Friday, November 4, 2011

Nên hiểu CĐR như thế nào (3): Outcomes: “Đầu ra” hay “Kết quả”?

Bài viết này thay thế bài viết đã đưa lên hôm qua (đã bị rút xuống), vì bài hôm qua viết còn lủng củng, chưa rõ ý (một phần là vì viết vào buổi tối, buồn ngủ). Hy vọng bài này rõ hơn và dễ hiểu hơn một chút!
---
“Đầu ra” hay “Kết quả”?

Để hiểu được bối cảnh dẫn đến hai cách hiểu khác nhau của cụm từ “learning outcomes” tại Việt Nam, cần bắt đầu từ khái niệm “outcomes-based education” (hoặc “outcome-based education”, tức outcome viết ở dạng số nhiều hoặc số ít). Khái niệm này thường được nhắc đến dưới tên viết tắt là OBE, tạm dịch: “giáo dục dựa trên kết quả/đầu ra”.

Một cách vắn tắt, OBE là một quan điểm khá mới mẻ trong giáo dục, với hai đặc điểm cốt lõi: (1) Sự quan tâm đến đầu cuối hay “kết quả” cuối cùng (outcome) của quá trình giáo dục, thay vì quan tâm đến “đầu vào” (input) hoặc “quá trình” (process) như trong những quan điểm truyền thống; (2) Sự nhấn mạnh vai trò của việc đo lường, đánh giá chính xác và có giá trị để đưa ra những phán đoán về mức độ đạt kết quả .

Mặc dù cùng dựa trên một quan điểm lấy “đầu ra” làm trọng và cùng sử dụng tên gọi OBE, nhưng khi triển khai thành những phong trào cụ thể thì OBE lại có nhiều phiên bản khác nhau với những cách hiểu cụ thể về “outcomes” khác nhau. Chính vì vậy theo các tác giả Biggs và Tang, OBE là một khái niệm “rối tinh rối mù”, và cần phải làm rõ xem chúng ta đang sử dụng OBE với ý nghĩa như thế nào.

Phần trình bày dưới đây dựa trên thảo luận về OBE trong Chương 1 của cuốn sách Teaching for Quality Learning at University của các tác giả Biggs và Tang (2007) . Theo các tác giả, hiện đang tồn tại đến ba phiên bản OBE, vốn xuất phát từ các bối cảnh khác nhau nhằm phục vụ các mục đích khác nhau nên dẫn đến ba cách hiểu khác nhau về “outcome”.

Phiên bản thứ nhất do William Spady đưa ra năm 1994 nhấn mạnh việc cá thể hóa chương trình giảng dạy dành cho các đối tượng “thiệt thòi”. Theo phiên bản này, việc giáo dục trẻ em thiệt thòi không cần thiết phải theo đúng chương trỉnh chuẩn với các môn học truyền thống, mà cần đưa ra những mục tiêu riêng biệt sao cho mỗi học sinh đều có thể đạt được những kết quả (outcomes) nào đó .

Do đặc điểm của đối tượng người học (“học sinh thiệt thòi”) nên các “kết quả” mà Spady nhấn mạnh mang nặng tính nhân văn, chú trọng các giá trị tinh thần và đôi khi lướt qua những kiến thức và kỹ năng cơ bản của các chương trình giáo dục. Phiên bản này ít được biết đến ở Việt Nam, và vì vậy sẽ không được tiếp tục đề cập đến trong những phần sau của bài viết.

Phiên bản thứ hai, cũng theo Biggs và Tang, chủ yếu là sản phẩm của Hoa Kỳ , xuất phát từ phong trào tăng cường trách nhiệm giải trình (accountability movement) trong giáo dục đại học từ thập niên 90 cho đến nay. Trách nhiệm giải trình ở đây được thể hiện bằng sự minh bạch, công khai thông tin về các hoạt động và kết quả của nhà trường để được xã hội giám sát.

Theo cách hiểu này, “outcomes” (tạm dịch là “đầu ra” hoặc “kết quả đầu ra”) được xem xét dưới mức độ toàn đơn vị (toàn trường hoặc toàn khoa), và có thể bao gồm năng lực (tiêu biểu) của các sinh viên khi tốt nghiệp, cũng như một số kết quả khác mà trường hoặc khoa đã đạt được. Những kết quả này phải có chứng cứ rõ ràng, minh bạch để có thể đưa ra giải trình với những đối tượng bên ngoài nhà trường – ví dụ, các tổ chức kiểm định, các nhà tuyển dụng, các nhà chính sách. Trách nhiệm đưa ra những chứng cứ (mang tính tổng hợp) này tập trung ở các nhà quản lý cấp trường và có thể là cấp khoa, ít liên quan đến các giáo viên trực tiếp giảng dạy từng môn học.

