Sunday, October 21, 2012

Biết thì thưa thốt ...

"Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" là một câu nói cửa miệng của người Việt Nam, nằm trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, cao dao, dân ca mà không người VN nào là không biết. Và cũng giống nhiều câu tục ngữ khác, nó rất dễ thực hiện nhưng dường như lại luôn bị vi phạm.

Tôi nhớ đến câu này khi tình cờ đọc được một bài viết rất ngắn của một người đồng nghiệp cũ, anh Đặng Thái Minh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc. Minh nhỏ tuổi hơn tôi và học dưới tôi vài khóa ở trường ĐH Tổng hợp (ĐH Văn khoa cũ), vi vậy tôi với Minh xưng hô là chị em. Tuy nhiên, về tài năng và sự cần cù làm việc thì tôi phải tôn làm sư phụ. Tôi chỉ biết là Minh có hai bằng tiến sĩ (ở ĐH KHXH-NV lúc ấy người ta gọi là tiến sĩ kép), gồm một bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học tại VN (trường ĐHKH XH-NV) và một bằng tiến sĩ khác từ Pháp, hình như cũng là ngôn ngữ học.

Trước đó, Minh tốt nghiệp cử nhân Pháp văn (tôi thì tốt nghiệp cử nhân Anh văn), giảng dạy đâu đó ở Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và/hoặc Khoa Đông Phương/ Khoa Ngữ văn của trường ĐH Tổng hợp thời đó (sau này là ĐH KHXH-NV), và có một thời gian dài nghiên cứu tiếng Việt và ngôn ngữ học thống kê, đã từng biên soạn một cuốn sách về ngôn ngữ học thống kê cùng với GS Nguyễn Đức Dân thì phải, xuất bản từ thập niên 1990.

Hiện nay thì Minh đang giảng dạy tại một trường trung học của Úc, vẫn tiếp tục theo đuổi ngành ngôn ngữ (tiếng Việt). Tôi cũng nghe nói là để theo đuổi ngành ngôn ngữ học thống kê thì Minh đã bỏ công sức đi học lại bằng đại học ngành Toán - Tin ở ĐH Tổng hợp cũ từ thời cuối thập niên 1980, và hình như đã có bằng đại học về Toán? Tóm lại, Minh có thể được xem là một mẫu học giả đúng nghĩa, thành thạo 2 ngoại ngữ Anh và Pháp, hai bằng Tiến sĩ và rất có thể là hai bằng cử nhân, trên dưới 30 năm trong ngành ngôn ngữ, và có thể nói về ngôn ngữ học thống kê tiếng Việt thì hiện nay có lẽ không có ai qua mặt được.

Trong giới ngôn ngữ học VN, hoặc ít ra là giới ngôn ngữ học ở miền Nam (vì VN vẫn là một quốc gia với 2 trung tâm chính là Bắc và Nam, với Hà Nội và Sài Gòn là hai "kinh đô học thuật", có ít nhiều cạnh tranh với nhau) thì có một số (không nhiều lắm) các tên tuổi ai cũng phải cho là bậc thầy, dù có thể đồng ý hoặc không  đồng ý với quan điểm của các thầy. Hai trong số những tên tuổi ấy là GS Cao Xuân Hạo và GS Nguyễn Đức Dân.

Viết dài dòng như vậy chỉ để mào đầu cho một bài viết ngắn khoảng bằng 1/2 phần mào đầu của tôi mà Minh mới đăng lên một trong mấy cái blog về chuyên môn (cũng là Việt ngữ học, nghiên cứu từ nguyên vv) của Minh. Bài ngắn, vô cùng xúc tích và "thâm nho", nên xin báo trước nếu ai đọc không kỹ thì sẽ không hiểu. Có đọc kỹ rồi mà không có bối cảnh có khi cũng vẫn không hiểu.

Với sự dài dòng của mình thì tôi rất muốn kể lể thêm bài ấy viết gì, nhưng e rằng làm thế sẽ mất đi cái thú vị của mọi người khi đọc bài viết ngắn mà thâm trầm của Minh. Thôi thì chỉ nói thêm một câu: khi đọc bài ấy xong, các bạn nhớ click vào hình chụp màn hình mà Minh đưa lên kèm bài viết trên blog. Đọc xong bài của Minh, rồi đọc những gì chụp lại trong màn hình, thì mọi cái sẽ rõ ạ.

(Nói thêm: Nếu ai đọc xong mà vẫn không rõ, giống như tôi, cái gì cũng phải huỵch toẹt ra hết, thì xin gửi comment với địa chỉ email, tôi sẽ viết mail riêng để giải thích ạ!)

Bài viết của Minh ở đây, các bạn đọc nhé: http://tutrachoc.blogspot.fi/2012/10/dan-chu-ton-ty-va-long-ngon.html.

Nhân tiện, bạn đã vào đến đấy thì đọc thêm một bài nữa nhé, chuyện đã cũ rồi nhưng vấn đề thì không hề cũ: http://tutrachoc.blogspot.fi/2012/10/oc-nguyen-van-tuan-oc-truyen-kieu.html

Và cũng xin kết thúc bài này bằng một đoạn trích lời GS Cao Xuân Hạo, trích lại từ bài viết của Minh (link thứ hai), cũng với thông điệp "biết thì thưa thốt":

Ở nước ta có một vài nhà khoa học hình như rất giỏi trong lĩnh vực của mình, nhưng từ đó lại tưởng rằng mình có thể phán truyền chân lý trong những lĩnh vực mà mình chưa từng được học giờ nào, và từ đó cho ra hết nhận định này đến nhận định khác cho thấy những lỗ hổng khổng lồ mà bất kỳ ai có chút học thức chuyên ngành cũng phải lấy làm xấu hổ. Thái độ này có thể thấy rõ hơn cả đối với những ngành mà có người cho là không cần học cũng biết, đặc biệt là ngôn ngữ học và văn học. Lẽ ra nhà khoa học tự cho mình cái quyền truyền phán về mọi ngành khoa học khác chỉ cần nhớ lại cái quá trình mấy mươi năm gian khổ mà mình đã trải qua để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình cũng đủ hiểu là không làm gì có một ngành khoa học nào không cần học cũng biết được.

3 comments:

  1. Email của em là lan.tran73@gmail.com, cô gửi email cho em tham khảo với ạh :)
    Em cám ơn

    ReplyDelete
  2. Em đã vào đọc 2 cái links trong bài chưa?

    ReplyDelete
  3. Hồi học trường ĐHKHXH&NV, mỗi lần cần mấy cuốn sách ngôn ngữ lên đọc là hoa cả mắt, đọc 2 trang tiếng Việt mà cứ ngỡ là tiếng nước ngoài vì chẳng hiểu gì cả. Mấy môn Ngôn ngữ học xong trả thầy trả cô, kiến thức chẳng vào đầu, mấy bạn tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ (tiếng Việt) mà thật buồn cười, vẫn thường xuyên viết sai chính tả :D
    Cám ơn bài viết của cô

    ReplyDelete