Tuesday, March 29, 2011

Nói thêm về "nghiên cứu nội bộ" (institutional research)

Tôi viết entry này cho một người nguyên là học trò, nay đã là một đồng nghiệp trẻ của tôi, đang được mời làm một công việc mà theo tôi hiểu thì nó chính xác là công việc mà tôi gọi là "nghiên cứu nội bộ". Viết, để làm rõ thêm cho bạn ấy, mà cũng là để cho ngành giáo dục của VN quen và chấp nhận một khái niệm, một tên gọi, và một sự vật/ hoạt động rất mới mẻ đối với chúng ta, nhưng đã rất cũ tại Mỹ, vì đã có lịch sử tồn tại đến mấy trăm năm rồi.

Như các bạn thường đọc blog này đã biết, "nghiên cứu nội bộ" là cụm từ tiếng Việt mà tôi chọn để dịch cụm từ "institutional research" trong tiếng Anh - một từ rất dở, nhưng tôi chưa biết phải dịch như thế nào cho nó hay.

Giải thích chút về việc tại sao lại dịch là "nội bộ". Trước hết, trong tiếng Việt đã có người dịch "institutional" là "nội bộ", như trong cụm từ "institutional TOEFL" mà người ta vẫn dịch là "TOEFL nội bộ". Hơn nữa, tại ĐHQG-HCM nơi tôi làm việc hiện nay cũng có một cụm từ đã quen dùng trong đó có chứa cụm từ "nội bộ", đó là "đánh giá ngoài nội bộ" - để chỉ những đợt đánh giá ngoài do chính ĐHQG-HCM tổ chức, sử dụng bộ tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT và các quy trình, tiêu chuẩn chọn thành viên đoàn đánh giá tương tự như trong hướng dẫn của Bộ, nhưng là do chính ĐHQG-HCM thực hiện. Cụm từ "ĐGN nội bộ" khi mới đặt ra cũng có những người phản đối vì thấy không hay, nhưng quả thật nếu không dùng từ nội bộ thì cũng chẳng biết dùng từ gì cho phù hợp, nên cho đến nay nó đã được chấp nhận hoàn toàn.

Thực ra, ngay trên blog này thì trước đây tôi cũng đã viết vài bài về "nghiên cứu nội bộ" (các bạn có thể dùng chức năng search trên blog để tìm cụm từ "institutional research" sẽ ra hết các bài viết đó). Nhưng đó chỉ là những bài tản mạn, chủ yếu viết để lưu lại những ý tưởng thoáng qua trong đầu, hoặc những tài liệu mới tìm được - tức là viết cho mình. Nay thì vì có chuyện người đồng nghiệp trẻ đó nên tôi viết thêm bài này cho bạn ấy, đồng thời cũng chia sẻ cho tất cả mọi người có quan tâm.

Nhưng "nghiên cứu nội bộ" là gì? Trước hết, hãy xem qua các định nghĩa được lấy từ Internet; những chỗ in nghiêng dưới đây là phần dịch (thoát) của tôi:
1. "Institutional Research is the sum total of all activities directed at empirically describing the full spectrum of functions (educational, administrative, and support) at a college or university. Institutional research activities examine those functions in their broadest definitions and, in the context of both internal and external environments, embrace data collection and analytical strategies in support of decision making at the institution."
--Joe L. Saupe - Nguồn: http://www.nd.edu/~instres/home3/aboutIR/about_ir_definition.shtml

Nghiên cứu nội bộ (NCNB) là tổng của tất cả các hoạt động nhắm đến việc mô tả trên cơ sở các chứng cứ thật về toàn bộ các chức năng (giáo dục, quản lý, hỗ trợ) của một trường đại học hoặc cao đẳng. Các hoạt động NCNB xem xét các chức năng này theo định nghĩa rộng nhất, và dựa trên bối cảnh cả bên trong lẫn bên ngoài, thực hiện việc thu thập số liệu và các chiến lược phân tích để hỗ trợ quá trình ra quyết định tại một trường.
2. Research conducted within an institution of higher education in order to provide information which supports planning, policy formation, and decision making. Saupe (1981)

NCNB là loại nghiên cứu được thực hiện trong một trường đại học để cung cấp thông tin cần thiết để hỗ trợ việc lập kế hoạch, xây dựng chính sách, và ra quyết định.
3. A critical intermediary function that links the educational, managerial, and information functions of higher education institutions and systems. Peterson (1985)

NCNB là một chức năng trung gian rất cần thiết có khả năng kết nối các chức năng giáo dục, quản lý, và thông tin của các trường đại học và của cả hệ thống.
4. The analysis and interpretation of institutional records and data, plus the occasional or periodic studies that are necessary to supplement routine record keeping and reporting. Fincher (1985)

NCNB là việc phân tích và diễn giải các hồ sơ lưu trữ và số liệu, kèm với những nghiên cứu bất chợt hoặc định kỳ vốn cần thiết để bổ sung thêm vào việc lưu trữ hồ sơ và báo cáo.
Ghi chú: Các định nghĩa 2, 3, 4 được rút ra từ bài viết của Dawn Ressel nhằm giới thiệu IR, có thể download tại địa chỉ: http://www.kspsd.org/IR/common/documents/IR_Conf_2006_Presentations/1%20What%20is%20IR.ppt.

Như vậy, qua các định nghĩa đã nêu, ta thấy IR là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong bộ máy quản lý của các trường đại học của Mỹ, vì đây là những chuyên gia phân tích (analyst) được đào tạo chuyên nghiệp, với những phương pháp, quy trình, và công cụ thu thập, xử lý và phân tích số liệu, và khả năng lập luận, diễn giải để đưa ra những kiến giải và giải pháp cho các nhà quản lý liên quan đến việc xây dựng chính sách và chiến lược phát triển của một trường đại học, và giám sát đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách và chiến lược đó.

Một điều cần lưu ý là IR đòi hỏi những kỹ năng chuyên nghiệp về thu thập, phân tích và diễn giải số liệu, tức là những phương pháp định lượng dựa trên thống kê. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa cách quản lý trường đại học kiểu Mỹ và quản lý trường đại học kiểu VN: một bên là ra quyết định dựa trên số liệu, bên kia là ra quyết định bất chấp số liệu (tôi chỉ nói như vậy thôi, tùy các bạn quyết định bên nào là Mỹ, bên nào là VN nhé!)

Và như thế, các nhà nghiên cứu nội bộ rõ ràng cũng là những nhà nghiên cứu nghiêm chỉnh, đúng nghĩa; điểm khác biệt duy nhất giữa các nhà nghiên cứu nội bộ và các nhà nghiên cứu giáo dục khác là ở mục đích nghiên cứu của họ mà thôi: NCNB thực hiện để phục vụ cho một đơn vị cụ thể (một kiểu nghiên cứu theo đặt hàng, mặc dù đây là người đặt hàng cố định và đương nhiên, tức là đơn vị nơi nhà NCNB hoạt động), còn nghiên cứu không nội bộ (!) thì nghiên cứu cho ai dùng cũng được. Tuy nhiên, thực ra sự khác biệt này trên thực tế không lớn, vì NCNB xong mà phép đưa ra công khai (đôi khi không được phép, do có những thông tin nhạy cảm đối với đơn vị) thì tất cả mọi người đều có thể sử dụng, và ý nghĩa của các NCNB còn cao hơn các nghiên cứu không nội bộ (!) vì sự sâu sát thực tế của nó.

Một điểm cuối cùng tôi muốn nêu ở đây về nghiên cứu nội bộ, đó là NCNB nếu cần được phân loại thì sẽ thuộc về phạm trù "nghiên cứu hành động" tức action research trong tiếng Anh, và "nghiên cứu đánh giá" tức evaluation research trong tiếng Anh. Nghiên cứu hành động là gì thì trước đây tôi có viết một bài nhỏ, định viết thêm nhưng bận quá, nay mai sẽ cần viết tiếp. Còn nghiên cứu đánh giá là gì thì tôi chưa đề cập ở đây bao giờ, nhưng sẽ có lúc phải viết thôi. Vì đó là những loại hình nghiên cứu rất thường sử dụng trong giáo dục, nhưng ở VN vẫn chưa có nhiều người biết đến.

(Mở ngoặc một chút: Vì ít có người biết đến nên người ta đánh giá rất sai lầm về cái có thể gọi là công trình nghiên cứu của khối ngành xã hội - nhân văn. Cái này thì tôi đã bị vướng vào tranh cãi đôi ba lần với những người thuộc khối ngành kỹ thuật và tự nhiên rồi; họ - theo truyền thống trên toàn thế giới, nhưng nặng nề hơn nhiều ở VN - là những người vốn coi thường dân xã hội nhân văn, cho rằng những người thuộc khối xh-nv chẳng biết nghiên cứu khoa học gì sất, và những cái như là "action research" hay "instititional research" hoặc "evaluation research" chỉ là những cái vớ vẩn, không cần biết đến! Còn ai thuộc khối xã hội nhân văn mà muốn học hỏi về nghiên cứu khoa học thì phải tìm các nhà khoa học tự nhiên mà học hỏi, những vị "know-all" này - mà tôi có hân hạnh biết một vài vị - sẽ làm phúc mà dạy bảo cho, cứ ngoan ngoãn, chăm chỉ mà học, rồi sẽ có ngày hiểu được, mà không hiểu thì cứ phải có các vị ấy đỡ đầu cho, thì nghiên cứu mới có chất lượng!!!!! Thế đấy!)

Quay trở lại nghiên cứu nội bộ. Thông điệp của tôi cho entry này là như sau: đây là một loại hình nghiên cứu mà các nhà lãnh đạo giáo dục của VN nên quan tâm, vì có như thế thì mới mong có những giải pháp khả thi và hữu hiệu cho việc cải thiện chất lượng giáo dục VN. Nếu không thì những mục tiêu cao cả của việc cải cách giáo dục ở VN mãi mãi vẫn chỉ là những ước mộng không thành, những ảo vọng xa vời, những ước mơ không thực tế!!!!

Nhân tiên, xin chia sẻ: Tôi đang là một thành viên (có đóng phí) của AIR, Hiệp hội nghiên cứu nội bộ của Mỹ, và thấy đây là một tổ chức rất tốt, có rất nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho hội viên. Cụ thể, tháng 5 này tôi sẽ tham dự hội nghị khoa học hàng năm của AIR tại Toronto, Canada. Mà chưa cần tham dự hội nghị, chỉ cần vào trang web của AIR (tôi đã giới thiệu trên blog này một lần) thì cũng thấy có rất nhiều resources cần thiết cho chúng ta sử dụng tại VN. Tôi đã xin phép dịch chúng để phổ biến cho mọi người, và đã được AIR chấp thuận rất hồ hởi, thậm chí khuyến khích, miễn là với mục đích phi lợi nhuận.

Tôi đang tổ chức cho TT của tôi dịch một tài liệu của AIR (mang tính căn bản), khi dịch xong sẽ chia sẻ lên blog này. Nhưng vẫn còn rất nhiều tài liệu cần dịch; vậy nếu có bạn nào có thể tham gia thì xin gửi địa chỉ mail để tôi liên lạc nhé (gửi qua comment). Xin nói thêm: dịch tự nguyện, với mục đích phi lợi nhuận, không có kinh phí các bạn ạ! Nhưng nếu các bạn làm được thì sẽ là một đóng góp rất cụ thể cho nền giáo dục nước nhà đấy, tốt hơn rất nhiều so với việc viết lên những bài viết đao to búa lớn, đưa ra những định hướng lâu dài kiểu như phải trao thêm quyền tự chủ và tăng tính chịu trách nhiệm (ai cũng biết là cần làm thế), nhưng còn làm điều đó như thế nào thì ... bó tay không biết (muốn làm sao thì làm, việc nhỏ nhít thế mà không biết thì thôi, còn chúng tôi thì chỉ quan tâm đến những vấn đề đại sự, to tát, quan trọng mà thôi!)

Rất đón chờ sự chia sẻ và đóng góp của các bạn.

3 comments:

  1. Cô ơi, vậy chắc em phải đề nghị với sếp mới của em đóng phí cho em làm thành viên AIR và sẽ chính thức (tức với tư cách giám đốc TT vốn chưa ra đời của em) liên hệ cô, hợp tác dịch mấy cái tài liện này nhỉ? Trước nhất là đăng trên bulletin của HS? Cô thấy sao? hehe

    ReplyDelete
  2. Hi Lộc,

    Ok, you're more than welcome. Nhưng nhớ là phải hợp tác sòng phẳng em nhé, phi lợi nhuận (UEF gọi là "vô vụ lợi"), và không ai rình rập để lấy của ai. Ai có công đến đâu thì phải trả đầy đủ và thừa nhận đầy đủ đến đó, nhé!

    PA

    ReplyDelete
  3. Chời, cô đọc luận văn em chưa? personal conversation, dù chỉ là chuyện dịch một thuật ngữ thế nào, em cũng để footnote acknowledge. Nếu có tiền thì trả tiền, không có tiền thì "cám ơn" trên ấn phẩm.
    cheers,
    Loc

    ReplyDelete