Wednesday, October 17, 2012

"Văn hóa thường quy" là loại văn hóa gì thế?

Một người bạn vừa gửi cho tôi đường link dẫn đến một bài dịch về Văn hóa tổ chức được đăng trên trang web của một "Chương trình nghiên cứu" thuộc một đại học lớn tại VN, kèm với một lời đề nghị: đăng giúp lên trên blog này một entry với cái tựa như các bạn đã thấy ở trên.

Nhận được câu hỏi này, tôi cũng bó tay luôn, vì "thường quy" không nằm trong vốn từ cá nhân của tôi, và khi tra Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1998) mà tôi thường dùng thì cũng không có từ này. Tuy nhiên, khi google từ "thường quy" thì tôi thấy từ này rất thường được dùng trong ngành Y, và có thể đoán được nghĩa của từ này qua ngữ cảnh sử dụng của nó. 

Đại khái, nó phải có nghĩa gì đó liên quan đến định kỳ, thường xuyên, đều đặn, và/hoặc có quy củ, theo quy trình hoặc công thức. Ví dụ như trong những câu dưới đây:

- Mọi thai phụ đều phải kiểm tra thường quy để theo dõi sức khỏe của mình ... (ở đây: http://www.phununet.com/wikiphununet/ChiTietWiki.aspx?m=0&StoreID=748).
Thường quy xét nghiệm vi khuẩn đường ruột (ở đây: http://www.nihe.org.vn/new-vn/thuong-quy-va-huong-dan-ky-thuat/149/Thuong-quy-xet-nghiem-vi-khuan-duong-ruot.vhtm).
- Thường quy và hướng dẫn ... (được dùng rất nhiều lần ở cùng địa chỉ trang web nêu trên).
- Quy trình rửa tay thường quy (ở đây: http://dieuduongviet.net/diendan/dieu-duong-co-ban-fundamental-nursing-skills/618-quy-trinh-rua-tay-thuong-quy.html)
- MRI thường quy, siêu âm thường quy, X quang thường quy vv (ở đây: http://www.bmir.vn/index.php/mri-thu-ng-quy)

Và còn nhiều nữa, nhiều nữa, cũng trong những ngữ cảnh tương tự như trên. Nhìn chung, từ "thường quy"  dường như chỉ có nghĩa tương đương với "thường xuyên", "thường kỳ" trong ngôn ngữ bình thường mà chúng ta hay dùng thôi. Nhưng nếu như thế thì làm sao "thường quy" lại được dùng để dịch từ "ad hoc" hoặc "adhocracy" trong tiếng Anh được nhỉ, vì nghĩa của từ ad hoc/adhocracy thì hoàn toàn ngược lại với "thường quy" như có thể hiểu ở trên (đại khái có thể dịch sang tiếng Anh là regular).

Để cẩn thận, tôi bèn google cụm từ "văn hóa thường quy", và rất thú vị khi chỉ tìm thấy có 4 đường dẫn đến các trang có chứa cụm từ này, trong đó có đến 3 đường dẫn thực ra không liên quan vì chúng không phải là cụm từ "văn hóa thường quy" mà là 2 từ "văn hóa" và "thường quy ..." đứng cạnh nhau. Đường dẫn duy nhất có liên quan thì chính là dẫn đến đường dẫn có bài dịch mà tôi đang đề cập đến trong entry này. Như vậy, có lẽ cũng không sai lắm nếu ta đoán rằng người đầu tiên sáng tác ra cụm từ khá ... bí hiểm kia chính là dịch giả của bài dịch nọ (tôi thấy ghi tên một vị tiến sĩ, chẳng rõ vị này có thực sự dịch hay là đưa cho nhân viên nào đó dịch rồi để tên mình lên mà không kiểm tra lại?)

Nhưng nghĩa của cụm từ "văn hóa thường quy" là gì thì tôi không tài nào hiểu được. Theo bản dịch thì "văn hóa thường quy" là từ tiếng Việt tương đương với từ "adhocracy" trong tiếng Anh, vốn có nguồn gốc từ cụm từ "ad hoc". Nhưng như tôi đã nói ở trên, ad hoc không thể nào dịch là "thường quy" được, trừ phi dịch giả của chúng ta vừa tạo ra từ "thường quy" với nghĩa hoàn toàn mới!


Xin chép ở đây phần dịch về "văn hóa thường quy" của vị tiến sĩ nọ:


Văn hóa thường quy

Thuật ngữ “thường quy” (Kiểu thường quy) dựa trên từ ad hoc, để chỉ một đơn vị năng động, chuyên biệt tạm thời. Những tổ chức có kiểu văn hóa này ta có thể thấy trong giới doanh nghiệp như phát triển phần mềm hay không gian, dịch vụ tư vấn, hay làm phim.  Mục đích của những tổ chức này là cải tiến và có thể thích nghi, vì thế không có hình thức tập trung quyền lực hay quan hệ dựa trên thẩm quyền. Trong một tổ chức như thế, quyền lực chuyển từ người này tới người kia hay từ nhóm công tác này sang nhóm công tác nọ, tùy theo vấn đề đang được giải quyết là gì vào lúc đó”. Do đó, cá nhân trong những tổ chức đó thường là những người độc nhất nhận rủi ro, những người đã dự đoán trước và hiểu rõ sự thay đổi (Cameron & Quinn, 1999)

(Nguồn: http://chrd.edu.vn/site/vn/?p=5661; truy cập ngày hôm nay 17/10/012).

Như các bạn thấy, cả 3 từ năng động, chuyên biệt tạm thời đều trái nghĩa hoàn toàn với từ "thường quy" mà chúng ta đã thấy ở trên. Không tin rằng vị tiến sĩ nọ lại nhầm lẫn như vậy, tôi mò mẫm đi tìm bản gốc tiếng Anh để xem tác giả bản tiếng Anh đã viết gì. May quá, tôi tìm được đường dẫn đến file bài viết gốc như dưới đây:
http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&ved=0CB0QFjAA&url=http%3A%2F%2Fjournals.cluteonline.com%2Findex.php%2FTLC%2Farticle%2Fdownload%2F1528%2F1508&ei=Lql-UPrBFOS8igLGmoFY&usg=AFQjCNEAq3v98lu5NBX2-GV_ljTBtHvbcg&sig2=fBXqpQVteH-wo0BPpHxsTg

Bản tiếng Anh tương ứng với đoạn dịch nói trên là như sau:

The Adhocracy Culture
Adhocracy is based on the term ad hoc, which refers to a temporary, specialized, and dynamic unit (Cameron & Quinn, 1999). An organization possessing adhocracy can be seen in industries such as aerospace, software development, think-tank consulting, and filmmaking (Cameron & Quinn, 1999). The goal of these organizations is to be innovative and adaptable, as there is no form of centralized power or authority relationships (Cameron & Quinn, 1999). Within an adhocracy, “power flows from individual to individual or from task team to task team depending on what problem is being addressed at the time” (Cameron & Quinn, 1999). Therefore, individuals in an adhocracy are often unique risk takers who anticipate and understand change (Cameron & Quinn, 1999).

Khi đọc được bản gốc và so sánh nó với bản dịch, tôi giật mình vì dịch sai nhiều quá (mà đây mới chỉ là một đoạn ngắn thôi nhé). Trước hết, "ad hoc" có nghĩa là "tình thế", tức không cố định mà được tạo ra tức thời để đáp ứng với một tình thế nào đó. Hơn nữa, "adhocracy" như một loại văn hóa tổ chức, cũng như 3 loại văn hóa tổ chức còn lại trong hệ thống của Cameron và Quinn (1999), thì không phải là chưa có ai bao giờ được dịch ra tiếng Việt để đến nỗi vị dịch giả tiến sĩ nhà ta phải sáng tác ra từ mới.

Vì thực ra adhocracy đã được dịch ra tiếng Việt nhiều lần rồi, trong các tài liệu nói về văn hóa doanh nghiệp hoặc văn hóa tổ chức. Có thể tìm đọc trong các link dưới đây:

http://open.ptit.edu.vn/hoctap/hoclieu/BG_DDKDvaVHDN.pdf
http://www.iamvn.com/vn/default.aspx?news_id=198
http://www.proprofs.com/flashcards/download.php?title=glossary-principle-management

Trong những tài liệu đã nêu, không có tài liệu nào dùng "văn hóa thường quy" để chỉ adhocracy cả. Những từ thường được sử dụng gồm có:

1. Văn hóa sáng tạo. 
Cụm từ này được dùng khá phổ biến, dù không sát nghĩa với từ gốc cho lắm (nhưng chắc chắn là hiểu được, không phải như từ "thường quy" bí hiểm kia).
2. Văn hóa đặc trưng
3. Văn hóa phi thể thức (theo nghĩa: không theo quy định cụ thể, không có quy trình cố định - và vì vậy, không thể là "thường quy")

(Mở ngoặc, lạc đề một chút: Ngoài cái sai về từ adhocracy nói trên thì đoạn trích dịch còn nhiều cái sai khác mà tôi chỉ xin nêu một ví dụ  nổi cộm, đó là "unique risk takers". Cụm từ này mà dịch thành "người độc nhất nhận rủi ro" thì tôi thấy đúng là bó tay thật. 

Nếu ai chưa biết, xin thưa rằng risk taker phải dịch là người liều lĩnh, dám chấp nhận rủi ro, hoặc "dám nghĩ dám làm" như trong tiếng Việt ta vẫn thường nói đấy ạ. "Unique risk takers" phải dịch là "những con người độc đáo, dám nghĩ dám làm"; có thế thì mới "có khả năng dự đoán và hiểu rõ sự thay đổi" chứ nhỉ. 

Cũng còn những sai sót khác nữa mà các bạn có thể tự nhìn thấy rõ ràng nên tôi không nêu ra ở đây nữa, e rằng mang tiếng bới lông tìm vết).

Quay lại từ adhocracy, từ này có thể có nhiều cách dịch như đã nêu ở trên. Riêng tôi thì tôi cảm thấy dịch là "văn hóa linh hoạt" hoặc "văn hóa tình thế" cũng có thể phù hợp ở một số ngữ cảnh cụ thể nào đó. Nhưng dù có chọn cách dịch ra tiếng Việt là gì đi nữa, thì adhocracy không thể là "thường quy" (regular) được, trời ạ! Nên mới có câu hỏi trong cái tựa của entry này.

Lại thêm một ví dụ của dịch sai từ các vị có học hành, tên tuổi trong giới "học giả" nước nhà. Bảo sao mà chất lượng giáo dục không đi xuống cho được cơ chứ?

Hay là vị tiến sĩ của chúng ta có lý do gì rất riêng, rất "chuyên biệt" hoặc rất "thường quy" (!) để dịch khác đi như vậy nhỉ? Cũng có thể! Vì vậy, rất mong nhận câu trả lời của dịch giả có liên quan.
--------------
Cập nhật ngày 1/11/2012
Tôi mới nhận được comment của một bạn đọc blog, là người làm trong ngành Y (chắc thế), có góp ý về cách hiểu từ "thường quy" trong ngành này. Do comment hơi khuất nên e rằng các bạn sẽ bỏ qua một góp ý (đúng hơn là lời giải thích) hay, nên tôi đăng một phần của comment đó lên đây. Rất cám ơn bạn TTH đã gửi comment nhé!

Trong y khoa, chữ thường quy dùng để chỉ những gì thường làm và được dịch từ chữ routine(adj). Ví dụ xét nghiệm thường quy là những xét nghiệm thường được thực hiện cho bệnh nhân khi vào viện bao gồm xét nghiệm về huyết học, sinh hóa hay vi sinh tương đối đơn giản. Trái với những xét nghiệm phức tạp, cao cấp hơn như CAT hay MRI. Khi nói rửa tay thường quy là rửa tay bình thường sau thăm khám bệnh nhân; khác với rửa tay trước khi phẩu thuật thì kỹ hơn lâu hơn. Ngoài ra còn được dùng như một danh từ (noun) là một quy trình thông thường được làm như vậy (regular procedure) như ví dụ trên "thường quy xét nghiệm vi khuẩn đường ruột" nhưng bước thông thường phải làm khi xét nghiệm vi khuẩn đường ruột. 

3 comments:

  1. Gần đây tôi có theo dõi tranh luận của cô (xin được tạm gọi như vậy)về bài viết của tác giả NVT và PTL và rất thích thú.
    Ở đây chỉ xin có một ý nhỏ là trong y khoa, chữ thường quy dùng để chỉ những gì thường làm và được dịch từ chữ routine(adj). Ví dụ xét nghiệm thường quy là những xét nghiệm thường được thực hiện cho bệnh nhân khi vào viện bao gồm xét nghiệm về huyết học, sinh hóa hay vi sinh tương đối đơn giản. Trái với những xét nghiệm phức tạp, cao cấp hơn như CAT hay MRI. Khi nói rửa tay thường quy là rửa tay bình thường sau thăm khám bệnh nhân; khác với rửa tay trước khi phẩu thuật thì kỹ hơn lâu hơn. Ngoài ra còn được dùng như một danh từ (noun) là một quy trình thông thường được làm như vậy (regular procedure) như ví dụ trên "thường quy xét nghiệm vi khuẩn đường ruột" nhưng bước thông thường phải làm khi xét nghiệm vi khuẩn đường ruột.

    Nhưng nói "văn hóa thướng quy" thì tôi cũng chịu thua không hiểu được là văn hóa gì!

    Cám ơn cô và xin lỗi đã viết dài dòng.

    TTH (hientt@oucru.org)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn TTH (Trần Thị Hiền?) nhiều lắm. Mong bạn tiếp tục đọc và đóng góp những ý kiến hay cho blog này.

      Delete
    2. Hi, cô P.A

      Cô có nhiều blog quá. Đọc từ đầu đến cuối cứ ngờ ngợ "văn này là của cô PA đây". Ai ngờ đúng thật.

      Em tra từ điển Anh - Việt không thấy Adhocracy! hình như nó gốc la-tin. Nhưng nói chung các doanh nghiệp nào chọn chiến lược "sản phẩm khác biệt" (Differentiation) thường áp dụng văn hóa Adhoc, nơi khuyến khích sáng tạo, đột phá (có thế thì sp mới khác biệt được). Apple là ví dụ rõ nhất.

      Trân trọng

      Delete