Tuesday, March 15, 2011

Các chỉ số xếp hạng đại học của Pakistan

Xếp hạng đại học tất nhiên là một việc làm rất khó khăn, vì trường đại học là một thực thể vô cùng phức tạp, mà các trường lại rất đa dạng, không trường nào giống trường nào, nên khó mà đưa ra được một bộ chỉ số để đo đạc và so sánh xếp hạng các trường cho thật chính xác và có ý nghĩa.

Tuy có những hạn chế như vậy, nhưng các hệ thống xếp hạng vẫn cứ tồn tại và số lượng của chúng cho đến nay chỉ có tăng lên chứ không hề giảm đi Tại sao thế nhỉ? Lý do rất đơn giản: nói gì thì nói, xếp hạng vẫn là một cách rất thuận tiện để cung cấp thông tin dễ hiểu đến các đối tượng cần thông tin. Ngoài ra, nếu nhà nước sử dụng xếp hạng để kiểm soát các trường, buộc các trường phải đáp ứng ở mức tối thiểu những chỉ số được đưa ra để xếp hạng, thì đó cũng là một cách buộc mọi người phải nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của nhà nước (tất nhiên mặt trái của nó là sự giả mạo số liệu, hoặc làm mất đi tính sáng tạo của các trường, hoặc thậm chí làm cho các trường bị phát triển lệch lạc, méo mó nếu bộ chỉ số đưa ra là không phù hợp).

Sau đây là bộ chỉ số xếp hạng ĐH của Pakistan. Tôi đưa lên đây trước hết là để lưu cho tôi, và giới thiệu với mọi người vì có thể có ích cho những ai quan tâm đến việc áp dụng phương pháp định lượng trong quản lý trường đại học. Những chỉ số mà VN Pakistan sử dụng thì tất nhiên là không thể áp dụng nguyên xi tại VN, mà phải cân nhắc nên bắt chước cái gì và không bắt chước cái gì.

Do không hiểu rõ về bối cảnh giáo dục đại học của Pakistan nên những phần tôi dịch dưới đây sẽ có những chỗ ... ngớ ngẩn, nếu ai có hiểu biết gì về giáo dục Pakistan xin góp ý thêm. Thông tin gốc có thể tìm ở đây. Phần bên dưới là phần dịch của tôi, và những chỗ có chữ in nghiêng là do tôi bình loạn.

---
Tổng điểm xếp hạng đại học của Pakistan là 100 điểm, chia ra làm 5 lãnh vực: Sinh viên, cơ sở vật chất thiết bị, tài chính, giảng viên, và nghiên cứu.

I/ Sinh viên: 17 điểm
1 Sinh viên tốt nghiệp đã trải qua đủ 16 năm học (2 điểm)
2 Sinh viên tốt nghiệp bằng M.Phil đã trải qua trên 16 năm học (3 điểm)
3 Tổng số tiến sĩ tốt nghiệp tại trường (4 điểm)
4 Mức độ khắt khe trong việc chọn lọc sinh viên (5 điểm)
5 Tỷ lệ % sinh viên được tuyển vào trường có điểm học phổ thông đạt mức 60% trở lên (3 điểm)

Trong phần này có 2 mục đầu chưa hiểu rõ là gì nên dịch nghe vớ vẩn quá, cần phải tìm hiểu thêm!

II/ Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện (15 điểm)
1 Số lượng sách trong thư viện chính (2 điểm)
2 Tỷ số sách trên đầu sinh viên (2 điểm)
3 Số lượng tạp chí chuyên ngành được TV trường đăng ký mua (1 điểm)
4 Số lượng và tỷ số máy tính trên đầu sinh viên (1 điểm)
5 Số lượng và tỷ số máy tính trên đầu giảng viên (1 điểm)
6 Băng thông rộng dành cho sinh viên tính trên đầu sinh viên (2 điểm)
7 Số phòng thực hành (2 điểm)
8 Số các đội tuyển tham gia thi đấu thể thao liên trường (1 điểm)
9 Thứ hạng của đội tuyển của trường trong các cuộc thi đấu thể thao (1 điểm)
10 Các thiết bị có giá trị trên 2 tỷ đang hoạt động (2 điểm)

Phần này có vẻ rất chi li, đôi khi buồn cười, đặc biệt mấy mục liên quan đến thi đấu thể thao. Có vẻ nhà nước Pakistan chỉ đạo và khống chế các trường đại học rất chặt chẽ, có lẽ hơi giống VN.

III. Tài chính: 15 điểm
1 Tổng số tiền thu do nhà trường thu được bằng nguồn riêng và tỷ lệ so với tổng ngân sách của trường (2 điểm)
2 Tổng số chi cho thư viện và nghiên cứu và tỷ lệ so với tổng ngân sách (4 điểm)
3 Chi phí thường xuyên trên đầu sinh viên (5 điểm)
4 Chi phí không thường xuyên trên đầu sinh viên (4 điểm)

Bốn chỉ số này có lẽ nên tham khảo để đánh giá tài chính của các trường ĐH VN, đặc biệt là trường tư.

IV. Giảng viên: 27 điểm
1 Số lượng GV cơ hữu có bằng PhD (3 điểm)
2 Tỷ lệ giảng viên có bằng PhD trên tổng giảng viên (9 điểm)
3 Tỷ lệ gv cơ hữu có bằng Thạc sĩ/ đã trải qua trên 16 năm học trở lên (2 điểm)
4 Số lượng các giải thưởng quốc gia và quốc tế của các giảng viên (2 điểm)
5 Tỷ số trò trên thầy (5 điểm)
6 Số lượng các khóa tập huấn mà GV được tham dự (2 điểm)
7 Tài trợ nghiên cứu dành được qua các dự án có tính cạnh tranh trên đầu giảng viên (4 điểm)

Pakistan coi trọng yếu tố giảng viên trong việc xếp hạng trường ĐH, vì tổng điểm liên quan đến gv chiếm hơn 1/4 tổng số điểm. Điều này theo tôi là đúng cho cả VN, vì chất lượng của giáo dục trước hết là chất lượng của người thầy. Chỉ khi nào chất lượng người thầy nhìn chung đã đồng đều ở một ngưỡng tối thiểu nào đó thì sự khác biệt ở những yếu tố khác mới bắt đầu tạo ra sự khác biệt giữa các trường. Và điều này giải thích tại sao các trường tư thục mới thành lập ở VN, dù có trả lương cao hơn và điều kiện vật chất có thể tốt hơn, nhìn chung vẫn không tốt bằng các trường công có tiếng, đơn giản là vì những trường công này dù sao vẫn có một đội ngũ giảng viên tốt hơn hẳn.

V. Nghiên cứu: 26 điểm
1 Số các bài báo khoa học do giảng viên và sinh viên thực hiện trong các năm học 2001-02, 2002-03 and 2003-04 (4 điểm)
2 Tỷ số bài báo trên giảng viên (3 điểm)
3 Số lượng tạp chí chuyên ngành do trường ấn hành (1 điểm)
4 Số lượng đầu sách do giảng viên là tác giả (1 điểm)
5 Số lượng bài báo của gv và sv được trình bày và công bố tại các hội nghị quốc tế có bình duyệt (Refereed) (1 điểm)
6 Số lượng bài báo của gv và sv được trình bày và công bố tại các hội nghị quốc gia có bình duyệt (1 điểm)
7 Điểm số đạt được của gv tính theo PCST (2 điểm)
8 Điểm thô trên đầu gv (2 điểm)
9 Số hội nghị/hội thảo/seminar/tập huấn cấp quốc gia do trường tổ chức có tài trợ của các cơ quan khác (1 điểm)
10 Số hội nghị/hội thảo/seminar/tập huấn quốc tế do trường tổ chức có tài trợ của các cơ quan khác (2 điểm)
11 Số lượng bằng sáng chế/thiết kế/công thức/dị bản được công nhận (approved variety) (2 điểm)
12 Số lượng các dự án nghiên cứu có hợp tác với quốc tế (3 điểm)
13 Tỷ số thạc sĩ do trường đào tạo trên đầu gv (1 điểm)
14 Tỷ số tiến sĩ do trường đào tạo trên đầu gv (1 điểm)

Nhận xét chung: Trong 5 yếu tố đã nêu thì hai yếu tố gv và NCKH là các yếu tố được xem trọng nhất. Yếu tố nghiên cứu khoa học chỉ thua yếu tố gv 1 điểm trên 100, tức cũng chiếm trên 1/4 tổng điểm. Nói cách khác, 2 yếu tố giảng viên và nghiên cứu khoa học (của cả gv và sv, nhưng chắc chắn là gv sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn, trừ phi việc đào tạo nghiên cứu sinh của trường rất phát triển) chiếm đến 53% tổng điểm.

Trong các yếu tố còn lại là thì sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất, 17%. Nếu cộng giảng viên, sinh viên và nghiên cứu khoa học của cả thầy lẫn trò thì ta đã có đến 70% tổng điểm; 2 yếu tố còn lại là cơ sở vật chất và tài chính chỉ chiếm 30% tổng điểm, trong đó mỗi yếu tố là 15%. Đây là điều rất đáng cho VN suy nghĩ, vì muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì trước hết phải đầu tư vào đội ngũ giảng viên - cả về số lượng lẫn chất lượng, cùng một lúc! - đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng trường lớp và bỏ tiền ra mua máy móc thiết bị để về ... trùm mền vì không có đội ngũ giỏi và được đãi ngộ xứng đáng để vận hành.

Tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về các chỉ số này, và viết tiếp. Các bạn chờ đọc nhé!

No comments:

Post a Comment