(Chép lại status trên fb của chính tôi.)
--------------------
--------------------
Vừa qua tân Bộ trưởng giáo dục vừa đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục VN từ năm học 2016-2017, trong đó có một nhiệm vụ được dư luận đặc biệt chú ý. Đó là: xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại VN.
Mọi người - mà đặc biệt là giới giảng dạy tiếng Anh - tỏ ra phấn khởi lắm. Vì ai cũng biết rõ, chỉ cần xét riêng trong 10 nước Đông Nam Á thôi, thì nước nào sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai đều có trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với các nước nơi tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ. Các ví dụ thành công hay được đưa ra là Philippines và Singapore, hoặc ở mức độ thấp hơn một chút là Malaysia.
Vì vậy, mọi người đang rất mong đợi Bộ trưởng nói được thì làm được để việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả hơn chứ không ì ạch khủng khiếp như hiện nay - điều vừa được chứng minh hùng hồn qua kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua.
Nhưng vấn đề là chính chỗ đó: Bộ trưởng đã nói được rồi, nhưng liệu điều ấy có thể làm được hay không? Nói cách khác, làm thế nào để biến tiếng Anh đang từ một ngoại ngữ trở thành một ngôn ngữ thứ hai? Muốn trả lời thì trước hết cần xác định sự khác biệt giữa hai loại ngôn ngữ ấy - cả hai đương nhiên đều không phải là tiếng mẹ đẻ của người học.
Sự khác biệt giữa ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai là gì? Không cần phải tìm trong các cuốn sách lý thuyết hàn lâm về ngôn ngữ học ứng dụng và lý thuyết thụ đắc ngôn ngữ (hoặc nói cho dễ hiểu hơn là tiếp thu ngôn ngữ) làm chi cho rối rắm khó hiểu, chỉ cần xem định nghĩa đơn giản mà đầy đủ sau đây của wikipedia về ngôn ngữ thứ hai:
A person's second language or L2, is a language that is not the native language of the speaker, but that is used in the locale of that person. In contrast, a foreign language is a language that is learned in an area where that language is not generally spoken.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Second_language
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Second_language
Ngôn ngữ thứ hai của một người (viết tắt là L2) là ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ nhưng được sử dụng hàng ngày tại nơi người ấy sinh sống. Trái lại, ngoại ngữ là ngôn ngữ được học tại một nơi mà ngôn ngữ ấy không được sử dụng. (PA dịch)
Đơn giản, dễ hiểu, phải không? Nói vắn tắt, bất cứ khi nào một người Việt (có biết tiếng Anh, tất nhiên) được đưa vào một môi trường mà mọi người xung quanh đều sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau thì lúc ấy tiếng Anh đương nhiên trở thành ngôn ngữ thứ hai của người Việt ấy.
Một ví dụ rõ nhất là các du học sinh Việt, sau khi học xong tiếng Anh ở VN và đạt một trình độ có thể bắt đầu sử dụng độc lập, tính ra theo điểm bài thi là, vd thế, IELTS 5.5 (là trường hợp của con gái tôi) rồi được quăng vào một nước nói tiếng Anh (với con gái tôi là nước Mỹ) thì lúc ấy du học sinh Việt đó đã được chuyển từ môi trường tiếng Anh (EFL) như một ngoại ngữ sang môi trường tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL).
Một đứa như thế có thể đăng ký tiếp tục học tiếng Anh trong trường lớp (gọi là học ESL tức English as a second language), hoặc - trong trường hợp của con gái tôi - có thể tự phát triển cái ngôn ngữ thứ hai ấy bằng cách xem phim, đọc sách, đi mua bán, giao du với bạn bè, và phải vật vã với vốn liếng tiếng Anh sẵn có, vừa sử dụng vừa hỏi và học thêm, có khi phải đem theo từ điển vừa nói vừa tra vv ... rồi tự nhiên cứ thế mà khá lên. Hiệu quả rất cao, chỉ mới sang Mỹ 1 năm mà giờ đã khác hẳn (chỉ tội, tốn tiền kinh khủng hu hu).
Đấy, ngôn ngữ thứ hai là như thế đấy.
Nhưng nếu chúng ta vẫn cứ học tiếng Anh ở VN, thì cho dù có học với thầy tây (hoặc thầy ta nhưng nói tiếng Anh như tây), chỉ vỏn vẹn được vài giờ một tuần (giả định rằng vào lớp buộc phải dùng tiếng Anh), nhưng bước ra khỏi lớp thì tất cả đều là tiếng Việt, thì không rõ Bộ trưởng của chúng ta sẽ xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai như thế nào đây?
Bởi, tiếng Anh chỉ có thể là ngôn ngữ thứ hai nếu ta có một cộng đồng đủ lớn những người sử dụng tiếng Anh (thường thì tiếng Anh chính là tiếng mẹ đẻ của họ) hàng ngày trong giao dịch, buôn bán, công văn giấy tờ, thủ tục hành chính vv. Những người ấy ở đâu ra mà có? Còn nếu không có những người này, mà chúng ta tự tạo ra một môi trường tự nói tiếng Anh với nhau, tự tạo ra vài công văn giấy tờ bằng tiếng Anh để trưng bày cho có mà không thực sự có nhu cầu, thì liệu tiếng Anh có trở thành ngôn ngữ thứ hai của VN được không? Nếu bộ trưởng đang nghiên cứu xây dựng lộ trình, thì lộ trình ấy là như thế nào nhỉ, tôi tò mò quá đi mất!
(Tất nhiên tôi cũng có câu trả lời của mình, nhưng tôi sẽ không viết ở đây, còn để dành đó để ai đặt bài thì tôi viết chứ, hi hi... . Hoặc nếu không ai thèm đặt bài, thì hôm nào hứng chí, tôi sẽ viết ra. Còn giờ thì cứ tạm dừng với câu hỏi lớn không lời đáp như thế đã.) :-D :-D :-D
No comments:
Post a Comment