Trong chỉ thị này, Thủ tướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện 12 việc, được nêu trong 12 đầu mục, trong đó có 2 mục mà tôi quan tâm. Vì nó thể hiện quan điểm mới mẻ trong quản lý giáo dục (well, không mới với nước ngoài nhưng mới với VN). Đó là mục số 9 có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và mục số 12 liên quan đến việc xây dựng chiến lược phát triển tại các trường.
Dưới đây là trích dẫn nguyên văn hai mục nói trên và những "tiếp thu" và nhận định của tôi:
Mục số 9:
9. Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các trường đại học và cao đẳng, triển khai từng bước việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng; xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập.
Trong mục số 9 này, tôi quan tâm đến hai chỗ mà tôi đã tô đậm trong phần trích dẫn: Thủ tướng đã chỉ thị phải đẩy nhanh tự đánh giá, còn kiểm định thì thực hiện từng bước.
Hóa ra, chưa đọc chỉ thị mà tình cờ chiều nay tại Hội thảo tôi cũng đã phát biểu với quan điểm tương tự như trong chỉ thị nói trên. Chả là, tôi được Ban Tổ chức yêu cầu tham gia nhận định về tác động của hoạt động kiểm định, với tư cách là một người đang làm công tác đảm bảo chất lượng tại một trường đại học.
Lâu nay tôi vẫn luôn nghĩ, và nói khi có dịp - và cũng đã nói trong phát biểu chiều nay - rằng có vẻ như VN tiến hành kiểm định chẳng qua là để nói rằng các trường của mình đã thực hiện kiểm định xong. Trong khi đó, vấn đề quan trọng hơn là hiểu rõ kiểm định xong thì mình sẽ được cái gì kia chứ? Phải chăng kiểm định chỉ nhằm tự trấn an chính mình rằng chất lượng giáo dục của mình tốt đấy chứ, đâu có gì đáng lo ngại? Vì đã được kiểm định hết rồi?
Thật ra, dù ta có cấp giấy chứng nhận kiểm định cho tất cả các trường thì ai chẳng biết rằng chất lượng giáo dục đại học của ta là chưa tốt, so với trình độ của khu vực - chứ đừng nói là trình độ thế giới. Nếu vậy, liệu việc cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các trường có tác dụng gì hay không? Hay nó là biểu hiện mới của bệnh thành tích?
Hoặc ngược lại, phải chăng Việt Nam dự định thực hiện kiểm định một cách thực sự nghiêm khắc, theo đúng các chuẩn mực quốc tế? Nếu vậy, do chất lượng giáo dục đại học của ta là thấp, nên đa số các trường được kiểm định sẽ không đạt, và sẽ không được cấp giấy chứng nhận. Nhưng thực tế đó chúng ta vẫn biết mà? Có cần tốn kém tiền của và công sức để tổ chức thật nhiều đoàn đánh giá ngoài, sau đó kết luận rằng đa số các trường của ta chưa đạt tiêu chuẩn kiểm định hay không?
Chất lượng của các trường sau khi kiểm định, dù kiểm định nghiêm túc hay sơ sài, cũng sẽ không thay đổi gì, vì việc kiểm định tự nó không mang lại chất lượng. Điều quan trọng hơn, là làm gì để cải thiện những điều chưa tốt sau khi đã biết rõ về mình thông qua quá trình kiểm định?
Việc này cũng giống y như việc đa số học sinh lớp 12 của ta biết trước là sẽ không đậu đại học (vì chỉ khoảng 20% có khả năng đậu), nhưng vẫn cứ ùn ùn kéo nhau đi thi, làm lãng phí thời gian, tiền của, công sức của xã hội. Đi thi đâu có làm cho các thí sinh giỏi lên? Điều quan trọng là dạy cho chúng giỏi lên, chứ không phải là ép chúng đi thi. Thi xong, rớt, không có điều kiện để học cho tốt lên, thì đi thi nữa, vẫn sẽ mãi mãi rớt!
Vậy, tốt nhất là hãy kiểm định những trường có khả năng đạt kiểm định một cách nghiêm chỉnh, song song với việc thực hiện tự đánh giá rộng rãi và thực hiện các biện pháp cải thiện một cách có hệ thống trước khi triển khai kiểm định một cách đồng bộ. Giáo dục đại học VN hiện nay có lẽ đa số cũng giống như những người bệnh, vậy phải khám bệnh, rồi viết toa thuốc, theo dõi bệnh nhân uống thuốc đồng thời với việc bồi bổ sức khỏe, rồi sau đó mới cho phép bệnh nhân xuất viện và ... đi thi.
Tức là chậm phần kiểm định, đẩy nhanh tự đánh giá và cải thiện. Giống như trong chỉ thị trên.
Mục số 12:
12. Hướng dẫn và kiểm tra các trường đại học, cao đẳng xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước và của giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.
Theo tôi, mục này dù nằm ở cuối nhưng lại là quan trọng nhất vì nếu làm đúng thì nó sẽ giúp mang lại chất lượng cho giáo dục VN. Tuy nhiên, để làm tốt mục này, về mặt kỹ thuật tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng kết nối nó với mục số 9 ở trên.
Và đây là cách làm của quốc tế: chú trọng việc tự đánh giá (self-assessment, hay self review) của các trường để họ để biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Sau đó, dựa trên đánh giá này, xây dựng một chiến lược khả thi, phù hợp với bối cảnh và nguồn lực của trường, nhằm đạt được những mục tiêu phát triển (có đối chiếu với các tiêu chuẩn kiểm định). Và bám sát chiến lược đó để thực hiện, dưới sự giám sát và hỗ trợ của Bộ Giáo dục, nếu đó là các trường công, được nhà nước đầu tư.
Có một chuyên gia về quản lý chất lượng nào đó, tôi quên tên rồi, đã phát biểu: chất lượng giống như sắc đẹp. Tôi muốn mở rộng ẩn dụ này ra để nói về giáo dục đại học của VN: hiện nay giáo dục đại học của Việt Nam đang là một cô gái không đẹp (= xấu) và mới bắt đầu tập tành làm đẹp. Vậy thì sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền của, và công sức. Và cần kiên trì luyện tập, và "làm thật" (= chống sự giả dối, bệnh thành tích). Tuyệt đối không được dùng các loại mỹ phẩm dỏm, uống thuốc tiên (!) để mong làm đẹp nhanh chóng. Coi chừng đi cấp cứu!
Nhân tiện, dưới đây là hình của tôi đang nhận quà của Ban Tổ chức Hội thảo sau khi hoàn tất phần phát biểu của mình trong phiên toàn thể số 6 (Plenary 6). Tự quảng cáo, hơi bị lộ liễu!:-)
No comments:
Post a Comment