Nhằm đáp ứng “trách nhiệm giải trình” đã nêu ở trên, ngày nay hầu hết các trường đại học Mỹ đều đã công bố công khai các phát biểu về “đầu ra” của sinh viên. Những phát biểu này được xem là những cam kết của nhà trường đối với xã hội, sẽ được xã hội kiểm tra, giám sát, kèm với những hậu quả khi không thực hiện những lời cam kết này (ví dụ, không đạt yêu cầu kiểm định).

“Đầu ra” của các chương trình đào tạo thường được phân thành 4 loại chính: Kiến thức (knowledge outcome), Kỹ năng (skills outcome), Thái độ/Giá trị (attitude/value outcome), và Quan hệ với xã hội và với các đồng sự (relationship with society and with particular constituency). Mỗi loại đầu ra này lại bao gồm một số tiểu loại khác nhau, thông thường từ 4 đến 6 tiểu loại. Theo Biggs và Tang, tổng cộng số lượng các “kết quả đầu ra” của một chương trình đào tạo có thể lên đến số 48 (12 mục cho mỗi loại “đầu ra”).

Phiên bản cuối cùng của OBE, cũng là phiên bản phổ biến trong giới giáo dục, nhắm đến mục đích cải thiện việc giảng dạy và học tập trong lớp học. Phiên bản này nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong lớp học, và sự quan trọng của các thông tin về mức độ đạt được các kết quả mà người học cần đạt. “Kết quả” ở đây được hiểu là những gì từng người học đã tiếp thu được ở các môn học. Vai trò chủ động của giáo viên trong việc quyết định nội dung giáo dục cùng phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá được xem là cốt lõi trong việc giúp người học đạt “kết quả” tốt.

Ở đây, có thể hiểu OBE chính là một bước phát triển tất yếu của quan điểm và phương pháp sư phạm lấy người học làm trọng tâm, nhấn mạnh những gì người học thực sự đạt được sau quá trình học, chứ không chỉ quan tâm đến những gì do các giáo viên thực hiện trong lớp học mà không cần biết những mục tiêu đã đề ra có đạt được hay không.

Tuy nhiên, việc xác định các “kết quả” cần đạt sao cho có thể đo đạc được chúng – thông qua các biểu hiện (hành vi) quan sát được (measurable behaviours) – là trách nhiệm của từng giáo viên, chứ không phải và cũng không thể là của ai khác. Việc đào tạo giáo viên theo OBE, vì vậy, rất chú trọng việc cung cấp cho họ những kỹ năng viết learning outcome (LO) sao cho có thể đánh giá được một cách chính xác những gì người học đã đạt được sau quá trình học.

Đến đây, ta có thể thấy rõ yêu cầu công bố CĐR của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là cách hiểu “outcome” theo phiên bản thứ hai (quan điểm nhìn từ bên ngoài nhà trường, liên quan chủ yếu đến công việc của nhà quản lý), chứ không phải là cách hiểu theo phiên bản thứ hai (quan điểm nhìn từ bên trong, liên quan chủ yếu đến các giáo viên trực tiếp giảng dạy). Tất nhiên giữa các “đầu ra” của một chương trình đào tạo và các “kết quả” của từng môn học cũng phải có sự liên kết chặt chẽ, nhưng đây là một nội dung sẽ được thảo luận ở nơi khác.

Tuy vậy, hiện nay ở Việt Nam không có sự tách bạch giữa hai quan điểm nói trên, và từ “outcome” (hoặc “learning outcome”) đang được hiểu một cách mơ hồ, nhập nhằng và lẫn lộn giữa hai cách hiểu (phiên bản 2 và 3). Có thể nói, một trong những nguyên nhân của việc hiểu sai này là do sự trùng lặp về ngôn ngữ, vì cả hai cách hiểu khác nhau đều dùng từ outcome (hoặc learning outcome – LO).

Vì vậy, để tránh sự nhầm lẫn, cần thiết phải có hai cách dịch khác nhau. Chúng tôi đề nghị sử dụng từ “kết quả (học tập)” - (learning) outcome - để chỉ cách hiểu của phiên bản 3 (quan điểm nhìn từ bên trong, dưới góc nhìn của giáo viên), còn CĐR (theo cách dùng của Bộ), hoặc đúng hơn là “đầu ra” hay “kết quả đầu ra” sẽ được dùng để chỉ cách hiểu theo phiên bản 2 (quan điểm nhìn từ bên ngoài, dưới góc nhìn của nhà quản lý).

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment