Thursday, November 3, 2011

Nên hiểu “chuẩn đầu ra” như thế nào? (1)

Loạt bài này tôi viết trước hết là để chuẩn bị cho báo cáo mà tôi đã được mời tham gia trong đợt tập huấn của Cục Khảo thí trong khuôn khổ của Dự án Giáo dục Đại học 2 trong thời gian vài tuần nữa. Lẽ ra thì tôi không đăng lên mà chờ báo cáo xong rồi mới đăng lên, nhưng sau khi nghe ý kiến của một người đồng nghiệp nhỏ về một khóa tập huấn về chuẩn đầu ra mà bạn ấy vừa tham dự tại tại một trung tâm của một đại học lớn trong nước tổ chức, đồng thời đọc những tài liệu do khóa tập huấn ấy cung cấp, thì tôi quyết định đăng (một phần) của bài viết (nháp) này lên để chia sẻ thông tin với mọi người.

Vì tôi nhận ra rằng xung quanh khái niệm “chuẩn đầu ra” hiện nay có khá nhiều ngộ nhận, và không nên để cho những ngộ nhận này tiếp tục kéo dài, sẽ không tốt cho việc thực hiện những nỗ lực cải cách hiện nay của ngành giáo dục Việt Nam.

Các bạn đọc và cho nhận xét, trao đổi nhé. Email của tôi: vtpanh@gmail.com.

--
Chuẩn đầu ra: Bộ kiên quyết yêu cầu, trường tùy nghi thực hiện

Khái niệm “chuẩn đầu ra” (CĐR) xuất hiện trong các văn bản hành chính của ngành giáo dục lần đầu tiên trong Chỉ thị số 7823/CT-BGD DT ngày 27/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo yêu cầu của chỉ thị này, ngay trong năm 2010 các trường phải thực hiện việc công bố CĐR để được xã hội giám sát, tạo điều kiện thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Để thực hiện yêu cầu của chỉ thị nói trên, kể từ khi Chỉ thị 7823 được ban hành đến nay rất nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tập huấn về khái niệm và phương pháp xây dựng CĐR đã được tổ chức. Trên báo chí phổ thông lẫn các tạp chí chuyên ngành trên cả nước cũng đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi và tranh luận sôi nổi về khái niệm này. Ngoài ra, vào tháng 4/2010, Bộ Giáo dục cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng CĐR để hỗ trợ các trường trong việc thực hiện xây dựng và công bố CĐR theo yêu cầu của Bộ.

Tuy nhiên, như phản ánh của báo chí trong thời gian gần đây, thời gian hai năm đã trôi qua kể từ ngày Bộ ban hành Chỉ thị 7823 đến nay, nhưng các trường vẫn còn rất lúng túng trong việc công bố CĐR theo yêu cầu của Bộ. Và mặc dù đã có hướng dẫn thống nhất từ Bộ, nhưng hiện nay vẫn tồn tại tình trạng mỗi trường làm mỗi kiểu, hầu như không trường nào giống trường nào. Mà có lẽ cũng không ai biết chắc mình có làm đúng hay không, và nếu như trường mình đúng thì trường khác sai ở chỗ nào.

Để minh họa cho sự thiếu thống nhất trong cách hiểu và cách thực hiện, xin nêu ở đây một vài ví dụ về các CĐR đã được công bố trên website của các trường, và xin chọn một ngành khá phổ biến ở Việt Nam là ngành công nghệ thông tin, vốn được rất nhiều nơi đào tạo.

Các phát biểu chuẩn đầu ra ngành Công nghệ thông tin của hai trường khác nhau:

- Tại Trường X, toàn bộ lời phát biểu CĐR của Trường X dài tổng cộng là 3 trang, gồm 6 yêu cầu về các lĩnh vực Kiến thức, Kỹ năng chuyên môn, Kỹ năng mềm, Năng lực, Hành vi, và Ngoại ngữ.

Dưới đây xin chỉ trích dẫn phần 1 về kiến thức và phần 2 về kỹ năng của một chuyên ngành Công nghệ phần mềm:

Về Kiến thức

Kiến thức giáo dục đại cương: trang bị cho sinh viên các kiến thức giáo dục đại cương về Lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học tự nhiên; chú trọng vào Toán học là nền tảng tiền đề cho ngành đào tạo.

Kiến thức cơ sở ngành: trang bị cho sinh viên những kiến thức về Toán chuyên ngành công nghệ thông tin, Lập trình máy tính, Hệ thống máy tính, Các ứng dụng quan trọng của công nghệ thông tin.

Kiến thức chuyên ngành: Trong năm học cuối, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên sâu hướng học tập và nghiên cứu về Hệ thống thông tin; Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Mạng máy tính và truyền thông. Phần kiến thức chuyên ngành sẽ trang bị cho sinh viên: kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.


Về Kỹ năng
Chuyên ngành Công nghệ phần mềm

Kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành Công nghệ phần mềm có những kỹ năng:
• Thu thập, phân tích tìm hiểu và tổng hợp các yêu cầu từ đối tượng sử dụng sản phẩm phần mềm để phục vụ công tác thiết kế.
• Thiết kế, triển khai thực hiện và quản lý các dự án phần mềm có qui mô vừa và nhỏ, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong điều kiện thực tế.
• Các kỹ năng về đánh giá chi phí, đảm bảo chất lượng của phần mềm.
• Các kỹ năng về kiểm thử, bảo trì và xây dựng tài liệu kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống hiệu quả và dễ dùng.
• Áp dụng tri thức Khoa học máy tính, quản lý dự án để nhận biết, phân tích và giải quyết sáng tạo và hiệu quả những vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và phát triển phần mềm máy tính.


Một trường khác, tạm gọi là Trường Y, nêu rõ mục tiêu giáo dục trước khi nêu các phát biểu CĐR, nhưng sử dụng một cách phân loại các CĐR hoàn toàn khác, chỉ bao gồm 3 lãnh vực : Thái độ và đạo đức nghề nghiệp, Năng lực chuyên môn, và Khả năng hội nhập và học tập suốt đời. Đặc biệt không có phần « Kiến thức » như của Trường X.

Ngoài ra , trong phần « Kỹ năng » thì Trường X chia nhỏ ra thành nhiều chuyên ngành cụ thể (không nêu kỹ năng chung của toàn ngành), còn Trường Y thì nêu chung ngắn gọn như sau :

Mục tiêu giáo dục

Chương trình Đại học Công nghệ Thông tin đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể chương trình Đại học Công nghệ Thông tin thể hiện các mục tiêu giáo dục sau:

• Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tham gia quá trình tin học hóa các hệ thống thông tin cũng như xây
dựng các phần mềm nhằm phục vụ cho các đơn vị, cá nhân.
• Sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng tự nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nghề và xã hội. Qua đó, sinh viên nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề mới ngày càng phức tạp hơn nảy sinh trong quá trình phát triển của xã hội.
• Sinh viên có kỹ năng làm việc theo nhóm để đạt được mục tiêu chung, xây dựng mối quan hệ xã hội để thúc đẩy sự hợp tác phát triển của tổ chức và xã hội.
• Sinh viên tốt nghiệp có khả năng giao tiếp tốt để làm việc, tư vấn thuyết phục nhiều đối tượng thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
• Sinh viên vận dụng được kiến thức và kỹ năng của ngành, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và thế giới.


Chuẩn đầu ra

Tốt nghiệp chương trình Đại học Công nghệ Thông tin sinh viên đạt được các chuẩn đầu ra sau:

Năng lực chuyên môn
• Áp dụng các nguyên lý thiết kế phát triển trong quá trình xây dựng các hệ thống phần mềm với độ phức tạp khác nhau. Sử dụng trừu tượng hoá, che giấu thông tin trong thiết kế phần mềm, sử dụng các kỹ thuật thiết kế hướng đối tượng hiện đại như kế thừa, đa hình và sử dụng các biểu đồ UML.
• Sử dụng thành thạo tối thiểu 2 ngôn ngữ lập trình (C++, Java/C#), có khả năng vận dụng nguyên lý và cơ chế hoạt động của các ngôn ngữ lập trình khác nhau để giải quyết bài toán thực tế.
• Nhận biết, phân tích cơ chế hoạt động của các ứng dụng trên desktop và trên web nhằm lựa chọn các phương pháp, công nghệ thích hợp trong quá trình xây dựng giải pháp cho bài toán thực tế.
• Có khả năng lý luận về tổ chức hoạt động của các module và quá trình hoạt động phần mềm: bao gồm stack, heap, dữ liệu ra vào trên hệ thống mạng, thiết bị lưu trữ trong quá trình xây dựng, chỉnh lỗi, và hiệu chỉnh hiệu suất hệ thống phần mềm.
• Có khả năng vận dụng toán rời rạc với các phần mềm trong các lĩnh vực như CSDL, kỹ thuật phần mềm, an ninh hệ thống; sử dụng các kỹ thuật rà soát từ toán rời rạc để đánh giá được tính chính xác của phần mềm.
• Sử dụng tư duy giải thuật để phân tích và giải quyết toàn diện các vấn đề mới trong quá trình xây dựng phần mềm.
• Có khả năng vận dụng hướng tiếp cận hệ thống trong thiết kế và nâng cao hiệu suất hoạt động.
• Trong quá trình xây dựng phần mềm, có khả năng đánh giá được tính hiệu quả của dự án; Xây dựng các mô hình thích hợp cho một bài toán dựa vào các giả định gần đúng, ước lượng với các công cụ như COCOMO, Wideband Delphi, v.v..


Chỉ cần nhìn qua 2 ví dụ nêu trên ta cũng đủ thấy rõ sự thiếu thống nhất trong cách hiểu khái niệm “chuẩn đầu ra”. VD: Trong khi Trường Y có phân biệt « mục tiêu giáo dục » (những mục tiêu lớn, tổng quát hơn) và CĐR (những kết quả cụ thể hơn) thì trong bản mô tả (khá dài dòng) của Trường X, hai khái niệm này hình như đã được nhập lại với nhau.

Sự khác biệt lớn giữa các trường trong cách hiểu CĐR thực ra cũng dễ hiểu. “Chuẩn đầu ra” là một khái niệm tương đối mẻ trong ngôn ngữ giáo dục của Việt Nam, chỉ mới được sử dụng và được quan tâm trong vài năm gần đây, chủ yếu là do yêu cầu của Bộ Giáo dục. Vì là một khái niệm mới, nhưng lại là một yêu cầu mà tất cả các trường bị buộc phải thực hiện trong một thời gian không dài, nên việc mỗi người hiểu và thực hiện một cách là một hệ quả không có gì là bất ngờ.

Tuy nhiên những khác biệt này hẳn sẽ tạo ra những trao đổi, thậm chí tranh cãi, để dần dà dẫn đến sự thống nhất trong cách hiểu khái niệm, dù cách thực hiện vẫn có thể khác nhau, tùy theo tính đặc thù và sự sáng tạo của từng nơi.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment