Sunday, March 28, 2010

Viết cho những người mới học thống kê giáo dục lần đầu tiên

Tôi viết entry này để tặng các sinh viên cao học chuyên ngành đo lường đánh giá trong giáo dục, những người cần học thống kê giáo dục và sẽ phải dùng nó dài dài trong cuộc đời làm việc của mình, nếu các bạn làm đúng ngành mình học.

Trước khi viết thêm, tôi cần xác định ngay tôi hoàn toàn không phải là chuyên gia thống kê, mù tịt về phần toán học làm cơ sở cho cách tính toán của nó. Nếu là thời xưa, phải dùng máy tính tay và nhớ công thức để tính, thì chắc chắn là tôi "chết ngay tại chỗ" rồi chứ không còn ngồi đây mà viết entry này nữa. Nếu có dám nhận là gì, thi tôi chỉ gồng mình lên nhận mình có hiểu biết các khái niệm thường dùng, và có khả năng sử dụng thống kê để giải quyết những vấn đề quen thuộc mà công việc quản lý đặt ra cho tôi hàng ngày mà thôi. Thế cũng giỏi lắm rồi còn gì.

Thời tôi còn làm luận văn tiến sĩ ở Úc vào giữa thập niên 1990, tôi vẫn còn phải tính bằng tay khi ngồi dự thính trong lớp thống kê của sinh viên. Nhưng lúc ấy cũng đã có SPSS rồi (phải thuộc syntax để viết lệnh, chứ không dùng menu dễ dàng như ngày nay). Nên tôi mới sống sót được qua cái luận văn khủng khiếp đó. Vậy các bạn yên tâm là đa số chúng ta đều sợ thống kê, trừ mấy cái đầu siêu việt mê toán thì không nói. Mà nói lén các vị ấy một chút, mấy người giỏi toán dạy thống kê cho các bạn thì các bạn sẽ không hiểu gì hết, và có lẽ cũng chẳng dùng được đâu vì quá trừu tượng.

Quay trở lại thống kê và phần mềm thống kê. Tôi cho rằng việc phải tính bằng tay như ngày xưa tuy khó nhưng cũng có tác dụng của nó: giúp người học hiểu rõ khái niệm hơn, và nếu không hiểu thì không thể nào tính được. Còn ngày nay, cứ nhập số liệu vào máy, nghịch ngợm một hồi cũng ra được đủ thứ kết quả, mặc dù người học có thể chẳng hiểu gì. Thế mới chết! Mà đó cũng là kinh nghiệm tôi đã trải qua rất nhiều lần khi ngồi hội đồng chấm luận văn cao học ngành phương pháp giảng dạy tiếng Anh rồi.

Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật: Tôi cho rằng việc học thống kê thời nay, đặc biệt là với đối tượng như các bạn, thì hiểu rõ khái niệm và ý nghĩa của các kết quả thao tác thống kê còn quan trọng hơn nhiều so với việc có thể thao tác ra nó. Mà cách sách vở soạn để dạy thống kê ở VN đa số vẫn chỉ chú trọng phần thao tác. Giống như rất nhiều thứ khác ở VN: quên hỏi why, mà chỉ hỏi what hoặc how mà thôi!

Vì quan điểm như vậy, nên các sách thống kê của VN rất thiếu phần minh họa cụ thể và được bối cảnh hóa để người học hiểu rõ khái niệm. Và quan trọng không kém là giải thích sao cho người học hiểu được và đọc được các kết quả thống kê, tương tự như các bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm vậy. Đã là bác sĩ thì không cần, mà có lẽ cũng không thể, tự tay làm xét nghiệm, mà chỉ cần đọc ra ý nghĩa của kết quả xét nghiệm thôi.

Vậy phải làm sao? Tôi nghĩ, có lẽ tôi sẽ cần chia sẻ dài dài những suy nghĩ của tôi với các bạn trên blog này. Nhưng hôm nay thì tạm dừng lại với việc giới thiệu một trang web mà tôi cho rằng đáp ứng được đúng nhu cầu của các bạn (một kiểu statistics for idiots đấy mà). Đó là trang web Hyperstats Online Statistics Textbook, ở đây. Bảo đảm rất dễ chịu, dễ hiểu, và đáp ứng đúng yêu cầu giúp hiểu khái niệm và ý nghĩa hơn là thao tác. Điều duy nhất có thể gây khó khăn cho các bạn là ... tiếng Anh, nhưng không sao, có thể gửi comment hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời.

Tạm thời thế các bạn nhé. Ít ra các bạn có thể yên tâm rằng các bạn cũng chẳng kém gì hơn ai: tôi đã bật mí cái bí mật dốt toán của tôi ra cho các bạn biết rồi đấy. Mà vẫn tồn tại tốt đến giờ với thống kê giáo dục đó thôi!
--
Cập nhật ngày 28/3/2010
Thêm một link nữa cho các bạn. Trang web có tên Statistics Help for Journalists. Dễ hiểu, dành cho người dốt toán (!). Link đây: http://nilesonline.com/stats/

Hoặc trang này, cũng dành cho người mới học: http://www.nvctc.commnet.edu/ir/statsprimer.shtml

Một link khác, advanced hơn, chỉ dẫn đến những nguồn tư liệu về thống kê. Ở đây.
Link đây: http://faculty.chass.ncsu.edu/garson/PA765/statnote.htm

Còn các link này dành cho giáo viên, ở đây. Link: http://www.datadesk.com/support/guide/

đây nữa, link: http://www.stat.psu.edu/online/program/stat504/01_overview/index.html

No comments:

Post a Comment