Tuesday, July 29, 2014

Vai trò của nhà nước đối với giáo dục mầm non: Câu chuyện ở TP HCM


Bài viết dưới đây của tôi thực ra là một phần của bài viết đã gửi cho báo Nhân Dân theo chủ đề đặt hàng. Vì bài quá dài - vượt xa mức cho phép - nên tòa soạn đề nghị tôi cắt bớt một phần, và tôi đã bỏ hẳn phần dưới đây vì quá đặc thù về TP HCM, trong khi mục tiêu của bài viết là đề cập đến vấn đề toàn quốc. Nhưng cắt bỏ thì ... uổng, nên tôi đăng lên đây để chia sẻ đến những bạn nào quan tâm. Enjoy các bạn nhé.
----------
Quyết tâm hỗ trợ ngành học mầm non của thành phố Hồ Chí Minh
Vừa qua ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non đã có bài trả lời phỏng vấn trên báo Nhân Dân, trong đó nêu những thành tựu và khó khăn của ngành học này. Qua những gì ông Vụ trưởng đã phát biểu, có thể đưa ra nhận xét vắn tắt rằng ngành giáo dục mầm non hiện đang là nơi tập trung cao nhất tất cả những khó khăn của ngành giáo dục. Và để giải quyết những khó khăn này, rõ ràng không  thể bỏ qua vai trò của nhà nước, vì chỉ có nhà nước mới có điều kiện đưa ra những chính sách và biện pháp phù hợp nhất để thay đổi tình trạng hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố nổi tiếng năng động và dám nghĩ dám làm, lại một lần nữa đi đầu thể hiện quyết tâm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng tại địa phương của mình bằng một nghị quyết hỗ trợ ngành học mầm non được thông qua trong tháng 6/2014[1]. Ba nhóm pháp lớn nhằm phát triển giáo dục mầm non đã được phác thảo, đó là: tăng lương và có các chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, bố trí vốn đầu tư xây dựng mới các trường mầm non công lập theo đề nghị của quận, huyện, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các trường mầm non ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và 11 phường chưa có trường mầm non; và quan trọng nhất là thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, trước mắt áp dụng tại 8 quận, huyện nơi có đông công nhân sinh sống và làm việc ngay từ năm học 2014 – 2015, và trong tương lai gần sẽ nhân rộng ra trên toàn thành phố.

Quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố thì đã rõ, nhưng việc triển khai nghị quyết liệu có đạt được hiệu quả như mong muốn? Ngay từ khi nghị quyết được công bố, nhiều người dân đã tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của việc nhận trẻ em từ 6 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập. Cần biết, hiện nay tại thành phố chưa có trường mầm non công lập nào nhận trẻ từ 6 đến 13 tháng tuổi, và toàn bộ số trẻ em từ 6 đến 13 tháng tuổi đều do các trường trường mầm non tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình chăm sóc, trong đó có đến 520 cơ sở trông giữ trẻ không phép nuôi giữ hơn 10.000 trẻ.[2] 

Nhiều phụ huynh bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào khả năng chăm sóc trẻ em dưới 12 tháng tuổi ở những nơi này, bởi đã là trường lớp công lập thì thường phải có những quy định chung, đôi khi khá cứng nhắc không phù hợp với đặc điểm của từng đứa trẻ; các cô giáo mầm non của các trường công lập lại đa số là trẻ tuổi và chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm về tâm sinh lý của trẻ nhỏ, chưa được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng cho công việc tưởng chừng dễ dàng nhưng lại rất khó khăn này, như bất cứ người mẹ nào đã trải qua kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ đều hiểu rõ. 

Trong khi đó các nhóm trẻ gia đình thường do những người có kinh nghiệm làm mẹ đứng ra phụ trách và thực hiện, và khá dễ dàng chấp nhận những điều kiện riêng của gia đình như gửi sớm, đón trễ, cho ăn riêng, uống thuốc vv, khiến các bà mẹ luôn cảm thấy thoải mái và tin tưởng hơn, mặc dù tính chuyên nghiệp của những nơi này không thể so được với các trường công lập.

Bên cạnh những câu hỏi về tính khả thi của việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi ở các trường công lập, khả năng giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại TP HCM cũng không phải là khả quan, kể cả khi áp dụng chế độ tăng lương cho giáo viên như thành phố đã đưa ra. Ngay tại cuộc họp thông qua Nghị quyết vào tháng 6/2014, một đại biểu thuộc quận 4, đã nêu ra tình trạng chỉ có 6 hồ sơ dự tuyển cho 48 vị trí giáo viên mầm non còn thiếu của quận trong năm học 2014-2015 này. 

Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu giáo viên là do mức lương quá thấp, nhưng những hỗ trợ về tài chính mà thành phố đã đưa ra rõ ràng vẫn chưa làm cho ngành giáo dục mầm non đủ hấp dẫn để có thể thu hút được thêm nhân lực. Bởi, nếu các giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng trong năm học 2014-2015 được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (1.150.000 đồng), thì tổng thu nhập cũng chỉ mới đạt trên 2 triệu/tháng[3]

Đó là chưa kể mức hỗ trợ này sẽ chỉ được áp dụng trong 3 năm với tỷ lệ giảm dần đều (100%, 70%, 50%)  để đến năm thứ tư sau khi được tuyển dụng chỉ còn hưởng tiền lương theo quy định hiện hành - một mức lương mà theo ông Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội là “thấp nhất trong toàn bộ bảng lương, phụ cấp của lao động nước ta”; thậm chí còn thấp hơn cả mức lương tối thiểu của các công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp của thành phố. 

Xét trên thực tế những gì đang diễn ra tại TP HCM, có lẽ sẽ có người đặt câu hỏi: Phải chăng vai trò nòng cốt của hệ thống trường mầm non công lập phải chăng chỉ là ước mơ chứ không bao giờ có thể trở thành hiện thực?

(Xin để ngỏ bài viết với câu hỏi ở trên. Phần kết luận của bài viết xin chờ bài đăng trên báo Nhân Dân sau khi được duyệt và biên tập lại).

Wednesday, July 23, 2014

Tại sao chỉ nên giữ kỳ thi tốt nghiệp và bỏ kỳ thi đại học?

Dẫn: Vừa qua, PTT Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cho Bộ GD nghiên cứu tổ chức kỳ thi quốc gia để vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ một để xét tuyển vào đại học ngay trong năm 2015. Sự kiện này làm dư luận hết sức quan tâm, có người ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều người chống. Tôi cũng có một bài trả lời phỏng vấn trên VNN về vấn đề này (đã đăng trên blog trong entry trước) nhưng cảm thấy vẫn còn chưa rõ, chưa kể nhiều ý kiến của tôi đã bị hiểu lầm và phê phán nặng nề. Vì vậy tôi viết thêm bài này để giải thích rõ hơn quan điểm của tôi. Bài đã đăng trên fb.
----------
Kỳ thi tuyển sinh 3 chung chỉ mới tồn tại từ năm 2002 đến giờ. Trước đó, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp, còn thi đại học thì mỗi trường mỗi thi theo đề thi do mình tự ra và tuyển theo yêu cầu của mình. Bộ chỉ việc cấp chỉ tiêu và kinh phí cho các trường thôi.

Lúc ấy, giáo dục đại học của VN chỉ bị chê là lạc hậu, cũ kỹ, cứng nhắc (do ít tiếp xúc với bên ngoài), nhưng không có tình trạng loạn như bây giờ. Và giáo dục phổ thông của VN nói chung vẫn tạm ổn, trừ những tư tưởng giáo điều trong những môn xã hội-nhân văn.

Khi bắt đầu thi 3 chung, các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà quản lý ở trường phản ứng rất dữ dội. Bởi, quyền tuyển sinh ở đầu vào phải là của các trường, vì nó là một phần của quá trình đào tạo. Khi Bộ đòi nắm quyền như thế, thì có người đã nhận xét rằng chúng ta đã đi thụt lùi về thập niên 60 ở miền Bắc, thời mà cấp trên bao cấp mọi thứ, kể cả tư duy. Nhưng với quyền của mình, Bộ đã kiên quyết thực hiện.

Giờ, sau hơn một thập niên với 2 kỳ thi quốc gia đều do Bộ chỉ đạo, tổ chức (trong đó có những phần việc Bộ trực tiếp làm, có những phần các trường hoặc các Sở làm) thì nhiều vấn đề chưa ổn đã bộc lộ rõ.

- Với kỳ thi tốt nghiệp, người ta không hài lòng vì nó không nghiêm túc, và tỷ lệ đậu quá cao, thể hiện bệnh thành tích trong giáo dục.

- Với kỳ thi đại học, người ta kêu là nó quá nặng nề căng thẳng, 2 kỳ thi quốc gia liên tiếp dồn dập làm hao tổn sức lực của toàn xã hội. Mà nặng nề thật, mấy ngày thi học sinh ở vùng quê đi lại thật khổ sở, thỉnh thoảng lại có chuyện đụng xe chết người hoặc bị mất cắp hết tiền bạc, giấy tờ rất thảm thương, khổ chẳng kém gì thời Lều chõng. Cả một nền giáo dục ứng thí như người ta thường nói.

Bị kêu nhiều quá nên Bộ có kế hoạch bỏ một kỳ thi quốc gia. Cũng đúng thôi, vì trước đây chỉ có một kỳ. Nhưng bắt đầu xảy ra một chuyện lạ lùng: Trước đây ai cũng hiểu là học xong 12 năm thì đương nhiên phải dự một kỳ thi để có thể tốt nghiệp. Sau đó, đã tốt nghiệp rồi thì các em có thể chọn nhiều con đường cho mình, hoặc đi làm công nhân, hoặc học nghề hoặc đi thi vào các trường đại học, cao đẳng để học lên nữa, ai giỏi thì chọn trường khó, ai kém hơn thì chọn trường dễ, chẳng thắc mắc gì. Nhưng bây giờ thì bây giờ hầu như mọi người - kể cả những người thông minh, giỏi giang, có hiểu biết, có lý lẽ - lại khăng khăng cho rằng phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ lại kỳ thi đại học.

Lý do cho lập luận giữ kỳ thi đại học, bỏ kỳ thi tốt nghiệp là: kỳ thi đại học là kỳ thi duy nhất nghiêm túc nên phải giữ lại. Còn kỳ thi tốt nghiệp thì đằng nào cũng đậu gần 100%, thi làm gì, vô ích! Thậm chí có người còn cho rằng nếu bỏ kỳ thi đại học thì giáo dục đại học VN sẽ nát bét, và đó là tội ác!

Dưới con mắt chuyên môn của một người được học về đánh giá giáo dục, tôi thấy quả tình không sao hiểu nổi quan niệm trên. Quan điểm của tôi là phải trở lại những gì đã làm từ trước khi có kỳ thi 3 chung vì nó là điều hợp lý duy nhất. Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng không cần thi gì hết mà chú trọng vào dạy và học cho tốt, cho thực chất, nhưng điều này có vẻ quá lý tưởng, dù tôi cũng ủng hộ nếu có điều kiện.

Nhưng hình như giờ đây tôi trở thành thiểu số tuyệt đối, và càng nói thì càng bị chỉ trích, thậm chí chụp mũ. Một điều mà người ta hay nói nhất là: chỉ có khối trường ngoài công lập (mà hiện nay tôi đang ít nhiều đại diện) mới thích bỏ thi tuyển sinh để "hốt" được nhiều sinh viên mà thôi! Vì vậy, khi tôi nói bỏ thi đại học thì chẳng qua là tôi đang nói vì tư lợi!!!!! (Hu hu!!!)

Xin thử cố gắng chỉ ra vài sai lầm trong lập luận nói trên và chia sẻ để rộng đường dư luận, đồng thời và làm rõ thêm những gì tôi đã phát biểu gần đây:

- Cả hai kỳ thi đều do Bộ tổ chức, chỉ đạo, trong đó có một kỳ được tin là rất nghiêm túc. Vậy nếu chỉ còn một kỳ, liệu Bộ có thể làm cho nó nghiêm túc được không (tất nhiên, nếu Bộ muốn)? Được chứ nhỉ, chỉ cần lấy cách làm của kỳ thi nghiêm túc là được thôi mà! Vậy thì tại sao lại không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc mà cứ nhất định phải bỏ thi tốt nghiệp? (Nghiêm túc không có nghĩa là phải khó như thi đại học.)

- Chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay bị cho là kém một phần là vì tất cả đều chăm chăm cho kỳ thi đại học, dẫn đến việc học rất lệch để có thể thi vào đại học (ví dụ, không ai học ban C) chứ không học theo năng khiếu của học sinh. Nhiều học sinh thậm chí đã được định hướng theo các khối thi đại học từ lớp 6!

Điều này có nghĩa là mục đích của giáo dục phổ thông (phát triển con người toàn diện) hoàn toàn trở nên vô ích. Các môn không thi đại học trở thành môn phụ, học cho qua (đa số là các môn xã hội-nhân văn). Điều này có rất nhiều tác hại đến sự phát triển nhân cách và trí tuệ của học sinh mà lâu nay chúng ta đã trông thấy và than phiền. Vậy tại sao cứ nhất định phải tiếp tục giữ kỳ thi đại học theo kiểu ba chung?

- Khi có một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc thì những học sinh kém đã bị loại, vậy thì lo gì các trường - nhất là trường ngoài công lập (!) - vơ vét sinh viên kém chất lượng? Chính ra, việc chăm chăm vào kỳ thi đại học và thả lỏng (hoặc bỏ luôn) kỳ thi tốt nghiệp mới tạo ra nguy cơ có học sinh kém (vì chất lượng phổ thông bị bỏ ngỏ, vì học lệch) mà vẫn vào được đại học nếu gặp may trúng tủ hoặc quay cóp được. Và đó là lý do tại sao nhu cầu học luyện thi lại cao như hiện nay, và quay cóp trong các kỳ thi là chuyện thường ngày ở huyện.

- Ngoài ra, cách thi chung như hiện nay có thực sự giúp các trường đại học tuyển được người tốt nhất hay không?

Tại sao những ngành học rất đa dạng và rất khác nhau như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin, vật lý hạt nhân, sư phạm toán vv lại có thể lựa chọn được sinh viên phù hợp nhất cho mình chỉ qua 1 kỳ thi với đề thi giống y hệt nhau (vì chung đề mà) của 3 môn thi của khối A là Toán, Lý, Hóa, trong khi kinh tế thì đòi hỏi phải giỏi cả những môn xã hội nữa, còn toán của ngân hàng thì hoàn toàn khác với toán của ngành toán, ví dụ thế? Trong khi đó, những em có điểm thi 3 môn toán, lý, hóa thiếu chừng 1/2 điểm so với điểm đạt rất có thể lại là người rất giỏi những môn khác cần thiết cho ngành học sau này, nhưng phải bị loại oan uổng. Cho phép các trường tự quyết định sẽ giải quyết được điều này.

Nói tóm lại, dù có thể khác ý kiến của đa số, tôi cho rằng chính kỳ thi 3 chung mà ai cũng cho là nghiêm túc đã dẫn đến việc học lệch, dạy tủ ở trường phổ thông hơn một thập niên nay mà hậu quả của nó là chất lượng giáo dục cả ở phổ thông lẫn đại học đều đi xuống như hiện nay. Vì không có một nền giáo dục phổ thông tốt thì không thể có đầu vào tốt cho đại học, dù có thi nghiêm túc đến thế nào cũng thế. Hãy mạnh dạn bỏ kỳ thi đại học 3 chung và thực hiện kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc, vừa sức và có chất lượng, rồi tình hình giáo dục sẽ khá lên, chắc chắn như thế các bạn ạ!
------

Saturday, July 19, 2014

1 kỳ thi quốc gia: "Đừng bàn thêm nữa" (Bài trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet)

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/186693/1-ky-thi-quoc-gia---dung-ban-them-nua--.html
------
 

1 kỳ thi quốc gia: "Đừng bàn thêm nữa!"

- TS Vũ Thị Phương Anh, phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường Ngoài công lập nhận định, Bộ GD-ĐT đã có nhiều kinh nghiệm tốt để có thể tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay được. Điều quan trọng là phải công bố rộng rãi ngay cách thi trong tháng 7 này, nếu không sẽ không kịp...
-------
Công bố chi tiết thi '2 trong 1' ngay trong tháng 7 này
-TS Vũ Thị Phương Anh: Nếu sang năm 2015 quyết định thực hiện một kỳ thi quốc gia thì điều đầu tiên phải làm và làm ngay bây giờ là phải thông báo cho học sinh và giáo viên biết rõ: các môn thi là gì; hình thức và nội dung của từng môn thi ra sao; cách tổ chức kỳ thi (mấy buổi, mấy ngày, thời gian làm bài...); Mức điểm đạt tốt nghiệp (ví dụ: có quy định điểm liệt không, tối thiểu cần bao nhiêu điểm để được xem là đạt...), việc sử dụng điểm tốt nghiệp để xét tuyển sinh sẽ ra sao (kể cả nếu để cho các trường đại học tự quyết thì cũng phải nói rõ điều này ngay từ bây giờ).
TS Vũ Thị Phương Anh, kỳ thi, quốc gia, 2 trong một
TS Vũ Thị Phương Anh

Điều này là rất quan trọng để ổn định tâm lý thí sinh, đồng thời cho giáo viên và học sinh có đủ thời gian để chuẩn bị. Công bố trước một năm là tối thiểu, và ngay trong tháng 7 này thì vẫn còn kịp.  Nhưng nếu để bắt đầu vào năm học thì sẽ quá muộn vì các trường sẽ bị cuốn vào mọi công việc thường xuyên của một năm học.

Nếu thấy quá cập rập thì có thể lui lại một năm. Tuy nhiên theo tôi đã quyết rồi thì có thể làm ngay, với nguyên tắc thay đổi dần chứ không thay đổi quá đột ngột. cái gì khó, chưa làm được thì để lại, và có lộ trình thực hiện dần.
Dựa vào những cơ sở nào bà ủng hộ triển khai phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia?
Có nhiều lý do khiến tôi ủng hộ một kỳ thi quốc gia.
Thứ nhất, cũng là điều nhiều người đã nói từ lâu, là việc tổ chức hai kỳ thi gần nhau và tương tự về mục đích là quá tốn kém và gây áp lực không cần thiết.

Thứ hai, về kỹ thuật thì điều này là hoàn toàn khả thi, và trên thế giới cũng có nhiều quốc gia làm như vậy một cách thành công, ví dụ như Úc với kỳ thi VCE (Victoria Certificate of Education) hoặc Anh với kỳ thi GCE (General Certificat of Education), vừa để xác nhận tốt nghiệp vừa sử dụng để xét vào đại học.

Cuối cùng là khác với cách đây 4 năm, hiện nay dư luận xã hội đã quen và chấp nhận, thậm chí ủng hộ, việc trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đã làm cho mọi người tin tưởng rằng Bộ có thể tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc và có chất lượng. Vì vậy tôi cho là thời cơ để bắt đầu triển khai một kỳ thi chung hiện nay là rất thuận lợi, nếu so với cách đây 4, 5 năm.

Ở các nước, mỗi lần đổi mới thi cử thì người ta làm 2 giai đoạn: Công bố cách thi mới và bắt đầu thử nghiệm ở phạm vi hẹp, rồi lấy số liệu kỳ thi để phân tích, so sánh, điều chỉnh và công bố những kết quả này cho mọi người cùng biết. Áp dụng đại trà, thông tin về kỳ thi mới lại được tiếp tục công bố rộng rãi, có thể đưa lên web, in trên báo, in thành các sổ tay... cung cấp cho mọi người. Như thế, đến khi áp dụng thì thí sinh đã biết rõ kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào; giáo viên cũng đã có thời gian giúp học sinh làm quen với cách thi mới, chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết ...

Thi tốt nghiệp năm nay đã cho tín hiệu tốt
Cũng có rất nhiều ý kiến bàn lùi vì cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông có khoảng cách quá xa với đại học nên chưa thể lấy kết quả một kỳ thi cho hai mục đích tốt nghiệp và vào ĐH. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào? 

Như tôi đã trả lời ở trên, mọi người đã nhận ra 2 điều quan trọng: Một là đại học không phải chỉ là tinh hoa, mà có một phổ về chất lượng; ngoài ra, mục tiêu đào tạo của các trường là khác nhau, vì vậy không thể có một kỳ thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung điểm sàn) mà lại có thể phù hợp với tất cả các trường và các đối tượng học sinh khác nhau.

Hai là tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc không phải là không thể làm được. Kỳ thi THPT năm nay có thể cho ta một số tín hiệu tốt về việc cải cách khâu ra đề.
Kỳ thi nào, dù thi tốt nghiệp hay thi đại học, thì cũng cần có đề thi tốt, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi; đó là khâu quan trọng đầu tiên và hàng đầu. Quá trình cải cách đề thi xem ra đã được bắt đầu với những tín hiệu khả quan.

Tôi nói khả quan là vì kỳ thi năm nay bắt đầu được ra theo hướng mở, khuyến khích tư duy sáng tạo, hạn chế học thuộc lòng. Nhưng còn một điều mà các kỳ thi của chúng ta vẫn chưa hề chú trọng, đó là công bố toàn bộ số liệu thi cử (số liệu gốc, không phải số liệu tổng hợp theo một quan điểm nào đó - thường là theo hướng tô hồng, giảm nhẹ những điều chưa được) và thực hiện các phân tích so sánh để rút ra những thông tin cần thiết về năng lực của thí sinh, về chất lượng giảng dạy, về sự phù hợp của chương trình, và cả về chất lượng của kỳ thi nữa. Việc này không khó, mặc dù có thể tốn công sức một chút.

Nếu không có những phân tích này thì quá trình cải cách thi cử của chúng ta vẫn sẽ là những bước đi mò mẫm. Có thể so sánh như thế này: đổi mới thi cử mà không có những phân tích trên số liệu thi cử thì cũng giống như điều trị bệnh nhân mà không thực hiện đo đạc xét nghiệm và so sánh thì làm sao có thể biết là việc chữa trị có hiệu quả hay không?

Đã thay đổi phải kiên trì với cái mới
Tất cả những khâu cải tiến, đổi mới đó triển khai trong vòng 1 năm có quá gấp để chuẩn bị: từ thay đổi cách dạy, học, đổi mới đánh giá...đến ngân hàng đề thi cho kỳ thi quốc gia?
Điều quan trọng nhất là thông tin đến thí sinh, giáo viên và toàn bộ xã hội cho kịp. Còn thì mọi thứ tôi tin là bộ đã quá có kinh nghiệm sau hàng chục năm tổ chức thi 3 chung. Chỉ cần áp dụng những kinh nghiệm đã có trong kỳ thi đại học (được tin là nghiêm túc) vào kỳ thi tốt nghiệp thì mọi thứ sẽ ổn. Những gì chưa tốt thì cải thiện dần.
TS Vũ Thị Phương Anh, kỳ thi, quốc gia, 2 trong một
Thí sinh dự thi tuyển sinh đại học năm 2014 (Ảnh Văn Chung)
Còn việc thay đổi cách dạy, học, đổi mới đánh giá trong lớp học thì sẽ tự động được điều chỉnh một khi mọi người đã có thông tin đầy đủ về kỳ thi. Không có gì đáng lo cả.

Lâu nay mỗi lần chúng ta có thay đổi về thi cử là cả xã hội lại tỏ ra lúng túng và rối loạn, khiến mọi người rất ngại thay đổi. Nhưng thực ra tôi cho rằng sự lúng túng ấy là do thông tin được biết quá trễ, gần đến ngày thi mới biết mà thôi.

Như tôi đã nói ở trên, cần phải cho mọi người biết trước một cách rất chi tiết khoảng 1 năm để chuẩn bị. Vì kỳ thi sẽ tác động đến học sinh lớp 12, và các em có một năm để chuẩn bị cho kỳ thi này. Nếu nửa năm đầu tiên học theo cách cũ, đến học kỳ hai tự nhiên đột ngột thay đổi, thì rõ ràng mọi người hoảng loạn là đúng thôi.

Xin nhắc lại: ngay bây giờ nếu muốn làm thì hãy công bố mọi thông tin đến cho nhà trường và người học. Đừng bàn bạc thêm nữa, chúng ta đã bàn quá lâu rồi. Có bàn thêm thì cũng sẽ không hình dung thêm được những khó khăn mà chỉ khi triển khai mới gặp.

Vậy nên hãy cố gắng thay đổi ít thôi; mỗi lần thay đổi chỉ nên tập trung vào những nét lớn và quan trọng (ví dụ như năm nay tập trung vào các môn xã hội nhân văn theo dạng đề mở, đó là một nét lớn và quan trọng). Còn những cái khác thì giữ ổn định, để không bị những trục trặc bất ngờ.
Và một khi đã thay đổi thì phải kiên trì với cái mới trong vài năm, theo dõi, đo đạc, phân tích, báo cáo sau vài năm để biết điều gì hay điều gì cần điều chỉnh ... đó là những gì mình cần làm trong kỳ thi tới, dù có một hay hai kỳ thi thì cũng thế.
Cảm ơn bà!
  • Kiều Oanh(thực hiện)

Monday, July 14, 2014

Cải tổ hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ mầm non công lập tại VN theo các khuyến nghị của LHQ (còn tiếp)



Liên tục trong mấy tháng vừa qua, tin tức về việc phụ huynh chen chúc nộp đơn cho con em vào trường mầm non ở mọi địa phương trên cả nước thi nhau xuất hiện trên báo chí. Ngày 6/5, báo Tiền Phong đưa tin về tình trạng chen lấn nộp đơn ở trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2 Hoa Mai ở TP Huế như sau:

Hơn 3h sáng, đã có hàng trăm người tụ tập ở cổng dù trường chưa mở cửa. Thời gian sau, lượng người kéo đến ngày càng đông. Nhiều phụ huynh đã leo hàng rào vào trong sân trường. Một số nhóm người tự bùng phát tụ tập lại rồi tự ghi số thứ tự của mình. Đến lúc gần 7h, khi trường mở cổng thì đã có hơn cả ngàn người ở đầy kín sân trường. Đây là một hiện tượng ít gặp tại Huế vì sự căng thẳng của việc đăng ký học mầm non không “nóng” bằng 2 đầu Bắc Nam, nhưng giờ đã xảy ra.


Còn đây là tình cảnh của phụ huynh học sinh ở Hà Nội:

Hàng trăm phụ huynh có nguyện vọng xin gửi con vào Trường mầm non 8-3, quận Hai Bà Trưng, HN đã phải xếp hàng từ đêm hôm trước để sáng 1/7, ngày tuyển sinh đầu tiên, chen chân mua được bộ hồ sơ.

Những khuôn mặt mệt mỏi, bộ quần áo nhầu nhĩ của các bậc phụ huynh (có cả bố mẹ và ông bà) sau một đêm chờ đợi trước cổng Trường mầm non 8-3 để "quyết tâm" mua được bộ hồ sơ cho con vào trường trước cánh cổng sắt lúc 7g sáng ngày 1/7 đã phần nào phản ánh sự "căng thẳng" nơi đây. 

Các phụ huynh đứng chờ đợi hầu hết là đúng tuyến, đều có hộ khẩu thuộc phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Những phụ huynh xếp hàng trước cổng trường cho biết, đã phải ghi danh sách, do một vài phụ huynh đứng ra ghi từ 2 giờ chiều 30/6.


Và đây là TP Hồ Chí Minh:

Để ghi tên đăng kí cho con vào học tại Trường mầm non Hiệp Bình Chánh 4, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Nhiều phụ huynh phường Hiệp Bình Chánh phải dạy từ 2h sáng để mua hồ sơ, ghi danh cho con.

Trước đó, nhà trường thông báo hồ sơ được bán thành hai đợt, đợt một bán cho lớp lá ngày 1/7, đợt 2 bán cho các lớp còn lại từ ngày 11/7, việc bán sẽ bắt đầu vào 7g30. Tuy nhiên ngay từ 2h sáng ngày 11/7 nhiều phụ huynh đã phải đi ghi danh cho con. 

Dù vậy, hàng trăm phụ huynh đến muộn hơn vẫn không ghi danh để mua được hồ sơ cho con. Việc cho phép ghi danh từ nửa đêm của Trường mầm non Hiệp Bình Chánh 4 sau đó đã vấp phải sự phán ứng của nhiều phụ huynh. Các phụ huynh cho rằng nhà trường không công bằng khi đã thông báo bán theo giờ hành chính là 7h30 nhưng đã cho ghi danh từ nửa đêm và cho rằng có khuất tất trong việc ghi danh bán hồ sơ.


Tình trạng không đủ chỗ học cho con ở lứa tuổi mầm non tại VN không mới, nhưng có lẽ trong năm 2014 này nó trở nên trầm trọng hơn mọi năm, do những sự cố xảy ra trong năm 2013 liên quan đến một số nhà trẻ tư nhân đã có những bạo hành trẻ em khiến phụ huynh không còn tin tưởng gửi con vào hệ thống trường này nữa. Không những thế, số lượng các nhà trẻ tư nhân bị đóng cửa, rút giấy phép, hoặc các nhóm tư nhân không đăng ký giờ không dám nhận trẻ nữa, cũng đã làm giảm cung khiến cầu vượt cung một cách đột ngột, dẫn đến tình trạng căng thẳng năm nay.

Nhà nước cần làm gì trước tình trạng này? Cụ thể hơn, ngành giáo dục, hoặc cụ thể hơn nữa hệ thống nhà trẻ công lập cần phải có những cải cách như thế nào để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt về dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non hiện nay? Chúng ta có thể học tập gì từ thế giới?

Trong bài báo viết cách đây vài tháng (ở đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2014/02/quan-ly-truong-lop-mam-non-tu-thuc-can_23.html), tôi có tóm tắt 5 khuyến nghị của UNESCO về vai trò của nhà nước trong việc chăm sóc giáo dục trẻ mầm non như sau:

Báo cáo của Văn phòng UNESCO tại Bangkok kết hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc được viết vào năm 2012[7] đã phân tích những thách thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em của các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, vv để từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp, dựa trên 5 vấn đề cốt lõi:
(1) Chính sách toàn diện;
(2) Ưu tiên cho các đối tượng “thiệt thòi”;
(3) Chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ mầm non;
(4) Các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn, và hoạt động bồi dưỡng - phát triển năng lực;
(5) Yêu cầu về chất lượng kèm cơ chế hỗ trợ, giám sát và rà soát thường xuyên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Những khuyến nghị nói trên nghe thì rất đúng, nhưng khổ nỗi lại không dễ làm. Mỗi khuyến nghị đều là một vấn đề lớn cần có nhiều thời gian chuẩn bị và những điều kiện cần thiết để triển khai. Tôi nghĩ, trong điều kiện câu hỏi đầu tiên của chúng ta luôn luôn là "tiền đâu" thì tôi sẽ bỏ qua khuyến nghị số 3 - là khuyến nghị đòi hỏi phải trả lời câu hỏi đầu tiên vừa nêu - để chỉ tập trung vào các khuyến nghị không tốn tiền, trong đó theo tôi thì khuyến nghị số 1 và số 4 là ít tốn kém nhất, vì chỉ mới là những gì ghi trên giấy. Tất nhiên, sau khi có trên giấy thì phải thực hiện, nhưng nếu cứ thực hiện mà không có chính sách toàn diện cũng chẳng có chuẩn mực gì thì sẽ dẫn đến những rủi ro nhưng những gì đã xảy ra trong các trường tư cách đây vài tháng. Vậy thì hãy xem các nước có các chính sách chăm sóc trẻ mầm non như thế nào.

Xin giới thiệu chính sách của Philippines, một quốc gia ASEAN có GDP thuộc loại thấp, đứng sát VN, chỉ trên có một bậc (VN có GPD trên đầu người là 1528 USD - Philippines là 2614 - Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ASEAN_countries_by_GDP_%28nominal%29). Trước hết, xin đọc đoạn giới thiệu của UNESCO trong báo cáo năm 2012 mà tôi đã giới thiệu ở trên:

In Philippines, the landmark Republic Act 8980 (ECCD Law) promulgated a comprehensive, national, multisector policy on early childhood care and development. National debate is ongoing regarding government responsibility versus public-private partnerships, oversight for the implementation of the law and maintaining quality, and the transition from home-based ECCE to primary school. To meet the EFA 2015 goals, the Philippines Department of Education made
pre-school education (kindergarten) mandatory for 5-year-old children in June 2011.
---
Tại Philippines, Đạo luật 8980 còn gọi là Luật Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non (viết tắt là Luật ECCD) đã ban hành một chính sách toàn diện trên phạm vi quốc gia và liên quan đến nhiều bộ ngành về việc chăm sóc và phát triển trẻ mầm non. Những tranh luận trên phạm vi quốc gia vẫn tiếp tục liên quan đến trách nhiệm của nhà nước và sự hợp tác công tư, giám sát việc triển khai luật pháp và duy trì chất lượng, và việc chuyển đổi từ chăm sóc giáo dục trẻ mầm non tại nhà sang trường mầm non. Để đạt được các mục tiêu Giáo dục cho mọi người vào năm 2015, Bộ Giáo dục Philippines đã đưa việc giáo dục trẻ mầm non trở thành bắt buộc đối với trẻ 5 năm tuổi từ tháng 6 năm 2011.

Và đây là đường dẫn đến Đạo luật 8980 của Philippines: http://www.bwsc.dole.gov.ph/files/RA%208980%20ECCD%20Act.pdf. Một vài điểm đáng chú ý của đạo luật này gồm có: 

A. Đạo luật đưa ra 9 mục tiêu của ECCD, bao gồm:
(1) nâng cao tỷ lệ sống sót; 
(2) nâng cao sức khỏe toàn diện của trẻ mầm non; 
(3) nâng cao vai trò của cha mẹ và những người chăm sóc; 
(4) đảm bảo sự chuyển đổi êm thắm từ hệ thống chăm sóc ở nhà sang hệ thống chăm sóc ở trường; (5) nâng cao năng lực của những người cung cấp dịch vụ; 
(6) nâng cao và duy trì nỗ lực của cộng đồng trong việc chăm sóc trẻ mầm non, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng thiệt thòi; 
(7) đảm bảo việc chuẩn bị đầy đủ cho trẻ em khi bắt đầu tham gia vào các trường và đảm bảo các trường đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ; 
(8) thiết lập hệ thống nhận diện, can thiệp và chuyển tiếp những trường hợp bất thường và thiểu năng ở trẻ mầm non; 
(9) đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non bằng cách chú trọng hệ thống đăng ký và cấp giấy phép cho các nhà trẻ.

B. Đạo luật đưa ra khung và các thành phần của hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ em, bao gồm:
(1) Nội dung chương trình đào tạo trẻ mầm non
(2) Sự hiểu biết và tham gia của cha mẹ, sự hỗ trợ của cộng đồng
(3) Các chương trình huấn luyện dành cho giáo viên và người chăm sóc trẻ
(4) Quản lý việc chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non
(5) Tiêu chuẩn chất lượng và kiểm định chất lượng

C. Đạo luật xác định trách nhiệm của nhà nước trung ương, nhà nước địa phương, của gia đình và cộng đồng. Chủ yếu vai trò của nhà nước trung ương là thiết lập các chuẩn mực, đưa ra các chính sách, các chương trình, và phê duyệt các trường (công cũng như tư), các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ mầm non; nhà nước địa phương là nơi triển khai các chương trình, giám sát các hoạt động của các trường và trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ em, tổ chức đào tạo tập huấn giáo viên và phụ huynh về chăm sóc giáo dục trẻ em, và huy động sự hỗ trợ của cộng đồng vào công tác nuôi dạy trẻ em. Còn vai trò của gia đình và cộng đồng là hợp tác với nhà nước để góp phần vào sự phát triển toàn diện của con em mình.

 (còn tiếp)

Saturday, July 12, 2014

Bài đáng đọc: Làm cách nào để đọc số liệu giáo dục mà không đưa ra những kết luận vội vã (The Atlantic 8/7/2014)


Một bài vô cùng đáng đọc. Đưa lên đây để lưu. Bây giờ tôi phải đi rồi, nhưng khi có thời gian sẽ quay lại viết một chút.

 
Các bạn nhớ đọc cả comments nữa nhé, vì có nhiều comments rất hay, có khi còn hay hơn bài chính cơ đấy.

See you soon!


Friday, July 11, 2014

Cái học ngày nay ... - Về cuốn sách "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ" của GS Trần Ngọc Thêm (3)

Và đây là bài số 3 về cuốn sách này. Tôi rất thích những ý kiến của nhà nghiên cứu HNT. Nó giải thích tại sao cái học ngày nay của chúng ta lại tệ hại như bây giờ.
-----------
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cuon-van-hoa-nguoi-viet-vung-tay-nam-bo-gay-su-ngo-nhan-cho-doc-gia-n20140710070824524.htm

Cuốn 'Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ': Gây sự ngộ nhận cho độc giả

Thứ Năm, 10/07/2014 07:03
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi chúng tôi in bài viết Cuốn sách “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ”: Tái bản vẫn quá nhiều sai sótcủa nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi (trang 18, báo Thể thao & Văn hóa, ngày 9/7/2014), nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, chuyên về văn hóa nghệ thuật Nam bộ) đã bày tỏ những quan ngại của mình.

Tôi đã đọc Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ (sách tái bản năm 2014) và quả đúng như nhận xét của Nguyễn Thanh Lợi là “có quá nhiều sai sót, hầu như bắt gặp nhan nhản ở nhiều chỗ trong sách”. Điều đáng nói hơn ở đây là cách “nghiên cứu khoa học” của không ít nhà nghiên cứu ở xứ ta, mà trường hợp này chỉ là một ví dụ điển hình mà thôi.

Một là, ai có học vấn đều có thể tiến hành việc nghiên cứu các đề tài mà mình chọn; song điều quan trọng là phải xác định mục đích nghiên cứu là phát hiện ra cái mới, đính chính những sai sót và bổ sung những thiếu sót của người đi trước chứ không phải chỉ chăm bẳm vào “thành tích khoa học” của bản thân, tức chủ vào danh lợi bằng cách đọc những sách/tài liệu để “sản sinh vô tính” cuốn sách/bài viết n+1... để có tác phẩm với đời.
Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: Tuấn Khanh
Hai là, việc nghiên cứu đều phải kế thừa những thành tựu đã công bố và sản phẩm mới được xem là có giá trị phải có những thành tựu, những phát kiến của mình. Điều đó khác với nỗ lực “cải biên khoa học”, tức đạo văn của người rồi cũng trích dẫn vờ vịt vài đoạn và tái chế những thành tựu của các tác giả đã công bố trước với sự cải biên chữ nghĩa này nọ để tỏ ra là người có am tường. 

Hậu quả là: cái đúng thì không mới bởi nhai lại của người khác và cái mới thì không đúng vì do không có quá trình đầu tư về các lĩnh vực chuyên môn cụ thể đó. Không có thẩm quyền chuyên môn hoặc quá ít kiến thức mà muốn cải biên cho khác nguyên bản nên tạo ra những thông tin, những nhận định bậy bạ, ngớ ngẩn. Tác hại của những công trình xào nấu như vậy là gây ra sự ngộ nhận cho độc giả, làm nhiễu thông tin về các lĩnh vực/vấn đề đã được những công trình xuất bản trước xác định.

Cuối cùng, điều cần lưu ý, viết sách/bài báo gì gì đi nữa thì cần phải xác lập tính lương thiện trí thức. Và hơn bao giờ, ngày nay những gì mà người viết có thể đạo tặc rất nhanh, thì cũng sẽ bị công chúng phát giác nhanh chóng, thật khó mà bưng bít.
Như Hà (ghi)
Thể thao & Văn hóa
 
Ý kiến độc giả (1)
Sắp xếp theo
  • www.quocto.com
    www.quocto.com     | 10/07/2014 06:56
    0 0
    Xin cho biết rõ điểm sai , điểm đúng , điểm nhai lại trân trọng cảm ơn

Cái học ngày nay ... - Về cuốn sách "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ" của GS Trần Ngọc Thêm (2)

Bài thứ hai trên báo về cuốn sách của GS Trần Ngọc Thêm:
--------- 
Cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ: Tái bản vẫn quá nhiều sai sót
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cuon-sach-van-hoa-nguoi-viet-vung-tay-nam-bo-tai-ban-van-qua-nhieu-sai-sot-n20140709071431800.htm



Thứ Tư, 09/07/2014 08:00


(Thethaovanhoa.vn) - Không phải lần đầu tiên công luận đề cập tới những sai sót của cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (đề tài nghiên cứu KHXH - NV trọng điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM, do GS. TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm, thực hiện trong hai năm 2009 - 2010 Nxb Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2013). Tuy nhiên, đáng tiếc là trong lần tái bản có sửa chữa năm 2014 này, sách vẫn còn quá nhiều sai sót. 

Một cuốn sách đồ sộ về văn hóa Tây Nam Bộ với 889 trang, do tập thể 16 thành viên ở Khoa Văn hóa học biên soạn lại có quá nhiều sai sót, hầu như có thể bắt gặp nhan nhản ở nhiều chỗ trong sách, là điều đáng tiếc. Do khuôn khổ có hạn của một bài báo, tôi chỉ nêu ra một số dẫn chứng.

Khi mô tả chiếc giường thờ ở Nam Bộ xưa (tr.209), sách dám viết rằng đó là giường mà cha mẹ hay nằm lúc còn sống đặt ngay giữa nhà để thờ. “Sáng tạo” này quả là hết ý! Giường thờ thường đặt phía sau tủ thờ, khá lớn, bày thức ăn để cúng những vong hồn tổ tiên ông bà và được đóng riêng chỉ dùng cho mục đích ấy, nay vẫn còn thấy trong một số gia đình ở Nam Bộ. Bản thân giường ngủ đã bị xem là “ô uế” thì làm sao có thể đem ra thờ cúng ông bà được.
Bìa cuốn Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (năm 2014)
Ở trang 212, sách mô tả bàn thờ Thiên (bàn Thông Thiên) là “bàn thờ vuông đặt trên cây trụ tròn”, nhưng 4 tấm hình minh họa ở trang 213 lại cho thấy toàn là các cột vuông? Và sách còn cho biết thêm là có thể đặt mâm ngũ quả trên bàn Thiên để cúng dịp tất niên!? (tr.213).

Viết về hò ở Tây Nam Bộ, sách viết: “Trong hò dưới nước thì lại có: hò mái cụt, hò mái đoản, hò mái dài, hò mái trường, hò mái ba, hò mái ố, hò ống, hò chèo ghe...”(tr.337). Khái niệm mái trong hò ở đây nên hiểu là lớp mái, lớp trống chứ không phải là “mái chèo”, mỗi mái chính là 1 đoạn. Hò mái đoản là hò mái cụt, còn hò mái dài là hò mái trường.

Cũng ở đoạn sách viết về mục đích của hò thì phân biệt hò lao động, hò giao duyên, hò tôn giáo (?) và hò đưa linh được xếp vào hò tôn giáo (tr.337-338). Hò đưa linh là hò phong tục nghi lễ, dành cho các nhân quan và đạo tỳ.

Ở tiểu mục nói về Lý và nói thơ, các tác giả cuốn sách quả là bạo gan khi dám cắt nghĩa và diễn giải:”Lý” nghĩa là “làng”. Lý là một lối hát làng quê, gắn liền với cuộc sống nơi thôn dã”(tr.340). Đúng là trong tiếng Hán, “lý” còn có nghĩa là “làng” nhưng từ “lý” trong tiếng Nôm ở đây lại chỉ một thể loại âm nhạc dân gian không liên quan gì với nghĩa là “làng” cả.

Viết về múa bóng rỗi, sách còn dám cho là “hình thức diễn xướng vừa mang tính nghi lễ tôn giáo”, “gắn với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng và được tổ chức trong dịp Lễ hội Kỳ yên diễn ra ở các đình-miếu Tây Nam Bộ”(tr.346-347). Múa bóng rỗi chỉ gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần (năm bà Ngũ Hành, Chúa Xứ) và chỉ diễn ra ở miếu chứ không hề diễn ra trong đình làng thờ thần Thành Hoàng.

Qua những dẫn chứng đã nêu, có thể thấy cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ do Trần Ngọc Thêm chủ biên sẽ có tác hại như thế nào nếu như người đọc hoàn toàn tin vào những điều viết trong cuốn sách mà không kiểm chứng lại. Và nó có thực sự xứng đáng là “sản phẩm của đề tài khoa học cấp trọng điểm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh”, đã được một giàn hùng hậu các giáo sư trong Hội đồng nghiệm thu thông qua và thậm chí còn được tặng cho giải thưởng về thành tích nghiên cứu?!
Ngày 26/12/2013, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức hội nghị thường niên năm 2013, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng là đơn vị duy nhất ở Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP. HCM được khen thưởng trong số các đơn vị tập thể thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM vì thành tích khoa học và công nghệ xuất sắc năm học 2012-2013, trong đó có việc xuất bản 2 cuốn sách: Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, đều do Trần Ngọc Thêm chủ biên (Nxb Văn hóa-Văn nghệ, quý II, 2013). Hai cuốn sách này cũng được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Năm 2014, sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ được tái bản có sửa chữa.
Nguyễn Thanh Lợi (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa




Ý kiến độc giả (2)
Sắp xếp theo
  • Hà HN     | 09/07/2014 12:08
    4 0
    Trước khi viết về văn hóa nam bộ, các nhà viết sách nên tìm hiểu cuộc đời và đọc thật kỹ các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam và cụ Vương Hồng Sển. Sau đó hãy dành thời gian trải nghiệm những gì đã học được qua sách của hai người này bằng cách đi thực tế vài tháng / vài năm trong nhiều lần vào cả hai mùa mưa và khô. Đến khi nào thấy trong lòng cảm và yêu Đất-Người nam bộ lắm rồi thì hãy viết sách. Nếu chỉ ngồi trong phòng lạnh và lấy nguyên liệu từ thư viện, từ internet...và viết sách giống như làm dự án hoặc đề tài thì đảm bảo lài có viết đi viết lại cả trăm lần vẫn cứ sai!
    • dinhnguyen     | 10/07/2014 09:37
      1 0
      Cái tâm, cái tầm của họ đã như vậy thì không có cách gì viết đúng được đâu bạn ơi! Cái này Nam Bộ kêu là - hết thuốc chữa!