Saturday, November 26, 2011

“Cạnh tranh khi có thể, quản lý khi cần”

Mấy ngày nay dư luận trong nước đang nóng với những câu hỏi chất vấn của quốc hội đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều vấn đề đã được đặt ra, trong đó tôi quan tâm nhất đến hai vấn đề là (1) phải chăng các trường đại học đã mọc lên quá nhiều đến nỗi nhiều trường, nhiều ngành không tuyển được sinh viên; (2) nhà nước cần làm gì để tăng chất lượng giáo dục của Việt Nam?

Những câu hỏi này thật ra không mới, mà đã được hỏi lập đi lập lại nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn chưa có hướng giải quyết dứt khoát. Tôi nghĩ, để trả lời những câu hỏi này thì không chỉ dựa vào một số quan sát và kinh nghiệm chủ quan của một vài người (vd, lãnh đạo các Bộ có liên quan), mà phải dựa vào lý thuyết đã được các nhà lý luận đúc kết từ thực tiễn của nhiều quốc gia và qua nhiều thời kỳ.

Và câu trả lời kinh điển mà có lẽ lúc nào cũng đúng cho mọi trường hợp, đó là chúng ta chưa tìm được sự cân bằng giữa vai trò quản lý của nhà nước và sự giám sát của thị trường tự do. Cho đến nay, nhà nước vẫn can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường, kể cả ngoài công lập là những trường không nhận tiền ngân sách (vd: thông qua việc tuyển sinh chung), mà không để cho thị trường tự do được phát huy hết tác dụng tích cực của nó.

Mặt khác, một số biểu hiện của thị trường và cạnh tranh đã không được nhìn nhận một cách tích cực. Bởi vì tôi tin rằng việc một số trường/ngành học không tuyển sinh được trong năm nay sẽ là một cú hích buộc các trường phải xem xét lại hoạt động của mình để tạo sự thu hút đối với người học. Và chính lựa chọn của thị trường, chứ không phải là những quy định trên giấy của nhà nước, sẽ buộc các trường quan tâm thực sự đến chất lượng.

Và để tìm hiểu sâu thêm về các lý luận liên quan đến thị trường trong giáo dục, tôi đã đọc các tài liệu mà tôi đã mua trong thời gian gần đây về vấn đề này. Rất may là tôi tìm được một bài viết vô cùng phù hợp với vấn đề mà tôi đang quan tâm, đó là cuốn Markets in Higher Education (Thị trường trong giáo dục đại học) của nhóm tác giả Teixeira và những người khác, do NXB Kluwer ấn hành năm 2004.

Trong đó, tôi tìm thấy bài viết rất đáng đọc là “Regulation and Competition in Higher Education” (tạm dịch: Quản lý và cạnh tranh) của tác giả Ben Jongbloed, trong đó nêu những lập luận tại sao cần phải có cả vai trò của thị trường lẫn nhà nước để điều chỉnh sự phát triển của giáo dục đại học.

Nói tóm tắt, tất cả “bí quyết” để điều hành một hệ thống giáo dục có thể nằm trong một câu nói, cũng là cái tựa của phần viết mà tôi đã dịch và đưa lên đây để chia sẻ cho mọi người.

Nguyên tắc đó, chính là: “Cạnh tranh khi có thể, quản lý khi cần”. Các bạn đọc bài dịch ở dưới đây và góp ý nhé, đặc biệt là những bạn chuyên về kinh tế, vì tôi không được đào tạo cơ bản về kinh tế nên mặc dù đã đọc kỹ, tra kỹ rồi mới dịch, nhưng vẫn có thể dịch sai hoặc nhầm lẫn về thuật ngữ.

Nói thêm, bài viết vẫn còn dài, nhưng vì dài quá nên tôi chưa thể dịch ngay lúc này được. Sẽ cố gắng dịch thêm và đưa lên đây để chia sẻ với mọi người, khi có thể. Đặc biệt là phần tự quản (self-regulation) của giáo dục đại học.

Enjoy!

----
“Cạnh tranh khi có thể, quản lý khi cần”
Ben Jongbloed

Cơ chế thị trường, hay "bàn tay vô hình" của Adam Smith, bảo đảm rằng trong trường hợp thiếu hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó thì giá cả sẽ tăng lên, còn nếu thừa thì giá cả sẽ hạ xuống. Nói cách khác, kỷ luật của thị trường sẽ dẫn đến việc phân bổ hiệu quả các hàng hóa và tài nguyên. Trong một thị trường tự do với sự cạnh tranh hoàn hảo, giá cả tự nó đã chứa sẵn trong mình tất cả những thông tin làm cơ sở cho mọi quyết định về cung cầu. Nói vắn tắt, thị trường cạnh tranh đã là một thứ luật lệ đủ mạnh. Kể từ khi Adam Smith đưa ra tư tưởng nói trên, ngành kinh tế học luôn dựa trên ý niệm rằng một thị trường phi tập trung dựa trên giá cả sẽ có vai trò tốt hơn trong việc thu thập và diễn giải thông tin so với việc để cho nhà nước điều phối mọi quyết định một cách tập trung.

Một nhà hoạch định tập trung sẽ không có thông tin về những lựa chọn riêng biệt của từng cá nhân về các loại hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Hoàn toàn không thể đưa ra những ước lượng chính xác về nhu cầu chung cho hàng ngàn loại hàng hóa khác nhau, kích thích các nhà sản xuất đáp ứng những nhu cầu này, và biết rõ những công nghệ hoặc chất lượng của lực lượng lao động. Hơn nữa, cũng không thể nào giám sát và kiểm soát được các hoạt động của các nhà quản lý và nhân viên của hàng triệu các công ty khác nhau. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu cung và cầu không thể cân bằng trong một nền kinh tế chỉ huy. Ngoài ra, với bản chất phi sản xuất của nhà nước, khả năng những gian lận và tình trạng gia đình trị trong các công ty hoặc tổ chức công đoàn, cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu ngay cả trong những nền kinh tế không mang nặng tính chỉ huy tập trung của nhà nước, người ta cũng vẫn thấy những lời kêu gọi phải giảm thiểu sự can thiệp và quy định của nhà nước.

Sự phức tạp ngày càng tăng của xã hội ngày nay dường như càng củng cố việc phải dựa vào thị trường để ra quyết định. Sức mạnh của thị trường nằm ở sự cạnh tranh thực tế cũng như tiềm năng để giành các tài nguyên khan hiếm rồi sử dụng chúng bằng nhiều cách để đáp ứng những lựa chọn của khách hàng. Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp đảm bảo rằng giá cả sẽ được điều chỉnh để phản ánh mức độ khan hiếm của thị trường. Các nhà kinh tế gọi đây là hiệu quả phân bổ, hay còn gọi là hiệu quả Pareto. Hiệu quả Pareto là tình trạng trong đó không có cá nhân (hoặc nhóm cá nhân) nào có thể cải thiện tính hữu dụng của mình mà không tạo ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác. Trong tình huống cạnh tranh không hoàn hảo, giá cả sẽ không linh hoạt bằng; việc điều chỉnh giá cả sẽ không dẫn đến tình trạng hiệu quả Pareto. Hàng hóa và dịch vụ sẽ không được phân phối đúng theo quy luật cung cầu.

Nói cho đúng, mô hình thị trường cạnh tranh hoàn hảo thực ra là phi thực tế. Nó dựa trên những giả định khó lòng thỏa mãn được. Trên thực tế, người ta phải chấp nhận các chi phí giao dịch, những tác động của quy mô, khách hàng không có đủ thông tin, các yếu tố sản xuất thiếu linh hoạt, và hàng hóa không đồng bộ. Ngoài ra, sự cạnh tranh không chỉ liên quan đến giá cả, mà còn liên quan đến những yếu tố khác như chất lượng, các dịch vụ hậu mãi, và phạm vi các loại hàng hóa được cung cấp đến khách hàng.

Thị trường cũng có thể hoạt động không hoàn hảo vì tình trạng độc quyền. Trong các thị trường độc quyền thì chính các nhà cung cấp đặt ra giá cả và giá cả được đặt cao hơn mức chi phí biên. Điều này sẽ đem lại lợi nhuận cho nhà độc quyền, và gây ra sự kém hiệu quả trong phân bổ và sự thiếu công bằng trong việc chia lợi tức giữa nhà cung cấp và khách hàng. Quan điểm này được củng cố bằng các chứng cứ thực tế. So với cơ cấu thị trường độc quyền, các thị trường cạnh tranh thường có mức đáp ứng đáp ứng cao hơn đối với các mong muốn và nhu cầu của khách hàng, còn thị trường cạnh tranh thì tạo ra nhiều động lực khiến người ta sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm hơn (xem Scherer và Ross 1990; Massy trong tập này). Nói cách khác, cạnh tranh sẽ dẫn đến hiệu quả chi phí, có nghĩa là các doanh nhân hoặc nhà quản lý sẽ sử dụng các yếu tố sản xuất bằng cách nào đấy để giảm thiểu chi phí.
`
Mặc dù tính hiệu quả nội tại (internal hoặc static efficiency) là một phần của mô hình cạnh tranh hoàn hảo, nhưng tính hiệu quả cơ động (dynamic efficiency) thì không phải như vậy. Hiệu quả cơ động sẽ áp đảo khi các sáng kiến về sản phẩm và quy trình được đưa ra và các điều chỉnh về thay đổi công nghệ và nhu cầu được tiến hành trôi chảy. Tuy nhiên mối quan hệ giữa cạnh tranh và hiệu quả cơ động cũng có nhiều vấn đề. Có những lập luận cho rằng một mặt cần có sự cộng tác giữa các nhà cung cấp để tạo ra những đổi mới công nghệ có khả năng rủi ro, mặt khác việc tham gia thị trường cần phải dễ dàng đối với những nhà cung cấp mới để họ có thể giới thiệu và phát triển những tư tưởng sáng tạo. Ý tưởng sau có liên quan đến ý niệm rằng sự đổi mới cần phải được kích thích bởi những công cụ phi thị trường. Sự thông đồng và các biện pháp phi cạnh tranh khác nhằm tạo ra các yếu tố bên ngoài (hoặc sự lan truyền – spillovers) và các ví dụ về việc bàn tay vô hình của thị trường được hỗ trợ bởi bàn tay hữu hình của những quy định của nhà nước. Điều này sẽ được tìm hiểu thêm dưới đây.

Phác thảo ở phần trên đã cung cấp một nền tảng để trao đổi về thị trường, cạnh tranh, đưa ra quy định hoặc bãi bỏ quy định. Nó minh họa rằng, do những điều kiện không đáp ứng được, thị trường tự do không phải là một lựa chọn thực tế trong đa số các lãnh vực hoạt động kinh tế. Các hệ thống chỉ đạo tập trung cũng không phải là một lựa chọn, do những vấn nạn mà chính phủ sẽ gặp phải trong việc điều chỉnh các chi tiết của hệ thống. Trong các tài liệu viết về các tổ chức công nghiệp (Scherer and Ross 1990: 37), điều này có nghĩa là chỉ còn lại lựa chọn “tốt hạng ba”, và lựa chọn đó là tạo sự cạnh tranh và sử dụng nó như một chức năng quy định. Nguyên tắc chỉ đạo lúc bấy giờ trở thành: “Cạnh tranh khi có thể, ra quy định khi cần” ” (Kay and Vickers 1988: 287). Cách tiếp cận này xem xét đến khả năng thị trường thất bại và các lợi ích quốc gia (vd sự bình đẳng về cơ hội, tái phân phối thu nhập, đổi mới công nghệ) có thể gặp rủi ro, đòi hỏi phải có quy định của chính phủ.

Trong bất cứ trường hợp nào thì nguyên tắc này cũng đòi hỏi sự tái định vị vai trò của chính phủ. Câu hỏi đặt ra là: Chính phủ nên sử dụng công cụ can thiệp nào để tạo ra sự cạnh tranh và các hành vi mang tính thị trường trong khu vực này, có xem xét đến những biểu hiện thất bại của thị trường và những mục tiêu cụ thể của nhà nước? Điều này dẫn đến vấn đề làm sao có được sự cân bằng giữa sự cạnh tranh và các quản lý của nhà nước; tìm câu trả lời cho việc khi nào nhà nước cần can thiệp, và can thiệp như thế nào, và xác định xem lúc nào thì sự quản lý của nhà nước sẽ không còn mang lại các lợi ích cận biên cao hơn những chi phí biên mà nó tạo ra.

Cách tiếp cận này có thể được diễn giải như một bước tiến trong định hướng trở thành một hệ thống “nhà nước giám sát” (Van Vught 1989). Thay vì một hệ thống do nhà nước quản lý chặt chẽ, người ta tạo ra một hệ thống cho phép sự điều phối theo kiểu thị trường cao hơn, và thông qua đó các cá nhân (tức là phi tập trung) nhà cung cấp cũng như khác hàng có quyền ra quyết định nhiều hơn. Sự phát triển này có thể được khái quát hóa bằng sơ đồ ở hình 1 dưới đây (xem Van Asseldonk, Berger and Den Hartigh 1999; Jongbloed 2003a).

Hình bên trái cho thấy một ngã tư với dèn giao thông ở cả 4 góc đường nhằm quản lý dòng xe cộ lưu thông. Tạo ra những quy luật phù hợp về thời gian dừng xe tại chốt đèn đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức để lập trình cho hệ thống đèn. Trước hết, người ta cần tìm hiểu mật độ xe cộ lưu thông tại điểm chốt giao thông đó, có đưa thêm thông tin “thời gian thực” về các dòng xe cộ đáp ứng với đèn đỏ và đèn xanh, lắp đặt hệ thống đèn dành cho người đi bộ, và phòng ngừa tình trạng đèn ở các bên đều bật tín hiệu xanh cùng một lúc. Đây là sự mô phỏng của một hệ thống do nhà nước kiểm soát.

Hình bên phải mô phỏng một hệ thống nhà nước giám sát, đó là một vòng xoay. Ở đây không có đèn hiệu và chỉ có một quy luật đơn giản để quản lý dòng xe cộ lưu thông. Quy luật đó là: xe lưu thông trong vòng xoay được quyền ưu tiên. Hệ thống quản lý xe cộ lưu thông này không đòi hỏi một hệ thống thông tin phức tạp gì cả, mà dòng xe cộ lưu thông lại trôi chảy hơn nhiều so với hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Trong các tài liệu khác (Jongbloed 2002), người ta cũng đưa ra lập luận rằng trong xã hội được nối mạng ngày nay khi các hành vi cốt lõi của con người rất đa dạng và khó lường trước được, thì việc tự quản thay vì nhà nước quản lý là một mô hình phù hợp hơn trong việc ra quyết định trong giáo dục đại học. Việc điều phối (chỉ đạo và kiểm soát) không còn có thể diễn ra thông qua việc tăng cường can thiệp và quản lý bởi nhà nước nữa. Thay vào đó, nhà nước (cả ở cấp quốc gia lẫn cấp siêu quốc gia – supranational) sẽ cần phải thiết kế ra những khuôn khổ hoạt động hợp lý, tức những “luật chơi” cho sự tương tác giữa các khách hàng cá nhân và từng nhà cung cấp riêng lẻ. Những luật chơi này được Douglass North (1990) đặt tên là các “định chế” (institutions) và bao gồm cả các luật lệ chính thức và phi chính thức.

(sách đã dẫn, trang 87-90)

2 comments:

  1. Chị Phương Anh ơi:
    Mình ráng đọc bài này mà thực sự không hiểu gì hết-- vì cách hành văn và cách dịch nó cứng nhắc (verbatim). Chị có thể "phóng tác" bài tiếng Việt này sang "tiếng Việt theo kiểu mà người Việt mình thường dùng" được không chị? LÀm phiền chị quá, nhưng bài này chắc có nội dung rất hay chị ạ.

    ReplyDelete
  2. TẠi sao Việt Nam nam không khảo sát các mô hình giáo dục của các nước trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc) hay các nước (có nền kinh tế thị trường và nền giáo dục vững chắc) (Singapore, Taiwan, South Korea, even Japan), và rút từ kinh nghiệm của họ để thích ứng cho nền giáo dục tại Việt Nam? Ta có thể xem xét chương trình học, sách giáo khoa, thi tuyển,v.v. để rút ngắn đoạn đường phát triển của mình. Ta không cần phải tìm cách phát minh trở lại cái bánh xe! (we don't have to reinvent the wheel!).

    ReplyDelete