Wednesday, November 2, 2011

Nghiên cứu hành động trong giáo dục (2)

(tt)
Các cách tiếp cận NCHĐ

NCHĐ được phân loại theo 4 cách tiếp cận khác nhau. Các cách tiếp cận này giống nhau về phương pháp thực hiện (thu thập, phân tích, diễn giải dữ liệu) nhưng khác nhau về mục đích và mục tiêu nghiên cứu. Dưới đây là bảng so sánh tóm tắt những điểm khác biệt của 4 cách tiếp cận này, theo cách phân loại của Hendricks (2009:9-10, dẫn lại theo Ary 2010):

NCHĐ hợp tác (collaborative action research): Bao gồm nhiều thành phần khác nhau cùng tham gia. Ví dụ, trong bối cảnh trường học thì những người thực hiện nghiên cứu có thể bao gồm cả nhà quản lý lẫn giáo viên. Mục đích của loại nghiên cứu này là để chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm và tạo sự đối thoại giữa các bộ phận khác nhau.

NCHĐ phê phán (critical action research): Có sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần. Chẳng hạn trong bối cảnh giáo dục đại học, người tham gia có thể là nhà quản lý, giảng viên, nhà nghiên cứu giáo dục, và cả các thành viên đại diện cộng đồng. Mục đích của loại nghiên cứu này là để lượng giá (evaluate) những thay đổi xã hội và sử dụng kết quả nghiên cứu để đem lại những thay đổi trong xã hội.

NCHĐ học đường (classroom action research): Những nghiên cứu riêng của giáo viên để áp dụng trong bối cảnh giảng dạy của mình. Có thể bao gồm một nhóm giáo viên dạy trong những bối cảnh tương tự, cùng phối hợp để tìm hiểu một vấn đề chung. Mục đích là để cải thiện việc giảng dạy trong trường, lớp.

Nghiên cứu hành động tham dự (participatory action research): Có sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên có liên quan trong một quá trình xã hội (social process) nào đó. Mục đích là để tìm hiểu các thực tiễn đang diễn ra trong một cấu trúc xã hội (có tính khai phóng); thách thức sự khác biệt về quyền lực và cách làm việc không hiệu quả (có tính phê phán); và để đem lại những thay đổi về lý luận và thực tiễn (có tính cải cách).

Lợi ích của NCHĐ

NCHĐ mang lại nhiều lợi ích khác nhau, như có thể liệt kê dưới đây:

- Chuyên nghiệp hóa hoạt động của các nhà giáo dục và thúc đẩy sự phát triển chuyên môn
- Trao quyền cho giáo viên và tạo ra một tiếng nói trong ngành của các nhà giáo dục
- Phát triển tri thức có liên quan trực tiếp đến thực tiễn và chú trọng việc cải thiện thực tiễn
- Thúc đẩy sự phản tỉnh (reflection) và sử dụng thông tin để ra quyết định tốt hơn
- Nuôi dưỡng tinh thần cởi mở đối với những ý tưởng mới cũng như khuyến khích sự sáng tạo
- Khuyến khích sự hợp tác và phát triển những cộng đồng học tập
- Khuyến khích việc tư duy lại quá trình đánh giá giáo viên và học sinh/sinh viên
- Cung cấp những nguồn dữ liệu phong phú để có thể sử dụng trong việc cải thiện nhà trường
- Khơi dậy tinh thần chuyên môn, làm cho công việc hàng ngày trở nên thú vị và đáng giá
- Tạo điều kiện phát biểu về những lựa chọn khả dĩ và những phương pháp có thể áp dụng
- Tăng cường hiểu biết và tôn trọng giữa các giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhà quản lý.

Lợi ích cốt lõi của NCHĐ, theo tác giả Ary, là lấp dần khoảng trống giữa lý luận và thực tiễn. Khoảng trống này là do các tài liệu về lý luận thường được viết rất khó đọc đối với những người hoạt động thực tiễn vì chúng sử dụng những đặc ngữ chuyên môn (jargon), hoặc có thể hiểu nhưng lại không thể áp dụng trong bối cảnh địa phương.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment