Friday, August 26, 2016

Đề tài "Áp dụng tiêu chuẩn ĐGCL của AUN" (3): SO SÁNH MÔ HÌNH HỆ THỐNG ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG AUN VỚI MÔ HÌNH HOA KỲ VÀ VƯƠNG QUỐC ANH

3.1 Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng Hoa Kỳ
Đảm bảo chất lượng tại Hoa Kỳ được thực hiện theo mô hình “kiểm định”. Đây là mô hình nhấn mạnh việc thẩm tra và đánh giá chất lượng một cơ sở hoặc một chương trình giáo dục bởi một cơ quan độc lập bên ngoài nhà trường. Hoạt động kiểm định tại Hoa Kỳ bắt đầu từ cách đây hơn một thế kỷ, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ quyền lợi của người học và đảm bảo phục vụ lợi ích công chúng nói chung. Trải qua trên 100 năm tồn tại, hệ thống kiểm định chất lượng Hoa Kỳ đã nhiều lần tự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh xã hội và yêu cầu phát triển của từng thời kỳ để trở thành một trong những mô hình đảm bảo chất lượng phức tạp nhất thế giới về mặt cấu trúc, đạt hiệu quả cao nhất về tác động đối với chất lượng giáo dục, đồng thời cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhất dựa trên thực tiễn phong phú và đa dạng của nền giáo dục Hoa Kỳ. Vì vậy, hệ thống đảm bảo chất lượng của Hoa Kỳ cũng là mô hình được toàn thế giới xem xét, tham khảo và học tập nhiều nhất.

Cơ cấu hệ thống kiểm định trên phạm vi toàn liên bang của Hoa Kỳ được phân cấp và tổ chức theo các khu vực địa lý, các ngành đào tạo như “điều dưỡng”, “doanh thương”, và cả những đặc điểm cụ thể như “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận”. Phạm vi hoạt động của các tổ chức kiểm định bao trùm trên toàn bộ 50 tiểu bang của Hoa Kỳ (và trong một số trường hợp còn lan sang cả các quốc gia khác). Có thể phân loại các tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ ra thành bốn loại, trong đó loại đầu tiên hoạt động tại các khu vực địa lý riêng biệt, ba loại còn lại hoạt động trên phạm vi toàn liên bang, như sau:

- Các tổ chức kiểm định khu vực (regional accreditors) thực hiện kiểm định các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, chủ yếu là phi lợi nhuận và có cấp bằng, hai năm và bốn năm.

- Các tổ chức kiểm định các trường thuộc tôn giáo (faith-based accreditors) thực hiện kiểm định các cơ sở giáo dục có liên quan đến các tôn giáo, chủ yếu là phi lợi nhuận và có cấp bằng.

- Các tổ chức kiểm định cơ sở giáo dục vì lợi nhuận, chủ yếu là các trường đào tạo nghề sau trung học, lĩnh vực đào tạo hẹp, có cấp bằng hoặc không cấp bằng.

- Các tổ chức kiểm định chương trình (programmatic accreditors) thực hiện kiểm định các chương trình, ngành nghề cụ thể và các trường độc lập, chẳng hạn luật, y tế, kỹ sư và sức khoẻ.

Một đặc điểm quan trọng của hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ là việc chính phủ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các tổ chức chuyên môn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các trường hoàn toàn không chịu sự giám sát của các cơ quan thuộc chính phủ, mà chỉ có nghĩa là sự giám sát của chính phủ được thực hiện gián tiếp từ xa và được thực hiện thông qua nhiều biện pháp gián tiếp khác nhau. Đối với việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, sự giám sát của chính phủ được thực hiện thông qua quá trình “công nhận” (recognition) đối với các tổ chức kiểm định, theo đó chỉ có các tổ chức kiểm định nào được công nhận bởi Bộ Giáo dục Mỹ (USDE) thì mới được xem là “chính thức”. Một tổ chức khác là CHEA (Hội đồng kiểm định giáo dục đại học) cũng thực hiện việc công nhận các tổ chức kiểm định trên nguyên tắc độc lập và tự nguyện. CHEA và USDE đưa ra các tiêu chuẩn mà một tổ chức kiểm định phải đáp ứng, dựa theo đó các tổ chức kiểm định muốn được công nhận cần chuẩn bị một báo cáo tự đánh giá và nộp cho CHEA hoặc/và USDE. CHEA hoặc USDE có thể yêu cầu một chuyến thăm hiện trường đối với tổ chức kiểm định, trên cơ sở đó sẽ chuẩn bị một báo cáo thực địa để đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức kiểm định và quyết định công nhận hoặc không công nhận tổ chức kiểm định đó.

