lực vốn không dồi dào của một
nước đang phát triển như Việt Nam. Xã hội hóa giáo dục, một chủ trương ra đời
rất sớm và rất sáng suốt của ngành giáo dục có lẽ lại một lần nữa là câu trả
lời cho vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Thay vì sử dụng toàn bộ ngân sách
hạn hẹp để cung cấp đủ nhà trẻ công lập tại các địa phương (trong đó có các khu
công nghiệp), đào tạo đủ giáo viên mầm non để cung cấp cho các trường mầm non
công lập, cần có quy định trách nhiệm xây dựng nhà trẻ cho các công ty, xí
nghiệp tư nhân, đặc biệt là khu vực có đầu tư nước ngoài; khuyến khích, hỗ trợ,
đào tạo bồi dưỡng (có thể thu phí một phần) cho lực lượng giáo viên mầm non
ngoài công lập, thậm chí hỗ trợ về tài chính, cho tư nhân thực hiện dịch vụ
chăm sóc trẻ mầm non; và tất nhiên, tăng cường quản lý, giám sát và kiểm định
chất lượng các trường lớp mầm non không phân biệt công tư – phải chăng đó chính là giải pháp cho vấn đề
dường như không có lối thoát hiện nay?