Thursday, October 25, 2012

Tranh luận với hai tác giả Phạm Thị Ly và Nguyễn Văn Tuấn về bài báo đăng trên Tuổi Trẻ 25/10/2012 (bài 1)

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày hôm nay 25/10/2012 có đăng một bài viết dạng "tiêu điểm" đăng trọn trang 9 của hai tác giả Phạm Thị Ly thuộc ĐHQG-HCM và Nguyễn Văn Tuấn thuộc ĐH New South Wales (Úc) với tựa đề "Nghiên cứu khoa học của VN tiếp tục tụt hạng: Báo động từ nghiên cứu giáo dục".

Bài viết ra đời trong bối cảnh đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam  vừa được Hội nghị Trung ương xem xét nhưng chưa thông qua vì còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu, và các tờ báo lớn của thành phố - trong đó có báo Tuổi Trẻ - đã và đang tổ chức diễn đàn trao đổi để lấy ý kiến góp ý tiếp tục đổi mới giáo dục Việt Nam.

Bài viết vừa nêu có vẻ được tờ Tuổi Trẻ liệt vào dạng bài "đinh", nổi bật với hai tác giả là những tên tuổi quen thuộc trong giới học thuật ở Việt Nam, có nhiều bài viết và báo cáo về giáo dục đăng ở khắp nơi từ báo chí phổ thông, báo tại hội thảo và sau đó được đưa vào kỷ yếu hoặc sách tham khảo vv mà nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, và cả các nhà khoa học trong nước, các Viện nghiên cứu công lập và tư nhân sử dụng làm tài liệu học tập và tham khảo.

Riêng tác giả Nguyễn Văn Tuấn còn được biết đến nhiều hơn với tư cách một người chuyên hướng dẫn về các phương pháp nghiên cứu khoa học, trước đây chuyên dành cho giới nghiên cứu của ngành y, sau đó có mở rộng ra trong giới khoa học tự nhiên và kỹ thuật, nhưng gần đây có vẻ quan tâm nhiều đến các ngành xã hội và nhân văn, đặc biệt là giáo dục, có lẽ vì muốn góp tay vào để chữa trị cho một nền giáo dục mà ai đó đã ví như một con bệnh nan y, ốm nặng lâu ngày và dường như đã trở nên vô phương cứu chữa, như thông điệp của bài báo đã nêu ra.

Là một người hoạt động trong lãnh vực giáo dục suốt cả cuộc đời làm việc của mình, được đào tạo về ngành giáo dục ở nước ngoài - cùng quốc gia mà hiện nay ông Tuấn đang sinh sống - tôi không thể bỏ qua không đọc bài này, đặc biệt vì đây là những tác giả được xem là có tên tuổi. Và sửng sốt với những kết luận như đinh đóng cột và những gợi ý/hàm ý không kém mạnh mẽ của bài báo.

Sửng sốt đến độ không thể không viết bài này để tranh luận trực tiếp với hai tác giả, dù biết cách làm như thế này ở Việt Nam có thể không phù hợp, mà tôi lại còn có những lý do riêng để cố tránh đề cập trực tiếp đến cả hai tác giả vì đều là đồng nghiệp và đã từng làm việc với nhau ít hoặc nhiều.

Bài tranh luận này tôi muốn gửi trực tiếp đến hai tác giả và rất mong các tác giả có lời trao đổi lại, có thể không trả lời cho một cá nhân là tôi thì cũng cần trả lời bạn đọc ở trên báo Tuổi Trẻ, những người tin tưởng vào giá trị thông tin mà tờ báo đem lại. Tôi xin nhấn mạnh rằng bài viết này của tôi chỉ vì mục đích khoa học, do ảnh hưởng của hai tác giả mà đặc biệt là ông Tuấn đến những người đang làm hoặc đang học làm khoa học trong ngành giáo dục, nhóm người có vẻ như thuộc loại yếu kém toàn diện dẫn đến sự tụt hậu đến báo động như trong bài báo của hai tác giả đã nêu.

Nếu bỏ qua những khẳng định không có gì mới mà ai cũng có thể phát biểu về sự yếu kém nói chung của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, đặc biệt nếu được đánh giá qua các chỉ số định lượng trong các hệ thống xếp hạng, nhận định chung của tôi về bài báo trên là nó có quá nhiều khẳng định thiếu cơ sở khiến cho những kết luận hoàn toàn không có tính khoa học và vì vậy không có giá trị.

Thật đáng thất vọng, một bài thuộc dạng "đinh" trên tờ báo lớn của TP HCM mà lại chỉ giống như một bài đưa ý kiến vu vơ dù được trang điểm bằng một vài số liệu lấy trong bảng xếp hạng của Scimago, một bảng xếp hạng mới mà giá trị vẫn còn những chỗ tranh cãi. Xin nêu rõ từng điểm dưới đây, với các trích dẫn tương ứng, cùng phần tranh luận của tôi.

1. Về số lượng ít ỏi của các công trình trong lãnh vực khoa học giáo dục tại VN

* Hai tác giả khẳng định: "Trong khoảng thời gian từ 1996-2010, ngành KHGD của VN công bố được 39 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chiếm khoảng 9% tổng số ấn phẩm trong ngành khoa học xã hội [...]. Đó là một con số rất khiêm tốn khi đối chiếu với số người chuyên làm về nghiên cứu giáo dục trên cả nước."

Phần tranh luận của tôi:

Số lượng 39 công bố khoa học trong khoảng thời gian 15 năm nói trên có lẽ là thực sự ít và đáng thất vọng, nhưng đó là hệ quả đương nhiên của một nền khoa học yếu kém toàn diện cho tất cả các ngành. Khi các tác giả nói rằng đây là một con số rất khiêm tốn so với số người chuyên làm về nghiên cứu giáo dục, thì xin hỏi các tác giả:

(a) đã nắm được tổng số những người chuyên làm về nghiên cứu giáo dục tại VN chưa, nếu đã có thì xin hỏi số liệu thu thập ra sao, những người như thế nào thì được xem là chuyên làm về nghiên cứu giáo dục trên cả nước, và

(Tái bút ngày 27/10: Khi đọc lại bài báo ngày 25/10 thì tôi thấy câu hỏi này thực ra là thừa vì chính các tác giả đã khẳng định trong bài báo là mình không có số liệu trong tay; tuy vậy, không có số liệu nhưng vẫn có thể kết luận được rằng số lượng công bố khoa học quốc tế của ngành giáo dục VN như thế là RẤT KHIÊM TỐN - một tuyên bố xem chừng rất thiếu khiêm tốn!)

(b) quan trọng hơn, là ngay cả nếu các tác giả đã nắm được những số liệu này (nếu có, lẽ ra các tác giả nên nêu rõ cho bạn đọc biết, không cần dài dòng mà chỉ cần một con số cụ thể như 50 ngàn người chẳng hạn) thì hiện nay chúng ta đã có những chuẩn so sánh nào để kết luận rằng trung bình 2 bài báo khoa học một năm cho toàn "ngành khoa học giáo dục" của VN là rất khiêm tốn?

Rất khiêm tốn là so với ai, so với ngành khác trong nước hay so với những nước lân cận và nếu thế thì là ngành nào hoặc nước nào? Nếu không trả lời được những câu này thì lời khẳng định nói trên chỉ là những lời khẳng định vu vơ, thiếu căn cứ. (Xin mở ngoặc nói thêm là ngay cả việc dùng cụm từ "ngành KHGD" của hai tác giả nói trên cũng rất đáng tranh cãi, nhưng ở đây tôi tạm bỏ qua việc này để tập trung vào những vấn đề hệ trọng hơn).

* Kế đến, các tác giả tiếp tục khẳng định: "Phân tích nội dung của các công trình nghiên cứu này cho thấy phần lớn lại liên quan đến đào tạo trong y khoa và là kết quả của các dự án hợp tác quốc tế trong giáo dục sức khỏe (16 bài). Chỉ có bốn công trình nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ học. Tính chung, số bài viết về KHGD thực thụ chỉ có 13 bài."