Bỏ qua sự đa dạng và phức tạp về cấu trúc và tính độc lập cao của hệ thống kiểm định Hoa Kỳ, quy trình kiểm định tại Hoa Kỳ không khác gì quy trình hiện đang áp dụng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Quy trình này bao gồm tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận và cải thiện chất lượng.

Trong những công đoạn vừa nêu, có 2/4 công đoạn thuộc trách nhiệm của nhà trường là tự đánh giá và cải thiện (cộng đoạn đầu và cuối), còn 2/4 công đoạn còn lại thuộc trách nhiệm của tổ chức kiểm định. Cũng vậy, do tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao của hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ, các trường không bị buộc phải tuân theo bất kỳ quy định nào về hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của mình, mà toàn quyền quyết định mọi vấn đề về cơ cấu tổ chức-nhân sự, quy trình hoạt động, hoặc nội dung chương trình đào tạo của trường, miễn sao có thể đáp ứng được yêu cầu của các bên liên quan, trong đó có các cơ quan kiểm định độc lập do chính trường chọn để thực hiện kiểm định cấp cơ sở hoặc cấp chương trình đào tạo tùy theo mục tiêu mà nhà trường đã công bố công khai với người học và với toàn xã hội.

3.2 Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng Vương quốc Anh (UK)
Trong khi tại Hoa Kỳ hoạt động đảm bảo chất lượng (thường được nhắc đến qua hoạt động cốt lõi là kiểm định) có thâm niên đến hàng thế kỷ thì hoạt động đảm bảo chất lượng của Vương quốc Anh là một hoạt động khá mới, chỉ bắt đầu cách đây vài thập kỷ và chỉ thực sự ổn định vào khoảng nửa cuối của thập niên 1990. Không giống với Hoa Kỳ nơi việc kiểm định được phân chia theo khu vực địa lý, theo loại hình trường, ngành nghề đào tạo, hoặc đặc điểm về lợi nhuận-phi lợi nhuận, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Vương quốc Anh được phân chia theo trình độ đào tạo, mỗi trình độ có một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm.

Hai cơ quan hiện đang đảm nhiệm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục sau trung học tại Vương quốc Anh là Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Giáo dục đại học (QAAHE) chịu trách nhiệm về các cơ sở giáo dục đại học, tức các trường đại học và cao đẳng; và Ủy ban Đảm bảo Chất lượng (QCA) chịu trách nhiệm về các cơ sở giáo dục sau trung học khác, gồm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, và giáo dục phổ thông ở trình độ A (là trình độ nâng cao dành cho những học sinh phổ thông đang chuẩn bị vào đại học). Trong báo cáo này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến những hoạt động của QAAHE (dành cho trình độ cao đẳng và đại học, đào tạo có cấp bằng) và không bàn đến những hoạt động của QAC do không có liên quan.

Trong khi hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Hoa Kỳ được thực hiện theo mô hình “kiểm định” (accreditation)  thì hoạt động đảm bảo chất lượng của Vương quốc Anh được thực hiện theo mô hình “đánh giá”  hay “rà soát” (review). Sự khác biệt cơ bản của hai mô hình này là “kiểm định” luôn dẫn đến một quyết định quan trọng liên quan đến sự sống còn của một chương trình/cơ sở đào tạo (như được hoặc không được tiếp tục hoạt động; được hoặc không được công nhận để được hưởng các chính sách ưu đãi như cho sinh viên vay học tập, vv), trong khi “rà soát” hay đánh giá chỉ nhằm xem xét chất lượng của một chương trình/cơ sở đào tạo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các bên liên quan với mục đích liên tục cải tiến, mặc dù việc công bố những thông tin về chất lượng của một chương trình/cơ sở đào tạo cũng rất có thể dẫn đến những hệ quả hoặc tích cực hoặc tiêu cực đối với chương trình/cơ sở đào tạo ấy thông qua phản ứng của người học hoặc của toàn xã hội.

Cũng không giống với Hoa Kỳ nơi hoạt động kiểm định có thể được thực hiện ở cấp cơ sở đào tạo (kiểm định trường) hoặc cấp chương trình đào tạo (kiểm định nghề nghiệp), hoạt động rà soát chất lượng giáo dục tại Vương quốc Anh chủ yếu tập trung vào đánh giá trường, chú trọng vào công tác quản lý của nhà trường đối với tiêu chuẩn bằng cấp khi tốt nghiệp, cơ hội học tập của sinh viên trong khi học, cùng tính xác thực và đầy đủ của thông tin mà nhà trường cung cấp cho xã hội.

Một điểm đáng lưu ý về hoạt động rà soát, đánh giá chất lượng giáo dục của Vương quốc Anh là sự tồn tại của một loạt những quy định và hướng dẫn cũng như các hỗ trợ của cơ quan đảm bảo chất lượng và các cơ quan quản lý giáo dục khác đối với các trường để đảm bảo rằng hoạt động trong nhà trường là đúng hướng và có chất lượng. Chẳng hạn, Khung văn bằng quốc gia (National Qualification Framework) đóng một vai trò rất lớn trong việc đảm bảo rằng các văn bằng cấp cho người tốt nghiệp là ở đúng trình độ được ghi trên văn bằng (ví dụ, một văn bằng đại học phải đảm bảo cho người tốt nghiệp những kiến thức và kỹ năng cao hơn một văn bằng cao đẳng của cùng một ngành nghề đào tạo). Cũng vậy, hệ thống các chuẩn tham chiếu môn học (subject benchmarks) cho từng ngành đào tạo ở từng trình độ cụ thể, được QAA xây dựng và công bố trên mạng cho tất cả mọi người tham khảo, dù không mang tính cách bắt buộc, cũng có tác dụng rất tích cực trong việc hỗ trợ các trường xây dựng chương trình đào tạo đúng phương pháp và có chất lượng.

Nói vắn tắt, hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục của Vương quốc Anh dưới quyền kiểm soát của QAAHE bao gồm một tập hợp hoàn chỉnh các yêu cầu mang tính quy phạm (bắt buộc phải tuân theo) lẫn các hướng dẫn không bắt buộc, bao trùm các khía cạnh khác nhau của tổ chức và hoạt động của nhà trường, cũng như việc thực hiện chương trình. Cơ chế đánh giá trường, một hoạt động đảm bảo chất lượng mà thế giới đã học tập từ mô hình kiểm định của Hoa Kỳ, được áp dụng QAAHE áp dụng trong vòng gần hơn một thập niên qua nhằm bổ sung thêm về phương pháp luận cơ bản cho hoạt động đảm bảo chất lượng cho những mô hình đánh giá trước kia, đã làm cho hệ thống đảm bảo chất lượng ở Vương quốc Anh được xem là một trong những hệ thống tốt nhất của Châu Âu. Hệ thống này được nhiều người đánh giá cao về tính minh bạch, sự công khai và đầy đủ thông tin, và tác động của nó đối với toàn hệ thống giáo dục. Vì vậy, mô hình này đã có nhiều ảnh hưởng đến xu hướng đảm bảo chất lượng của nhiều hệ thống khác, trong đó có mô hình AUN-QA.

3.3 So sánh các mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN-QA, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh
Khi so sánh mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN-QA (đã được mô tả kỹ trong phần trước của Chương II này) với hai mô hình đảm bảo chất lượng tiêu biểu trên thế giới là mô hình Hoa Kỳ và mô hình Vương quốc Anh, ta có thể thấy những điểm tương đồng và khác biệt lớn nhỏ giữa 3 mô hình nói trên. Nói vắn tắt, mô hình AUN-QA rõ ràng là đã tham khảo, học hỏi từ cả hai mô hình nói trên, nhưng đồng thời cũng có những sáng tạo độc đáo nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc thù của các trường đại học trong khu vực ASEAN, vốn được xem là vùng trũng của giáo dục thế giới. Có thể tóm tắt những đặc điểm tổng quát của từng mô hình dưới đây, từ đó rút ra được sự tương đồng và khác biệt giữa các mô hình này.

3.3.1 Đặc điểm của của mô hình Hoa Kỳ
- Thực hiện theo mô hình kiểm định, nhấn mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng từ bên ngoài thông qua hoạt động kiểm định của các tổ chức độc lập và phi chính phủ, do các trường tự nguyện tham gia với tư cách thành viên.

- Có rất nhiều tổ chức kiểm định đa dạng về chủng loại và mục đích, hoàn toàn tự chủ trong các hoạt động của mình, hoạt động từ kinh phí do các trường là thành viên đóng góp.

- Kết quả của kiểm định dẫn đến các hệ quả thực sự quan trọng, thúc đẩy các trường học hỏi lẫn nhau thông qua việc đối sánh các chỉ số thực hiện cốt lõi.

- Thực hiện ở cả cấp cơ sở đào tạo (kiểm định trường) và cấp chương trình đào tạo (kiểm định nghề nghiệp).

- Kiểm định nghề nghiệp chủ yếu chú trọng đến đầu ra của sinh viên, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của các vị trí nghề nghiệp cụ thể.

- Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp lên các trường mà chỉ giám sát từ xa thông qua việc công nhận các tổ chức kiểm định độc lập.

- Việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong là công việc nội bộ của các trường và do các trường tự đặt mục tiêu, không có sự giám sát của bên ngoài.

3.3.2 Đặc điểm của của mô hình Vương quốc Anh
- Thực hiện theo mô hình rà soát, đánh giá, nhấn mạnh sự giám sát và hướng dẫn của các tổ chức độc lập thuộc chính phủ và/hoặc sử dụng kinh phí của chính phủ.

- Ở mỗi trình độ đào tạo chỉ có một tổ chức đảm bảo chất lượng bên ngoài duy nhất

- Kiểm định chỉ thực hiện chủ yếu ở cấp cơ sở đào tạo. Ở cấp chương trình đào tạo, vai trò của các tổ chức đảm bảo chất lượng bên ngoài là hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát.

- Kết quả của việc rà soát nhằm giúp các trường nhận ra những ưu điểm và tồn tại của mình để có kế hoạch cải thiện, đồng thời được công bố rộng rãi đến các bên có liên quan.

- Việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong là trách nhiệm của các trường và là một trong những trọng tâm rà soát trong quá trình đánh giá trường.

3.3.3 Đặc điểm của của mô hình AUN-QA
Có sự kết hợp rõ ràng giữa hai mô hình Hoa Kỳ và Vương quốc Anh qua các đặc điểm sau đây:

- Mục tiêu của đánh giá vừa nhắm đến sự công nhận của một tổ chức bên ngoài (qua việc giấy chứng nhận đạt chuẩn), vừa nhằm rà soát hoạt động của các cơ sở/chương trình đào tạo để giúp các trường thường xuyên cải tiến chất lượng

- Chú trọng cả đảm bảo chất lượng bên ngoài thông qua các đoàn đánh giá ngoài, lẫn việc xây dựng và duy trì một hệ thống đảm bảo chất lượng hoạt động thường trực từ bên trong

- Dự kiến thực hiện ở cả 3 cấp: cơ sở đào tạo (cấp trường); cấp chương trình đào tạo (đánh giá quá trình, không phải là đánh giá đầu ra như mô hình Hoa Kỳ); và cả cấp hệ thống (đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các trường thành viên).

- Không/chưa phải là một tổ chức đánh giá chuyên nghiệp; hoạt động đánh giá ngoài là do chính các thành viên của AUN thực hiện, kinh phí do các thành viên tự đóng góp và chia sẻ.

- Việc sử dụng kết quả đánh giá như thế nào là công việc của chính các trường

- Quan hệ giữa AUN-QA với các trường là quan hệ đồng nghiệp, chủ yếu mang tính hỗ trợ và cùng cam kết thực hiện chất lượng cho mục tiêu chung của AUN.

3.4 Tiểu kết
Nếu như phần 2 của chương này cho ta thấy sự vận động phát triển không ngừng của bộ tiêu chuẩn AUN-QA từ những năm thành lập đến nay thì trong phần 3 này, qua đối chiếu với các hệ thống kiểm định chất lượng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, chúng ta có thể thấy đây là một bộ tiêu chuẩn thực sự tốt và phù hợp với Việt Nam, do nó biết kết hợp những điểm mạnh của cả hai hệ thống trên, đồng thời nhấn mạnh thêm các nét đặc thù của khu vực.

Mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN-QA là một bổ sung rất tốt cho mô hình hiện đang tồn tại ở Việt Nam vốn còn khá sơ khai, chỉ mới chú trọng vào đánh giá cấp trường mà thiếu quan tâm đến cấp khoa/bộ môn là nơi tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo, chưa có tác động thúc đẩy các trường học hỏi lẫn nhau như trong mô hình Hoa Kỳ, cũng không chú trọng đầy đủ đến việc hỗ trợ các trường phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong – một yếu tố đặc biệt quan trọng của đảm bảo chất lượng trong giai đoạn khởi đầu.

Đặc biệt, trong khi mô hình của Việt Nam hiện nay không chú trọng đến vai trò của cấp triển khai (khoa và bộ môn) thì mô hình AUN-QA lại rất quan tâm đến cấp thấp nhất này, và xem đây là sự chứng minh hùng hồn nhất chất lượng của toàn bộ hệ thống. Đó cũng là lý do tại sao trong 3 cấp độ của mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN, tổ chức này đã triển khai ở cấp thấp nhất trước qua việc thường xuyên đánh giá các chương trình đào tạo của các trường thành viên, và cũng là mục tiêu áp dụng thử nghiệm của đề tài này.

Có thể nói AUN-QA hiện nay là một hệ thống đảm bảo chất lượng khá hoàn chỉnh theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành, đủ uy tín để các trường đại học ở khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng sử đụng làm chuẩn mực trong công tác đảm bảo chất lượng tại các trường.

No comments:

Post a Comment