Entry này thực ra là một phần của bài viết "Thực trạng các bảng xếp hạng đại học" mà tôi đã đưa lên đây một phần cách đây ít lâu.
Bài viết ấy của tác giả nổi tiếng Philip Altbach, một bài khá dài, đã được dịch và đăng trên bản tin của Trung tâm Khảo thí. Ai muốn đọc cả bài hoặc lưu thì vào trang web của trung tâm và đăng ký/đăng nhập để download về lưu và đọc. Còn nếu không thì các bạn cứ chịu khó vào trang blog này đọc dần vậy nhé; đọc ngắn lại đỡ ngán hơn phải không?
-----
Tác giả: Philip Altbach
Vũ Kim Khôi dịch, Nguyễn Tấn Đại hiệu đính
Nếu hôm nay không tồn tại hệ thống xếp hạng nào thì cũng sẽ có ngày người ta tạo ra chúng. Đó là hệ quả tất yếu của quá trình đại chúng hóa giáo dục đại học, của sự cạnh tranh cũng như hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục đại học toàn cầu. Khách hàng tiềm năng (sinh viên và gia đình) muốn biết cách xác định giữa hàng loạt nguồn cung cấp khác nhau những phương án lựa chọn phù hợp và thuận lợi nhất. Các hệ thống xếp hạng có thể giúp họ giải đáp phần nào những câu hỏi đó.
Không ngạc nhiên gì khi các hệ thống xếp hạng trở nên nổi tiếng trước tiên ở Hoa Kỳ - nơi đầu tiên trên thế giới tiến hành đại chúng hóa giáo dục đại học ngõ hầu mở ra một cách lựa chọn mới trong bối cảnh số lượng các trường đại học ngày càng gia tăng. Bản thân các trường cao đẳng và đại học lại muốn có được một phương pháp để đối sánh với các trường đồng cấp, và các hệ thống xếp hạng đã đưa ra một cách thức dễ dàng, dù rằng vẫn không hoàn hảo, để làm điều đó. Hệ thống có nhiều ảnh hưởng cũng như bị chỉ trích nhiều nhất là “Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ” của U.S. News & World Report, hoạt động cho đến nay đã được 17 năm. Bên cạnh đó còn có nhiều hệ thống xếp hạng khác, dựa trên những tiêu chí đánh giá rất khác nhau, từ các trường “đắt hàng nhất” cho đến các trường tổ chức tiệc tốt nhất, và cả các trường “nối mạng nhiều nhất”. Hầu hết các hệ thống xếp hạng như vậy có giá trị thấp nhưng dù vậy vẫn cứ được công chúng quan tâm ở những chừng mực nhật định.
Khi giáo dục đại học quốc tế hóa ngày càng nhiều thì không ngạc nhiên gì khi các bảng xếp hạng cũng trở thành hiện tượng toàn cầu. Có gần ba triệu sinh viên xuất ngoại học tập; nhiều người tìm kiếm những trường đại học tốt nhất có thể có ở nước ngoài và nhận ra sự hữu ích của các hệ thống xếp hạng. Giới học thuật tự thân họ cũng tham gia tiến trình toàn cầu hóa, rồi các trường tìm cách để đối sánh với đồng cấp của mình trên khắp thế giới, nhưng cũng thường là để cạnh tranh thu hút sinh viên và giảng viên. Với mọi vấn đề nan giải của mình, giới học thuật toàn cầu đã tìm thấy ở xếp hạng đại học một hướng đi ít nhiều triển vọng. Chỉ cần riêng với lý do này, chúng ta đã phải lưu tâm tìm hiểu các hệ thống xếp hạng một cách nghiêm túc.
---
Bài viết còn dài, nhưng sẽ đăng dần lên để các bạn dễ đọc nhé. Enjoy!
Saturday, March 5, 2011
"Tính tất yếu của các hệ thống xếp hạng đại học"
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment