Thursday, March 18, 2010

Tin tốt lành: Trung tâm luyện thi đại học đang ế ẩm!

Tin đó ở đây.

Tại sao tôi lại xem đó là tin tốt lành? Vì lâu nay tôi vẫn là người ra sức chống việc luyện thi, do tôi nghĩ nó là một phần của bệnh thành tích và là một trong nhiều nguyên nhân của sự xuống cấp trong chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

Tôi biết sẽ có nhiều người phản ứng với tôi khi đọc cái tựa này, đặc biệt là các trung tâm luyện thi đại học. Tôi cũng biết, việc luyện thi - examination coaching - không phải chỉ có ở VN, mà đâu đâu cũng có, kể cả Mỹ. Mà các trung tâm đó cũng có vai trò của nó, chứ không phải là không có vai trò gì (vì nếu không có vai trò thì chắc chắn là nó không tồn tại được, đơn giản vậy thôi!)

Thế thì tại sao nó lại là tin tốt lành? Vì ở VN, các trung tâm luyện thi đại học đã mọc lên quá nhiều trong thời gian vừa qua. Cùng một lúc với việc các trường đại học mọc lên như nấm, bất chấp chất lượng, bất chấp tri thức, bất chấp các chuẩn mực đạo đức trong khoa học.

Kết quả rất rõ ràng của sự phát triển ồ ạt về số lượng nói trên là sự tăng vọt số lượng của số sinh viên tính trên một vạn dân, số người có bằng kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, và các các bộ có quyền chức với bằng cấp cao vòi vọi.

Cùng với nó, và chắc chắn là một phần hệ quả của nó, là sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự cạn kiệt, phá hoại môi trường sống, sự sa mạc hóa của đời sống văn hóa, sự im lặng như bầy cừu của trí thức trước những nỗi bất công và tệ nạn của xã hội.

Bao trùm lên hết, gần đây, là một không khí ngột ngạt về tinh thần, đôi khi thấy giống như giữa đêm dài trung cổ.

Tôi có khái quát hóa một cách ... vô tội vạ không? Tôi nghĩ rằng không. Vì tôi sống và tham gia sâu sát, làm việc suốt đời trong hệ thống giáo dục này, tự hào về nó, trăn trở vì nó, buồn vui vì nó, đau đớn vì nó, và ... sắp đến chỗ dửng dưng trước nó (sự dửng dưng của một người biết rằng mình bất lực!).

Nên hôm nay thấy tin này, bỗng thấy mừng: phải chăng đây là biểu hiện của sự tỉnh ngộ?

Viết vội trong cơ quan trong giờ làm việc; tôi sẽ trở lại vấn đề này sau, khi có thời gian. Nhưng đây quả thật là một trong rất ít những tin mà tôi cho là tốt trong những ngày qua.

4 comments:

  1. Chị xem lại cái link đã chèn vào bài viết của TTX VN, vì đi theo link của chị chèn thì báo không tìm thấy như sau: http://www.vietnamplus.vn/Home/Trung-tam-luyen-thi-dai-hoc-Lam-chieu-van-e-am/20103/36812.vnplus%22

    Nhưng khi tôi lấy tựa bài viết để search trên Google thì lại vào được TTX VN có bài này.

    Nhiều tay sẽ vỗ nên kêu. Và kinh tế thị trường đúng sẽ sàn lọc những nôi kém chất lượng.

    Giáo dục nước mình đang lúc trỡ mình, nên phải kiên nhẫn thôi.

    ReplyDelete
  2. Bác Hải,

    Cám ơn bác. Tôi đã sửa lại, bây giờ vào được rồi đấy bác ạ. Lỗi ngữ pháp khi chèn link!

    "Đông tay vỗ nên bộp", thành ngữ đấy bác ạ.

    Chúng ta đang vỗ tay phải không bác? Những tiếng vỗ còn rời rạc, nhưng cũng phải cố vỗ thôi!

    PA

    ReplyDelete
  3. Đây có thể là điều tốt cho thí sinh(TS) ròi vì không phải căng sức giải những cái đề thì quá cao siêu.
    Nhớ thời còn trung học, có một số bạn cũng chọn cách luyện thi và xin qua học bổ túc văn hóa để có thời gian luyện thi.

    Tôi chẳng thích mấy cái kiểu thi theo khối A,B,C đang làm một phần vì mình học "yếu" và không đủ trình độ để giải mấy cái đề thi đó. Một phần là tôi thấy nó chẳng có ăn nhập gì với các chuyên ngành mà TS sẽ học sau này. Ví dụ như ngành tài chánh, kinh tế thì môn tóan thì được rồi, còn môn lí và hóa thì có dư thừa không?

    Và nếu đề thì ĐH, CĐ nó gần bằng với kiến thức 12, thì việc gì phải thi cho nó tốn kém?

    ReplyDelete
  4. Hi ttd,

    Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của bạn ở câu cuối:

    Và nếu đề thì ĐH, CĐ nó gần bằng với kiến thức 12, thì việc gì phải thi cho nó tốn kém?

    Theo tôi, chỉ cần thi TN THPT cho nghiêm túc (và nhẹ nhàng), học bao nhiêu môn thì thi bấy nhiêu, còn lại để các trường đại học tự lo chuyện tuyển sinh của họ. Thế là đâu vào đấy cả thôi.

    PA

    ReplyDelete