Wednesday, March 16, 2011

"Cái giá phải trả cho thành tích học tập ở châu Á"

Bài dịch và giới thiệu dưới đây tôi đã gửi cho Tia Sáng và đã được đăng lên trên trang mạng của tờ báo này với đôi chút biên tập lại. Còn dưới đây là phần nguyên gốc của tôi. Các bạn có thể đọc bản đã biên tập trên Tia Sáng ở đây.
-----------------
Cái giá phải trả cho thành tích học tập ở Châu Á
Walt Gardner
Phương Anh dịch và giới thiệu

Dư luận Hoa Kỳ gần đây như sôi sục lên vì sự trỗi dậy của giáo dục Trung Quốc, thông qua hai sự kiện nổi bật thu hút rất nhiều giấy mực của giới truyền thông Mỹ. Đầu tiên là vị trí quán quân của học sinh Thượng Hải trong kỳ thi PISA, rồi liền sau đó cuốn sách nổi tiếng của Amy Chua, nữ giáo sư đại học Yale người Mỹ gốc Hoa với nhận định rằng chính cách dạy con khắt khe của người Hoa đã tạo ra những học sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Trước những sự kiện trên, cả nước Mỹ hiện đang lo lắng rằng trí hàng đầu thế giới của họ dường như đang bị đe dọa nặng nề bởi một Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Phải chăng nước Mỹ cần xem xét lại phương pháp giáo dục của mình, và nên bắt chước cách làm của Trung Quốc? Nhiều nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ dường như đang có suy nghĩ như vậy, trong đó có cả Tổng thống Obama, như ta có thể nhận thấy qua bài diễn thuyết hàng năm của Tổng thống trước Quốc hội Mỹ “The State of the Union” vào ngày 26/1/2011 vừa qua.

Trong bài viết đăng ngày 4/2/2011 trên blog “Reality Check” (tạm dịch: Kiểm tra hiện trạng giáo dục”, một trang blog nổi tiếng về các vấn đề giáo dục của tờ Tuần Giáo dục (Education Week) của Hoa Kỳ, Walt Gardner đã đưa ra một phân tích khác về sự thành công của mô hình giáo dục châu Á. Bài viết là một lời cảnh báo đối với chính phủ Hoa Kỳ về những rủi ro tiềm ẩn của mô hình giáo dục châu Á, cho dù nó cũng đã giúp cho một số các quốc gia châu Á đạt được những thành tựu to lớn.

Một bài viết rất đáng đọc trong tình hình “bệnh thành tích” vẫn còn là một căn bệnh dai dẳng chưa thể trị dứt của giáo dục Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến các độc giả.

-----------------------------

Nếu như có ai không nhớ điều này, thì xin nhắc rằng châu Á luôn đứng ở đầu bảng hoặc ít ra là những vị trí đầu tiên trong mọi bảng xếp hạng thành tích học tập. Hai sự kiện gần đây đủ chứng tỏ điều này: (1) học sinh thành phố Thượng Hải chiếm vị trí số 1 trong kỳ thi học sinh quốc tế có tên là PISA (Program for International Student Assessment), và (2) bài viết có tựa đề “Chiến ca của bà mẹ hổ” của Amy Chua trên tờ Wall Street Journal có khiến trang số lượng truy cập trên trang web nhiều hơn bất kỳ chủ đề nào khác trong suốt lịch sử tồn tại của nó .

Nhưng khi nói đến những thành tựu rực rỡ của giáo dục các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, người ta thường quên không nhắc đến cái giá rất đắt mà học sinh các nước này phải trả. Có thể nhận ra điều này qua hai cách khác nhau.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Trung Quốc có tỷ lệ phụ nữ tự tử cao nhất thế giới. Hàn Quốc thì có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước công nghiệp, còn Nhật Bản cũng không xa mấy ở phía sau. Sẽ có những người lập luận rằng mối tương quan đó không phải là nhân quả. Họ cho rằng không thể dùng mối tương quan này để chứng minh rằng áp lực phải thành công trong học tập đã gây ra những thảm kịch vừa nêu. Họ nói thế có lẽ cũngđúng.

