Entry này là phần lược dịch có cải biên của tôi cho chương “Action Research” trong tài liệu Introduction to Research in Education, ấn bản lần thứ 8 năm 2010, của nhóm tác giả Ary và những người khác, do NXB Wadsworth ấn hành. Chương Action Research được in từ trang 512 – 557 của cuốn sách.
Nói thêm, đây là lần đầu tiên tôi thấy nghiên cứu hành động (NCHĐ) được giới thiệu chính thức trong một tài liệu về nghiên cứu trong giáo dục. Các tài liệu kinh điển mà tôi có chủ yếu chỉ viết quanh đi quẩn lại với các phương pháp nghiên cứu định lượng (experimental, ex post facto, correlational, survey), và các phương pháp định tính (case studies, content or document analysis, ethnographic, grounded theory, historical, và phenomenological). Điều này cho thấy NCHĐ ngày càng quan trọng và được chấp nhận trong giáo dục như một phương pháp cần thiết để bổ sung cho các phương pháp kinh điển khác.
--
Các đặc điểm của NCHĐ
NCHĐ có ba đặc điểm chính:
1. Gắn liền với một bối cảnh địa phương và chú trọng giải quyết vấn đề đặc thù của địa phương đó.
2. Được thực hiện bởi những người trong cuộc với mục đích phục vụ chính họ
3. Kết quả của cuộc nghiên cứu dẫn đến một hành động hay một sự thay đổi do chính người thực hiện nghiên cứu triển khai.
Một ví dụ về NCHĐ
Thầy Dũng được phân công dạy lớp 10 cho các học sinh cá biệt tại một trường tư thục. Những học sinh này học kém, đi học không có động cơ, trong lớp tỏ ra chán học, và thường bị điểm xấu. Ông cảm thấy cần phải tìm cách làm tăng động cơ của các em (đặc điểm thứ nhất đã nêu).
Thầy Dũng quyết định quan sát và ghi chép lại hành vi và thái độ của các học sinh trong 2 tuần. Ông cũng tìm cách tiếp xúc với các em và hỏi han các em xem các em nghĩ gì về nhà trường và về việc học. Nói theo ngôn ngữ của nghiên cứu thì đây chính là việc thu thập thông tin theo phương pháp định tính (đặc điểm thứ hai đã nêu) .
Cùng lúc với việc quan sát và trò chuyện với các học sinh, thầy Dũng cũng tìm đọc các tài liệu về các phương pháp giảng dạy thay thế (alternative teaching methods), và thấy có thể thử áp dụng phương pháp trò dạy học nhóm theo dự án (project-based group work) để hòng đem lại sự hứng thú cho học sinh. Ông quyết định áp dụng phương pháp này và tiếp tục quan sát, trò chuyện với học sinh trong vài tuần nữa để xem chúng tiếp nhận phương pháp mới ra sao. Dựa trên những kết quả của việc áp dụng phương pháp mới này, ông sẽ quyết định có nên tiếp tục sử dụng nó hay không (đặc điểm thứ ba đã nêu).
Một chút lịch sử NCHĐ
Thuật ngữ NCHĐ (action research trong tiếng Anh) được Kurt Lewin đưa ra vào những năm 1940, lúc ấy được dùng chủ yếu trong lãnh vực xã hội học để chỉ những nghiên cứu thực tiễn nhằm đem lại những thay đổi trong xã hội.
Trong lĩnh vực giáo dục, có người cho rằng nguồn gốc của loại hình nghiên cứu này có thể truy nguyên về John Dewey, nhà giáo dục nổi tiếng của nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Nói cách khác, sự tồn tại của NCHĐ trong một số lĩnh vực khoa học xã hội nói chung, và lĩnh vực giáo dục nói riêng, cho đến nay đã kéo dài liên tục trên dưới 50 năm. Tuy nhiên, sự tiếp nhận của cộng đồng khoa học đối với phương pháp này dường như không mặn mà lắm. Mặc dù đã có thâm niên hơn nửa thế kỷ, nhưng phải mãi đến thời gian vài thập niên trở lại đây thì NCHĐ mới được nhắc đến như một trong những phương pháp nghiên cứu xã hội.
(còn tiếp)
Monday, October 31, 2011
Nghiên cứu hành động trong giáo dục (1)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Thực tế trong các trường kỹ thuật thì những cái được gọi là NCHĐ vẫn đã và đang được thực hiện, chỉ có điều nó không được gọi đúng là AR thôi cô ạ. Trong giáo dục, nhiều khi AR vẫn được các giáo viên thực hiện nhưng cũng chưa đến mức được gọi là research. Hơn nữa 1 đặc điểm quan trọng là share kết quả nghiên cứu thì hầu như không có (không có thời gian ngồi cùng nhau) còn để publish thì hầu như ít giáo viên nào nghĩ đến.
ReplyDeleteTrước đây, em có đọc sơ qua về bài giới thiệu về AR của cô trên blog cũng như trong chương trình học PhD của em cũng có giới thiệu AR. Em đã viết 1 bài tham luận trong 1 hội thảo ở trường giới thiệu chung về AR và mọi giáo viên đều có chung kết luận như em ở trên.
Mong được đọc tiếp bài của cô.