Thursday, August 25, 2016

Đề tài "Áp dụng tiêu chuẩn ĐGCL của AUN" (2): TỔNG QUAN HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CỦA AUN

Phần này trích từ Chương 2 của Đề tài mà tôi giới thiệu trong bài trước, ở đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2016/08/e-tai-ap-dung-tieu-chuan-anh-gia-chat.html. Loạt bài này còn dài, các bạn đón đọc nhé.
-----------
Dẫn nhập vào Chương II

Như đã được giới thiệu trong Chương I, đề tài này nhằm thử nghiệm áp dụng AUN vào các trường NCL tại TP HCM. Nhưng tại sao lại là AUN mà không phải là một mô hình nào khác? AUN có những điểm gì khác so với mô hình đang áp dụng tại Việt Nam, và một số mô hình khác trên thế giới? Khi áp dụng AUN tại Việt Nam thì cần lưu ý những vấn đề gì? Đó là những nội dung chính mà Chương II sẽ đề cập, nhằm cung cấp cơ sở lý luận cho đề tài, từ đó đề ra cách thiết kế nghiên cứu, phương pháp tiến hành và căn cứ để đưa ra những kết luận của đề tài.

AUN là từ viết tắt của cụm từ ASEAN University Network (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), được thành lập năm 1995 trên tinh thần lời kêu gọi “thúc đẩy tình đoàn kết và sự phát triển bản sắc khu vực thông qua phát triển nguồn nhân lực để tăng cường mạng lưới các trường đại học hàng đầu trong khu vực”, nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết giữa các trường thành viên thông qua các hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng, tiến tới sự liên thông và công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực học thuật.

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ MÔ HÌNH HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CỦA AUN

2.1 Khái lược về lịch sử của AUN và AUN-QA

Vào thời điểm thành lập, AUN bao gồm 11 trường đại học hàng đầu của 6 quốc gia trong nhóm ASEAN-6 (tức nhóm 6 quốc gia có mức độ phát triển cao hơn trong ASEAN, gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, và Singapore) . Trong những năm đầu (1995-1999), khi các thành viên của AUN có chất lượng tương đối đồng đều, AUN tập trung vào việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các trường, và trao đổi sinh viên - giảng viên với quy mô nhỏ.

Trước sự mở rộng thành viên của khối ASEAN vào cuối thập niên 1990 kéo theo sự gia tăng số thành viên trong AUN cũng như sự thiếu đồng đều về chất lượng giữa các trường thành viên, Hội đồng quản trị AUN đưa ra chủ trương chú trọng công tác đảm bảo chất lượng để thúc đẩy sự phát triển của những trường thành viên còn yếu, thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường, đồng thời nâng cao hình ảnh của giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á nói chung.

Kể từ ngày thành lập đến nay, AUN-QA luôn cố gắng làm tốt vai trò là công cụ để duy trì, cải thiện và nâng cao hiệu quả giảng dạy, các nghiên cứu và các tiêu chuẩn học thuật chung của các ttrường đại học thành viên. Các hoạt động đảm bảo chất lượng trong AUN đã góp phần nhằm khẳng định với thế giới về khả năng hội nhập của giáo dục đại học Đông Nam Á, đồng thời tạo điều kiện liên thông và công nhận lẫn nhau giữa các trường trong mạng lưới.

Hoạt động của AUN-QA từ ngày thành lập đến nay có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 1999 đến 2004 AUN-QA là thời gian định hướng hoạt động. Trong thời gian này, AUN-QA đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để bàn bạc, thảo luận và đi đến thống nhất những vấn đề tổng quát liên quan đến mô hình chất lượng và những nguyên tắc của hoạt động đảm bảo chất lượng tại AUN. Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn đánh giá thí điểm, diễn ra trong hai năm 2005-2006 nhằm thử nghiệm quy trình của AUN-QA và thực hiện các điều chỉnh cần thiết trước khi đi vào giai đoanh chính thức. Đợt đánh giá chính thức của AUN-QA bắt đầu vào cuối năm 2007, đánh dấu giai đoạn trưởng thành của AUN-QA. Tính đến cuối năm 2013, chỉ trong thời gian 6 năm AUN-QA đã tổ chức được 24 đợt đánh giá chính thức với tổng cộng là 58 chương trình của các trường đại học thành viên, trong đó có 18 chương trình của Việt Nam.

Như vậy, nếu tính từ khi các nguyên tắc đảm bảo chất lượng AUN được ban hành vào năm 2004, AUN-QA chỉ mới hoạt động được hơn một thập kỷ, một thời gian rất ngắn nếu so với các tổ chức kiểm định nghề nghiệp chuyên nghiệp của Mỹ như ABET   hoặc AACSB   với gần cả trăm năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, thời gian không dài ấy cũng đã đủ để AUN-QA gặt hái được khá nhiều thành quả và tích lũy được nhiều kinh nghiệm thông qua việc tổ chức các cuộc họp định kỳ, các hội thảo tập huấn hỗ trợ kỹ thuật chia sẻ thông tin và phát triển kỹ năng cho các thành viên, thực hành tự đánh giá và đánh giá đồng nghiệp, đồng thời liên tục hoàn chỉnh các văn bản, quy định, quy trình và các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng để tạo ra hệ thống đảm bảo chất lượng  hoàn chỉnh hiện nay.

2.2 Mục tiêu và cơ cấu tổ chức của AUN

Trọng tâm chiến lược của AUN được xây dựng dựa trên những điều lệ được ASEAN xác định nhằm tạo điều kiện phát triển hợp tác khu vực:
·        Tăng cường mạng lưới hợp tác hiện có giữa các trường đại học trong khu vực ASEAN và bên ngoài khối;
·        Thúc đẩy nghiên cứu hợp tác về nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của khối ASEAN;
·        Tăng cường hợp tác và đoàn kết giữa các học giả, các nhà học thuật và các nhà nghiên cứu giữa các nước thành viên ASEAN;
·        Hoạt động như một cơ quan có định hướng chính sách trong giáo dục đại học ở khu vực ASEAN.
Để thực hiện các mục tiêu này, AUN đã thiết lập một cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp độ: Cấp độ xây dựng chính sách là Hội đồng quản trị AUN (AUN Board of Trustees); cấp độ giám sát là Ban thư ký AUN (AUN Secretariat); và cấp độ thực hiện là các trường đại học thành viên (AUN member universities).

2.2.1      Hội đồng quản trị AUN

Hội đồng quản trị AUN bao gồm những thành phần sau:
·          10 đại diện đến từ 10 nước thành viên ASEAN, do chính phủ các nước này cử ra.
·          Tổng thư ký ASEAN (The Secretary-General of ASEAN) (mặc nhiên).
·          Chủ tịch Hội đồng quản trị AUN (The Chairperson of AUN Board of Trustees) (Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Giáo dục Đại học, Thái Lan) (mặc nhiên).
·          Chủ tịch của Hội nghị quan chức cao cấp về giáo dục (SOM-ED) (The Chairperson of Senior Official Meeting on Education) (mặc nhiên).
·          Giám đốc Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) (Director of Southeast Asian Ministers of Education Organisation) (mặc nhiên).
·          Giám đốc Điều hành của Ban thư ký AUN đóng vai trò là thư ký của Hội đồng quản trị AUN (The Executive Director of the AUN Secretariat).

2.2.2      Ban thư ký AUN


Ban thư ký AUN đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động của AUN. Chức năng chính của ban này là lập kế hoạch, tổ chức, điều phối, giám sát và đánh giá các chương trình và các hoạt động của AUN. Ngoài ra, nhiệm vụ của Ban thư ký AUN cũng bao gồm phát triển các ý tưởng, sáng kiến, đề xuất hợp tác cũng như xây dựng kế hoạch và cơ chế tìm kiếm và tạo ra nguồn kinh phí hoạt động. Ban thư ký AUN có trụ sở tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan, và làm việc chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN trong việc phối hợp và thực hiện các hoạt động hợp tác khu vực về giáo dục đại học. 

2.2.3 Các trường thành viên và vấn đề khoảng cách chất lượng trong AUN

Ở cấp độ thực hiện/triển khai, các trường đại học thành viên AUN tham gia và thực hiện các chương trình và hoạt động theo định hướng chung của Hội đồng quản trị và sự giám sát của Ban thư ký AUN. Sau gần 2 thập niên phát triển, với số lượng thành viên mới được kết nạp vô cùng hạn chế theo chủ trương chỉ kết nạp những trường đại học tốt nhất của mỗi quốc gia, từ 11 thành viên ban đầu hiện nay AUN đã có số lượng thành viên là 30 trường đại học đến từ 10 quốc gia (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam). 

Danh sách các trường thành viên AUN được đăng công khai trên trang web của AUN . . Hiện nay số lượng các trường thành viên AUN được phân bố ở các quốc gia ASEAN như sau: Malaysia và Thái Lan mỗi nước có 5 thành viên, Indonesia có 4 thành viên; các nước Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam mỗi nước có 3 thành viên; Cambodia có 2 thành viên; Brunei và Lào mỗi nước có 1 thành viên. 


Nhìn vào danh sách các trường trong Bảng 2, có thể thấy rằng mặc dù tất cả các trường này đều được xem là các trường hàng đầu của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các trường thành viên của AUN đều có chất lượng ngang nhau. Trái lại, do 10 nước thành viên của ASEAN vốn rất khác nhau về văn hóa, chính trị, mức độ phát triển kinh tế và trình độ khoa học công nghệ, nên khoảng cách về chất lượng giữa các trường thành viên của AUN là rất lớn. Điều này có thể thấy rõ qua sự có mặt và thứ hạng của các trường đại học thành viên của tổ chức này trong các bảng xếp hạng đại học hàng năm. 

Chi tiết cụ thể của 30 trường thành viên AUN được nêu trong Bảng 1 dưới đây; thông tin do trang web chính thức của AUN cung cấp.

(Chú thích: Bảng trên còn thiếu VN với 3 thành viên là 2 ĐHQG và ĐH Cần Thơ).

Xét theo kết quả xếp hạng năm 2014-2015 của hai tổ chức xếp hạng đại học được nhiều người biết đến là THE và QS, AUN chỉ có 2/30 thành viên lọt vào danh sách 100 trường hàng đầu thế giới, và cả hai trường này đều là các trường của Singapore (NUS và NTU). Tất cả 28 thành viên còn lại của AUN đều không có tên trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Chính vì sự khác biệt về đẳng cấp này nên hai trường thành viên AUN đến từ Singapore chưa bao giờ đăng ký tham gia vào các đợt đánh); vì vậy không thể so sánh chất lượng của các trường thành viên AUN dựa trên các bảng xếp hạng quốc tế này mà cần phải sử dụng các bảng xếp hạng riêng cho khu vực Châu Á.

Khi xem xét Bảng xếp hạng đại học Châu Á của QS, sự chênh lệch đáng kể giữa các thành viên của AUN được làm rõ. Ví dụ, trong 50 vị trí đầu tiên của Bảng xếp hạng, có tổng cộng 5 trường thành viên của AUN thuộc 3 nước: Singapore (2), Malaysia (1) và Thái Lan (2). Hai đại học quốc gia của Việt chỉ xuất hiện ở bảng danh sách áp chót với vị trí thuộc nhóm 151-200. Riêng ba quốc gia là Lào, Campuchia và Myanmar thậm chí cho đến nay vẫn không có trường đại học nào xuất hiện ở bất cứ danh sách nào cả.

Chính trong bối cảnh này, AUN đã cố gắng đưa ra một mô hình đảm bảo chất lượng để giúp các trường thành viên còn yếu có thể cải thiện chất lượng và giảm thiểu khoảng cách chất lượng giáo dục trong toàn khu vực.

2.3 Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN
Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN được xây dựng khá kỹ lưỡng trong một thời gian kéo dài 5 năm, từ năm 1999 đến năm 2004. Tham gia xây dựng mô hình này gồm một chuyên gia đảm bảo chất lượng thuộc các trường thành viên cốt lõi của AUN là NUS (Singapore) và Chulalongkorn (Thái Lan), với sự hỗ trợ của Ton Vroeijenstijn, một chuyên gia đảm bảo chất lượng tên tuổi từ Hà Lan. 

Xét một cách tổng quát, có thể nói mô hình đảm bảo chất lượng của AUN được xây dựng mô phỏng theo 3 cấp độ quản lý của một trường đại học là cấp chiến lược (tương ứng với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu của một trường); cấp chiến thuật (còn gọi là cấp hệ thống; tương ứng với hoạt động của các phòng ban trong trường); và cấp triển khai (tương ứng với hoạt động của các khoa/bộ môn). 


Ở mỗi cấp độ (cấp chiến lược, cấp hệ thống và cấp triển khai) lại có một mô hình cụ thể nhằm chi tiết hóa các thành tố có tác động đến chất lượng hoạt động của một cơ sở giáo dục. Các mô hình đảm bảo chất lượng cụ thể cho từng cấp độ sẽ được thảo luận trong phần kế tiếp.

2.3.1      Mô hình đảm bảo chất lượng cấp chiến lược (cấp trường)

Mô hình đảm bảo chất lượng cấp trường luôn bắt đầu bằng các vấn đề liên quan đến sứ mạng, mục tiêu, mục đích (mission, goals and aims - cột 1) và kết thúc bằng thành tích đạt được làm cho các bên liên quan hài lòng (achievement – cột 4).
Cột số 2 trong sơ đồ cho thấy cách nhà trường hoạch định chiến lược để đạt mục tiêu.
Cột số 3 trong sơ đồ cho thấy những hoạt động chủ chốt của một trường đại học.
Cuối cùng, để liên tục cải thiện, nhà trường cần triển khai một hệ thống đảm bảo chất lượng hiệu quả và đối sánh các hoạt động của mình với các trường khác để nâng cao kết quả đào tạo.


2.3.2 Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng cấp chiến thuật (hoặc cấp hệ thống)
Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng cấp chiến thuật, còn gọi là đảm bảo chất lượng bên trong, bao gồm 4 yếu tố chính, trong đó hai yếu tố đầu tập trung vào việc thu thập thông tin và các đánh giá thường xuyên, trong khi hai yếu tố sau tập trung vào các công cụ thu thập thông tin cho những đánh giá dài hạn, hoặc theo chu kỳ dài. 4 yếu tố đó là:

Các công cụ giám sát: là những công cụ được sử dụng để theo dõi chất lượng công việc và phát triển của nhà trường. Những công cụ này thu thập dữ liệu về (1) tiến trình học tập của sinh viên (student progress), (2) tỷ lệ lên lớp và bỏ học (pass rates, drop out rates), (3) phản hồi từ thị trường lao động và cựu sinh viên (outcomes of the structured feedback from employers and alumni), và (4) hiệu suất nghiên cứu (research performance).

Các công cụ đánh giá: là những công cụ đánh giá các hoạt động liên quan đến quá trình đào tạo như (1) đánh giá giảng viên do sinh viên thực hiện (student evaluation) để biết được sinh viên nghĩ gì về chương trình, đội ngũ giảng viên và phương pháp giảng dạy; (2) đánh giá môn học và chương trình học (course and curriculum evaluation) bao gồm nhiều đối tượng tham gia kể cả sinh viên; (3) đánh giá kết quả nghiên cứu (research evaluation) và (4) đánh giá các dịch vụ phục vụ sinh viên (service evaluation).

Các quy trình đảm bảo chất lượng chuyên biệt:  bao gồm (1) đảm bảo chất lượng việc đánh giá sinh viên (assurance student assessments), (2) đảm bảo chất lượng giảng viên/nhân viên (assurance quality staff), (3) đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất thiết bị (quality assurance facilities) và (4) đảm bảo chất lượng việc hỗ trợ người học (quality assurance student support).

Các công cụ đảm bảo chất lượng chuyên biệt: Tự đánh giá hay phân tích SWOT (SWOT analyses), đánh giá chéo liên cơ sở (inter-collegial audits), hệ thống thông tin (information system), sổ tay chất lượng (quality handbook). Trong các công cụ trên thì tự đánh giá hay phân tích SWOT được xem là một công cụ hữu hiệu giúp kiểm soát chất lượng và giúp quá trình phát triển của trường đi đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu.

Tất cả các yếu tố của mô hình đảm bảo chất lượng bên trong được biểu hiện qua sơ đồ trong Hình 4.


2.3.3 Mô hình đảm bảo chất lượng cấp triển khai (cấp chương trình đào tạo)
Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng cấp chương trình theo AUN tập trung vào hoạt động dạy & học, trong đó chú ý đến các khía cạnh: chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình, chất lượng đầu ra. Bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng cấp chương trình có 15 tiêu với 68 tiêu chí (Bảng 5).

(Bảng 5 rất dài nên không đưa lên đây; ai quan tâm xin gửi comment  bên dưới với email, tôi sẽ trả lời nhé.)


2.4 Tiểu kết
Có thể thấy, ngay từ khi thành lập AUN đã xem chất lượng là một mục tiêu quan trọng, và đảm bảo chất lượng được sử dụng như một công cụ thúc đẩy AUN phát triển liên tục với mục tiêu đẩy mạnh mặt bằng chất lượng giáo dục của cả khu vực Đông Nam Á. Thật vậy, một hệ thống đảm bảo chất lượng được dùng chung sẽ giúp các trường đại học của AUN nói riêng và của toàn khu vực ASEAN nói chung giải quyết các vấn đề chênh lệch về trình độ, xoá đi các ranh giới do sự khác biệt về văn hoá và nguồn lực, hợp sức tạo nên một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thị trường khác và thu hút đầu tư.

Bộ tiêu chuẩn AUN-QA từ khi hình thành luôn trong quá trình vận động tự hoàn thiện không ngừng điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu của thực tế. Chẳng hạn, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo dựa trên mô hình đảm bảo chất lượng ở cấp độ tương ứng đã qua một lần điều chỉnh để giảm từ 18 tiêu chí khi mới được xây dựng chỉ còn 15 tiêu chí. Cũng vậy, hình thức báo cáo tự đánh giá được yêu cầu bám sát theo hệ thống 18 tiêu chí (với 68 điểm đánh giá) là một cải tiến quan trọng giúp cho quá trình tự đánh giá và đánh giá ngoài thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây.

Đặc biệt, trong khi đề tài đang được triển khai thì vào tháng 10/2015 AUN-QA đã cho công bố phiên bản 3 của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo, trong đó vai trò của giảng viên trong việc xây dựng và vận hành một chương trình đào tạo có chất lượng đã được nhấn mạnh. Với lần hiệu chỉnh này, bộ tiêu chuẩn AUN-QA tiếp tục giảm số lượng tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng. Phiên bản 3 chỉ có 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí, trong đó chỉ có 2 tiêu chuẩn liên quan đến công tác ĐBCL (2/11 tiêu chuẩn tức là 18,18%), so với phiên bản 2 có số tiêu chuẩn liên quan đến công tác ĐBCL là 5/15 tức 33,33%. Các tiêu chuẩn còn lại tập trung vào việc xây dựng và vận hành chương trình đào tạo, cùng các điều kiện cần thiết để vận hành chương trình (ở Việt Nam thường gọi là điều kiện đảm bảo chất lượng như số lượng và trình độ của giảng viên, nhân viên hỗ trợ; đầu vào của người học; cơ sở vật chất, trang thiết bị vv).

Sự vận động phát triển của AUN nói chung và AUN-QA nói riêng có thể là một bài học kinh nghiệm quan trọng, đưa ra nhiều gợi ý, hướng dẫn, hoạch định cho công tác đánh giá và đảm bảo chất lượng ở các trường đại học Việt Nam.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment