Saturday, January 6, 2024

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG NGÂN HÀNG CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM (Bài 1 _ là lời dông dài trước khi thực sự bắt đầu )

Dẫn: Như nhiều bạn đọc của tôi đã biết, tôi vốn được đào tạo khá bài bản về Language Testing - một cụm từ nhìn đơn giản dễ hiểu nhưng lại khó dịch sang tiếng Việt, do cơ sở kiến thức của VN về chuyên ngành này hầu như rất hạn chế. Vì vậy, từ khi hoàn tất chương trình đào tạo tiến sĩ tại Australia về ngành này từ năm 1997 (lúc ấy tôi chỉ mới 37 tuổi, wow!), mặc dù không thể nói là tôi không được sử dụng [vì tôi đã làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục của ĐHQG-HCM đến 2 nhiệm kỳ (8 năm), từ năm 2004 đến hết 2011] những gì tôi đem ra ứng dụng so với những gì tôi được họcthật chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ, chắc không đến quá 10%. Và sau đó thì tôi chỉ sử dụng kiến thức và kinh ngiệm của mình để phục vụ cho công tác quản lý việc đánh giá hiệu quả giảng dạy của chính mình và để dạy cao học, chủ yếu là dạy lý thuyết vì nhu cầu áo dụng vào thực tế tại VN hầu như không có. Tóm lại là rất uổng!

Nhưng bây giờ, sau khi tôi đã nghỉ hưu chính thức được 8 năm, thì những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về Language Testing mà tôi đã tích lũy bao lâu này ngày càng có vẻ hữu ích và trở nên cần thiết hơn. Vì vậy, "máu nghề nghiệp" của tôi lại trỗi dậy, và tôi biết điều cần thiết nhất lúc này là việc xây dựng một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho đúng chuẩn. Vì vậy, thay vì tiếp tục những sai lầm của đa số những nhà nghiên cứu trẻ - well, ít ra là những người cùng thời với tôi - là đi ngày càng đi sâu tìm tòi những lý thuyết mới, say mê với khoa học for its own sake, thì tôi sẽ bắt đầu từ phía người dùng, là cung cấp chỉ vừa đủ những gì người ta cần ngay lập tức.

Well, nói dài dòng vậy là để giải thích vì sao tôi lại "tái xuất giang hồ" vào lúc này, và tại sao lại có loạt bài này. Tôi đang muốn viết một giáo trình bằng tiếng Việt về Trắc nghiệm ngôn ngữ (tôi dùng cụm từ này để dịch tên tiếng Anh là Language Testing, mặc dù tôi biết sẽ có nhiều người dịch khác đi, ví dụ "Kiểm tra đánh giá ngôn ngữ", dự kiến sẽ gồm nhiều phần mà trong đó có lẽ sẽ bắt đầu bằng chủ đề Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm (Item banking). Tuy nhiên tôi biết rằng việc viết một giáo trình là chuyện lâu dài, có thể kéo dài đến cả năm, mà như thế thì sẽ rất dễ nản và bỏ dở, nên tôi quay trở lại blog này để ghi lại những gì đang diễn ra trong đầu tôi lúc tôi có thời gian để viết - một kiểu nhật ký chuyên môn- trước hết là để lưu lại những gì mình đang làm, đồng thời chia sẻ với những ai quan tâm và hy vọng sẽ tạo ra một diễn đàn không chính thức về Trắc nghiệm ngôn ngữ (Language Testing) ở đây.

LƯU Ý QUAN TRỌNG: DO NHỮNG GHI CHÉP Ở ĐÂY SẼ ĐƯỢC VIẾT THÀNH MỘT TÀI LIỆU MÀ TÔI ĐỨNG TÊN TÁC GIẢ, NÊN TÔI SẼ LÀ NGƯỜI GIỮ TOÀN QUYỀN TÁC GIẢ LẪN QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM TRÍ TUỆ MÌNH SẼ LÀM RA. VÌ VẬY, XIN MỜI MỌI NGƯỜI ĐỌC VÀ THAM KHẢO ĐỂ TĂNG THÊM HIỂU BIẾT HOẶC THAM GIA ĐỐI THOẠI, TRANH LUẬN... NHƯNG NẾU CÓ Ý ĐỊNH SỬ DỤNG TRONG CÁC CÔNG BỐ THÌ CẦN PHẢI XIN PHÉP TÔI. TẤT NHIÊN LÀ TÔI SẼ ĐỒNG Ý NHƯNG NẾU SỬ DỤNG MÀ KHÔNG HỎI Ý KIẾN THÌ ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC ĐẠO VĂN CÁC BẠN NHÉ. TÔI CÓ THỂ KHÔNG BIẾT HOẶC NẾU CÓ BIẾT CÓ LẼ CŨNG SẼ KHÔNG KIỆN CÁO GÌ (hi hi, cái này thì tôi không hứa, còn tùy mood của tôi lúc ấy, NHƯNG TÔI TIN LÀ CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY CỦA TÔI ĐỀU LÀ NHỮNG NGƯỜI LIÊM CHÍNH, VÀ NẾU CÓ VÔ TÌNH SỬ DỤNG KHÔNG XIN PHÉP VÀ KHÔNG DẪN NGUỒN THÌ CHỈ LÀ DO VÔ TÌNH HOẶC KHÔNG BIẾT. LƯU Ý NÀY CHỈ ĐỂ TRÁNH XẢY RA TÌNH TRẠNG CÁC BẠN VÔ TÌNH BỊ VƯỚNG VÀO ĐẠO VĂN MÀ THÔI.

Well, phần dông dài của tôi quả thật là ... dông dài. Tôi sẽ kết thúc bài 1 này ở đây, nhưng trước khi kết thúc, xin lưu lại và chia sẻ một tài nguyên mà tôi sẽ sử dụng trong quá trình viết tài liệu Hướng dẫn này. Hy vọng việc chia sẻ tài nguyên này cũng đủ để trả công cho các bạn đã tin tưởng và kiên nhẫn mất thời gian đọc đến tận đây. Tài liệu đó ở đây: href="https://werkgroep-toetsen-op-afstand.github.io/Handbook-Item-Banking/"

Tạm thời như thế nhé, hẹn các bạn trong những bài sau.

Monday, July 12, 2021

46 TOEFL CÓ TƯƠNG ĐƯƠNG 5.5 IELTS KHÔNG?

 Đây là câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất trong mấy ngày qua. Lý do là trong Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 mới ban hành, ở Phụ lục 2 có nêu yêu cầu về ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh thì nếu có chứng chỉ TOEFL cần đạt 46 trở lên; nếu có IELTS thì cần 5.5 trở lên. Cả hai đều được xem là tương đương bậc 4/6 trong khung năng lực ngoại ngữ của VN.

Dưới đây là những câu trả lời của tôi. 

Câu trả lời ngắn nhất là: KHÔNG! Vâng, không tương đương dù rõ ràng điểm 46 TOEFL được nêu rõ ràng, từ 46 điểm trở lên là đã tương đương với 5.5 IELTS rồi. Xem hình dưới đây.

Nhưng tại sao vậy? À, muốn giải thích thì phải có câu trả lời dài hơn. Vậy thì đây.

Câu trả lời dài hơn một chút là: KHÔNG SAI, NHUNG KHÔNG ĐÚNG. Không sai, vì theo bảng so sánh của TOEFL đưa ra và được nhiều người công nhận thì ai có điểm TOEFL trong khoảng 46-59 TOEFL thì hoàn toàn tương đương với 5.5 IELTS. Như vậy, nói rằng 46 điểm TOEFL tương đương với 5.5 IELTS thì không sai một chút nào cả.

Nhưng cũng không đúng, vì 5.5 IELTS là một điểm số duy nhất nhưng điểm tương đương TOEFL của nó lại là một dải, từ 46-59 (cách nhau đến 14 mức điểm). Mức điểm liền kề thấp hơn là IELTS 5, thấp hơn 0.5 điểm IELTS, nằm ở một bậc năng lực khác (bậc B1 so với B2 của điểm 5.5). Và ai đã thi IELTS đều biết là để tăng 0.5 điểm IELTS thì không hề dễ. 

Trong khi đó, 46 điểm TOEFL chỉ là mức điểm khởi đầu của một dải khá dài. Với 13 mức điểm khác nhau trong dải điểm 14 mức này, thì sự xê xích nhau chỉ 1, 2 điêm giữa hai điểm số thực sự không có nhiều ý nghĩa. Chắc hẳn là không có sự khác biệt về năng lực giữa một người 46 và một người 47, 48 hoặc thậm chí 50= điểm TOEFL.

Nhưng, và đây là điểm nguy hiểm chết người, nếu một người 45 điểm và một người 46 điểm, thì theo bảng so sánh dưới đây, sự khác biệt chỉ một điểm số lại khiến cho số phận của hai người này khác nhau. Một người đủ điều kiện làm tiến sĩ, còn một người thì không đủ. Thật đúng là học tài thi phận!

Vậy tóm lại là gì? Xin mời các bạn đọc đoạn dưới đây, có thể xem là kết luận:

Về trình độ Tiếng Anh, TOEFL iBT 46 tương đương với IELTS 5.5 trở lên:

Quy định không sai vì theo bảng so sánh điểm giữa TOEFL và IELTS do TOEFL công bố chính thức thì điểm TOEFL trong khoảng từ 46-59 là tương đương với 5.5 IELTS. Tức là điểm 46 TOEFL lọt trong khoảng điểm được cho là tương đương với 5.5 IELTS.

Tuy nhiên cách xét tương đương này cũng không phải là đúng, vì TOEFL và IELTS sử dụng 2 kiểu thang đo khác nhau. IELTS dùng thang khoảng cách (gọi là band score), giữa các mức điểm liền kề nhau có một khoảng cách khá xa về năng lực. Nếu ai đã từng đi thi IELTS sẽ thấy từ 5 điểm (mức cao của B1) lên 5.5 (mức đầu của B2) hoặc từ 5.5 lên 6.0 (mức giữa của B2) là điều không dễ dàng. 

Trong khi đó, TOEFL dùng thang liên tục, khoảng cách về năng lực giữa các mức điểm liền kề nhau không có nhiều ý nghĩa.  Hầu như không có khác biệt giữa những người đạt 45, 46  hoặc 47 điểm. Trên thực tế kết quả thi của một người đi thi TOEFL hai lần liên tiếp khác nhau có thể chênh nhau vài điểm là bình  thường. 

Với kinh nghiệm của một người đã từng là giảng viên tiếng Anh và cũng có nhiều nghiên cứu về các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tôi tin chắc rằng để đạt được 46 điểm TOEFL thì dễ hơn so với đạt 5.5 IELTS, bởi đề thi TOEFL sử dụng nhiều câu hỏi trắc nghiệm nên điểm số đạt được vẫn có ít nhiều may rủi, đặc biệt là ở mức thấp. 

Về mặt kỹ thuật, để so sánh chính xác hai thang đo khác nhau,  một bên là một dải điểm (từ 46 đến 59 TOEFL) và một bên là một điểm duy nhất (5.5 IELTS) thì phải lấy điểm giữa trong dải điểm (từ 46 đến 59 TOEFL) để so sánh. Điểm giữa ở đây chính là 52 TOEFL. Nếu lấy 46 điểm TOEFL sẽ là hơi thấp.