Tranh luận:

* Các tác giả dựa vào đâu để cho rằng các nghiên cứu liên quan đến đào tạo trong y khoa (hay giáo dục sức khỏe) không phải là nghiên cứu về KHGD "thực thụ"? Nếu chúng không phải là nghiên cứu giáo dục thì chúng thực ra thuộc về lãnh vực nào? Liệu chúng có thể được xem là nghiên cứu y khoa "thực thụ" hay chăng?

Trong kinh nghiệm của tôi thì tôi những bài báo thuộc loại "nghiên cứu về đào tạo trong ngành y" sẽ liên quan đến các vấn đề về chương trình và phương pháp đào tạo bác sĩ hay nhân viên y tế cộng đồng, hoặc về hoạt động giáo dục sức khỏe, và không thể được xem  là nghiên cứu y học. Nhưng tất nhiên tôi chưa khẳng định; đây mới chỉ là suy nghĩ riêng chưa kiểm chứng, nếu muốn phát biểu công khai trên nhằm hướng dẫn dư luận và tham mưu chính sách chắc chắn phải kiểm tra lại. Và như vậy, các tác giả dựa vào tiêu chí nào để nhận diện những nghiên cứu khoa học giáo dục "thực thụ"?

* Một thắc mắc khác là dựa vào tiêu chí nào mà tác giả loại ra các nghiên cứu về đào tạo trong y khoa vì không phải là nghiên cứu giáo dục "thực thụ", nhưng những nghiên cứu mà tác giả cho là liên quan đến ngôn ngữ học (tổng cộng là 4 bài, theo hai tác giả Ly và Tuấn) thì lại may mắn được để lại trong số 13 bài được xem là "thực thụ"?

Theo tôi, ở đây hẳn có sự nhầm lẫn về số liệu, vì nếu nghiên cứu ngôn ngữ thì phải đưa về nhóm Linguistics and Language cũng có trong hệ thống phân loại của Scimago, chứ không thể để vào nhóm giáo dục. Trừ phi đây là những bài liên quan đến giảng dạy ngôn ngữ. Trong trường hợp đó chúng tương ứng hoàn toàn với 16 bài về "đào tạo trong y khoa" theo lời của hai tác giả Ly và Tuấn. Sao lại "nhất bên trọng, nhất bên khinh" như thế này? Xin chờ câu trả lời của hai tác giả hoặc của báo Tuổi Trẻ.

* Cuối cùng, theo cùng nguồn số liệu mà các tác giả đã trích dẫn (http://www.scimagojr.com/countrysearch.php?region=Asiatic%20Region), nhóm Linguistics and Language trong cùng thời gian 15 năm đã nêu chỉ có 5 công bố quốc tế mà thôi. Vậy mà, theo cảm nhận cùng kinh nghiệm riêng của tôi thì số người chuyên làm nghiên cứu ngôn ngữ nếu không đông hơn thì cũng phải tương đương số người chuyên làm nghiên cứu giáo dục tại VN, như có thể thấy qua số lượng tiến sĩ  đã tốt nghiệp ngành ngôn ngữ trong và ngoài nước của VN.

Điều này có thể dễ dàng kiểm chứng bằng cách  so sánh số lượng nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ và  ngành giáo dục được cấp bằng tiến sĩ trong 5 năm trở lại đây ở hai trung tâm đào tạo khối ngành khoa học xã hội và nhân văn (tức có cả giáo dục và ngôn ngữ) là Hà Nội và thành phố HCM.

Nếu số liệu công bố khoa học của ngành giáo dục là 39 bài trong 15 năm, hay 13 bài nếu chỉ tính những bài "thực thụ" mà đã bị hai tác giả xem là báo động, thì liệu phải dùng từ nào để nói về tình trạng công bố khoa học của ngành ngôn ngữ đây? Xin nhớ rằng ngành ngôn ngữ bao gồm cả các ngoại ngữ, và trong số này hẳn phải có những người đi học ở nước ngoài. Chẳng lẽ những con số đập vào mắt như vậy mà các tác giả khi vào đọc số liệu của Scimago để viết một bài viết quan trọng như vậy lại không nhìn thấy?

---------------
Chỉ mới có vài đoạn mà bài báo đã cho thấy có quá nhiều chỗ mơ hồ và thiếu căn cứ như trên, khiến tôi rất băn khoăn và tự hỏi liệu những lỗi trên có phải là từ hai tác giả, hay do lỗi của tòa báo đã biên tập và cắt xén, thêm bớt câu chữ và số liệu tùy tiện để ảnh hưởng đến chất lượng bài báo hay chăng?

Cũng vì sự băn khoăn nói trên mà tôi phải vào tận trang Scimago để ngồi nghiền ngẫm và đọc kỹ bộ số liệu gốc, dù đang trong thời gian rất bận. Tôi cần đọc chúng để có thể đưa ra những phán đoán có cơ sở về chất lượng và giá trị của những kết luận của bài báo. Và càng đọc thì càng thấy băn khoăn nhiều hơn, như các bạn sẽ thấy trong những phần tiếp theo của bài  tranh luận này.

Tuy nhiên, vì bài viết đã quá dài nên tôi tạm dừng lại để hoàn tất những công việc khác, rồi sẽ quay lại tiếp với nhiều thắc mắc, và căn cứ để khẳng định rằng các tác giả của bài báo nói trên đã sai! Nói ngắn gọn, tôi thấy rằng bài báo trên khá giống những nhận xét mà tôi và một số đồng nghiệp hay đưa ra cho các sinh viên cao học khi bảo vệ không thành công, phải sửa chữa, hoàn chỉnh lại luận văn Thạc sĩ, đó là: những kết luận nào nghe hợp lý thì không có liên quan gì đến số liệu của nghiên cứu, còn những kết luận nào rút ra từ số liệu của nghiên cứu thì lại rất vô lý hoặc có nhiều sai sót.

(còn tiếp)

2 comments:

  1. Nói không có ý không tôn trọng, cách nay vài năm tôi cũng viết một bài có tính tổng quan phổ thông về đóng góp của loài chuột cho loài người (dùng cho nghiên cứu khoa học)trên vietnamnet tên là "Loài chuột và loài ngườ". sau đ1o BBT đã đổi thành "Chuột dưới mắt nhà khoa học" (khi họ đăng họ không hỏi ý kiến tôi đổi tiêu đề, nếu hỏi tôi sẽ đổi chữ "dưới mắt" thành "trong mắt". Tiếp đó anh BTV của vietnamnet gửi link cho tôi bài của Ô. Nguyễn Văn Tuấn trong blog của ông ấy về bài của tôi. Chỉ đọc vài dòng tôi nhận ra không phải như báo chí đã PR về ông ấy và tôi không đọc nữa. BTV báo muốn tôi tranh luận, tôi từ chối.
    Xin mở ngoặc với chị tôi làm nghiên cứu với chuột thí nghiệm và đã dùng cả nhiều nghìn con chuột nhắt trắng. Tôi có một tình cảm đặc biệt với chúng.

    Khi ô. được mời nói ở SG cũng vậy, tôi ko đi, bạn tôi đi về bảo giờ nghỉ họ về hơn nửa. Ông ấy "mạt sát" ghê quá. Một vài bài đọc được còn lại hầu hết tôi thấy có hướng vĩ cuồng.
    Chị Vũ Anh còn có tâm huyết để tranh luận, tôi còn không đọc hết vài dòng ông nói về bài viết của tôi.
    Chúc chị tìm được cái gì đó trong xu hướng tích cực này của chị.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn những nhận xét của chị Hồng Nhung. Tôi cũng có cảm nhận tương tự như chị về ông Tuấn.

    ReplyDelete