Sunday, August 14, 2016

Tăng học phí nhìn từ trách nhiệm giải trình (NDCT, 14/8/2016)

Đây là bản đã biên tập lại. Bản đầy đủ của tôi có tựa là Trường công lập tự chủ tài chính: Học phí, chất lượng, và công bằng trong tiếp cận giáo dục, đăng ở đây: http://ncgdvn.blogspot.com/2016/08/truong-cong-lap-tu-chu-tai-chinh-hoc.html
---------------

Tăng học phí nhìn từ trách nhiệm giải trình

Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:56:01
 Font Size:     |        Print
 

Khá đông thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Kinh tế quốc dân, song cũng chia sẻ sự băn khoăn về việc tăng học phí của nhà trường.

 Font Size:     |  
Sự kiện Trường đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố mức tăng học phí lên đến 30% so với trước đây theo lộ trình tự chủ tài chính, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Câu hỏi đặt ra, liệu việc tăng học phí có làm tăng chất lượng đào tạo của các trường? Và trách nhiệm giải trình của nhà trường ra sao trong tự chủ tài chính?
Mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng
Dĩ nhiên, khi đưa ra các phương án tăng học phí, các trường đều có lập luận của mình để cho thấy đây là việc không thể đừng được. Và gia tăng học phí đi đôi với việc người đóng có cơ hội được học tập tốt hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào mức đầu tư cũng tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục.
Đã có những nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy, đến nay không có một mối liên hệ rõ ràng nào giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục. Chẳng hạn như, nghiên cứu được công bố vào năm 2013 của ĐH Wabash (bang Indiana của Mỹ) khẳng định, dựa trên các số liệu chính thức của liên bang thì mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng giáo dục là rất nhỏ. Kết luận trên hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.
Các nhà nghiên cứu giáo dục từ lâu đã thống nhất rằng, nguồn lực chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đem lại chất lượng. Xét theo chi phí đơn vị, có một ngưỡng tối thiểu về mức đầu tư mà ở dưới mức đó thì khó lòng có được chất lượng. Tuy nhiên, một khi đã vượt qua được ngưỡng tối thiểu này thì mối liên hệ giữa mức đầu tư và chất lượng không còn rõ ràng. Lúc ấy, chính năng lực quản trị của các trường mới thực sự tác động đến chất lượng.
Như vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người học thì song song với việc trao toàn quyền xác định mức học phí cho các trường công lập tự chủ tài chính, các trường này cần phải thể hiện trách nhiệm giải trình cao hơn so với các trường chưa được tự chủ. Trong đó hai biện pháp quan trọng nhất là sự công khai, minh bạch thông tin về các mặt hoạt động của trường, cùng kết quả đánh giá chất lượng theo các phương pháp và cấp độ khác nhau (đánh giá và kiểm định trường, đánh giá và kiểm định chương trình, phân loại, xếp hạng…).
Trách nhiệm giải trình của nhà trường
Để xác định một mức học phí hợp lý ở bậc ĐH, người ta thường dựa vào hai tiêu chí căn bản sau: (1) được tính đủ để ít nhất phải đạt được ngưỡng tối thiểu của chi phí đơn vị; và (2) được “thị trường” chấp nhận. Đối với tiêu chí đầu tiên, cách đây hơn một thập niên các chuyên gia trong nước đã tính toán được rằng, đối với một quốc gia thu nhập còn thấp như Việt Nam thì chi phí đơn vị tối thiểu phải ở mức 150% so với thu nhập bình quân đầu người (lúc ấy chỉ mới đạt 550 USD/năm), tức là chi phí đơn vị phải vào khoảng 800 USD/năm học vào khoảng những năm 2004-2005. Nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng lên trên 2.000 USD, vì vậy có thể ước tính chi phí đơn vị ít nhất phải ở mức xấp xỉ 1.500 USD, hoặc tối thiểu 30 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức tương đương với mức học phí ĐH tại Phi-li-pin, một nước có thu nhập bình quân và trình độ phát triển tương tự Việt Nam.
Tuy nhiên, xét theo yếu tố thị trường thì mức học phí 30 triệu đồng/năm có lẽ không dễ dàng được thị trường chấp nhận, một phần là do lâu nay mọi người vẫn quen với mức học phí thấp, phần khác là do những lợi ích đối với người học do việc tăng học phí chưa thể chứng minh ngay được.
Vì vậy, có thể tin vào lời phát biểu của lãnh đạo ĐH Kinh tế Quốc dân rằng, mức học phí 17 triệu đồng/năm đã được họ cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự cân bằng giữa hai yếu tố thị trường và chất lượng. Tất nhiên, ở thời điểm hiện nay cả hai yếu tố này vẫn còn là ẩn số mà lời giải chỉ có thể có được sau khi nhà trường đã vận hành được ít nhất là một khóa đào tạo. Trong thời gian đó, vấn đề được đặt ra cho nhà trường không còn là tìm cách có thêm nguồn thu từ học phí, mà quan trọng hơn là giải trình cho người học và cho toàn xã hội về việc mình đã sử dụng số tiền học phí thu được như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Đó cũng chính là cách để nhà trường dễ dàng được thị trường chấp nhận với mức tăng học phí theo lộ trình đã đưa ra.
Cơ chế bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục
Vấn đề mà xã hội quan tâm nhất hiện nay là mức học phí cao sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục của những người có thu nhập thấp, sẽ tạo nên bất cập trong công bằng xã hội. Sẽ không có vấn đề gì nếu các trường thu học phí cao là trường tư. Nhưng nếu đó là một trường công có sử dụng kinh phí của Nhà nước - dù giờ đây được chuyển sang tự chủ tài chính - thì vẫn là một nghịch lý khi người có thu nhập thấp mất cơ hội học tập do không thể trả được mức học phí cao.
Để giải quyết vấn đề này có thể tham khảo chính sách từ các trường ĐH hàng đầu của Mỹ. Đó là tuyển sinh theo nguyên tắc “need blind”, có nghĩa là tất cả các thí sinh nếu đủ điều kiện trúng tuyển và được nhận vào trường đều được bảo đảm cấp học bổng nếu chứng minh được mình không có đủ điều kiện tài chính tham gia chương trình học.
Điều này có thể quá khả năng của các trường tại Việt Nam. Nhưng trước mắt các trường tự chủ tài chính có áp dụng lộ trình tăng học phí liên tục trong nhiều năm như ĐH Kinh tế Quốc dân cần phải cam kết với Nhà nước và xã hội rằng, sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm không có sinh viên nào phải bỏ học vì nhà trường tăng học phí. Ngoài ra, việc thành lập các quỹ học bổng, và quan trọng hơn là việc sử dụng các quỹ này, phải là một nội dung được nhà trường công khai rộng rãi đến mọi đối tượng, và phải được giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc các tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng.
Tự chủ ĐH luôn luôn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, đó là một nguyên tắc quản trị ĐH kinh điển được áp dụng trên toàn thế giới. Việc trao thêm quyền tự chủ cho các trường, trong đó bao gồm việc tự xác định mức học phí, là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế quản trị ĐH trên toàn thế giới. Điều còn lại là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm giải trình của các trường. Cơ sở pháp lý của các biện pháp cần thực hiện - như xếp hạng, đánh giá và kiểm định chất lượng, và công khai thông tin để toàn xã hội giám sát - đều đã có sẵn, vấn đề giờ đây chỉ là khả năng thực hiện chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan mà thôi.
TS Vũ Thị Phương Anh

http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/30405402-tang-hoc-phi-nhin-tu-trach-nhiem-giai-trinh.html 

No comments:

Post a Comment