Saturday, March 13, 2010

Bài cần đọc: "Đêm qua cụ Lý Thái Tổ đã rời Hà Nội"

Vâng, đọc và suy nghĩ. Nó ở đây.

Và không chỉ nghĩ rồi thôi. Mà phải hành động. Đặc biệt là ngành giáo dục.

Không cần gì nhiều. Không cần chủ trương của Đảng, chỉ đạo của cấp trên, viết đề án để được lãnh đạo phê duyệt, phát động phong trào, kêu gọi sự tham gia của đoàn thể: công đoàn, đoàn thanh niên, vv và đông đảo quần chúng.

Vì 35 năm qua chúng ta làm như vậy rồi. Và mọi việc hình như không tốt lên, nếu không nói là xấu đi. Cứ nhìn sự khác biệt giữa thế hệ chúng tôi khi còn là học sinh, sinh viên, với thế hệ ngày nay sẽ rõ. Đây này.

Vậy phải làm gì? Cần từng cá nhân nỗ lực, tôi tin thế. Từng thầy cô ân cần, chăm chút, mà nghiêm khắc trong việc uốn nắn, dạy dỗ các em sinh viên, học sinh. Và dạy cho các em từ sớm, càng sớm càng tốt. Dạy cho các em những điều nhân bản nhất, thông qua những câu chuyện ngụ ngôn, những bài thơ, lời hát. Dạy bằng lời, bằng hành động, và bằng tâm hồn của các thầy cô.

Sẽ có người bảo tôi không tưởng. Nhưng tôi tin vào điều tôi nói. Tôi cũng vừa viết một mục trên bloganhvu về vấn đề này. Ở đây.

Tôi tin vào vai trò và giá trị của từng cá nhân. Và những cá nhân lỗi lạc sẽ có tác động lớn đến cộng đồng, đến xã hội, và đến toàn nhân loại. Lịch sử đã chứng minh điều này.

Tôi cũng tin vào tác động của từng việc làm nhỏ nhặt đến việc hình thành nhân cách của một con người. Và nhân cách của từng con người sẽ làm nên bản sắc và tư thế của cả một dân tộc.

Xin kết thúc entry bằng những câu danh ngôn ngày xưa ba tôi hay đọc mà đến nay tôi vẫn thuộc nằm lòng:

Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.

Cảnh khổ là nấc thang của bậc anh tài, kho tàng của người khôn khéo, và vực thẳm của kẻ yếu đuối.

Đừng khinh việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền.

Để cho con một kho tàng, không bằng để cho con một quyển sách.

No comments:

Post a Comment