Tuy nhiên, hoàn toàn có thể chứng minh rằng một hiện tượng đáng lo ngại tương tự đang diễn ra ở Mỹ. Một cuộc khảo sát trên 200.000 sinh viên toàn thời gian tại các trường đại học cho thấy sức khỏe cảm xúc của tân sinh viên đang ở mức thấp nhất kể từ khi số liệu về vấn đề này bắt đầu được thu thập cách đây một phần tư thế kỷ trước, như bài viết đã đăng trên tờ New York Times ngày 26/1 vừa qua cho biết.

Cuộc điều tra có tên “Sinh viên Mỹ năm thứ nhất: các mức chuẩn quốc gia mùa thu năm 2010” được đánh giá cao do kích thước mẫu lớn và độ dài của thời gian thu thập dữ liệu. Kết quả của cuộc điều tra chỉ ra rằng sinh viên năm thứ nhất hiện nay đã rất căng thẳng và chán nản, có lẽ vì họ bị áp lực quá lớn do món nợ vay để học đại học trong khi triển vọng việc làm thì ảm đạm. Tôi không nói rằng những yếu tố này cuối cùng sẽ làm họ phải tự tử, nhưng rõ ràng đây là những dấu hiệu cảnh báo rằng không thể bỏ qua.

Các bằng chứng vừa nêu từ châu Á và từ Mỹ dẫn đến một câu hỏi lớn hơn, là phải chăng nước Mỹ chúng ta nên bắt chước tính cạnh tranh cao độ của châu Á? Bài phát biểu vào tháng 1/2011 của Tổng thống Obama nêu rõ rằng cạnh tranh là điều cần thiết nếu Hoa Kỳ muốn tiếp tục duy trì địa vị là một cường quốc kinh tế. Nhưng tôi tự hỏi không biết Tổng thống có nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn trong lời phát biểu của mình khi áp dụng tính cạnh tranh đó vào trong lãnh vực giáo dục hay chăng? Liệu có giải thưởng nào có giá trị lớn lao hơn cái nỗi đau mất con mà các bậc phụ huynh phải gánh chịu nếu chẳng may con mình tự tử vì không chịu nổi áp lực? Liệu có thành tích nào có thể giúp các bậc phụ huynh nguôi bớt nỗi buồn đó chăng? Thật đau buồn khi con cái phải chịu tang cha mẹ, nhưng nỗi đau đó sẽ trở thành không chịu đựng nổi nếu cha mẹ phải để tang con. Rõ ràng những kết quả đạt được về mặt trí tuệ là quan trọng. Nhưng còn những kết quả đạt được về mặt cảm xúc thì sao? Chẳng lẽ chúng không quan trọng chút nào ư?

Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Mặc dù học sinh Nhật học rất tốt môn các toán và khoa học, nhưng đa số các em cho biết đã hoàn toàn mất hết hứng thú đối với các môn này. Một cuộc khảo sát về hứng thú học tập do Hiệp hội đánh giá thành tích học tập quốc tế thực hiện cho thấy Nhật Bản xếp hạng thứ 36 trong số 37 quốc gia đối với môn toán và xếp hạng thứ 22 trong số 23 quốc gia đối với môn khoa học. Theo tôi, điều này cho thấy thành tích của học sinh Nhật chẳng qua chỉ là những thắng lợi vô nghĩa mà thôi. Liệu chúng ta đạt được điều gì khi tạo ra những học sinh đạt được điểm cao trong các bài trắc nghiệm nhưng lại bị chấm điểm thấp về thái độ tích cực học tập?

Ngày hôm nay, chúng ta ngưỡng mộ Trung Quốc vì những thành tích giáo dục mà họ đạt được. BIết đâu ngày mai chúng ta lại chửi rủa họ vì những thiệt hại mà họ đã gây ra cho cả một thế hệ trẻ em. Tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ nhận ra những rủi ro tiềm ẩn trước khi quyết định sẽ học tập từ mô hình châu Á. Vì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của chính mình – Caveat Emptor!
-----------------------

No comments:

Post a Comment