Friday, August 12, 2016

Tư liệu: Thí điểm thi trắc nghiệm vào đại học, cao đẳng năm học tới: Khó chuẩn bị kịp (2005)

http://catlinhschool.edu.vn/vn/content/tintuc/tintonghop/thi-diem-thi-trac-nghiem-vao-dai-hoc-cao-dang-nam-hoc-toi-kho-chuan-bi-kip_18728.aspx

Kỳ thi tuyển sinh năm 2005, việc thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ bị huỷ bỏ vào phút cuối cùng, sau khi đã được triển khai chuẩn bị khá rầm rộ đã khiến không ít người làm công tác quản lý và cả thí sinh bất ngờ. Sau hơn nửa năm, đến cuối tháng 9 này, việc đưa hình thức thi trắc nghiệm khách quan vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 mới chính thức được quyết định. Tuy vậy, dư luận cho rằng công tác chuẩn bị chắc chắn sẽ rất cập rập. Sau khi tạm hoãn thi trắc nghiệm trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 đối với môn ngoại ngữ, Bộ GDĐT vừa chính thức quyết định năm 2006 sẽ triển khai thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ. Từ năm 2007, sẽ mở rộng thi trắc nghiệm đối với các môn vật lý, hoá học, sinh vật. Năm 2008 tiến tới thi trắc nghiệm các môn toán, lịch sử, địa lý, riêng môn văn vẫn thi tự luận. Lộ trình định sẵn Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tháng 6.2006 và tuyển sinh vào ĐH, CĐ tháng 7.2006, các đề thi môn ngoại
Loại câu trắc nghiệm dùng trong các đề thi ngoại ngữ là câu trắc nghiệm nhiều hình thức lựa chọn (đều có 4 lựa chọn: A, B, C, D). Đề do Bộ GDĐT biên soạn, được in sẵn và có nhiều phiên bản, do máy tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D.
Các TS ngồi cạnh nhau có đề thi giống nhau về nội dung, nhưng không giống nhau về thứ tự các câu hỏi. Phạm vi kiến thức, thang điểm và yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi, giám sát và bảo mật trong khâu chấm thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận.
Mỗi đề thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ có khoảng 50 câu; đề thi ĐH, CĐ có khoảng từ 70 - 100 câu. Thời gian làm bài tốt nghiệp là 45 phút và thi ĐH, CĐ là 90 phút. TS làm bài trên "phiếu trả lời trắc nghiệm" được in sẵn.
Bài thi của TS được giữ trong túi niêm phong từ hội đồng thi và chuyển về những trung tâm chấm thi do Bộ GDĐT tổ chức. Khâu chấm thi trắc nghiệm được thực hiện trên máy quét chuyên dụng với phần mềm chấm thi. 

Theo kế hoạch của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GDĐT đưa ra thì tài liệu hướng dẫn, tập huấn và giải đáp về thi trắc nghiệm sẽ được gửi tới các sở và trường ĐH, CĐ (khối D) trong tháng 10 tới.
Việc tập huấn cho cán bộ in sao đề thi, coi thi và chấm thi trắc nghiệm sẽ được tiến hành từ tháng 12.2005. Tháng 11.2005, bộ tổ chức thí điểm thi trắc nghiệm ở một số vùng, miền; tháng 1.2006 tổ chức thi thử cho học sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc. 
 
Đầu khó xuôi?
Môn ngoại ngữ được chọn để "mở màn" cho lịch trình trắc nghiệm hoá tất cả các đề thi tuyển sinh. Đây có thể coi là môn làm đề thi trắc nghiệm dễ nhất, vì đã có cả kho đề thi và kinh nghiệm dạy, học khá phong phú của thế giới nói chung. Do đó, việc tổ chức thành công thi trắc nghiệm ngoại ngữ trong năm 2006 là đòi hỏi bắt buộc để tiếp tục tiến hành với các môn còn lại. 

Tuy nhiên, đối với thực tế giảng dạy môn ngoại ngữ ở trong nước, thì việc triển khai thi trắc nghiệm ở một kỳ thi cấp quốc gia cũng đặt ra nhiều thách thức. Trước hết, đó là chất lượng đề thi. Một thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh cho rằng năm đầu tiên làm đề, nếu có quá nhiều TS bị điểm thấp, hoặc số lượng điểm cao quá lớn, là đề thi đã không thành công.
Ngày 21.9, Ban chỉ đạo tuyển sinh đã có buổi làm việc với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng về ngân hàng đề thi môn ngoại ngữ. Kết quả cho thấy, về cơ bản, ngân hàng đề đảm bảo cho việc tiến hành thí điểm thi thử. Vấn đề còn lại là tập huấn cán bộ địa phương, hướng dẫn cho TS. Khâu tập huấn không cẩn thận sẽ rất khó khăn trong quá trình chấm thi, gây thiệt thòi cho TS.
Việc chấm thi trắc nghiệm được triển khai trên máy để đảm bảo khách quan và công bằng. Do đó, đối với những bài thi bị quăn mép hoặc TS trình bày không đúng yêu cầu kỹ thuật..., máy sẽ loại bỏ và không chấm điểm. 

Ông Nguyễn Hoài Chương - Trưởng phòng Trung học (Sở GDĐT TPHCM) đánh giá: Ngay bản thân đề ngoại ngữ dạng thi cũng gần như trắc nghiệm, nên thi trắc nghiệm ngoại ngữ hoàn toàn không có gì xa lạ, các trường đã và vẫn đang tổ chức thi trắc nghiệm với môn tiếng Anh.
Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng việc hướng dẫn như vậy là chậm, lẽ ra phải sớm hơn. "Đúng ra, phải càng sớm càng tốt, chủ trương như thế nào nói cho phụ huynh an tâm và bản thân nhà trường chủ động".
Đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi học sinh còn ít được tiếp xúc với các phương pháp giảng dạy hiện đại và các tài liệu về thi cử, thì việc tập huấn cho các em sẽ càng vất vả. Tuy nhiên, đến giờ phút này, hầu hết các sở GDĐT đều cho biết là chỉ còn cách ngồi chờ bộ đưa tài liệu hướng dẫn về.

 
Ông Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: Đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ sẽ bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông, chỉ thay đổi từ cách thi này sang cách thi khác, chứ không thay về cách kiểm tra trình độ. Đặc biệt, phạm vi kiến thức của đề thi trắc nghiệm sẽ tương đương như đề thi tự luận. 
Hạnh Ngân

Ảnh: Từ 2006 sẽ thí điểm thi trắc nghiệm (chụp tại Đại học Luật Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh đại học 2005)
.

No comments:

Post a Comment