Wednesday, November 16, 2011

Đánh giá kết quả đầu ra bậc đại học: Kinh nghiệm thế giới (1)

Đây là bài viết thứ hai của tôi tại Hội thảo "Chuẩn đầu ra giáo dục đại học và đánh giá theo chuẩn đầu ra" tại Huế, cũng vừa được báo cáo xong cách đây 5 phút.

Xin chia sẻ với các bạn ở đây, và chờ đợi những trao đổi của các bạn. Một lần nữa, email của tôi là vtpanh@gmail.com.

Enjoy!
---------
Mở đầu

Trước yêu cầu ngày càng tăng về trách nhiệm giải trình của các trường đại học đối với xã hội, việc công bố công khai các kết quả đầu ra dự kiến của các chương trình đào tạo đã trở thành một chuẩn mực trong hoạt động của hầu hết các trường đại học của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Tuy nhiên, việc công bố các kết quả đầu ra dự kiến không đồng nghĩa với việc các kết quả đó sẽ đương nhiên trở thành hiện thực. Làm thế nào để đo lường được với độ chính xác cao nhất những kết quả đầu ra thực tế của việc tham gia một chương trình đào tạo ở bậc đại học, đó là một câu hỏi lớn đồng thời cũng là nỗ lực mới trong việc tìm kiếm các biện pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học trên thế giới ngày nay.

Bài viết này nhằm giới thiệu hai sáng kiến quan trọng trong việc đo lường kết quả đầu ra của giáo đục đại học trên thế giới hiện nay. Hai sáng kiến đó là (1) công cụ đo lường những năng lực tổng quát của sinh viên đại học có tên là CLA (viết tắt của từ Collegiate Learning Assessment) của Mỹ; và (2) dự án đo lường các kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo bậc đại học có tên là AHELO (viết tắt của từ Assessment of Higher Education Learning Outcomes) do OECD thực hiện.

1. CLA, công cụ đo lường năng lực tổng quát của sinh viên đại học

Cũng như nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới, trong vòng vài thập niên chính quyền cũng như công chúng Mỹ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở các trường về trách nhiệm giải trình. Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là việc tham gia học tập trong một thời gian dài đến 4, 5 năm học và với chi phí không hề rẻ liệu có đem lại những kết quả thực sự đáng giá cho người tốt nghiệp hay không. Nói cách khác, những kết quả đầu ra thực sự của một chương trình đào tạo bậc đại học là gì, hay một người tốt nghiệp đại học thì có những năng lực gì khác với những người không học?

Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải có một công cụ tốt để đo lường năng lực của người tốt nghiệp đại học. CLA chính là một trong những công cụ được tạo ra nhằm thực hiện mục tiêu này . CLA là tên viết tắt của cụm từ Collegiate Learning Assessment, tạm dịch là Đánh giá học tập bậc đại học, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004 . Đây là một sản phẩm của tổ chức CAE (Council of Aid to Education, tạm dịch Hội đồng hỗ trợ giáo dục) nhằm cung cấp một công cụ đo lường chuyên nghiệp để thu thập những thông tin khách quan cho các trường về những kết quả mà chương trình đào tạo của một trường đại học đem lại cho người học.

Dưới đây là những thông tin tổng quát về bài thi CLA và những lợi ích của các trường khi tham gia CLA.

1.1. Tổng quan về CLA

Đối với những ai đã quá quen với những bài thi trắc nghiệm chuẩn hóa của Mỹ, ví dụ như GRE hoặc SAT, bài thi CLA quả là có nhiều đặc điểm khác thường và đáng chú ý. Điểm cần lưu ý đầu tiên là CLA không nhắm đến việc đánh giá từng người học, và kết quả của kỳ thi hoàn toàn không ảnh hưởng đến từng thí sinh riêng lẻ, vì mục đích của bài thi chỉ nhằm vào việc phân tích những đóng góp của chương trình đào tạo bậc đại học đối với người học, và góp phần cải tiến việc giảng dạy và học tập tại các trường đại học. Một đặc điểm khác của CLA là bài thi được xây dựng nhằm đo lường năng lực tổng quát của người học ở bậc đại học chứ không đo lường năng lực chuyên môn của từng ngành cụ thể.

Điểm đáng chú ý cuối cùng của CLA là bài thi này hoàn toàn không sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mà sử dụng các bài tập mô phỏng hoạt động thực tế và mang tính tổng hợp, đòi hỏi vận dụng nhiều kỹ năng cùng một lúc. Đây không phải là một điều tình cờ hoặc do thuận tiên, mà thể hiện quan điểm của các tác giả CLA, theo đó trắc nghiệm khách quan không thể đánh giá được các kỹ năng quan trọng mà các trường đại học cần phát triển ở người học. Cách kiểm tra tổng hợp và thực tế mà CLA đã lựa chọn là cần thiết để đạt được mục đích của mình, nhằm bổ sung các thông tin cần thiết mà phương pháp kiểm tra đánh giá bằng TNKQ hiện nay không thể cung cấp.

