Wednesday, July 23, 2014

Tại sao chỉ nên giữ kỳ thi tốt nghiệp và bỏ kỳ thi đại học?

Dẫn: Vừa qua, PTT Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cho Bộ GD nghiên cứu tổ chức kỳ thi quốc gia để vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ một để xét tuyển vào đại học ngay trong năm 2015. Sự kiện này làm dư luận hết sức quan tâm, có người ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều người chống. Tôi cũng có một bài trả lời phỏng vấn trên VNN về vấn đề này (đã đăng trên blog trong entry trước) nhưng cảm thấy vẫn còn chưa rõ, chưa kể nhiều ý kiến của tôi đã bị hiểu lầm và phê phán nặng nề. Vì vậy tôi viết thêm bài này để giải thích rõ hơn quan điểm của tôi. Bài đã đăng trên fb.
----------
Kỳ thi tuyển sinh 3 chung chỉ mới tồn tại từ năm 2002 đến giờ. Trước đó, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp, còn thi đại học thì mỗi trường mỗi thi theo đề thi do mình tự ra và tuyển theo yêu cầu của mình. Bộ chỉ việc cấp chỉ tiêu và kinh phí cho các trường thôi.

Lúc ấy, giáo dục đại học của VN chỉ bị chê là lạc hậu, cũ kỹ, cứng nhắc (do ít tiếp xúc với bên ngoài), nhưng không có tình trạng loạn như bây giờ. Và giáo dục phổ thông của VN nói chung vẫn tạm ổn, trừ những tư tưởng giáo điều trong những môn xã hội-nhân văn.

Khi bắt đầu thi 3 chung, các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà quản lý ở trường phản ứng rất dữ dội. Bởi, quyền tuyển sinh ở đầu vào phải là của các trường, vì nó là một phần của quá trình đào tạo. Khi Bộ đòi nắm quyền như thế, thì có người đã nhận xét rằng chúng ta đã đi thụt lùi về thập niên 60 ở miền Bắc, thời mà cấp trên bao cấp mọi thứ, kể cả tư duy. Nhưng với quyền của mình, Bộ đã kiên quyết thực hiện.

Giờ, sau hơn một thập niên với 2 kỳ thi quốc gia đều do Bộ chỉ đạo, tổ chức (trong đó có những phần việc Bộ trực tiếp làm, có những phần các trường hoặc các Sở làm) thì nhiều vấn đề chưa ổn đã bộc lộ rõ.

- Với kỳ thi tốt nghiệp, người ta không hài lòng vì nó không nghiêm túc, và tỷ lệ đậu quá cao, thể hiện bệnh thành tích trong giáo dục.

- Với kỳ thi đại học, người ta kêu là nó quá nặng nề căng thẳng, 2 kỳ thi quốc gia liên tiếp dồn dập làm hao tổn sức lực của toàn xã hội. Mà nặng nề thật, mấy ngày thi học sinh ở vùng quê đi lại thật khổ sở, thỉnh thoảng lại có chuyện đụng xe chết người hoặc bị mất cắp hết tiền bạc, giấy tờ rất thảm thương, khổ chẳng kém gì thời Lều chõng. Cả một nền giáo dục ứng thí như người ta thường nói.

Bị kêu nhiều quá nên Bộ có kế hoạch bỏ một kỳ thi quốc gia. Cũng đúng thôi, vì trước đây chỉ có một kỳ. Nhưng bắt đầu xảy ra một chuyện lạ lùng: Trước đây ai cũng hiểu là học xong 12 năm thì đương nhiên phải dự một kỳ thi để có thể tốt nghiệp. Sau đó, đã tốt nghiệp rồi thì các em có thể chọn nhiều con đường cho mình, hoặc đi làm công nhân, hoặc học nghề hoặc đi thi vào các trường đại học, cao đẳng để học lên nữa, ai giỏi thì chọn trường khó, ai kém hơn thì chọn trường dễ, chẳng thắc mắc gì. Nhưng bây giờ thì bây giờ hầu như mọi người - kể cả những người thông minh, giỏi giang, có hiểu biết, có lý lẽ - lại khăng khăng cho rằng phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp và giữ lại kỳ thi đại học.

Lý do cho lập luận giữ kỳ thi đại học, bỏ kỳ thi tốt nghiệp là: kỳ thi đại học là kỳ thi duy nhất nghiêm túc nên phải giữ lại. Còn kỳ thi tốt nghiệp thì đằng nào cũng đậu gần 100%, thi làm gì, vô ích! Thậm chí có người còn cho rằng nếu bỏ kỳ thi đại học thì giáo dục đại học VN sẽ nát bét, và đó là tội ác!

Dưới con mắt chuyên môn của một người được học về đánh giá giáo dục, tôi thấy quả tình không sao hiểu nổi quan niệm trên. Quan điểm của tôi là phải trở lại những gì đã làm từ trước khi có kỳ thi 3 chung vì nó là điều hợp lý duy nhất. Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng không cần thi gì hết mà chú trọng vào dạy và học cho tốt, cho thực chất, nhưng điều này có vẻ quá lý tưởng, dù tôi cũng ủng hộ nếu có điều kiện.

Nhưng hình như giờ đây tôi trở thành thiểu số tuyệt đối, và càng nói thì càng bị chỉ trích, thậm chí chụp mũ. Một điều mà người ta hay nói nhất là: chỉ có khối trường ngoài công lập (mà hiện nay tôi đang ít nhiều đại diện) mới thích bỏ thi tuyển sinh để "hốt" được nhiều sinh viên mà thôi! Vì vậy, khi tôi nói bỏ thi đại học thì chẳng qua là tôi đang nói vì tư lợi!!!!! (Hu hu!!!)

Xin thử cố gắng chỉ ra vài sai lầm trong lập luận nói trên và chia sẻ để rộng đường dư luận, đồng thời và làm rõ thêm những gì tôi đã phát biểu gần đây:

- Cả hai kỳ thi đều do Bộ tổ chức, chỉ đạo, trong đó có một kỳ được tin là rất nghiêm túc. Vậy nếu chỉ còn một kỳ, liệu Bộ có thể làm cho nó nghiêm túc được không (tất nhiên, nếu Bộ muốn)? Được chứ nhỉ, chỉ cần lấy cách làm của kỳ thi nghiêm túc là được thôi mà! Vậy thì tại sao lại không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc mà cứ nhất định phải bỏ thi tốt nghiệp? (Nghiêm túc không có nghĩa là phải khó như thi đại học.)

- Chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay bị cho là kém một phần là vì tất cả đều chăm chăm cho kỳ thi đại học, dẫn đến việc học rất lệch để có thể thi vào đại học (ví dụ, không ai học ban C) chứ không học theo năng khiếu của học sinh. Nhiều học sinh thậm chí đã được định hướng theo các khối thi đại học từ lớp 6!

Điều này có nghĩa là mục đích của giáo dục phổ thông (phát triển con người toàn diện) hoàn toàn trở nên vô ích. Các môn không thi đại học trở thành môn phụ, học cho qua (đa số là các môn xã hội-nhân văn). Điều này có rất nhiều tác hại đến sự phát triển nhân cách và trí tuệ của học sinh mà lâu nay chúng ta đã trông thấy và than phiền. Vậy tại sao cứ nhất định phải tiếp tục giữ kỳ thi đại học theo kiểu ba chung?

- Khi có một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc thì những học sinh kém đã bị loại, vậy thì lo gì các trường - nhất là trường ngoài công lập (!) - vơ vét sinh viên kém chất lượng? Chính ra, việc chăm chăm vào kỳ thi đại học và thả lỏng (hoặc bỏ luôn) kỳ thi tốt nghiệp mới tạo ra nguy cơ có học sinh kém (vì chất lượng phổ thông bị bỏ ngỏ, vì học lệch) mà vẫn vào được đại học nếu gặp may trúng tủ hoặc quay cóp được. Và đó là lý do tại sao nhu cầu học luyện thi lại cao như hiện nay, và quay cóp trong các kỳ thi là chuyện thường ngày ở huyện.

- Ngoài ra, cách thi chung như hiện nay có thực sự giúp các trường đại học tuyển được người tốt nhất hay không?

Tại sao những ngành học rất đa dạng và rất khác nhau như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin, vật lý hạt nhân, sư phạm toán vv lại có thể lựa chọn được sinh viên phù hợp nhất cho mình chỉ qua 1 kỳ thi với đề thi giống y hệt nhau (vì chung đề mà) của 3 môn thi của khối A là Toán, Lý, Hóa, trong khi kinh tế thì đòi hỏi phải giỏi cả những môn xã hội nữa, còn toán của ngân hàng thì hoàn toàn khác với toán của ngành toán, ví dụ thế? Trong khi đó, những em có điểm thi 3 môn toán, lý, hóa thiếu chừng 1/2 điểm so với điểm đạt rất có thể lại là người rất giỏi những môn khác cần thiết cho ngành học sau này, nhưng phải bị loại oan uổng. Cho phép các trường tự quyết định sẽ giải quyết được điều này.

Nói tóm lại, dù có thể khác ý kiến của đa số, tôi cho rằng chính kỳ thi 3 chung mà ai cũng cho là nghiêm túc đã dẫn đến việc học lệch, dạy tủ ở trường phổ thông hơn một thập niên nay mà hậu quả của nó là chất lượng giáo dục cả ở phổ thông lẫn đại học đều đi xuống như hiện nay. Vì không có một nền giáo dục phổ thông tốt thì không thể có đầu vào tốt cho đại học, dù có thi nghiêm túc đến thế nào cũng thế. Hãy mạnh dạn bỏ kỳ thi đại học 3 chung và thực hiện kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc, vừa sức và có chất lượng, rồi tình hình giáo dục sẽ khá lên, chắc chắn như thế các bạn ạ!
------

1 comment:

  1. Trên nhiều lập trường tranh luận tìm một phương án khả thi, tôi đề xuất thế này:
    1. Tổ chức 1 kỳ thi Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đồng thời chứng nhận tốt nghiệp THPT; Đề thi = đề của Bộ ra sử dụng cho Kỳ thi quốc gia; Đợt thi và ngày thi chung (tại nơi trường ĐH, CĐ tổ chức thi) ;Sử dụng kết quả :
    - Vào ĐH, CĐ
    - Công nhận tốt nghiệp THPT
    2. Dựa vào kết quả thi Đại học hoặc Cao đẳng trên của thí sinh :
    - Chúng tuyển ĐH hoặc CĐ thì đồng thời được chứng nhận tốt nghiệp THPT
    - Không chúng tuyển nguyện vọng vào trường đã nộp hồ sơ nhưng điểm trung bình tổng các môn >= điểm sàn tốt nghiệp THPT ( Quy chế Bộ GD xác định điểm sàn này) được chứng nhận tốt nghiệp THPT
    - Thí sinh có điểm trung bình tổng các môn thi ĐH hoặc CĐ thấp hơn điểm sàn tốt nghiệp THPT và các thí sinh không tham dự kỳ thi ĐH – CĐ , học nghề và trung cấp thì trường THPT tiến hành tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho số học sinh này.
    - Thí sinh không đậu ĐH, CĐ ở năm thứ nhất có quyền từ chối kỳ thi tốt nghiệp THPT để tiếp tục dự thi ĐH, CĐ năm thứ 2, 3, 4, 5 vẫn được hưởng quyền lợi điểm sàn tốt nghiệp tính theo năm đó để được chứng nhận tốt nghiệp THPT và nhà trường nơi học sinh học phổ thông có nghĩa vụ chứng nhận tốt nghiệp cho học sinh đó.
    *
    Về cơ bản 3 chung và ý tưởng một kỳ thi quốc gia là ổn khi được kết hợp, dùng điểm mạnh của cái này bổ xung thay thế cho cái hạn chế. Trước đây 3 chung cho thi ĐH là 3 môn thì không dám nghĩ tới việc tích hợp. Cơ sở vật chất, nhân lực tài lực, cả ý thức của chúng ta đều tập trung và làm tốt một kỳ thi ĐH toàn quốc là nghiêm túc và hiệu quả, phải lấy điểm sáng này làm tiền đề cho các bước đổi mới tiếp theo. Kỳ thi quốc gia, các phương án với 8 đến 11 môn ở lớp 12 THPT là một điều rất đúng đắn, có học nên có thi đây là điểm sáng thứ hai. Trong khi 3 chung chỉ yếu nhất là khâu ra đề và việc tổ chức kỳ thi quốc gia như phương án tại các cụm theo địa bàn cũng là một điểm cần cân nhắc thận trọng có thể đánh mất sự so sánh và chênh lệch vùng miền ngay trong khâu chấm, sự đa dạng và bản sắc học viên là một cơ sở quan trọng.
    Có hai hạn chế cần triệt để khắc phục hiện nay là : Định hướng ở học sinh phổ thông và Các sinh viên ĐH, CĐ ra trường nhưng thực tế thiếu nhiều kỹ năng cần thiết cho hội nhập xã hội lao động và làm chủ bản thân. Việc các em vào ĐH ví như đã ký vào bản “Hợp đồng thanh lý các kiến thức ngoài chuyên môn” , các em ở các khối ngành khác nhau tuy được học chung các môn đại cương nhưng nhiệm vụ chính các trường theo đuổi vẫn là trong chuyên môn, em nào vào khối học xã hội thì lo học giỏi xã hội, em nào học tự khối nhiên lo học tự nhiên, không tránh được việc học tủ học lệch…
    Trao việc tuyển sinh cho các trường giúp các trường có uy tín thu hút nhiều sinh viên theo yêu cầu đào tạo nhưng với các trường chưa có sức hút cạnh tranh cũng là một hạn chế do số lượng dự thi có thể không đủ khiến họ có động cơ thu hút thông thóang trong coi chấm…điểm này hết sức lưu ý khi thực hiện (TH).
    Giữ kỳ thi ĐH, CĐ như 3 chung và cải cách khâu ra đề chọn theo một trong ba phương án dự kiến sẽ không gây sáo trộn nhiều. Với các em học sinh sinh măm 1997 tham dự kỳ thi 2015 sẽ không lúng túng vì các môn tốt nghiệp phổ thông là môn thi ĐH.
    Có đủ năng lực để thành lập Đại học, Cao đẳng thì hiểu là trường có thể đánh giá và đào tạo được học sinh phổ thông. Thi tới 8 hoặc 11 môn lớp 12 THPT, khi đó đỗ ĐH, CĐ thì đồng thời được công nhận tốt nghiệp THPT về logich điều này cũng không phải bàn tới, nó có thể là hiển nhiên. Việc dựa vào kết quả thi ĐH CĐ để có thể xét tốt nghiệp TH sát với chuẩn mực tiêu chuẩn tốt nghiệp TH đòi hỏi kỹ thuật trong việc ra đề tạo ra thang điểm sàn trong mỗi đề thi.
    Hồi đáp xin gửi về https://www.facebook.com/hien.hoang.370

    ReplyDelete