Wednesday, August 24, 2016

Đề tài "Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của AUN ở các trường đại học NCL tại TP HCM": Phần dẫn nhập (1)

Đề tài "Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN ở các trường đại học ngoài công lập tại thành phố Hồ Chí Minh" là đề tài do tôi làm chủ nhiệm được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2014 đến hết tháng 6/2016 (2 năm rưỡi), kinh phí do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cấp. Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả khá tốt (đạt 89/100 điểm, chỉ 1 điểm nữa thôi là đạt loại giỏi, tiếc thật) và để lại khá nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ĐBCL, đặc biệt trong khối trường ngoài công lập tại TP HCM.

Báo cáo nghiệm thu dài 160 trang và được tôi cùng nhóm tham gia đề tài viết đi viết lại với khá nhiều công sức, và nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, tức là thực hiện các mục tiêu của đề tài và báo cáo lại cho cơ quan chủ quản cùng hội đồng nghiệm thu biết những công việc mà nhóm đề tài đã làm có xứng đáng với kinh phí được cấp và mục tiêu đề ra hay không. Tuy nhiên, công sức và thời gian bỏ ra như vậy, và kinh nghiệm cùng chất xám được tích lũy trong thời gian 2.5 năm qua là cũng rất nhiều mà chỉ để cho hội đồng ngồi nghe có vài buổi là xong, rồi cất tủ, thì uổng quá. Nên tôi sẽ chọn lọc những phần mà tôi cảm thấy có ích cho những người trong nghề và đăng lên đây để chia sẻ với mọi người. Sẽ là một loạt nhiều bài, vì đến 160 trang cơ mà!

Ai khác có quan tâm muốn trao đổi thêm thì gửi vào comment và để lại email nhé, tôi sẽ trả lời qua mail.

----------
Cùng với việc ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học theo Quyết định 38/2004/QĐ-BGD&ĐT vào ngày 2/12/2004, công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam đã chính thức bắt đầu.  Ngay trong năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ đây gọi tắt là Bộ) đã triển khai đợt đánh giá thí điểm 20 trường đại học đầu tiên kéo dài trong thời gian 2005-2006; kinh nghiệm của đợt đánh giá này đã Bộ được sử dụng làm cơ sở để xây dựng một loạt các văn bản pháp quy quan trọng đầu tiên liên quan đến công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian năm 2007-2008, tạo thành một nền tảng pháp lý vững chắc cho hầu hết mọi mặt hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục trên phạm vi toàn quốc trong hơn nửa thập niên qua.

Kể từ đó đến nay, đảm bảo chất lượng giáo dục (đảm bảo chất lượng giáo dục) tại Việt Nam đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng trở thành một thành phần bắt buộc trong cơ cấu tổ chức của các trường, được thành lập nhằm thực hiện các công tác thường xuyên như thu thập và xử lý thông tin đánh giá môn học, thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của các bên liên quan đối với các mặt hoạt động của trường, vv. Đặc biệt, bộ phận này còn là đầu mối tổ chức quá trình tự đánh giá tự đánh giá chất lượng dựa trên bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học mà Bộ đã ban hành. Theo đó, tất cả mọi mặt hoạt động của một trường đại học phải được mô tả, phân tích và đánh giá hàng năm theo 10 tiêu chuẩn và 63 tiêu chí bao trùm toàn bộ hoạt động của một trường đại học, nhằm chỉ ra những điểm mạnh và những tồn tại cần khắc phục, và kế hoạch phát huy những điểm mạnh và cải thiện những điểm chưa tốt.

Tất cả những động thái trên đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam. Tuy vậy, tác động của công tác đảm bảo chất lượng trong việc thúc đẩy chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chưa rõ nét. Sự hài lòng của công chúng nói chung đối với chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm trong những năm gần đây gia tăng đột biến, như phát biểu của nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trên báo chí trong tháng 5/2015 (“Sau 4 năm, tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi”  ). Trước sức ép của hội nhập quốc tế ngày càng tăng, tình hình thất nghiệp của sinh viên hiện nay vẫn không khá lên mà tiếp tục tệ hại, như có thể thấy qua con số thống kê được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố ngày 24.12.2015: Cả nước có 225.500 người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên, tăng thêm hơn 20.000 người so với nửa năm trước đó, và chiếm đến 20% tổng số người thất nghiệp .

Tình hình trên cho thấy việc nâng cao chất lượng đào tạo để tạo hình ảnh, uy tín và vị thế cho các trường đại học Việt Nam đang là một yêu cầu cấp thiết. Làm thế nào để các trường đại học của Việt Nam có thể sánh vai với các trường đại học trong khu vực nhằm đáp ứng với xu thế quốc tế hoá và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các trường đại học trên thế giới? Câu trả lời đã có sẵn: Để hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng có tác động thực sự đến chất lượng giảng dạy và qua đó là chất lượng học tập thì kiểm định cơ sở đào tạo như cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thập niên qua là chưa đủ, mà cần phải chú trọng các chương trình đào tạo cụ thể. Đó là lý do tại sao hầu hết các trường đại học của Hoa Kỳ đều phải tham gia kiểm định ở cả hai cấp: kiểm định trường (institutional accreditation) và kiểm định chương trình đào tạo (program accreditation).

Học hỏi từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ngày càng có nhiều trường đại học của Việt Nam chủ động tìm kiếm các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các nước trên thế giới để học hỏi và nâng tầm chất lượng của mình. Trong các bộ tiêu chuẩn đánh chất lượng chương trình đào tạo được mọi người quan tâm và nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam có thể kể là ABET dành cho các chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật; ACSB và ACBSP dành cho các chương trình thuộc khối ngành kinh tế (cả 3 bộ tiêu chuẩn vừa nêu đều thuộc về các tổ chức kiểm định của Mỹ), hoặc bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chuẩn chất lượng chương trình đào tạo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (Asean University Network, viết tắt là AUN) mà đề tài này đang tiến hành nghiên cứu.

Không giống như các bộ tiêu chuẩn do các tổ chức kiểm định của Mỹ vốn rất khó để áp dụng thành công tại Việt Nam và vì vậy có rất ít trường của Việt Nam dám theo đuổi, bộ tiêu chuẩn AUN-QA có mức độ phổ biến cao hơn và ngày càng có nhiều trường xem xét và cân nhắc để áp dụng. Có hai lý do cho sự phổ biến của AUN: Thứ nhất, đây là bộ tiêu chuẩn “quốc tế” (theo nghĩa: không phải là tiêu chuẩn của Việt Nam) gần gũi và phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam hiện nay, đặc biệt nếu xét về chi phí thực hiện. Thứ hai, cho đến nay đã có khá nhiều chương trình đào tạo của 3 trường thành viên AUN của Việt Nam đạt được chuẩn chất lượng chương trình đào tạo của AUN. Sự thành công của các chương trình này đã kích thích mối quan tâm đến bộ tiêu chuẩn AUN như một chuẩn mực cao về chất lượng chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, viễn cảnh của một Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ xuất hiện vào năm 2015 với những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam cũng khiến các trường đại học của Việt Nam mong muốn nâng cao tính cạnh tranh của nguồn nhân lực mà mình góp phần đào tạo thông qua chấp nhận áp dụng các luật chơi của khu vực và quốc tế. Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt này tác động nhiều nhất đến nhóm trường đại học ngoài công lập, vốn là nhóm trường có rủi ro cao và cần liên tục nâng cao chất lượng đào tạo của mình để tồn tại. Việc tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng của khu vực như tiêu chuẩn AUN trong các trường đại học ngoài công lập đang là một yêu cầu quan trọng đối với một thành phố có mức độ hội nhập cao như TP Hồ Chí Minh. Đó là nguyên nhân đã đưa chúng tôi đến với đề tài này.

2 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Bối cảnh thực tế của nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng như đã mô tả ở trên đang đặt ra cho các nhà quản lý và các nhà khoa học  nhiều câu hỏi cấp bách.

Thật vậy, trước những đòi hỏi về chất lượng giáo dục đại học của thị trường lao động và như trước sức ép của sự cạnh tranh trên phạm vi quốc gia và quốc tế, việc áp dụng một bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo như AUN là điều vô cùng cần thiết. Đứng ở góc độ của những người làm chính sách, câu hỏi đặt ra là liệu các trường đại học ngoài công lập của thành phố HCM có khả năng áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn này hay không? Khả năng thành công của các trường đại học ngoài công lập trong việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này là ở mức độ nào, và họ cần những hỗ trợ nào để có thể đạt yêu cầu chất lượng của AUN? Cuối cùng, những lợi ích đo được và không đo được của việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này là gì, so với chi phí và công sức bỏ ra?

Tất cả những câu hỏi trên đòi hỏi phải có những dữ liệu được thu thập một cách có hệ thống và khoa học để có thể có trả lời chính xác. Đề tài nghiên cứu “Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng AUN để đánh giá chương trình đào tạo của trường đại học ngoài công lập tại TP Hồ Chí Minh” đang được đề cập trong báo cáo này chính là nhằm tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy.


2 MỤC TIÊU ĐỀ TÀI; ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU


Mục tiêu: Nghiên cứu tính khả thi của việc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN tại Việt Nam.

Đối tượng: C
ác chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân thuộc các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn TP HCM.

Phạm vi: Gồm 04 chương trình đào tạo đại diện cho các khối ngành khác nhau thuộc 04 trường đại học ngoài công lập, cụ thể ... (KHÔNG NÊU Ở ĐÂY VÌ LÝ DO BẢO MẬT THÔNG TIN CỦA CÁC TRƯỜNG ĐÃ THAM GIA ĐỀ TÀI)

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Là một nghiên cứu thuộc loại hình nghiên cứu khả thi (feasibility study) với chiến lược nghiên cứu chính là nghiên cứu trường hợp (case study), đề tài sử dụng nhiều phương pháp khác nhau theo yêu cầu của từng nội dung nghiên cứu, trong đó các phương pháp định tính chiếm ưu thế hơn cho phù hợp với yêu cầu của nghiên cứu trường hợp. Các phương pháp được sử dụng trong đề tài bao gồm:


·        Nghiên cứu tư liệu: Tìm hiểu về AUN và mạng lưới đảm bảo chất lượng của AUN (AUN-QA); tìm hiểu các văn bản, quy định và quy trình đảm bảo chất lượng của AUN; tìm hiểu về các điều kiện đảm bảo chất lượng của một số trường thành viên AUN tiêu biểu của Việt Nam và/hoặc một số nước có điều kiện tương tự như Việt Nam.

·        Khảo sát (kết hợp quan sát, phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn qua bảng hỏi): Nhằm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình áp dụng các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thành công của việc áp dụng tiêu chuẩn AUN tại các trường tham gia đề tài.


·        Thống kê và đối sánh: Là phương pháp bổ sung khi cần nhằm so sánh các số liệu định lượng có liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường (các KPIs) được chọn để nghiên cứu trong đề tài. 

5. NỘI DUNG THỰC HIỆN
Đề tài được thực hiện với 5 nội dung chính sau đây:

1.     Tìm hiểu hệ thống các văn bản, quy định và quy trình đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN;

2.      Tìm hiểu về cơ cấu tổ chức và các điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của một số trường đại học thành viên AUN trong khu vực ASEAN và so sánh với các trường đại học tiêu biểu của Việt Nam;

3.      Nghiên cứu việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng AUN tại Đại học quốc gia TP HCM;

4.      Thử nghiệm đánh giá 4 chương trình đào tạo tại các trường đại học ngoài công lập tại TP HCM;
5.      Rút ra các bài học và đưa ra những đề xuất cho việc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN tại các trường đại học ngoài công lập TP HCM

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment