Wednesday, April 25, 2012

Vai trò của tư nhân trong giáo dục đại học: Suy nghĩ từ kinh nghiệm Malaysia

Bài viết này của tôi đã được đăng trên trang mạng của Tạp chí Tia Sáng, được biên tập lại và đăng thành 2 bài với các tựa đề mới là “Đổi mới tư duy về vai trò của tư nhân trong giáo dục đại học”, ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5112, và "Đại học tư nhân của Malaysia", ở đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5122 . Xin đăng lại ở đây bài gốc.
-----------------------

Tờ báo kinh tế nổi tiếng The Economist số ngày 10/4 có đăng một mẩu ngắn trên trang blog Thương mại và Phát triển (Trade and Growth) với tựa đề là “Xuất khẩu giáo dục” (Educational Exports) (1).Theo đó, vào thời điểm đầu năm 2012 nước Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế có năng suất cao nhất thế giới của mọi thời đại, và “ngành công nghiệp” thành công nhất với mức xuất khẩu cao nhất của nền kinh tế năng động này chính là giáo dục đại học.

Quan điểm xem giáo dục đại học như một ngành thương mại quan trọng trong nền kinh tế tri thức toàn cầu ngày nay đã tồn tại từ vài thập niên gần đây, sớm nhất và rõ nét nhất trong khối nói tiếng Anh (Anh, Canada, Mỹ, Úc), nhưng cũng hiện diện ở Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Điều này được phản ánh rất rõ trong Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, trong đó giáo dục đại học là một trong nhiều “mặt hàng” có thể trao đổi, mua bán và được quy định bởi các điều khoản của luật thương mại quốc tế mà Việt Nam đã là một thành viên chính thức từ 5 năm qua.

Một hệ quả đương nhiên của quan điểm xem giáo dục đại học như một ngành thương mại là sự tham gia ngày càng tăng với vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân, và “lợi nhuận” thu được từ “ngành công nghiệp giáo dục đại học” này không chỉ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư mà còn có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Quá trình tư nhân hóa giáo dục đại học đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, giúp mở rộng tiếp cận giáo dục đại học đến các đối tượng mà nếu chỉ trông chờ vào kinh phí của nhà nước thì chắc chắn sẽ không bao giờ được thụ hưởng.

Tại đất nước nơi giáo dục đại học được xem là ngành công nghiệp có mức xuất khẩu cao nhất là nước Mỹ như trong bài viết nêu trên, toàn bộ nền giáo dục đại học không phân biệt công tư, vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận đều được đối xử sòng phẳng trên cơ sở quyền thông tin của người học và sự điều tiết và giám sát của nhà nước. Sự khác biệt duy nhất giữa các trường phi lợi nhuận (công lập và tư thục phi lợi nhuận) và các trường vì lợi nhuận chỉ là sự sở hữu tài sản và chính sách thuế. Yếu tố thị trường và cạnh tranh tồn tại rất rõ, và được xem là một tác nhân tốt cho sự phát triển của giáo dục đại học nói chung.Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì tất cả những điều trên nghe chừng vẫn còn quá xa lại và mới mẻ và dường như có phần không phù hợp?

Khi nhìn vào một số nước lân cận trong khu vực, ta thấy nổi lên một trường hợp thành công đáng học hỏi là Malaysia. Đây là đất nước đã sớm có tư duy xem giáo dục đại học là một ngành công nghiệp quan trọng, và có những chính sách tốt để phát triển giáo dục đại học rất đáng học hỏi. Một mặt, Malaysia tập trung đầu tư mạnh cho một số trường đại học công lập lớn để nhanh chóng trở thành lá cờ đầu, sánh vai với các trường đại học có danh tiếng trên thế giới nhằm tạo thương hiệu cho giáo dục đại học của đất nước, mặt khác họ tìm mọi cách để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư (cá nhân hoặc tập đoàn) tham gia vào giáo dục, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp và ổn định để thừa nhận quyền sở hữu và quản lý tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư.

Việc tiến hành song song cả hai chính sách nói trên có tác dụng vừa thu hút nguồn lực của xã hội để mở rộng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân trong nước, lại vừa tập trung nguồn lực công để xây dựng thành công các đại học công lập hàng đầu, hoặc tài trợ cho khu vực tư nhân để thực hiện những mục tiêu công ích. Kết quả là Malaysia đã rất thành công trong việc tự biến mình thành một trung tâm giáo dục đại học của khu vực (regional higher education hub), thu hút được nhiều cơ sở giáo dục có uy tín của các nước có nền giáo dục đại học phát triển như Anh, Mỹ, Úc đến Malaysia qua các chương trình liên kết, và chiêu dụ được khá đông sinh viên quốc tế đến học. Một đặc điểm cần lưu ý là Malaysia công khai thừa nhận vai trò của các cơ sở giáo dục tư thục vì lợi nhuận, và trên thực tế tuyệt đại đa số các trường đại học tư của Malaysia đều là trường vì lợi nhuận (2). Trong số các trường tư vì lợi nhuận của Malaysia có thể kể một trường có văn phòng đại diện tại Việt Nam, được nhiều người biết đến qua những hoạt động quảng cáo rầm rộ và cũng khá thành công trong việc thu hút sinh viên Việt Nam là Taylors’ College (3).

Ở những nước như Malaysia hoặc một số nước thành công trong việc thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục, có thể thấy một quan niệm khá thoáng và mới mẻ về lợi nhuận trong giáo dục. Theo quan điểm này, lợi nhuận tự nó chẳng có gì là xấu nếu không nói là ngược lại, vì đó chính là thước đo sự thành công của một doanh nghiệp – ở đây là một cơ sở giáo dục đại học (4). Xét dưới khía cạnh kinh tế, điều này hoàn toàn chính xác: tất cả mọi nhà đầu tư trong mọi ngành nghề đều lấy lợi nhuận làm thước đo cho sự thành công của mình, vì đó là bằng chứng rằng sản phẩm/dịch vụ của họ đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng là nhà nước phải có những luật lệ, quy định rõ ràng để bảo vệ người học và xã hội, có khả năng phân xử công bằng khi có tranh tụng, và có khả năng thực hiện chế tài trong những trường hợp các trường (cả tư lẫn công) có vi phạm.

Còn Việt Nam? Từ vài thập niên nay chúng ta cũng đã có chủ trương “xã hội hóa giáo dục” hay nói cách khác là thu hút đầu tư của tư nhân vào giáo dục. Có thể nói về chủ trương thì Việt Nam không hề chậm hơn Malaysia hoặc các nước khác trong khu vực, nhưng sự phát triển của giáo dục đại học tư tại Việt Nam (và tương tự như vậy là Trung Quốc) dường như khá khó khăn. Đường đi của khối đại học, cao đẳng ngoài công lập cho đến nay là một con đường không bằng phẳng, mà gập ghềnh khúc khuỷu. Cũng giống như Trung Quốc, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa chính thức đưa vào Luật các khái niệm “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”. Và quan điểm toàn bộ giáo dục, kể cả giáo dục đại học, phải là “hàng hóa công”, là “công ích”, dường như cho đến nay vẫn là quan điểm thống trị.

Một quan điểm nếu thực hiện được thì có lẽ cũng rất đẹp. Nhưng thực tế giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đang là như thế này: tuyệt đại đa số giảng viên đại học chưa sống được bằng đồng lương tại nhiệm sở chính thức của mình mà vẫn phải chạy đôn chạy đáo dạy thêm khắp nơi, không  có thời gian và và điều kiện (tài liệu, thư viện) để cập nhật kiến thức chứ chưa nói là nghiên cứu để tạo ra những tri thức mới theo đúng nghĩa. Đa số sinh viên đi học thì ngán ngẩm với chương trình cũ kỹ với nhiều điều dường như không mấy hữu dụng. Và một điều rất hiển nhiên là hầu hết (tất cả? mọi người nếu có đủ điều kiện thì sẽ hoàn toàn tự nguyện và thậm chí hãnh diện bỏ tiền túi để cho con em mình đi học ở những nơi mà giáo dục đại học được xem là một “món hàng” để xuất khẩu. Một món hàng cao cấp và tốn kém nhưng là một đầu tư xứng đáng vì những lợi ích cá nhân mà “người mua” sẽ nhận được. Đối chiếu thực tế này với ước mơ “giáo dục đại học phải là công ích” liệu có làm cho ai cảm thấy có chút đắng lòng hay không?

Một cuộc giải phóng tư duy về vai trò của tư nhân trong giáo dục đại học có lẽ đang là điều cấp bách nhất trong giai đoạn phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam. Vì nếu không, thì e rằng việc tiếp tục phát triển khối trường ngoài công lập để đạt chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các đại học, cao đẳng tư thục vào năm 2020 của Việt Nam vẫn sẽ là một con đường vô cùng gian truân, và sự tụt hậu đối với các nước xung quanh sẽ là một điều không còn gì phải bàn cãi nữa.
-----------------------------
 References

1 http://www.economist.com/blogs/freeexchange/2012/04/trade-and-growth
2 http://kamalharmoni.com/uum/IT_Policy/assignemnt-1/journal/; the%20role%20of%20private%20sector%20in%20higher%20education%20in%20malaysia.pdf
3 http://www.taylors.edu.my/en/college
4 Ruch (2001). The Rise of the For-Profit University. John Hopkins University Press.

Thursday, April 12, 2012

Đọc “Xuất khẩu giáo dục” (Educational Exports), nghĩ về đại học tư thục ở VN

Bài trên tờ The Economist, mới toanh ngày 10/4 (tức là 11/4 ở VN), hôm qua. Ngắn thôi, nhưng rất hay. Tiếc là tôi đang bận quá không có thìgiờ để dịch, viết gì cả. Chỉ có thể ghi nhanh lại vài suy nghĩ vụn dưới đâythôi vậy.

Này nhé, tựa bài là “xuất khẩu giáo dục”. Lại được đăng trên blog Trade and Growth (Mậu dịch và Phát triển) nhé. Có ai còn cãi giáo dục (đại học) không phải là hàng hóa nữa hay không? Có ai còn cho rằng giáo dục (đại học) phải được coi là công ích và phải được nhà nước bao cấp (hoàn toàn) nữa hay không? Nên nhớ (theo bài viết này), đối với nước Mỹ, ngành giáo dục đại họcchính là ngành công nghiệp thành công nhất và có mức xuất khẩu cao nhất so vớicác ngành công nghiệp khác.

Nhiều ý kiến trong nước – từ các nhà lãnh đạo, quản lý các trường đại học, các giảng viên, nhà khoa học, các luật gia, và các nhà nghiên cứugiáo dục – vẫn cho rằng giáo dục đại học phải được xem là một phần của hệ thống kinh tế (dạy nghề) hơn là hệ thống giáo dục (dạy người), và được đối xử sòng phẳng theo quy luật thị trường (tất nhiên có sự điều tiết và giám sát của nhà nước). Nhưng hình như suy nghĩ này vẫn còn quá mới đối với VN?

Sao mọi người không nghĩ: cứ khư khư bám lấy quan niệm giáodục là hàng hóa công, hay công ích, liệu có ích gì không, nếu hiện nay giáo viên (giảng viên đại học) thì chưa sống được bằng lương chính thức nên phải chạy show khắp nơi, chẳng có thì giờ đâu mà đọc sách cập nhật kiến thức chứ đừng nóilà nghiên cứu ra cái mới, sinh viên đi học thì ngán ngẩm với chương trình cũ kỹ và vô dụng, và tất cả mọi người VN và TQ nếu có đủ điều kiện thì sẽ ngay lập tức nộp tiền cho con mình đi học ở những nơi mà giáo dục đại học được xem là một món hàng xuất khẩu để thu tiền? Vì ngay cả Mỹ, nơi có một nền giáo dục đại học cônglập tuyệt vời, cũng vẫn xem sinh viên quốc tế là những người mua hàng nhập khẩu, trả tiền vì lợi ích tư cơ mà, có liên quan gì đến công ích đâu?

Chúng ta cần một cuộc giải phóng tư duy về vai trò của tư nhân trong giáo dục, quả thực thế! Nếu không thì chủ trương xã hội hóa giáo dục của chúng ta chắc sẽ còn nhiều khó khăn lắm lắm! Và sự tụt hậu đối với các nước xung quanh chắc sẽ là một điều không còn gì phải bàn cãi nữa.

Saturday, April 7, 2012

Học tập hỗn hợp và CNTT-TT trong giáo dục (1)


Bài viết ngắn này nhằm lưu lại một đoạn tài liệu mà tôi mới tìm được có liên quan đến “học tập hỗn hợp (HTHH)” (blended learning, BL). Xin nói thêm, HTHH hay BL là một buzzword (tạm dịch: từ thời thượng) mới trong giáo dục, do tiềm năng to lớn của phương pháp tổ chức học tập này trong việc nâng cao chất lượng/hiệu quả của giáo dục. Chính vì tiềm năng to lớn này mà tổ chức WB tại VN đã có hẳn một chương trình tài trợ cho BL, đến nay đã tài trợ đến vòng thứ 5.



Cũng “khoe” thêm một chút là Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập mà hiện nay tôi đang làm PGĐ (tự nguyện theo nguyên tắc của một tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí không được trả lương vì hiện nay EQTS không làm việc gì có thu nhập cả) vừa mới “trúng” một dự án về BL do WB tài trợ và sắp được triển khai. Đó chính là lý do mà hiện nay tôi quan tâm đến BL như thế này.



Giới thiệu một chút như thế, còn bây giờ là phần nội dung cần lưu. Nguồn tài liệu: ICT in education by Victoria L Tinio, UNDP 2002, available online at www.eprimers.org. Hoặc có thể lấy ở đây, do tôi download xuống và đưa lên trên google docs:  



-----

Công nghệ thông tin – truyền thông trong giáo dục (ICT in education)


(Lược dịch thoát phần Definition of Terms, trang 4 – 5 của tài liệu đã nêu.)



Là tập hợp những công cụ và tài nguyên công nghệ được sử dụng trong việc truyền thông cũng như sáng tạo, phổ biến, lưu giữ, và quản lý thông tin”. Những công cụ và tài nguyên này “bao gồm máy tính, mạng Internet, các công nghệ truyền thanh/truyền hình, và điện thoại vô tuyến? (telephony).”



E-learning (học tập qua mạng)



Là việc học tập được thực hiện thông qua một mạng thông tin, có thể là mạng LAN hoặc mạng WAN, thực hiện toàn bộ hay một phần, để phục vụ việc giảng dạy, tương tác hoặc hỗ trợ người học. Còn được gọi là online learning (học tập trực tuyến).







Học tập hỗn hợp

Là một thuật ngữ ngày càng được dùng rộng rãi trong giáo dục. HTHH là “mô hình học tập kết hợp giữa việc giảng dạy/học tập ở trên lớp theo truyền thống và các giải pháp học tập qua mạng. Chẳng hạn, người học trong những lớp học truyền thống có thể được giao tài liệu vừa bằng giấy vừa trên mạng, có những buổi trao đổi trên mạng với giảng viên qua hình thức chat, và đăng ký một tài khoản email của lớp học. Hoặc ngược lại, một khóa học qua mạng được hỗ trợ bằng việc giảng dạy trực tiếp theo định kỳ. Việc kết hợp các phương thức học tập bắt nguồn từ nhận thức rằng không phải mọi loại học tập đều có thể thực hiện qua môi trường điện tử, đặc biệt là nếu hoàn toàn không có sự hiện diện của một giảng viên. Thay vào đó, cần xem xét nội dung giảng dạy, mục tiêu học tập và kết quả đầu ra, đặc điểm của học viên, và môi trường học tập để có thể tạo ra một công thức hỗn hợp về phương thức giảng dạy tối ưu nhất.



Học tập mở theo phương thức từ xa (open and distance learning)



(Ghi chú: Tôi tạm dịch như trên nhưng chưa hài lòng; các bạn góp ý về cách dịch giúp nhé).



Học tập mở theo phương thức từ xa (viết tắt là HTMTX) được Commonwealth of Learning định nghĩa là “phương thức cung cấp cơ hội học tập với những đặc điểm sau: có sự cách biệt giữa thầy và trò về thời gian hoặc địa điểm, hoặc cả hai; việc học này được xác nhận bởi một trường hoặc một tổ chức; có sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, cả bằng giấy lẫn điện tử; những phương thức giao tiếp hai chiều cho phép thầy và trò tương tác; có khả năng tổ chức những buổi gặp gỡ trực diện; và có sự tách biệt rõ ràng giữa việc chuẩn bị nội dung giảng dạy và việc tổ chức giảng dạy.”

-----------------------

Dưới đây là comment của bạn Nguyễn Tấn Đại, xin đưa lên đây cho mọi người cùng đọc:




Một số thuật ngữ Cô nêu, theo em thì như sau:


- Open and distance learning = "Đào tạo từ xa". Em không dùng từ "học tập" theo nghĩa đen của "learning" vì tiếng Việt mình rất khó kết hợp; vả lại trong "đào tạo" cũng đã bao hàm "tự đào tạo", tức "tự học". Chữ "Open" cũng không nhất thiết dùng, vì bản thân "từ xa" cũng có bao hàm tính chất "mở".


- Blending learning: "học tập hỗn hợp" dịch đúng nghĩa của khái niệm này, nhưng vấn đề là trong tiếng Anh nó đã được xây dựng trên một nền tảng những khái niệm đã trở thành phổ biến trong lĩnh vực "ICT in education", còn trong tiếng Việt thì đang là một "mớ hỗn độn", thêm "hỗn hợp" vào thì càng... hỗn độn thêm! Bản chất của phương pháp này là sự xen kẽ giữa hai phương thức học trực diện (face to face) và trực tuyến hay từ xa (online, distance), nên có thể gọi là phương pháp "học tập xen kẽ trực diện-trực tuyến", hơi dài nhưng rõ nghĩa.


Về sau khi đã quen rồi thì "cắt đuôi" thành "học tập xen kẽ" hoặc quay về với "học tập hỗn hợp". Song, theo em "blended learning" rất mơ hồ, vì dùng CNTT trong dạy học là xu hướng tất yếu, với rất nhiều cấp độ, từ 1 % đến 100 %, xen kẽ với từ 99 % đến 0 % của phương thức dạy học trực diện. "Blended" sẽ bắt đầu từ mức nào?


- E-learning: không hẳn là "học tập qua mạng", vì bản chất của nó là dùng máy tính - chứ không phải chỉ có Mạng (Web) hay Internet - để học. Đã có nhiều người (cả của Bộ GD&ĐT) dùng "học tập điện tử", gọn, đúng nhưng có vẻ chưa thuận tai lắm trong tiếng Việt. Người Trung Quốc "Hán hoá" khái niệm này là "số vị hoá học tập" (數位化學習); tiếng Việt có thể nói "nôm na" ra là "học tập bằng công nghệ số".


Về vấn đề này, hôm rồi em có soạn một bài thuyết trình để làm cho dự án GDĐH2 của ĐHSP TP. HCM, Cô có thể xem ở đây: http://hochanh.info/moodle/mod/resource/view.php?id=1025.