Sự thiếu thống nhất trong cách hiểu của các trường, như đã nêu trong bài viết trước, có lẽ không có gì đáng nói. Điều đáng nói hơn là ngay cả trong giới những nhà sư phạm và nghiên cứu giáo dục Việt Nam, những người ít nhiều được đào tạo và có cơ hội tiếp cận với những trào lưu và khái niệm giáo dục của các nước tiên tiến, dường như cũng không giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về khái niệm này để có thể đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục.
Như đã nêu ở phần đầu bài viết, trong hai năm vừa qua kể từ khi Chỉ thị 7823 được ban hành đến nay đã có nhiều cuộc thảo luận, hội thảo, tập huấn về khái niệm và phương pháp xây dựng CĐR đã được tổ chức, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lãnh vực giáo dục, nhưng dường như sự lúng túng của các trường không hề giảm đi. Tại sao lại có tình trạng này?
Câu hỏi vừa nêu có thể được trả lời khi xem xét kỹ vào các nội dung được trao đổi, chia sẻ từ các chuyên gia đến cộng đồng trong thời gian vừa qua. Cụ thể, chỉ vừa mới cách đây không lâu, một trung tâm thuộc một đại học lớn tại Việt Nam đã tổ chức một đợt tập huấn xây dựng chuẩn đầu ra cho các trường đại học, kéo dài tận 2 ngày, và đã được báo chí đưa tin như một sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, một học viên mà tôi quen (tốt nghiệp ngành tâm lý ĐHSP TP HCM) sau khi tham dự khóa học đã cho biết rằng khá thất vọng về khóa học, khi các nội dung trong đợt tập huấn khá cũ và không hề giúp cho các trường thực hiện tốt hơn yêu cầu của Bộ trong việc công bố CĐR của các chương trình đào tạo.
Khi nhìn vào tài liệu của lớp tập huấn nói trên, có thể thấy tại sao học viên nêu ở trên lại thất vọng. Trong khi yêu cầu của Bộ là “công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo” (trích CV 2196 ngày 22/4/2010 của Bộ) thì lớp tập huấn nêu trên lại tập trung vào việc xây dựng “chuẩn đầu ra” (learning outcomes) của từng môn học cụ thể.
Thực ra, đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc, vì mặc dù cùng gọi là “learning outcomes” (LO), nhưng trong vòng vài thập niên gần đây cách hiểu khái niệm LO của phong trào tăng cường trách nhiệm giải trình (accountability) của các trường đại học Hoa Kỳ – cũng là cách hiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo – hoàn toàn khác với cách hiểu kinh điển trong các giáo trình về kiểm tra đánh giá người học trong các chương trình đào tạo giáo viên.
Cũng cần nói thêm là trong các tài liệu về kiểm tra đánh giá người học (student assessment), vốn đã tồn tại trong vài thập niên nay ở Việt Nam, cụm từ “learning outcomes” chưa bao giờ được dịch là “chuẩn đầu ra” cả, mà được dịch (rất sát nghĩa) là “kết quả học tập”, như có thể thấy qua nhiều bài viết trước đây về vấn đề này (trước khi có cụm từ “chuẩn đầu ra” của Bộ) .
(còn tiếp)
Thursday, November 3, 2011
Nên hiểu “chuẩn đầu ra” như thế nào? (2): Bộ hiểu một đàng, "chuyên gia" một nẻo
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment