Tuesday, July 1, 2014

'Sở GD-ĐT đối phó, chữa cháy bằng chương trình tích hợp tiếng Anh' (Phỏng vấn PA trên Một thế giới 1/7/2014)

'Sở GD-ĐT đối phó, chữa cháy bằng chương trình tích hợp tiếng Anh'

Đăng Bởi -
Ảnh TL (minh hoạ)
Ảnh TL (minh hoạ)
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường Ngoài công lập, khi trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, phân tích: xét về chuyên môn, nếu được, nên cho phép chương trình Cambridge trở lại.
TS Vũ Thị Phương Anh
Sở GD-ĐT TP.HCM đã cho triển khai rầm rộ ngay chương trình "tích hợp tiếng Anh" vào trường học cho học sinh, ngay sau vấn đề tạm dừng chương trình Cambridge (cũng do Sở làm). Nhưng việc này lại làm lộ ra chuyện: không có chuyện lãnh đạo Sở  thỏa thuận hợp tác với Bộ giáo dục Anh quốc. Thưa, bà nói gì về chuyện này?
 
Ở đây có hai chuyện khác nhau. Thứ nhất, hai chương trình mà Sở đã triển khai vừa qua cho thấy Sở đã đặt ra các chương trình chất lượng cao để thu tiền, kiếm tiền trên học sinh. Đây là một việc đáng lên án. Nó đã quá rõ rồi, không còn gì để biện hộ nữa.

Chương trình Cambridge do Sở triển khai trước đây đã bị chấm dứt là do mục đích “kiếm tiền” của mình. Ngay sau đó, Sở đưa ra chương trình tích hợp tiếng Anh. Tôi cho rằng, đó là sự đối phó, chữa cháy, chứ không phải là vì mục tiêu chất lượng giáo dục. 

Còn về chuyên môn, chương trình Cambridge mà Sở làm trước đây là một sản phẩm đã được thương mại hoá – một sản phẩm hoàn chỉnh để bán ra thị trường. 
 
Cambridge có rất nhiều bộ phận, bộ phận mà Sở chọn là CIE (Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge ở Anh), họ bán chương trình của mình ra nước ngoài. Họ đã có kinh nghiệm cả hơn 100 năm và làm rất tốt. 
 
Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Douglas Barnes vừa ra tuyên bố khẳng định với báo chí: không hề có bất cứ thỏa thuận nào giữa Bộ Giáo dục Anh hay Cơ quan Quản lý và khảo thí quốc gia Anh với Sở GD-ĐT TP.HCM và EMG về chương trình tích hợp tiếng Anh, mà Sở GD-ĐT TP.HCM tiến hành. 
 
Cambridge bán sản phẩm và thu tiền nhưng bao giờ họ cũng có phần hỗ trợ chuyên môn. Cho nên nó là một nơi cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.

Vì vậy tôi cho rằng, với chương trình Cambridge trước đây, Sở đã chọn một chương trình chất lượng tốt, có thể tin tưởng được. 
 
Nhưng tiếc rằng, Sở đã làm chương trình này thông qua một công ty trung gian, và tổ chức này cũng không thật quan tâm gì đến giáo dục, họ chỉ chặn giữa để “ăn lời”. 
 
Còn chương trình của Bộ giáo dục Anh mà Sở đã dùng cho chương trình tích hợp tiếng Anh của mình không phải sản phẩm thương mại, nó hoàn toàn miễn phí nhưng Sở lại lấy về để “bán” cho học sinh. 

Nói về chất lượng, chưa biết rõ chương trình đó áp dụng cho mình có phù hợp không? Và khi nó không phải là một sản phẩm thương mại, thì có nghĩa là nó chưa được thử với mình, chưa đầy đủ cho nhu cầu của mình, và chưa có hỗ trợ. 

Quan điểm của bà như thế nào về lựa chọn hai chương trình này?

Về chất lượng, cả hai lựa chọn đều tốt. Chương trình Cambridge là cái có sẵn, chất lượng tốt, phải tốn tiền mua nhưng được đảm bảo, hỗ trợ. Tôi thiên về phương án này, vì nó an toàn trong khi mình còn yếu. 

Còn cách thứ 2, chương trình tích hợp tiếng Anh là chương trình miễn phí của một nước tiên tiến, nhưng không có ai chịu trách nhiệm hỗ trợ hoặc kiểm định chương trình. Chương trình này cũng có thể được, nếu Sở làm đàng hoàng, và có thể sẽ phải tốn một ít tiền để mời người huấn luyện, hoặc đi tham quan, học hỏi...
Khốn nỗi trên thực tế, với cả hai phương án này, Sở đã làm đều chỉ nhắm tới tiền, nhất là phương án thứ hai được đẻ ra sau khi chương trình thứ nhất bị đóng thì tôi không biết nói gì hơn!
Ảnh minh họa
Một sản phẩm đã được thương mại hoá không có nghĩa là nó xấu. Thương mại cũng có đạo đức của nó, có nghĩa là có bán, có thu tiền thì cũng phải có nghĩa vụ sòng phẳng, có hợp đồng, có đóng thuế. 
 
Ở các nước, khi nói một sản phẩm khoa học chưa thành một sản phẩm thương mại, tức là nó chưa hoàn chỉnh mà chỉ mới thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Dấu ấn được chấp nhận là dấu ấn cao nhất của một sản phẩm khoa học, tức là nó đã qua thử nghiệm và ra kết quả tốt, được thị trường chấp nhận.
 
Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục trong nước, cho nhân dân của mình thì phải là dịch vụ công, nhưng giáo dục bán cho nước ngoài luôn luôn là một sản phẩm thương mại. 

Còn nói thương mại hoá theo nghĩa xấu, thì lúc đó nhấn mạnh việc kiếm tiền bất chấp đạo đức kinh doanh, miễn sao có lời. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hành động Sở vừa bị phát hiện vấn đề của chương trình Cambridge xong thì lại nói dối để tiếp tục làm.  
 
Theo Sở, chương trình tích hợp tiếng Anh đã được chuẩn bị cách đây 3 năm, chứ không phải chữa cháy? 

Tôi không có thông tin về việc Sở đã chuẩn bị chương trình tích hợp tiếng Anh cách đây 3 năm, nên không dám kết luận. 

Cũng có thể, như tôi hay nhiều đồng nghiệp khác, và cả nhiều đề án của Bộ GD-ĐT, có thể làm những thử nghiệm với những “tài liệu” không tốn tiền. Vì vậy, có thể Sở cũng đã thử nghiệm nó cách đây 3 năm. Tuy nhiên, cách này cũng rất rủi ro, nếu lỡ mình làm không được, thử nghiệm này hỏng thì sẽ bị vứt vào sọt rác. 

Theo bà, Sở GD-ĐT TP.HCM cần làm gì lúc này?  
 
Nếu là tôi, nếu đã bị bể tùm lum ra như vậy, thì tại sao mình không học được như người Hàn, người Nhật, mình sai thì mình nhận lỗi, xin lỗi, và phải giải quyết cho đàng hoàng.  

Việc Sở thế ngay một chương trình khác vào tưởng rằng là để giải quyết cho đàng hoàng, nhưng tiếc rằng không phải vậy. 

Tôi cho rằng, về mặt chuyên môn, nếu được thì nên cho phép trở lại với chương trình Cambridge, nếu như các trường có nhu cầu, nhưng phải bỏ đi công ty buôn bán trung gian. Các trường phải được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm này, còn vai trò của Sở chỉ là hỗ trợ về hành chính, thủ tục.  

Nguyên tắc Cambridge cho phép từng trường tự quyết định mua sản phẩm của họ, và họ sẽ hỗ trợ cho từng trường đó. Không thể bắt các trường mua, cũng không được để công ty nào đầu tư khai thác mua bán trung gian. Điều này rất vô lý. Học sinh là của các trường, chất lượng hay dở gì là trách nhiệm của các trường. 

Tôi cho rằng, đây có lẽ là cách sửa sai tốt nhất. Bởi vì chương trình cũng đang dở dang, các em học rồi thì ra sao? Còn chương trình tích hợp tiếng Anh, theo tôi, thì nguy cơ hơn rất nhiều, vì về bản chất, mình tự lấy về rồi tự làm. 
 
Việc Sở GD-ĐT TP.HCM “kiếm tiền” với học sinh, rồi sau đó tiếp tục với chương trình thứ 2 thì chẳng khác nào lừa dân. Người có trách nhiệm của Sở GD-ĐT TP.HCM có cần từ chức để nhận trách nhiệm ?

Trên nguyên tắc là phải như vậy nhưng thật sự tôi đã quá quen những điều tệ hại tương tự rồi, đến mức tôi phải đau đớn nói rằng tôi “dửng dưng”. Tôi nghĩ đã có nhiều chuyện tệ hại khác nữa, và nó rồi cũng đã chìm xuồng. 
 
Tôi không dám mong đợi ai đó sẽ từ chức như ở Hàn, ở Nhật, mặc dù suy nghĩ này rất đau đớn; tôi chỉ mong có sự thừa nhận sai lầm và sửa sai. Vậy là đã là tốt lắm rồi.
 
Cám ơn bà!  
Lê Quỳnh (thực hiện)

No comments:

Post a Comment