Nhưng hôm nay bất ngờ đọc được trên tờ báo của phụ nữ TP HCM một tựa báo táo bạo như đã nêu, khiến tôi phải đọc ngay. Và bất ngờ vì những ý kiến trong bài báo khá sắc sảo. Bài đó ở đây.
Xin trích dẫn ở đây một số đoạn đáng đọc, kèm bình luận của tôi.
Bộ đặt vấn đề: Tốc độ phát triển ĐH, về số lượng, trong thời gian qua như phi mã, trong khi chất lượng lại không chuyển biến và không đáp ứng được yêu cầu. Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng GDĐH như mức đầu tư, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... nhưng những điều này khó bề cải thiện. Vì vậy, Bộ chọn đổi mới quản lý GD-ĐH - khâu ít tốn tiền nhất - làm khâu đột phá, để nâng cao chất lượng GDĐH.
Tôi nghĩ cách đặt vấn đề này của Bộ là đúng. Tình trạng của giáo dục đại học hiện nay cũng giống như trước khi đổi mới kinh tế, chúng ta đã huy động công sức cả nước để thực hiện cải tạo công thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp, nhằm "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Để rồi cả nước rơi vào nạn đói.
Vậy mà sau đó, chỉ cần đổi mới quản lý kinh tế, giải phóng sức dân, thực hiện khoán 10 trong nông nghiệp, thì nước ta không những thoát đói nghèo, mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo có hạng trên thế giới! Nên nhiều người đã đặt câu hỏi: khi nào có khoán 10 trong giáo dục?
Tuy nhiên, phải nói thêm: Mặc dù đổi mới QLGD là khâu ít tốn tiền nhất, nhưng lại là khâu khó nhất! Và không phải chỉ có quyết tâm đổi mới là đủ. Mà phải có năng lực để nhìn ra vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp. Không hề dễ dàng đối với một nước có mặt bằng dân trí thấp, và trí thức chưa được trọng dụng hết mức. Vì thế, để đổi mới QLGD thì cần rất nhiều thời gian, và không có cách nào để đi tắt đón đầu được đâu!
[...] [V]ào tháng 11/2005, Chính phủ đã có Nghị quyết số 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, nhưng đến nay, sau bốn năm thực hiện vẫn chưa được đánh giá rút kinh nghiệm, thậm chí nó còn có nguy cơ rơi vào quên lãng. Bây giờ, Bộ GD-ĐT lại có nghị quyết và chương trình mới.
Chà, thế này thì lo quá nhỉ? Ai dám chắc chương trình hành động mới sẽ thành công, nếu nó vẫn được thực hiện với tư duy cũ, phương pháp cũ, con người cũ? Vì tôi chưa thấy được cái gì mới lắm trong cách làm hiện nay.
Giáo sư Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - [...] băn khoăn: "Quản lý của Bộ đang rất nghiệp dư so với sự phát triển. Vừa qua, nhiều văn bản Bộ đưa ra nhưng các trường không thực hiện được, vì vậy Bộ cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để nội dung các văn bản đúng đắn và có tính khả thi. Để được như thế, khi xây dựng văn bản cần phải bám vào thực tiễn, do những cán bộ giỏi ở các trường đảm nhiệm".
Phát biểu này của GS Bùi Văn Ga tôi rất đồng ý, nhưng xin không bình luận thêm nữa. Tôi đã có viết một entry dài về việc nhiều quy định hiện nay bất hợp lý và không thực hiện được. Mọi người có quan tâm xin đọc ở đây.
TS Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói: "Chúng tôi đã nói nhiều nhưng hình như Bộ không thấu. Nỗi lo về chất lượng đào tạo là nỗi lo chung. Nhưng vì nỗi lo đó mà Bộ can thiệp sâu, làm thay cho trường, là không hiệu quả. Các trường cần được tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Bộ chỉ nên xử lý đến nơi đến chốn chuyện "đầu vào", "đầu ra". Còn hiện nay, do tư duy "muốn có chất lượng thì phải quy định từ trên", nên Bộ làm thay trường, trường làm thay khoa, khoa làm thay giáo viên và giáo viên làm thay SV".
Vâng, tôi cũng rất đồng tình với phát biểu này. Và ... tự hào :-), vì tôi cho đây là phát biểu hay nhất trong bài báo này, mà lại là của một hiệu trưởng nữ!
Nhưng tôi cũng có một bình luận: Quan niệm "muốn có chất lượng phải quy định từ trên" là một quan niệm đúng đắn chứ không có gì sai cả! Vấn đề là quy định cái gì thôi.
Bộ, cấp vĩ mô, thì quy định về quyền hạn, trách nhiệm, và quan hệ giữa các bên có liên quan (nhà trường và giáo viên, sinh viên, nhà nước, và xã hội), và các biện pháp xử lý, chế tài nếu có vi phạm, hoặc sự tưởng thưởng, khích lệ khi làm tốt. Còn trường thì sẽ ra các quy định chung về vận hành nhà trường, như cơ cấu tổ chức, tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự, lương bổng, điều kiện làm việc, các yêu cầu đối với người học khi tuyển sinh. Đến lượt mình, giáo viên lại phải có những "quy định" (tức yêu cầu đối với sinh viên) cho môn học mà mình giảng dạy, ví dụ đọc những sách vở tài liệu gì, làm bao nhiêu bài tập để nộp, phải đi thực tập thực tế ra sao.
Chứ như bây giờ, thì Bộ đang quản lý quá vi mô, và như thế chắc chắn sẽ không hiệu quả. Giống y hệt như ngày xưa ta bắt các nông dân đưa ruộng vào hợp tác xã để cho ban chủ nhiệm HTX quản lý dùm. Mấy giờ đánh kẻng đi làm, chỗ nào, mùa nào trồng cây gì, nuôi con gì vv. Mà những người quản lý lại không hiểu rõ đặc điểm của đồng ruộng bằng chính những người nông dân cày bừa cả đời mình trên mảnh đất đó. Chỗ nào có lung, có gò. Mùa nào hạn, mùa nào lụt. Cứ quyết định bừa đi, bắt người ta làm theo ý mình. Và kết quả ra sao, thì ai cũng rõ cả rồi.
Xin kết thúc bằng một trích dẫn của Einstein mà tôi cho là rất phù hợp với hoàn cảnh VN hiện nay:
"We cannot solve our problems with the same thinking that we used when we created them."
No comments:
Post a Comment