Saturday, October 13, 2012

Nghiên cứu chính sách trong giáo dục: Vài suy nghĩ vụn

Entry này chỉ nhằm lưu một tài liệu liên quan đến các phương pháp nghiên cứu trong đánh giá chính sách (thường gọi tắt là nghiên cứu chính sách) trong giáo dục mà thôi. Tài liệu ấy ở đây: http://research.dwp.gov.uk/asd/asd5/WP2.pdf.

Nhưng tại sao lúc này tôi lại quan tâm đến các phương pháp nghiên cứu chính sách? À, là bởi vì sau khi làm việc trong lãnh vực đánh giá giáo dục (được hiểu là đánh giá năng lực người học) rồi "bò" dần lên đánh giá chương trình và hệ thống giáo dục (để phục vụ công tác kiểm định), tôi mới thấy rằng có cố gắng nhiều nữa, nghiên cứu nát nước về hiện trạng, thử nghiệm các giải pháp và đưa ra những đề xuất về phương pháp triển khai trong tương lai, mà chính sách giáo dục cứ thay đổi xoành xoạch, triết lý thì dường như không có, mục tiêu thì không rõ ràng, thì chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Chỉ cần một chính sách sai thì tất cả những nỗ lực bên dưới dù có tốt đến đâu cũng sẽ bị xóa sạch mà thôi.

Ý nghĩ ấy tôi đã có trong đầu từ lâu, thậm chí hồi còn làm việc ở Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc ĐHSP khoảng đầu thập niên 2000 (tôi làm ở đó 2 năm với tư cách Giám đốc Trung tâm Đánh giá giáo dục, lúc ấy tôi cũng vừa mới được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc tại TT Khảo thí của ĐHQG-HCM nhưng thời gian đầu khi mảng ĐBCL chưa được triển khai thì hầu như không có việc gì để làm cả nên mới có thể kiêm nhiệm bên ĐHSP). Tôi nhớ một trong những phát biểu đầu tiên của tôi khi góp ý các đường hướng nghiên cứu ở Viện là phải có một nhóm nghiên cứu chính sách. Nhưng cuối cùng ý tưởng này không ai hưởng ứng, chẳng rõ là mọi người không dám đụng đến chuyện nghiên cứu chính sách vì ... đã có Đảng và Nhà nước lo (!), hoặc do chẳng ai có hiểu biết gì về nghiên cứu chính sách cả, thì làm sao mà làm được.

Và, không loại trừ khả năng là làm nghiên cứu về chính sách thì chắc là tiền rất ít, vì (ít ra là thời đó) kinh phí cấp cho đề tài chủ yếu là trả thiết bị, vật tư (nếu có),  hoặc công lao động chân tay như đánh máy hoặc nhập phiếu, còn công chất xám thì được trả rẻ như bèo, gần như là cho không! Hình như hồi đó có quy định là thành viên đề tài được trả cỡ 100.000 đồng/tháng, chủ nhiệm đề tài khoảng 150.000-200.000 đồng/tháng, cả năm lao động được trả cỡ 2, 3 triệu đồng nếu tham gia đề tài. Trong khi đó, tiền công đánh máy một trang tiếng Anh đã có thể được duyệt đến 5.000 đồng/trang, hay nói cách khác công chất xám trả cho một tháng suy nghĩ của một thành viên đề tài thì tương đương với công đánh máy 20 trang tiếng Anh (là cái mà tôi có thể làm lâu nhất là mất một ngày). Nên những đề tài về chính sách thì có mua vật tư, thiết bị gì đâu mà tính thành kinh phí được. Mà không thể nhịn đói uống nước lã để nghiên cứu chính sách, nên ... thôi vậy!

Thành ra, mặc dù luôn biết rằng nghiên cứu chính sách là quan trọng nhưng cả chục năm nay tôi không hề động đến nó, mà chỉ làm những gì thấp thấp ở tầm dưới, action research là chính mà thôi.

Nhưng hôm nay, khi ngồi hội đồng xét duyệt một đề cương đề tài giáo dục, tôi lại nhận ra rất rõ là mặc dù đề tài có thể rất hay, người thực hiện có thể rất giỏi, nhưng tất cả những nhận định, phán đoán và đề xuất của nhà khoa học liệu có dẫn ta tới đâu không nếu chính sách lại thay đổi liên tục mà đôi khi hoàn toàn không có một chút kế thừa nào như vậy? Và tôi lại buột miệng phát biểu, "tôi tha thiết đề nghị thành phố nên có những nghiên cứu về chính sách giáo dục, vừa để thực hiện quyền phản biện đối với các chính sách quốc gia, và vừa có những đề xuất về chính sách sao cho đặc thù với thành phố này". Thật bất ngờ, trái với những gì đã xảy ra với tôi cách đây cả chục năm ở Viện Nghiên cứu giáo dục, đề xuất này của tôi được mọi người hưởng ứng ngay, và còn kèm theo lời đề nghị: tôi nên đưa đề xuất ý tưởng, và sẽ trở thành đề tài đặt hàng để thực hiện luôn (nếu tôi đồng ý nhận thực hiện!)

Nghe xong đề nghị đó tôi thực sự vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã có sự thay đổi về quan điểm của những nhà quản lý, đó là sự thừa nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của nghiên cứu chính sách. Nhưng lo là vì, ngay cả đề tài có giao cho tôi (như một đề tài đặt hàng) thì tôi cũng rất miễn cưỡng mà nhận, thậm chí có lẽ không nhận mà chỉ tham gia góp ý khơi khơi thôi thì dễ hơn nhiều. Vì ai cũng biết làm đề tài khoa học ở VN là như thế nào. Nếu anh "biết cách" - meaning: knowing the right people, thì mọi thứ có thể sẽ rất dễ dàng, bất kể chất lượng ra sao. Ngược lại, nếu anh không biết cách thì dù anh có làm đến đâu, chất lượng thế nào, thì coi chừng đấy, có lẽ sẽ bị đánh rớt lên rớt xuống bởi những người chẳng có chuyên môn gì mấy nhưng lại có quyền ngồi đánh giá anh. Tôi đã bị rồi, nên thôi, có lẽ không nên dại thế nữa thì hơn!

Nhưng về chuyên môn thì tôi vẫn hứng thú và thực sự muốn làm. Nên mới mò mẫm đọc (ngay sau buổi họp đó, về đến nhà là tôi đọc luôn) và đưa tài liệu lên đây. Thôi thì tôi sẽ làm, for my own satisfaction, và chia sẻ ở đây cho những người quan tâm. Biết đâu có ai đó sẽ đọc, và biết đâu một vài chục năm nữa những hạt giống mà tôi gieo vào đầu ai đó sẽ nảy mầm và đâm hoa kết trái, thì sao nhỉ. Chúng ta không được quyền nguôi hy vọng, phải không?

Quả là một entry quá dài để giới thiệu một tài liệu tôi tìm được trên mạng, lẽ ra chỉ cần đúng một giòng thôi là xong rồi, các bạn nhỉ. Thì ai cũng biết rồi, trong đầu tôi chất chứa đủ thứ, không viết ra thì ... đến điên lên mất. Viết ra cho nó nhẹ, và biết đâu lại đóng góp vào quá trình cải cách giáo dục VN thì sao?

Vâng, chúng ta vẫn cứ phải hy vọng thôi, in spite of everything!

No comments:

Post a Comment