Theo mô tả của CAE, bài thi bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất bao gồm những câu hỏi thực hành (performance tasks) mô phỏng các tình huống thực tế (real-life) như các biên bản ghi nhớ (memo) hoặc các báo cáo đề xuất chính sách (policy recommendation). Thí sinh được cung cấp một tình huống mô phỏng thực tế với những thông tin cần thiết mà thí sinh cần xử lý để có thể đưa ra những quyết định nhằm giải quyết những vấn đề mà tình huống mô phỏng đã đặt ra.

Phần thứ hai bao gồm các bài tập viết phân tích (analytic writing tasks), với hai loại câu hỏi: đưa ra một lập luận (make an argument, viết trong 45 phút) và phản biện một lập luận (critique an argument, viết trong 30 phút). Những kỹ năng được đánh giá trong bài thi bao gồm tư duy phản biện (critical thinking), suy luận phân tích (analytical reasoning), giải quyết vấn đề (problem solving), và các kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ viết (written communication skills).

Cấu trúc của bài thi, và những câu hỏi mẫu của bài thi được nêu dưới đây. Thông tin được CAE cung cấp trên trang web giới thiệu bài thi (www.collegiatelearningassessment.org).

Ngoài những điểm khác biệt trong bài thi, CLA cũng rất khác biệt trong việc tổ chức và báo kết quả thi. CLA là một bài thi được tiến hành hoàn toàn qua mạng trực tuyến trên cơ sở tự nguyện tham gia của các trường. Đầu tiên, các trường muốn tham gia cần đăng ký trên trang web của CLA và trả các chi phí cần thiết. Chi phí được tính khoán cho mỗi trường với số lượng thí sinh tối đa được ấn định sẵn; nếu số thí sinh tham gia cao hơn số lượng tối đa thì trường phải trả thêm theo đơn giá cho từng sinh viên tăng thêm.

Sau khi đăng ký tham gia, mỗi trường sẽ được cấp một mã số và thí sinh của trường đó có thể bắt đầu thi (đăng ký qua mạng và dự thi theo thời gian thích hợp với từng thí sinh). Kết quả thi được tổng hợp theo từng trường và mỗi trường sẽ nhận được một báo cáo cho riêng mình cùng những kết quả so sánh với các trường cùng loại; không có kết quả riêng cho từng thí sinh. Do sự tham gia của thí sinh là tự nguyện nên mỗi trường có thể có những chính sách riêng biệt để khuyến khích thí sinh tham gia.

2.1. Lợi ích của việc tham gia CLA

Đóng góp quan trọng nhất đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc đại học của CLA là những báo cáo phân tích kết quả của kỳ thi. Báo cáo này cung cấp cho các trường những thông tin về kết quả hoạt động của mình theo những giá trị tăng thêm (added value) mà nhà trường đã đem lại cho sinh viên của mình. Giá trị tăng thêm này được tính bằng cách so sánh năng lực hiện có của thí sinh dựa trên điểm của kỳ thi CLA và năng lực ở đầu vào (gọi là EAA, viết tắt của cụm từ Entering Academic Ability) của mỗi thí sinh, được tính bằng điểm thi SAT hoặc ACT mà sinh viên đã nộp vào hồ sơ nhập học .

Kết quả của từng trường sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu các trường không có thông tin để so sánh với các trường khác. Vì vậy, trong bản báo cáo kết quả của CLA, các trường không chỉ có kết quả của riêng trường mình mà còn có kết quả của những trường khác có tham gia CLA, và bản so sánh giữa các trường có sứ mạng và điều kiện hoạt động tương tự (gọi là peer groups). Chính sự so sánh này sẽ giúp các trường nhận ra vị trí của mình so với những trường tương tự, và tìm hiểu học hỏi từ các thực tiễn tối ưu (best practices) của các trường có kết quả tốt hơn mình để có kế hoạch cải thiện chính mình.

Với gần một thập niên tồn tại, CLA từ lúc chưa ai biết đến giờ đây đã trở thành một kỳ thi quan trọng được sự thừa nhận và ủng hộ rộng rãi của giới giáo dục đại học và các nhà chính sách của Mỹ. Theo thông tin từ CAE (nơi xây dựng, phát triển và sở hữu kỳ thi CLA), tính đến năm 2010 thì số lượng trường tham gia đã lên đến 500 trường, với tổng số trên 200,000 thí sinh. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng như một nguồn thông tin quan trọng về chất lượng đào tạo bậc đại học ở Mỹ. Đặc biệt, kỳ thi CLA đã được sử dụng như một trong hai công cụ đo lường chất lượng trong một nghiên cứu tầm cỡ về giáo dục đại học của Mỹ. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trong một cuốn sách có tựa là Academically Adrift (tạm dịch là Học hành tha thẩn) mới được xuất bản đầu năm nay, một cuốn sách tạo được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông cũng như các nhà chính sách giáo dục của Mỹ, như có thể thấy qua các bài viết giới thiệu về cuốn sách này .

Không chỉ được chấp nhận và đánh giá cao ở Mỹ, CLA còn được OECD xem là mẫu mực để học hỏi trong dự án đo lường các kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo bậc đại học có tên là AHELO (Assessment of Higher Education Learning Outcomes). Phần 2 của bài viết sẽ giới thiệu về dự án này.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment