Monday, March 21, 2011

"Đi tìm một loại sinh viên khác"

Đó là phiên bản tiếng Việt của tôi cho cái tựa tiếng Anh của bài viết "Searching for a new kind of student" của tác giả Michael Alison Chandler. Bài viết đã đăng trên tờ Chronicle of Higher Education ngày 23/1/2011 tại địa chỉ http://chronicle.com/article/In-South-Korea-Searching-for/126015/.

Tôi đã giới thiệu bài ấy trên blog này một lần rồi, và nó là bài viết phải trả tiền mới đọc được nên hôm ấy tôi chỉ có thể giới thiệu một đoạn. Nhưng nay tôi đã có bản đầy đủ, một bài viết khá dài, thú vị mặc dù quá nhiều chi tiết, và tôi đã cho người dịch để sử dụng. Vì nội dung của nó khá phù hợp với bối cảnh VN hiện nay - đang vào "mùa tuyển sinh", với chủ trương của Bộ Giáo dục là giao cho một số trường tự tuyển sinh lấy chứ không phải theo "ba chung", tôi xin đăng đầu tiên của bài dịch ấy lên đây để chia sẻ với mọi người. Những phần sau xin đăng sau khi đã sử dụng ở những chỗ cần sử dụng.

--------
Đi tìm một loại học sinh khác

Tác giả: Michael Alison Chandler
Người dịch: Vũ Kim Khôi

Trong khi gần 700.000 học sinh ưu tú đối mặt với kỳ thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt diễn ra tại Hàn Quốc trong tháng 11 vừa qua, thì anh chàng Yu Hwa Young lại đang chơi tàu lượn cao tốc và chụp ảnh tại công viên Everland. Tại sao lại như vậy?

“Chắc hẳn là mọi người rất ganh tị với tôi” – anh chàng 19 tuổi vừa tốt nghiệp từ trường THPT Posung cho biết.

Yu không tham dự kỳ thi tuyển sinh vì anh đã chính thức được nhận vào học ngành Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Sogang; lý do anh được nhận dựa vào điểm số TOEFL gần như tuyệt đối, một bài phỏng vấn, và các hoạt động ngoại khóa mà anh đã tham gia khi còn là học sinh trung học như tham gia vào tờ báo của trường và mô hình giả lập hội đồng lien hiệp quốc dành cho giới trẻ.

Tại Hàn Quốc, kỳ thi tuyển sinh vốn trước đây đóng vai trò quyết định cơ hội vào đại học của các học sinh tốt nghiệp trung học, hiện đã không còn là giải pháp duy nhất nữa. Hơn 10% số tân sinh viên nhập học vào tháng 03 năm nay được lựa chọn bởi các cán bộ tuyển sinh mang tư tưởng mới, những cán bộ này đã được đào tạo để có thể đánh giá những phẩm chất khó đo lường của học sinh như khả năng lãnh đạo, và tư duy độc lập. Việc đổi mới tuyển sinh là tâm điểm của toàn bộ kế hoạch đổi mới chính sách hướng đến việc khuyến khích sự sáng tạo hơn là khả năng học thuộc lòng của học sinh; góp phần chấm dứt hoạt động dạy thêm, dạy kèm đang ngày càng nở rộ vốn góp phần làm tăng đáng kể chi phí mà học sinh và gia đình họ phải bỏ ra trong quá trình nỗ lực thi vào đại học.

Ông Lee Ju Ho, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nhận định rằng việc tuyển sinh đại học cần phải được thực hiện trước tiên. Ông cho biết: “Hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn con em mình vào được các trường đại học tốt nhất. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy nền văn hóa học tập chú trọng vào thi cử của chúng ta.”. “Mọi công sức của chúng ta đều dồn vào việc nâng điểm số của các học sinh, thay vì dùng để nuôi dưỡng sự sáng tạo hay những bản chất, khả năng tốt đẹp khác của con người. ….. Đây mới là thách thức lớn nhất của chúng ta.”

Trong năm 2010, Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã đầu tư 31 triệu Đô la Mỹ hay 35 tỉ Won vào việc trả lương và đào tạo các cán bộ tuyển sinh, một sự gia tăng đáng kể so với con số 2 triệu Đô la Mỹ chi cho hoạt động tương tự cách đây 3 năm. Hệ thống giáo dục đại học của quốc gia này hiện có hơn 100 trường đại học, trong đó bao gồm nhiều trường tư, không hoạt động bằng ngân sách của chính phủ.

(Xin mở ngoặc để nhận xét chút: Cải cách tuyển sinh rõ ràng là cần tiền, như bài viết đã cho thấy. Tốn kém chút cũng được, nếu như nó đem lại được kết quả tốt, tôi nghĩ vậy. Nhưng nếu muốn thế thì phải sử dụng các chuyên gia thực sự được đào tạo và có kinh nghiệm để vấn kế cho lãnh đạo trong việc đổi mới tuyển sinh.)

Những hoạt động đổi mới tương tự cũng đang diễn ra trong nền giáo dục của nhiều quốc gia khác trên thế giới, nơi mà vấn đề thi cử được nhấn mạnh một cách thái quá. Nguyên nhân của hiện tượng này là các trường đại học tại các quốc gia đó đang ngày càng chú trọng vào hoạt động sáng tạo cũng như cố gắng cải thiện vị thế trên thế giới của mình thông qua việc thu hút sinh viên quốc tế. Các trường đại học hàng đầu tại Hồng Kông và Trung Hoa đại lục đang dần mở rộng các tiêu chí tuyển sinh bao gồm việc xem xét những hoạt động xã hội và hoạt động sáng tạo của học sinh. Trước bối cảnh như vậy, Hội đồng Quốc gia về Tư vấn Tuyển sinh tại Hoa Kỳ đã đón tiếp nhiều phái đoàn từ Rumani, Ukraina và Hàn Quốc đến thăm và học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia có cơ chế tuyển sinh linh hoạt này.

Tuy nhiên, việc thay đổi hoàn toàn một nền văn hóa thi cử có niên đại hàng trăm năm tuổi chắc chắn gặp nhiều khó khăn, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Các trường trung học và bản thân các gia đình cần nhiều thời gian để thích nghi với thay đổi, đặc biệt là tại các quốc gia nơi mà “hoạt động ngoại khóa” được hiểu là việc học thêm toán hoặc tiếng Anh, nơi mà sự cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu diễn ra quá khốc liệt đến nỗi việc học thêm là không thể tránh khỏi và các học sinh không còn thời gian để tham gia bất kỳ hoạt động nào khác ngoại trừ việc miệt mài học tập. Nhiều bậc phụ huynh tại Hàn Quốc tỏ ra rất nghi ngờ về việc liệu đợt cải cách của chính phủ có thể tồn tại qua đợt bầu cử tổng thống trong năm 2013 sắp tới.

Tuy vậy, theo nhận định của một số nhà quan sát thì những thay đổi ban đầu đang làm lóe lên những đối thoại có giá trị tại Hàn Quốc trong một thời khắc rất quan trọng. Các học sinh trung học đang dần suy xét về những lựa chọn tương lai của mình ngoài việc theo đuổi con đường học thuật. Các trường đại học thì đang bắt đầu tự đặt câu hỏi: “Loại tài năng trẻ nào mà chúng ta cần, và làm sao để tìm thấy họ?” – trích ý kiến của ông Chung Kwang Hee, một nhà nghiên cứu chính sách tuyển sinh tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Hàn Quốc.
--------------

2 comments:

  1. Hoạt động ngoại khóa rất quan trọng đối với môi trường học tập ở nước ngoài. Một sinh viên có thành tích thể thao tốt và đóng góp nhiều cho trường trung học cũng có nhiều cơ hội được tuyển thẳng vào các trường đại học hàng đầu. Điều này chưa xuất hiện ở VN. Nhưng nhiều bạn hoạt động Đòan hội tốt cũng có khả năng được giữ lại trường làm giảng viên hoặc các công tác khác. Cơ hội của những người này ở các công ty lớn cũng cao hơn. Thực ra đây không phải là điều mới, nhưng sinh viên chưa dám chấp nhận thực tế, chưa dám lao đầu vào thách thức và hiện tượng "cần cù chăm học" hay "để tốt nghiệp rồi tính" vẫn còn phổ biến.

    ReplyDelete
  2. Tuyệt đối không nên áp dụng cách này ở Việt Nam. Sẽ cho phép sự không công bằng xuất hiện công khai.

    ReplyDelete